Chỉ còn vài ngày nữa đến ngày 30 tháng 4. Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ rầm rộ tổ chức mừng ngày cưỡng chiếm miền Nam. Rất nhiều người dân còn ở lại trong nước đã không đào thoát được trước khi quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Và những người may mắn có cơ hội trốn thoát rất ngậm ngùi khi nhớ lại những kỷ niệm đau thương ấy đã 43 năm kể từ tháng 4/1975. Nhớ về những ngày tháng nầy, chúng ta không thể nào không nhớ đến sự hy sinh chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà tới giờ phút cuối cùng, những vị chỉ huy quân đội đã tuẫn tiết thật xứng đáng với câu da ngựa bọc thây, sinh vi tướng, tử vi thần. Chúng ta cũng không quên hàng ngàn quân nhân, công chức đã bị giam cầm và chết trong các trại tù cộng sản, những người đã chết trong những chuyến vượt biển, vượt biên tìm tự do.

Con số đó nhiều vô kể. Bên cạnh đó, những ngày tháng nầy, người Việt chúng ta không thể nào không nhớ và ngưỡng mộ một vị tướng Hoa Kỳ: cựu Trung tướng Thủy quân Lục chiến, cũng là một phi công, Tướng Richard E. Carey. Ông đã giúp rất nhiều người Việt di tản trong những giây phút cuối của ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Một điều rất lý thú, trước đây vào khoảng tháng Giêng 2018, qua sự giới thiệu của luật sư Anh Thư, nhân ngày sinh nhật 90 tuổi của ông, chúng tôi được mời tham dự trong buổi lễ vinh danh này. Buổi lễ được tổ chức tại trụ sở sinh hoạt của hội Thủy quân Lục chiến Texo của Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 1 tại số 11101 Stemmons Freeway, Dallas.
Ban tổ chức là quân nhân và cựu quân nhân Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.
Chúng tôi thấy sự có mặt của cựu sĩ quan TQLC tướng Mike Mc Collum, cựu tướng Frank Walker. Hai ông đã từng tham chiến ở Việt Nam. Ngoài ra có tướng Ken Watterson, vị nầy hiện nay là người đứng đầu hội Veteran Resource Center, chuyên giúp những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Nói về Tướng Carey, có một chi tiết rất đặc biệt là ông từng là hạ sĩ quan trước khi lên dần đến cấp tướng. Ông sử dụng được rất nhiều loại máy bay chiến đấu và trực thăng, nhất là Tướng Carey đã áp dụng phương pháp Super Gaggle, có thể hiểu là chiến đấu trong mọi thời tiết xấu, lúc quân địch không ngờ. Ông đã cho dùng trực thăng để tiếp tế và tải thương bằng cách dùng đài phát tuyến ở đầu phi đạo hướng dẫn trực thăng lên xuống. Phương pháp nầy đòi hỏi sự tinh tế, chính xác, can đảm và cụ thể đã áp dụng cho căn cứ Khe Sanh, theo ông kể.
Tướng Carey cũng là một phi công nên trong buổi lễ kỷ niệm sinh nhật đó, chúng tôi thấy sự có mặt của 3 cựu sĩ quan Không quân QLVNCH: Cựu Trung úy phi công Ðinh Tiến Ðạo, cựu Ðại úy phi công Trần Tiến Thành, cựu Thiếu tá không quân Vương Văn Dương.

Tất cả ba ông, mà số phận đưa đẩy đã định cư tại Hoa Kỳ bằng những cách khác nhau. Cả 3 được mời lên kể những kỷ niệm khó quên trong binh nghiệp của mình. Ông Ðinh Tiến Ðạo cho biết phi vụ cuối cùng ông được lệnh bay từ Cần Thơ về Sài Gòn bỏ bom. Trên đường tới Sài Gòn, ông đã mất liên lạc với phi đội của ông. Khi ngược về căn cứ, ông thấy tất cả là một mớ hỗn độn. Ông cho biết lúc bấy giờ ông có thể bay thẳng qua Thái Lan, nhưng vì trách nhiệm với gia đình, ông đã trả giá bằng 5 năm rưỡi trong trại tù. Năm 1981 Ông đã vượt biên qua Mỹ cùng gia đình. Trải qua nhiều công việc, cuối cùng là kỹ sư đề án (project engineer) cho công ty Verizon Telecom. Hiện nay ông đã nghỉ hưu và cư ngụ tại Plano.
Người thứ hai là, cựu Ðại úy Trần Tiến Thành, ông lái trực thăng UH1. Ông may mắn hơn những đồng nghiệp khác. Ông cho biết vào ngày 30 tháng 4, ông đã được lên lịch bay. Tuy nhiên khi báo cáo nhận phi vụ thì cấp trên cho biết họ không còn chỉ huy nữa.
Ông Thành bay ra Côn Sơn để đón một số thân nhân của đồng nghiệp. Trên đường bay ông liên lạc được với Ðệ thất Hạm đội USS Midway và đáp xuống tại đây. Sau khi ổn định tại Mỹ, ông đi học trở lại và trở thành chuyên viên bảo trì cho hãng General Electric. Hiện nay ông đã nghỉ hưu và cư ngụ tại thành phố Plano.
Người cuối cùng là cựu Thiếu tá không quân Vương Văn Dương, thuộc Không đoàn 43 chiến thuật, Sư đoàn 3 Không quân. Ông cũng như Ðại úy Thành, đã thoát ra khỏi nước vào những giây phút cuối cùng trong tình trạng hỗn loạn, sau cùng ông đáp xuống được soái hạm USS Blue Ridge, lúc ấy có mặt Tướng Carey đang chỉ huy cuộc di tản từ ngoài khơi Thái Bình Dương.
Có lẽ Ông Dương là sĩ quan duy nhất trở lại nghiệp bay của mình khi tới Mỹ. Ông cho biết đã bay cho hãng dầu PHI (Petroleum Helicopters Inc.) trong 32 năm trước khi nghỉ hưu. Hiện nay ông cùng gia đình sinh sống tại thành phố Trophy Club, Texas.
Cả ba vị cựu sĩ quan lần lượt lên diễn đàn chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của mình, đặc biệt nói lên lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ về lòng can đảm, sự tận tụy và lòng nhân đạo của Trung tướng Carey khi ấy với cấp bậc Chuẩn tướng đã điều hợp chiến dịch Operation Frequent Winds để di tản tối đa những quân dân cán chính ra Ðệ thất hạm đội ngoài khơi Thái Bình Dương.

Trong lúc trò chuyện, khác hẳn với phong cách của một vị tướng chỉ huy, chúng tôi thấy được một người rất bình dị, từ tốn, lắng nghe, trả lời và thăm hỏi những người có mặt, đặc biệt những cựu sĩ quan Không quân Việt Nam, những người từng một thời cùng chiến đấu cho lý tưởng tự do.
Khi viết những dòng nầy, nhân kỷ niệm 30 tháng 4, cá nhân tôi xin được kính cẩn vinh danh những quân dân cán chính, hơn 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh cuộc sống mình trong cuộc chiến Việt Nam.
Xin được tri ân cựu Trung tướng Carey, một trong những ân nhân lớn của nhiều gia đình VN. Kính chúc ông được nhiều sức khỏe trong những năm tháng tới.
HC