Menu Close

Nói về tiêu chuẩn người cán bộ chiến lược

Từ Facebook Nhân Tuấn Trương

Bài đọc khai mạc Hội nghị TƯ của ông Trọng, báo chí đăng tải hôm qua, cho ta biết “tiêu chuẩn” của người “cán bộ chiến lược”.

Từ “chiến lược” ta có thể bàn luận hàng giờ về ý nghĩa và cách sử dụng. Nhưng ở đây “cán bộ chiến lược” có nghĩa là những người sẽ lãnh đạo quốc gia trong tương lai.

Theo ông Trọng thì đó là những người “có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện…”.

Hai mươi năm trước, Nghị quyết Hội nghị TƯ 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do ông Đổ Mười ký (năm 1997) nội dung cũng đã nói về tiêu chuẩn của người cán bộ “chiến lược”.

Khác nhau là hai chục năm trước “chiến lược cán bộ”, sau thì “đào tạo cán bộ chiến lược”. Nội dung vẫn là một hủ rượu chua lè.

“Chiến lược cán bộ” của HNTƯ 3 khóa VIII cho thấy đã phá sản. Những ông Sang, Trọng, Hùng, Dũng, Phúc… cũng như bộ sậu BCT bây giờ là những “cán bộ chiến lược”, kết tinh của “chiến lược cán bộ” theo Nghị quyết 3 năm 1997. Tất cả, không loại trừ, đều hủ bại, tất cả “một bầy sâu”, “ăn của dân không từ một thứ gì”.

Hoi_nghi_4_copy_WGJC
            Ảnh: Khai mạc Hội nghị Trung ương 7 – Nguồn: viettimes.vn

VN thất bại liên tục ở những kế hoạch phát triển quốc gia. Những “quả đấm thép”, cóp py y chang mô hình Chaebol của Nam Hàn. Người ta thành công bao nhiêu, nào là Samsung, LG, Hyundai… thì VN “sặc máu” bấy nhiêu (với những tập đoàn có tiếp đầu ngữ Vina).

Người ta bây giờ đổ tội cho ông Ba X. Theo tôi, nếu thay Ba X bằng ông Hồ, với quyền phép vô song, thì không chừng ông Hồ cũng phải “vô lò” một lượt với Đinh La Thăng.

Tất cả cùng hư hỏng, tài năng cùng “cá đối bằng đầu” như nhau. Đổ cho người này người nọ là hèn, chạy trốn trách nhiệm.

Hôm trước ông Phúc đã thú nhận nguy cơ “VN chưa giàu đã già”. Sau đó Phúc cũng nhìn nhận “VN quốc gia khởi nghiệp”.

Lời thú nhận chân thành cho ta biết mấy chục năm “đổi mới” VN vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Nếu tính thời kỳ “đổi mới” bắt đầu từ 1987, đến nay vậy là 3 thập niên.

Với thời gian ít hơn, các nước Nhật, Nam Hàn, Singapour, Đài loan… đã trở thành rồng, thành cọp.

VN sau 30 năm vẫn là “quốc gia khởi nghiệp”.

Năm ngoái tôi có viết bài phê bình: VN không phải là “quốc gia khởi nghiệp”. Trong làm ăn, 30 năm là dài lắm. Sau 30 năm làm việc người công nhân sắp tới tuổi về hưu. 30 năm vì vậy là 30 năm kinh nghiệm.

Mới hôm kia ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch Sài gòn, có thốt lên đại khái rằng “chỗ nào có nhà nước nhúng tay vào thì chỗ đó người dân phản đối”.

Ba chục năm nay, đúng y như vậy, chỗ nào có đảng nhúng tay vào thì chỗ đó điều tiêu tán, phá sản, thất bại.

“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã thất bại. Lãnh đạo các tập đoàn, các xí nghiệp quốc doanh… đều là “cán bộ chiến lược”, những người có “thẻ đỏ”.

Trách nhiệm (sự phá sản) vì vậy là do đảng CSVN, bắt đầu là ông Trọng, bộ chính trị, tỉnh ủy, huyện ủy… cho tới những đảng viên cấp dưới làm công an phường, làm chủ tịch xã…

“Chưa giàu đã giả”. Không còn là “nguy cơ”, mà là sự thật.

Ông Phúc (lấy ngân sách quốc gia) làm lốp by để được “bắt tay” ông Trump. Để được gì ? Đến bây giờ ông Phúc mới (hí hửng) khoe rằng VN đã bán được trái chôm chôm sang Tân tây Lan. Tấm hình ông Phúc cầm chiếc giày hiệu Nike cắt nghĩa cho tài phiệt Mỹ đã nói lên hết tất cả. Phát triển của VN hiện nay là đặt trên hai trụ cột: khai thác tài nguyên quốc gia và bán rẻ mồ hôi nước mắt của công nhân.

Rõ ràng ông Trọng vẫn không “rút” được kinh nghiệm. Ông vẫn muốn “đào tạo cán bộ chiến lược”, lựa những người lãnh đạo đất nước tương lai trong nhóm 4 triệu đảng viên.

Thử nhìn lại trường hợp GS Trần Nguyện Thành không được làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Nhiều người bàn tới bàn lui, mà theo tôi, lý do GS Thành cuốn gói là vì ông này không có “phẩm chất chính trị và đạo đức tốt”, như qui định (điều 20) của Luật giáo dục.

“Phẩm chất chính trị và đạo đức tốt” ở đây là gì? Dựa vào tiêu chuẩn nào?

Thử đọc bài nói của ông Trọng rồi so sánh với Nghị quyết HNTƯ 3 khóa VIII, nội dung không khác nhau một ý.

Nào là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân”, nào là “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, “Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng”,

“Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”… Cán bộ phải “có tài có đức mà đức là gốc”.

GS Thành làm gì có “đạo đức” của ông Hồ ? Làm gì GS Thành “có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng”?

“Chuyên” làm sao hơn được “hồng”?

Tương lai sẽ ra sao, 30 năm nữa, nếu “cán bộ chiến lược” vẫn được lựa chọn cùng khuôn mẫu?

Cây đắng không sinh trái ngọt, gieo nhân nào thì gặt quả đó.

Đức ở đây là “đức” gì?

Thế hệ ông Trọng, hay những cán bộ sinh ra từ miền bắc, lớn lên với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và đạo đức Hồ Chí Minh. Những người này không ít đã từng tham gia các phong trào “cải cách ruộng đất”, phong trào “cách mạng văn hóa”. Những người trẻ đó đã từng ném đá các thành phần trí thức, từng xúc đất chôn sống thành phần địa chủ. Họ, nhiều người cũng đã từng tố cáo cha mẹ, tố cáo anh chị, tố cáo bạn bè, họ hàng, chòm xóm… để chứng tỏ “có lập trường cách mạng”.

Những người như ông Trọng, làm sao dạy người khác lòng “bao dung”? làm sao họ có thể dạy người khác “thuơng người như thể thuơng thân”?

Bản thân họ đều dối trá và độc ác. Làm sao ta có thể hy vọng nơi họ lòng “lương thiện” với “lương tri”?

Những lời tán dương ông Trọng “kẻ sĩ Bắc hà”. Tất cả đảng viên cộng sản lứa tuổi ông Trọng, không ai có tư cách khoát lên danh kiệu “kẻ sĩ” hết cả.

Dân 90 triệu người, người tài giỏi nhiều vô số. Nhưng ông Trọng khẳng định “cán bộ chiến lược”, như tiêu chuẩn đã đặt ra, phải là người của đảng.

Tiếp tục vậy thì 30 năm nữa VN vẫn là “quốc gia khởi nghiệp”.