Việt Khang đến Dallas. Hai cuối tuần liên tiếp. Vào phòng ca sĩ định trò chuyện cùng anh đôi điều. Phòng nhỏ, người đông, các đài truyền hình Việt Ngữ thay phiên phỏng vấn anh, lại thêm một số khán giả quen biết Ban tổ chức vào để chụp hình với anh. Không gian và thời gian ắt khó để cho Việt Khang ngồi chia sẻ những tâm tình lắng đọng và thật sự của mình, khác hơn những câu hỏi phỏng vấn báo chí quen thuộc và khuôn mẫu. Ðành thôi vậy. Tôi lùi ra phía sau đứng nghe Việt Khang trả lời các câu hỏi của các đồng nghiệp trước ống kính truyền hình. Ðiềm tĩnh, chân tình và vừa đủ. Nhưng trông anh có vẻ mệt. Tuần trước vừa về Dallas dự lễ 30 tháng Tư, tuần này lại có nơi khác mời về. Và tuần sau anh lại bay lên Washington DC. Theo dõi các clip phim nhiều người bỏ lên Facebook, có lẽ anh đã bay liên tục từ sau ngày đến Mỹ.

Khán phòng và sân khấu vụt tắt đèn. “Việt Nam ơi, thời gian quá nửa đời người, Và ta đã tỏ tường rồi…”. Giọng hát của Việt Khang vút lên. Ðèn sáng. Không gian đang yên lặng bùng lên tiếng vỗ tay, reo hò khi Việt Khang bước ra sân khấu. Việt Khang đó. Tôi biết có những niềm xúc động trong không ít khán giả đang ngồi phía dưới kia. Người ta thương mến Việt Khang có lẽ nhiều phần là vì những bài hát như thế này của anh. Bởi sáu năm trước, có ai biết nhiều về Việt Khang. Mà chỉ vì hai bài hát “Anh là ai?” và “Việt Nam tôi đâu” tha thiết và xúc động đã khơi dậy lòng yêu nước và tạo nên một hiệu ứng cảm xúc số đông. Nó lan truyền, rồi trở thành hiện tượng. Nhất là từ khi nghe tin anh bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên án tù chỉ vì hai bài hát này. Phong trào ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho Việt Khang là một trong những phong trào rầm rộ và được hưởng ứng nhiều nhất tại hải ngoại trong khoảng thời gian sau này. Lên Washington DC. để cùng phái đoàn người Việt vào Bạch Ốc gặp gỡ giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, tôi thấy được những tấm lòng nhiệt thành từ những người tóc đã bạc cho đến các em sinh viên, chuyên viên trẻ hăng hái giúp đỡ phái đoàn từ xa về DC. tham dự cuộc thỉnh nguyện. Họ làm vì cảm khái tấm lòng và tinh thần yêu nước của người nhạc sĩ trẻ bỗng nhiên gặp tai ương. Phát biểu nghẹn ngào của ca sĩ Quốc Khanh về Việt Khang trong khán phòng Bạch Ốc làm nhiều người xúc động.


Nhưng tôi biết nó sẽ khó lòng lại xảy ra sự quy tụ đông đảo và đồng nhất như vậy lần nữa khi những bất đồng, tranh chấp từ những người liên quan sau cuộc thỉnh nguyện thư đã làm nhiều người thất vọng. Rồi nhìn vào những tị hiềm, nhỏ nhen của những bài viết, những câu hỏi, những thước phim đăng tải đó đây từ sau ngày Việt Khang đến với xứ sở tự do này, càng làm không ít người lắc đầu. Nếu vô tình đọc được. Tất nhiên không thể thiếu sự tấn công từ những nhân viên “an ninh văn hóa” trong nước, nhưng đáng buồn hơn là nó đến từ dăm cái tên từng hoạt động đó đây trong các cộng đồng địa phương, truyền thông hay tổ chức cộng đồng nào đó. Họ “lo” cho Việt Khang bị ai hay tổ chức nào đó “lợi dụng”. Họ vẽ giùm trước một đời sống “cơm áo” mà VK phải đối diện để rồi sẽ mất đi tinh thần đấu tranh và quên đi những người bạn đồng cảnh còn tù đày bên quê nhà. Họ cảnh báo người khác đừng “thần tượng” Việt Khang… Ðọc hay nghe mà cảm thấy ốt dột cho một cộng đồng vốn đã quá nhiều tranh chấp ở khắp mọi nơi.

Việt Khang sáng tác nhạc với tấm lòng của một thanh niên yêu nước, bằng tinh thần một con dân Việt trăn trở trước họa ngoại xâm. Dù không hối tiếc như đã từng cho biết, nhưng có lẽ anh cũng chẳng nghĩ mình lại bị một bản án vô lý nặng nề đến vậy. Và ắt khi viết nhạc, anh cũng chẳng ngờ để một ngày anh sẽ được người khác chào đón và yêu thương nhiều đến vậy. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra như nó cần phải xảy ra. Nhìn hàng trăm khán giả quay phim, chụp hình hay đưa tay hát theo anh, tôi nghĩ không có nhiều ca nhạc sĩ nào đem lại cho họ cảm xúc nhiều đến vậy. Chẳng ai bỗng dưng trở thành một “thần tượng”, nếu gọi là vậy, một cách dễ dàng trong khán giả. Một anh bạn tôi bảo rằng những bản nhạc Việt Khang làm anh xúc động bởi anh là người yêu quê hương, yêu hai tiếng Việt Nam vô cùng, mỗi bài hát của Việt Khang đều kết thúc bằng hai tiếng “Việt Nam”. Quả thật, từ Anh L à Ai, Việt Nam Tôi Ðâu cho đến Trả Lại Cho Dân, Con Ðường Việt Nam. Ra vậy. “Việt Nam. Việt Nam”. Hai tiếng Việt Nam thân yêu đã kéo anh lại gần gũi trong lòng thương mến của nhiều người. “Vẫn đôi chân bước đường còn miệt mài, đi cho trọn, trọn con đường Việt Nam” (Con Ðường Việt Nam). Hãy giúp Việt Khang tiếp tục mạnh mẽ đi cho trọn con đường Việt Nam mà anh đã chọn. Há hai tiếng Việt Nam thiêng liêng không nằm trong giòng máu mỗi người con Việt còn luôn nhìn về quê hương?

ÐYT Dallas 05/2018