Một đêm của tháng Bảy mùa Vu Lan. Như đêm qua, 14 tháng 8. 2012. Bầu trời Garland, Texas, bập bùng ánh chớp. Có tiếng sấm từ chân trời dội lại. Mưa, không chừng có severe thunderstorm. Tất nhiên, bởi đây là xứ sấm sét (tạm mượn từ của anh Võ Đình). Ngồi một mình trước ly rượu đỏ, hồn mình cũng chập chờn. Hơi mưa bên ngoài khung cửa sổ hắt vào làm Nguyễn cảm thấy lạnh. Hắn mường tượng thấy những con đường đã đi qua, và mơ một chút hơi ấm từ người. Trong những hình ảnh hắn nghĩ đến trong đêm mưa và sấm chớp này có hình ảnh những người bạn, đó thật sự là ánh lửa ấm áp.
Xin cho phép hắn trở về với những ngày tháng cũ lúc còn hiền nội tay trong tay. Trở về với những người bạn một thời.
Vâng, thưa bạn đọc, trong những người bạn mà Nguyễn sắp kể sau đây, chỉ giới hạn ở vùng thung lũng hoa cúc dại màu vàng, chắc chắn có những người bạn đã quen thân, đã gặp, đã cùng ngồi trong một quán cà phê hay một văn phòng làm việc, hoặc bạn đã nghe nói đến, hoặc giả đã đọc ở đâu đó. Họ vẫn còn đi trên những con đường hôm nay. Cũng có đôi người không còn nữa. Như ánh lửa chợt tắt bên kia đời…
Bạn bè như lửa ấm…
Không biết thơ ai, nhưng cũng xin trích dẫn mở đầu ở đây khi viết về những người bạn một thời.
Vâng, trong chuyến đi chơi Cali cùng hiền nội ngày ấy, Nguyễn tôi quyết định lên thăm những người bạn ở San Jose, vùng thung lũng có hoa vàng nổi tiếng. Phải đi thôi. Kẻo mai đây…
Ờ, phải đi thôi. Bạn bè của tôi ở đó. Bạn của thời ở lính và đi tù. Hà Thượng Nhân giờ đây đã gần 90 tuổi. Vũ Đức Nghiêm với máy trợ tim trong lồng ngực. Nguyễn Trung Dũng vừa qua một trận đau tưởng chừng đứt hơi. Hải Phương bị chó táp nát cổ tay rồi lại vừa mới xạ trị. Nguyễn Xuân Hoàng đổi báo, cùng Trương Gia Vy đứng ra làm tờ Viet Tribune, không biết “thu nhập” tới đâu, tương lai còn trụ? Còn Diên Nghị, bạn từ hồi đi học lại là sếp cũ hồi ở Pleiku, bây giờ sức khỏe ra sao. Một người nữa, cực kỳ quan trọng với Nguyễn tôi và con đường báo bổ: bạn Tưởng Năng Tiến. Quen nhau cũng đã dăm năm, nhưng chỉ nghe tiếng nói và đọc bài nhau, chứ chưa bao giờ gặp mặt để cùng uống chung ly rượu. Tiến là người đã giúp đỡ Nguyễn rất nhiều, từ những bài viết đều đặn liên tục tới những lời thăm hỏi, giới thiệu và thỉnh thoảng một vài trăm bạc làm báo. Làm sao không tới thăm nhau được, hở Tiến?
Những người bạn kể trên, mỗi người đều có mang một phần đời của Nguyễn. Xa và xưa nhất là Diên Nghị. Thuở ấy, bên bờ sông Hương, trên những dãy hành lang của trường Quốc Học, sớm chiều gặp nhau. Những bài thơ đầu tiên đăng trên Đời Mới. Và đôi mắt của Hà Thanh, của Thanh Nhung… còn trong trí nhớ không, bạn hiền? Cái thuở “xa nhau mùa thu mưa trong trăng” ấy đẹp biết bao nhiêu. Thế rồi, đi lính, lên Pleiku, gặp lại nhau. Chính Diên Nghị đã bốc kẻ này khỏi Tiểu Đoàn 2 CTCT, đưa qua Đà Lạt làm phát thanh Quân Đoàn II, Quân Khu II. Rồi những ngày cùng rong chơi ở thành phố sương mù với Tạ Ký, Anh Tâm. Đêm đánh bài nhà Khánh Ly, có lúc ngồi ở Night Club với nhân vật kịch của Hoàng Cầm từ viễn phố lên chơi, gót chân du phương thảo địa. Diên Nghị của Huế, Pleiku, Đà Lạt năm xưa – chàng dáng cao và gầy, áo len đen, luôn xách dù đi giữa phố – bây giờ thì áo vàng chữ tím và vẫn xách cạc táp, cầm ô. Chẳng lẽ không có gì thay đổi sau 50 năm dâu biển sao, mọi vật vẫn y nguyên trật tự hồi xưa? A, xin chào nhau ở cuối đường/ mai rồi tuyết trắng dặm trường. trăng đi…
Hà Thượng Nhân. Vũ Đức Nghiêm. Nguyễn Trung Dũng… Những cái tên gợi nhớ một thời. Một buổi xế chiều năm 1979, xe tù đưa Nguyễn và bạn bè về đến Thành Đá Xanh thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ Tĩnh. Đây là vùng đất nắng cháy và gió Lào. Gió nóng đến ngây hồn làm cho con nai đực không buồn tìm con nai cái (ý này của Nguyễn Tuân?). Chưa rũ hết bụi đường, tai đã nghe tiếng chày trên cối vang rân, tưởng là tiếng đập lụa lúc thu về trong thơ Đỗ Phủ. Hỏi ra mới biết là tiếng chày giã bắp (ngô). Chẳng là trại phát bắp ăn thay cơm hàng ngày, nhiều anh em đã rụng hết răng, nhai khó khăn phải giã nát với tí muối để nuốt cho trôi. Ôi, những ngày ấy biết bao thương khó. Vẫn còn như vết cháy trên da thịt này…
Nguyễn Trung Dũng của Vết Đạn Thù và Đêm Nghe Dế Gáy. Nguyễn gặp Dũng ở Thanh Chương. Hồi ấy, Dũng lê cái chân què, sáng chiều cầm chổi quét sân trại. Rồi Nguyễn cùng Dũng (và cả Tô Thùy Yên) được đưa về Z30C Hàm Tân, Bình Thuận. Tại đây, hai đứa có lúc ở chung một lán. Đây là thời kỳ trà gô mỗi đêm. Chiều chiều, Dũng và Nguyễn cùng lúi húi đun trà (đựng trong lon gô – guiguoz) để tối uống. Trà đậm đặc, uống và nói chuyện đời, chuyện thơ, cho tới kẻng ngủ. Riêng Nguyễn nằm thao thức, nhẩm đọc thuộc lòng, như sư tụng kinh, những bài thơ làm từ Thanh Chương: Điệu Hoài Hương Xanh, Thảo Nguyên, Ánh Trăng, Trà Oán, Chiều Bên Sông Giăng… Thế rồi, Nguyễn và Dũng cùng được thả ra khỏi trại vào một ngày giáp Tết năm 1982. Trở về trong cảnh Sài Gòn bụi khói, mánh mung nhếch nhác, Nguyễn Trung Dũng và Nguyễn tôi lại gặp nhau. Lại trà – trên căn gác có cây bông sứ ở nhà Dũng, trên vỉa hè ga xe lửa cũ đường Lê Lai (trà chui, trà chạy, mà Nguyễn gọi là Trà Địa Ngục Môn). Và cà phê – ở cái quán có hai cây ngọc lan to sau rạp xi nê Cao Đồng Hưng. Và bia, ở đâu đó rải rác trên đường phố Sài Gòn. Rồi sang Mỹ…
Nguyễn Trung Dũng và Hà Thương Nhân thân thiết nhau như bố con. Trước 1975, Nguyễn không hề quen Hà Thượng Nhân, chỉ biết tiếng ông. Phải đợi đến khi vào tù mới gặp được nhau. Đầu tiên ở ga Hạ Lý, Hải Phòng. Sau ba ngày ba đêm trên tàu Sông Hương, nín đái nín ỉa, tới Hạ Lý anh em tù hàng trăm người được lùa vào một cái hangar lớn, ăn ngủ ở đó, chiều ra tắm vũng trâu đầm. Một chiều, Nguyễn ngạc nhiên thấy một người ngồi giữa đám đông anh em trẻ, nói chuyện say sưa như sư giảng kinh. Hỏi ra mới biết là Hà Thượng Nhân, người nổi tiếng với những bài thơ Đàn Ngang Cung, cựu giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông mặc bộ bà ba nâu sồng, dáng người cao lớn, thật đẹp. Nguyễn muốn được nói chuyện với ông, nhưng đông quá, đành thôi. Rồi gặp Hà Thượng Nhân ở Nghệ Tĩnh. Tới trại, Nguyễn được bổ sung vào đội thợ xây, ngày ngày đi xây tường, làm nhà. Một buổi chiều Chủ Nhật, Tô Thùy Yên và Xuân Bích đưa Hà Thượng Nhân sang chơi phòng Nguyễn. Nhân có một gô trà nóng và ít bưởi bòng do đổi chác linh tinh ở ngoài trại mang về, anh em có được những phút giây thư giãn, chuyện trò hào hứng. Dịp này, Nguyễn đọc thơ cho Hà Thượng Nhân nghe, và ông đặc biệt thích bài Thảo Nguyên, đi đâu cũng mang bài thơ theo trong túi. Một buổi trưa, ông xách qua cho một lon gô chè đậu xanh, nói là biếu thi sĩ ăn “bồi dưỡng”. Làm sao quên được những thâm tình ấy. Ông Hà Thượng Nhân ơi!
Vũ Đức Nghiêm và Nguyễn là chỗ quen biết cũ hồi làm việc ở Đà Lạt. Hai anh em cùng ở trên đường Nguyễn Trường Tộ, cư xá của Tòa Đại Biểu. Vũ Đức Nghiêm viết nhạc và có tiếng từ hồi đó – bài Gọi Người Yêu Dấu. Ở trại Thanh Chương, lần đầu tiên Nguyễn được Vũ Đức Nghiêm hát cho nghe một ca khúc làm trong tù của Thục Vũ. Anh ở đây / bạn bè anh cũng ở đây / áo rách xác xơ vai gầy… Hỡi ôi, Thục Vũ đã chết ở một lán trại mịt mùng nào đó. Những ngày ở trong tù, Vũ Đức Nghiêm và Nguyễn có nhiều dịp chuyện trò thân thiết với nhau. Nghiêm là người phổ nhạc thơ Nguyễn nhiều nhất. Trong số đó, Điệu Hoài Hương Xanh và Giả Sử, Mai Ta Về là đặc sắc hơn cả. Cũng chính Vũ Đức Nghiêm, ở trong tù, đã cho Nguyễn mượn cả Old và New Testament. Nhờ đó, Nguyễn tôi đã đi ngược đường về thời Cựu ước rồi trở lại với những bài giảng trên núi của Chúa Giê Su. Đặc biệt, bài Psalm 137 đã làm Nguyễn xúc động từ đó gợi hứng để viết CHIỀU BÊN SÔNG GIĂNG: Bên bờ sông Babylon / Ta ngồi ta khóc / Nhớ về Zion / Ta treo cây đàn cầm trên cành liễu / Và hỡi ơi / Kẻ thù đem chúng ta giam cầm nơi đây / Và bắt chúng ta hát khúc hát về Zion / Ôi Zion / Làm sao ta có thể hát một khúc hát về Zion cho kẻ thù nghe ở nơi xứ lạ này…
Nói tới Thanh Chương và những anh em văn nghệ ở tù ngày ấy mà không nhắc tới Chu A Hạnh sẽ là một thiếu sót ghê gớm, chẳng những thế mà còn trái với cái tình cái nghĩa ở đời. Chu A Hạnh là người làm thơ và rất chân tình với anh em. Chính anh cung cấp trà cho anh em uống mỗi ngày. Hồi ấy, Chu A Hạnh làm ở đội trà. Mỗi chiều, anh đều giấu một ít lá trà tươi, bình tĩnh đi qua cổng xét, đem về cho anh em sao và nấu uống. Chu A Hạnh nay không còn nữa. Anh chết sau khi ra trại được một hai năm. Chết trong một tai nạn xây cất. Nhiều năm trôi qua rồi, không biết bạn bè ai còn nhớ đến Chu A Hạnh. Trong những bữa rượu thường ít nghe ai nhắc đến anh. Khuya nay, trên miền đồng cỏ này, Nguyễn ngồi uống rượu đỏ, châm thêm bình trà xanh, nhớ tới bạn, bèn bắt chước PT Như Ngọc, nhân sắp tới rằm tháng Bảy cúng cô hồn thập loại chúng sanh, xin rót một vài giọt lên cỏ xanh, để gọi là tưởng nhớ đến người hái trà năm xưa cho anh em làm thơ. Chu A Hạnh ơi, anh em ơi, những ngày ấy – ở Cẩm Nhân, Thanh Chương…- nếu không có trà và thơ chắc anh em chúng ta không qua nổi con trăng, chứ nói gì đến nhìn thấy nhau, viết về nhau, như lúc này. Trà và thơ rõ ràng đã cứu rỗi chúng ta.