Menu Close

Lễ tưởng niệm thuyền nhân sau 43 năm tị nạn

Kể từ sau ngày 30 tháng Tư 75, con số người vong mạng vì đi tìm tự do lên đến bao nhiêu không ai biết được, có người ước lượng khoảng vài trăm ngàn, có người nói hơn. Theo số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian hai mươi năm (1975-1995) đã có 849,228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ, nhưng trên thực tế, có thể con số người ra đi cho đến nay còn nhiều gấp mấy lần. Người ta ước tính rằng có khoảng từ 500,000 đến 600,000 người đã chết ngoài biển trong những cuộc ra đi âm thầm và chết lặng lẽ không ai hay. Ngày nay những tượng đài thuyền nhân đã hiện diện rải rác khoảng 20 nơi trên thế giới như ở Hoa Kỳ, Úc, Na Uy, Đức v.v…

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan5
Cầu nguyện bên hồ và Tượng Đài

Nhân biến cố 30 tháng 4, kỷ niệm 43 năm xa rời đất nước, thành phố Little Saigon, Nam Cali Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt đã làm lễ tưởng niệm những người mất mạng trên đường đi tìm tự do kể cả đường bộ và đường biển. Buổi lễ diễn ra tại Tượng Ðài Thuyền Nhân trong khu Nghĩa Trang Westminster Memorial Park, ngày Chủ Nhật 29 tháng 4 năm 2018. Sự tham dự đông đảo của nhiều đồng hương, các vị dân cử, hội  đoàn cùng các vị lãnh đạo tôn giáo đã khiến buổi lễ thêm phần long trọng. Phần xúc động và thiêng liêng nhất, có lẽ là phần gần cuối buổi lễ, các vị lãnh đạo tôn giáo đọc và cử hành nghi lễ với những lời truy niệm trang trọng. Có những giọt nước mắt nhỏ xuống, niềm tin tôn giáo dấy lên, cùng cầu nguyện cho những vong linh vất vưởng nơi biển Ðông hay góc biển chân trời về đây nghe kinh. Những ngôi mộ tập thể gồm 54 phiến đá khắc tên của 6,000 người chết tượng trưng cho con số người thiệt mạng vì đi tìm tự do. Trước một trong những ngôi mộ tập thể hình bóng một người phụ nữ chắp tay lâm râm khấn nguyện đã gây ấn tượng cho tôi. Cô tên Hồ Hoa, cô đến đây để cầu nguyện cho người thân đã chết trong một lần vượt biên bằng thuyền. Rải rác đây đó vài người đem theo hoa đến đặt vào khu mộ tập thể và cầu nguyện. Nhà báo/ hoạ sĩ Ðinh Hiển cũng hướng dẫn mọi người đến ngôi mộ tập thể có tên con của ông là một thuyền nhân không may mắn. Cảnh người cha chết lặng bên mộ con khiến nhiều người chứng kiến quay đi âm thầm rơi lệ.

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan4
Một trong các ngôi mộ tập thể

“Sự mất mát lớn lao của hàng trăm ngàn thuyền nhân đã đánh động lương tâm thế giới. Nhiều quốc gia đã mở lòng ra đón nhận người tị nạn Việt Nam khiến bước chân Việt Nam ngày nay ghi dấu khắp năm châu bốn bể. Chúng ta cùng nhớ ơn lương tâm thế giới và tri ân những người nằm xuống.”

Ðó là ý nguyện của nhà thơ, nhà báo Thái Tú Hạp mà cũng là một trong những nội dung các lời phát biểu của ban tổ chức và các vị dân cử nói trong buổi tưởng niệm này.

Phần điều hợp chương trình có Nữ Sĩ Ái Cầm, Xướng ngôn viên Minh Phượng, Thu Thủy, và Bác sĩ Ngô Phùng Hỷ. Hội Ðồng Liên Tôn có các đại diện Phật Giáo, Công Giáo, Công Giáo Chính Thống, Tin Lành, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài. Các vị dân cử có, Thị Trưởng Thành Phố Westminster ông Tạ Ðức Trí, Phó Thị Trưởng Tyler Diệp  và các Nghị Viên Sergio Contreras, Kimberly Hồ, Dân Biểu Liên Bang Lowenthall, đại diện của TNS Tiểu Bang Bà Janet Nguyễn. v.v…

Tôi được tiếp xúc với ông Thái Tú Hạp, là người đầu tiên đã đứng ra kêu gọi thành lập Tượng Ðài Thuyền Nhân và Trưởng ban tổ chức buổi lễ hôm nay.

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan3
Ban tổ chức Tượng Đài

Khi được hỏi “Ông có là một thuyền nhân không? Xin ông cho biết mục đích và cảm nghĩ của ông về buổi tưởng niệm này”. Ông cho biết, “Sau biến cố 30 tháng tư, tôi đã ở tù cộng sản 4, 5 năm. Khi ra tù tôi vượt biển và tàu tôi bị chìm. Số người chết là 13 người. Trong cảnh thập tử nhất sinh đó, người nào tôn giáo nấy, đều cầu nguyện được thoát hiểm. Sau khi chôn 13 người thiệt mạng trên đảo hoang, tôi có lời nguyện khi đến một xứ sở tự do nào đó tôi phải làm một điều gì để tưởng niệm và ghi nhớ những người đã chết trên biển Ðông. Khi đến Hoa Kỳ, tôi đã trăn trở nhiều đêm với ý nghĩ ấy và tôi cố gắng lập một tượng đài thuyền nhân với mục đích trên. Dự án quá lớn nên tôi thành lập 1 ủy ban trong đó có cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, Chí Thiện, Bác sĩ Lê Hồng Sơn, MC Minh Phượng và các đài truyền thông khác v.v… Dự án thành công và năm nay là năm thứ 9 và Hội Ðồng Thành Phố Westminster đã chấp nhận một nghị quyết ngày 30 tháng Tư là Ngày Thuyền Nhân VN tại Cali. Mục đích thứ nhất là để quy tụ đồng hương đến đây cùng các vị lãnh đạo tinh thần và tôn giáo cùng cầu nguyện và tưởng niệm đến hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình trên biển Ðông. Mục đích thứ hai là nhắc nhở con cháu mình biết nguồn cội, mình từ đâu đến và nguyên nhân tại sao hàng trăm ngàn người chết ngoài biển khơi.”

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan2
Các vị dân cử và Hội Đồng Liên Tôn

Tôi cũng hỏi thêm về lý do tại sao đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân lại được đặt trong khu nghĩa trang Westminster Memorial Park nằm giữa thủ đô Little Sài Gòn của người tị nạn VN?

Ông bảo, “Lý do chính là vấn đề tâm linh. Thật ra, cá nhân một người không làm được chuyện này, sở dĩ Tượng đài vào được nghĩa trang này là nơi không có biên giới tôn giáo nhờ những ơn phước tâm linh của những người chết trên biển Ðông họ muốn được về nằm ngay trong trái tim của cộng đồng Việt ở thủ đô tị nạn tự do. Tự dưng họ khiến cho mình tìm tới đây. Mình phải nhớ ơn ông giám đốc của Westminster Memorial Park. Thật là chuyện nằm mơ cũng không có được. Làm thế nào mà tự dưng ông mở tâm từ bi mà đón nhận Tượng Thuyền Nhân ở đây. Có lẽ đó là sự mầu nhiệm không thể lý giải về tâm linh để cầu nguyện đến những người khuất mặt đó.”

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan1
Nghi lễ chào cờ

Bài hợp ca về thuyền nhân của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã gây ấn tượng cho tôi. Tôi gặp Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng là Trưởng nhóm này và được anh cho biết, “Thuyền Nhân Việt Nam” em viết để nói lên sự mất mát và hy sinh của người VN trên con đường đi tìm tự do. Còn một số ca khúc khác nói về Sài Gòn, về quê hương VN như một nhắc nhớ những kỷ niệm đau thương của biến cố 30 tháng 4. Cá nhân em, có cha em là một cựu quân nhân VNCH, ông đã kể cho em những câu chuyện về chiến tranh gây tác động lên em. Em may mắn gặp cố nhạc sĩ Anh Bằng là người viết nhạc về đấu tranh và quê hương đất nước rất nhiều. Khi gần gũi, ông luôn khuyến khích các thế hệ trẻ như em sáng tác nhạc đấu tranh và về quê hương mình. Ðây cũng là một cách để tiếp tay và đấu tranh cho VN, do đó em theo con đường này. Ðối với các thế hệ sau, em đang làm một việc làm thực tiễn qua chương trình “Ðào tạo và phát triển các tài năng trẻ”. Tụi em cố gắng hướng dẫn và dạy dỗ các em về những truyền thống dân tộc Việt qua tài năng âm nhạc. Hy vọng rằng sau này các em sẽ tiếp nối ngọn lửa đấu tranh và thắp sáng nó lên đó chị” Những câu chuyện tôi nghe và thấy hôm nay làm lòng tôi bâng khuâng khi ra về. Lịch sử 43 năm đã qua bao nhiêu trang, những kỷ niệm đau thương còn ở lại. Không biết vết thương có khô máu chưa, nhưng lòng từ bi và lương tâm thế giới vẫn rạng ngời sáng soi khắp chốn.

le-tuong-niem-thuyen-nhan-sau-43-nam-ti-nan
Con em thuyền nhân và tấm bảng The Boat People

TT