Menu Close

Tháng Tư tản mạn

  1. Tuổi biết buồn

Ngày Sài Gòn đổi chủ, tôi còn là đứa con nít hỉ mũi chưa sạch, thế nhưng thời cuộc đã cho tôi những cảm nghiệm để phải… già trước tuổi!

Mấy ngày thủ đô hấp hối, tôi cùng gia đình chạy loạn lên Ngã Bảy, chung cư Ngô Gia Tự, trú ngụ nhà bà con. Ðêm đêm tôi nghe mấy người lớn ra cửa hóng tiếng đại bác nổ, nhìn hoả châu rơi rồi bàn chuyện thời sự: Tôi đã biết lo! Khi hàng ngàn sỹ quan, quân cán chính VNCH trình diện cải tạo, nhà cũng vắng đi hai người: Tôi đã biết buồn! Khi tình hình chiến tranh nóng bỏng ở biên giới phía bắc và biên giới tây nam năm 1979, người anh 18 tuổi của tôi vừa có giấy báo đậu đại học mà vẫn bị đi “nghĩa vụ quân sự”, gia đình cho anh đào ngũ để vượt biên, nhưng thất bại. Trong khi chờ đợi chuyến vượt biên sau, anh sống chui nhủi khắp miền Hậu Giang, thỉnh thoảng lẻn về thăm, tôi và lũ trẻ con trong nhà, hễ thấy bóng dáng công an khu vực hay phường đội, là ba chân bốn cẳng chạy ngay về báo tin để anh leo lên lầu trốn trong mấy thùng quần áo cũ: Tôi đã biết đau!

  1. Bà Già Gân

Ở xóm của tôi, từ đầu xóm đến cuối xóm, đa số nhà nào cũng có người đi vượt biên. Và không phải ai cũng may mắn đến bờ tự do, bởi nếu đếm số người “đi không về và cũng không bao giờ đến” ở xóm cũng cỡ hai chục mạng người, trong đó có cô bạn rất thân yêu của tôi và một gia đình mất một lúc 6 người. Vậy mà người mẹ đau khổ ấy, được hàng xóm âu yếm tặng biệt danh là “Bà Già Gân”, đã vượt qua nỗi đau mất con, mất cháu, để tiếp tục đưa liên tiếp 3 người con đi thành công trong hai chuyến sau. Nhớ khi có người cản, Bà Già Gân tuyên bố: “Nếu xui xẻo chết dưới biển cũng còn hơn sống dưới chế độ Cộng Sản này!”. Tôi bái phục Bà Già Gân và Sắc Sảo quá chừng!

Thang-Tu-Tan-Man
                                      Bảo Huân

(Bà Già Gân vừa qua đời năm ngoái, thọ 90 tuổi! Các con cháu bà đang định cư ở Nam California, rất thành công trên đường học vấn.)

  1. Trái tim không có lỗi

Ði dạy nửa buổi, còn nửa buổi tôi hay ra phụ chị tôi bán quán cà phê trước mấy khu nhà máy quân đội đầu xóm. Trong đám khách, có anh chàng sĩ quan bộ đội, người Hà Nội, tốt nghiệp đại học Tổng Hợp bên Liên Xô, về nước vào bộ đội, rồi được về nhà máy làm quản đốc phân xưởng. Tôi biết anh sĩ quan thích tôi, hay ngồi ở quán rất lâu nói chuyện thơ văn, có đôi lần mua sách tặng tôi, và nói nhiều câu bày tỏ tình cảm. Tôi tự hỏi, không biết anh ấy có biết lý lịch nhà tôi là “nguỵ quân nguỵ quyền”, là “phản động”, đêm đêm chỉ khoái nghe lén đài BBC, VOA và “thì thầm bàn chuyện vượt biên”? Rồi chính tôi đã chủ động nói thật: “Chúng mình sinh ra từ hai môi trường khác nhau, sẽ khó mà hoà hợp. Tuy nhiên, nếu anh không có bộ quần áo sĩ quan trên người, thì chúng ta có thể là bạn”. Một thời gian sau, anh ấy chuyển công tác đi nơi khác, thật xa!

  1. Kẻ cơ hội hèn hạ

Anh ta là bạn cùng xóm và cùng lớp với anh tôi. Trong khi anh tôi hiền lành thật thà bao nhiêu thì anh ta mưu mô, gian xảo bấy nhiêu. Bạn bè ít ai chơi với anh ta, vì anh ta chỉ chơi với những ai có lợi cho anh ta, hoặc anh ta còn lợi dụng được. Sau 1975, toàn quốc đi xe đạp, nhà tôi đông con, nên sắm bộ phụ tùng sửa xe đạp để anh tôi vá xe, sửa xe cho anh chị em trong nhà. Vậy mà anh ta cứ mang xe đến nhờ anh tôi làm giúp (anh tôi có mở tiệm sửa xe đạp bao giờ đâu chớ), làm xong, anh ta tự nhiên mang về, chưa hề đãi anh tôi một ly trà đá! Thuở đi học, anh ta cũng len lỏi vào Ðoàn, rồi luồn lách thế nào mà đi nghĩa vụ quân sự được ở lại làm tại thành phố, lo chuyện hậu cần gì gì đó trong bộ đội. Thế là anh ta áp dụng chiến thuật “thượng đội hạ đạp”, câu kết nhau tham nhũng, gian lận, hối lộ, ăn bớt hoặc ăn cướp trắng trợn tiền của bộ đội giải ngũ. (Những người giải ngũ này, cũng là nạn nhân của chế độ, bị ép đi lính, ngày trở về chỉ mong mang chút tiền còm về quê nghèo, nhưng anh ta gây khó dễ, kéo dài thủ tục thời gian, rồi người ta nản chí bỏ cuộc, anh ta ăn tươi nuốt sống tiền của chính đồng đội mình!)

Giờ thì anh ta nhiều tuổi Ðảng, giàu có, nhưng bạn bè ai cũng lánh xa vì anh ta vẫn tuyên bố chỉ chơi với người có lợi cho anh ta mà thôi.

Xã hội Việt Nam, tiếc thay, có khá nhiều loại người như anh ta. Họ không quan tâm chế độ nào, không quan tâm chính trị, miễn họ vinh thân phì gia, mặc kệ những bất công oan trái đói khổ ngoài kia.

Có những kẻ cơ hội hèn hạ này, mà chính quyền cộng sản Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay!

(Không biết anh ta có đọc được bài này không, nếu có, tôi xin “khuyến mãi” hai chữ: Tôi khinh!)

KL – Edmonton, Tháng 4/2018