Ít khi nào một vụ ly hôn lại kéo dài đến hơn 7 năm mà vẫn chưa có hồi kết thúc, và tiền luật sư phí thì chỉ một số người có khả năng như bà cựu Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam Đặng Thị Hoàng Yến mới có thể tiếp tục kháng cáo và kiện tụng. Tuy nhiên, thắng hay thua đôi khi đã phơi bày trong thực tế của cuộc sống trước khi có sự phán xét cuối cùng của luật pháp.
Tôi vô tình tìm được hồ sơ vụ án này khi nghiên cứu tài liệu luật pháp liên quan đến việc lường gạt chuyển nhượng chủ quyền bất động sản. Diễn biến của vụ kiện tụng phức tạp này bắt nguồn từ vụ ly hôn mà thường là hai vợ chồng có thể cùng thỏa thuận. Tuy nhiên, theo diễn tiến của vụ ly hôn này thì động lực khởi đầu mối quan hệ vợ chồng giữa bà Ðặng Thị Hoàng Yến (bà Yến) và ông Jimmy Trần (ông Jimmy) có nhiều khúc mắc mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới biết được. Bài viết chỉ trình bày mặt nổi qua khía cạnh luật pháp và nhiều chi tiết dính đến chính trị đã được báo chí trong nước đăng tải.
Theo báo mạng của Việt Nam, bà Ðặng Thị Hoàng Yến xuất cảnh qua Mỹ năm 2002 với Visa B1. (trích dẫn 1). Ðây là loại visa ngắn hạn cho những người cần giải quyết hay tham khảo về vấn đề doanh nghiệp/địa ốc một cách nhanh chóng, hoặc cho phép những người qua Mỹ tham dự những khóa huấn luyện chuyên môn ngắn hạn, hoặc quá cảnh qua Mỹ. Nhưng bà Yến đã ở Mỹ liên tục đến năm 2007.
Chính lời bà Yến tường thuật, chỉ sau một thời gian ngắn ở Mỹ, bà đã phát triển xây dựng nhiều khu đô thị mới và hàng trăm con đường do chính bà đặt tên. (trích dẫn 1). Theo hồ sơ ứng cử Ðại Biểu Quốc Hội của bà Yến thì thời gian bà Yến ở Mỹ cũng là những năm bà được bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam do góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội và bảo vệ Tổ Quốc, cũng như bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh. (trích dẫn 3). Có lẽ những đóng góp về kinh tế của bà Yến trên đất Mỹ cũng là chính sách của Chính Phủ Việt Nam lúc bấy giờ.
Tài liệu hồ sơ tòa án của Mỹ công bố bà Yến và ông Jimmy đã kết hôn vào ngày 14 tháng 8, năm 2007, và chấm dứt sống với nhau như vợ chồng vào năm 2010. Theo báo mạng Việt Nam, bà Yến tường thuật là vì trở ngại trong hôn nhân với ông Jimmy mà bà đã dứt tình trở về Việt Nam vào cuối năm 2007. (trích dẫn 1). Vậy là mối quan hệ vợ chồng này đã cơm không lành, canh không ngọt chỉ một vài tháng ngắn ngủi sau ngày họ kết hôn.
Cũng theo lời bà Yến, sau đó ông Jimmy “đã xin vợ cho về nước” vào cuối năm 2008. (trích dẫn 1). Bà Yến lúc đó không có một chức năng chính thức gì để có quyền quyết định trong vấn đề xuất nhập cảnh của Việt Nam, nhưng cách bà trình bày với phóng viên báo ở Việt Nam biểu lộ sự quyết đoán, đầy quyền uy của chính mình trong cuộc hôn nhân này. Bà Yến cũng nói rằng ông Jimmy từng có tiền án tiền sự ở Mỹ mà bà chỉ được biết sau khi ông Jimmy phạm pháp tại Việt Nam và cơ quan pháp luật tại Mỹ đã thông báo cho bà.(trích dẫn 1). Là một luật sư, tôi đã kiểm chứng điều này qua tất cả hệ thống hồ sơ phạm pháp ở toàn nước Mỹ thì bản liệt kê chi tiết của cơ quan pháp luật dài 140 trang về ông Jimmy không hề có tiền án, tiền sự hay tù giam như bà Yến vu cáo.
Chua xót thay cho bà Yến, chi tiết tiền án, tiền sự của chồng bà ở Mỹ do bà đặt ra cũng là một tình tiết mà thế lực chính trị đối nghịch trong nước Việt Nam “triệt để” dùng nhằm bôi nhọ, hạ bệ bà sau khi bà được đắc cử đại biểu Quốc Hội. (trích dẫn 2, 3, 4, 5, 6). Và họ đã thành công vì tháng 5 năm 2012 bà phải viết đơn từ nhiệm. Ngày 26 tháng 5, 2012 Quốc Hội Việt Nam ra nghị quyết bãi nhiệm bà. (trích dẫn 7)
Theo báo mạng Việt Nam, bà Yến xuất thân từ một gia đình có công với cách mạng. (trích dẫn 5). Cha bà là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ bà là người Hải Phòng. Bà Yến sinh ngày 1 tháng 6 năm 1959. Em trai bà Yến, ông Ðặng Thành Tâm cũng là một Ðại Biểu Quốc Hội, trong một chương trình truyền hình đã tuyên bố tất cả chị em ông đều sinh ra ở Hải Phòng. Tuy nhiên bà Yến lại khẳng định là bà sinh ra ở Sài Gòn. Nếu gia đình bà Yến hoạt động nằm vùng ở miền Nam Việt Nam trong thời Việt Nam Cộng Hòa thì chi tiết mâu thuẫn về nơi sinh của bà Yến cũng không có gì là đáng ngạc nhiên.
Chính cá nhân bà Yến cũng được kết nạp Ðảng vào ngày 27 tháng 11, năm 1986 tại chi bộ Phòng Thương Nghiệp quận 5. (trích dẫn 3). Nhưng việc bà có còn là đảng viên hay không thì chính bà Yến khai là “không” trong mục “ngày vào Ðảng” của hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc Hội. (trích dẫn 3).
Khởi đầu sự nghiệp chính trị của bà Yến có nhiều thuận lợi, nhưng đời sống hôn nhân của bà lại không được trôi chảy. (trích dẫn 1). Người chồng đầu của bà mất sớm. Hôn nhân thứ 2 của bà với việt kiều Mỹ, ông Jimmy Trần, cũng dẫn đến ly hôn. Bà Yến dẫn chứng việc ông Jimmy bị bắt ở Việt Nam vào ngày 5 tháng 7, năm 2009 vì quan hệ với gái mãi dâm ở một khách sạn tại Sài Gòn là lý do bà xin ly hôn. (Xem Ðơn Xin Ly Hôn viết tay của bà Yến ngày 9 tháng 7, năm 2009). Nhưng đến một năm sau, tháng 7 năm 2010 bà Yến mới chính thức nộp đơn. (trích dẫn 1).
Tháng 10 năm 2010, Toà Án Nhân Dân tỉnh Long An xét xử cho bà Yến ly hôn mà không có mặt bị đơn, ông Jimmy. (trích dẫn 1). Năm 2011 Viện Kiểm Sát Nhân Dân (KSND) tỉnh Long An đã “quyết liệt trong việc kháng nghị bản án ly hôn” của bà Yến “vì bản án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.(trích dẫn 2).
Hành nghề luật sư ở Mỹ và từng làm nhiều vụ ly dị, tôi ngạc nhiên khi hệ thống tư pháp Việt Nam tự ý tốn thời gian bảo vệ quyền lợi bị đơn cho một vụ án dân sự. Có lẽ động lực chính trị của phe đối lập bà Yến đã ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp ở Việt Nam chăng?
(còn tiếp 1 kỳ)