Menu Close

Bạn bè, như lửa ấm chiều hôm, tiếp tục…

Có đôi lúc, trong chiều tà hắt hiu hay đêm bập bùng sấm chớp, lòng ta chợt nhớ về những tình bạn tưởng chừng như đã quên lãng trong thời gian. Một đêm như đêm qua, mưa rơi trên ngọn hải đào, lòng Nguyễn chợt chùng xuống, nghĩ tới những người bạn từng thân thiết trong đời. Hắn mường tượng thấy những con đường đã đi qua, và mơ một chút hơi ấm từ người…

Thế đấy. Bạn bè xưa như lửa ấm trong hoàng hôn lạnh giá hắt hiu, hay như rượu ủ lâu năm, ngày càng thấm đượm. Với Nguyễn, nói tới San Jose mà không nhắc tới ông bạn này, thì cũng chẳng khác nào khi bàn về thơ Đường mà không nói tới Lý Bạch, Đỗ Phủ. Đó là Hoàng Anh Tuấn – đạo diễn điện ảnh, nhà thơ và là người tình của Hà Nội. Nguyễn quen biết và làm việc chung với Hoàng Anh Tuấn hồi còn ở Đà Lạt, trước 1975. Thuở ấy, có thêm Đinh Cường, Đỗ Long Vân, và Trịnh Công Sơn, và Bửu Ý. Có cả Khánh Ly. Trong ngôi nhà ở đường Rose, nơi Cường dùng làm xưởng vẽ, sớm chiều, và cả lúc đêm khuya, đều rộn rã tiếng cười, câu hát. Ra vào gặp Hoàng Hôn Thắm, và Hoàng Ánh Thép cùng thằng Cọp bé tí tẹo mà đã trầm tư, ít nói. Còn Hoàng Thu Thuyền thì ít gần gũi hơn.

Ấy là một thuở Hoàng Anh Tuấn còn yêu và làm thơ cho Thy Liêng: Này y nguyên thuở cơ hàn / Mắt xanh rêu ngủ giấc vàng cỏ khô / Từ yêu em tới bây giờ / Tay cầm tay vẫn sững sờ đầu tiên… Hoàng Anh Tuấn làm quản đốc Đài Phát Thanh với một phong thái rất nghệ sĩ. Thời Hoàng Anh Tuấn, chương trình của Đài khởi sắc hẳn. Lúc này có Dạ Lan về cộng tác. Và chính Hoàng Anh Tuấn có sáng kiến mở chương trình đọc Truyện Chưởng Kim Dung mỗi buổi sáng và giao cho Dạ Lan phụ trách. Những ngày ấy thật là thương yêu, ấm áp. Qua tới hải ngoại, nghe tin Hoàng Anh Tuấn ở San Jose mà không có dịp ghé thăm. Lần lên chơi năm 1998, Hoàng Anh Tuấn nghe tin nói sẽ đến vậy mà rồi lỡ dịp. Khi Hoàng Anh Tuấn chuẩn bị in Yêu Em Hà Nội, Thu Thuyền có đưa cho Nguyễn viết mấy dòng ở phần cuối tập. Chỉ có bấy nhiêu đó, và rồi Hoàng Anh Tuấn ngã bệnh và ra đi. Viết những dòng này, Nguyễn xin được một phút tưởng niệm nhà thơ của Hà Nội ngày nào…

Bây giờ tới một nhà thơ khác – Hải Phương. Hải Phương và Nguyễn biết và yêu quý nhau từ ngày mới viết những bài thơ đầu, rồi gặp nhau – ở Pleiku phải không bạn hiền, những năm đầu 70? Hồi đó, Nguyễn và Dạ Lan qua Pleiku làm Đài Phát Thanh Địch Vận. Thật ra, ngày ấy Nguyễn và Hải Phương gặp nhau chỉ trong thoáng chốc, một đôi bữa cà phê với Kim Tuấn. Rồi Nguyễn và Dạ Lan về lại Đà Lạt, Hải Phương về Sài Gòn. Nói cho đúng, Nguyễn biết và thích Hải Phương nhiều qua lời kể của Tô Mặc Giang và Nguyễn Minh Diễm. Hải Phương đẹp trai, làm thơ hay, và ăn diện. Những ngày ở văn khoa, chàng tay xách cặp, cầm ô, đầu đội mũ phớt, mắt nhìn lên ngọn cây… Cho tới những năm sau khi đi tù về vẫn còn chải chuốt và model. Sang tới Mỹ, Nguyễn và Hải Phương mới thật thân nhau. Một lần gặp ở nhà Nguyễn Mộng Giác. Sau đó, ở Orange County và San Diego. Qua Hải Phương, Nguyễn biết được thêm nhiều chuyện về Thế Viên, Chinh Yên, Hoàng Trúc Ly, Trịnh Cung, Ngô Bích Diễm (Diễm Xưa của Sơn), Dao Ánh v.v… Tháng Tư năm nào, cả bọn rủ nhau lên Virginia xem hoa đào nở, ăn đồ Tây ở nhà anh Văn, ăn sushi ở nhà Trương Vũ và họp mặt ở nhà hàng Saigon House, có cả Trần Nghi Hoàng – Bích Ti, Đinh Cường – Tuyết Nhung. Tháng 11 năm 2005, Hải Phương và Queen (Quận, vợ Hải Phương) đáp lời mời sang Dallas dự Festival Văn Hóa. Và rồi, Nguyễn cùng hiền nội lên San Jose thăm vợ chồng bạn, được Hải Phương chở đi thăm cầu Golden Gate, thành phố Ý Sausalito, lái xe trên những con đường dốc phố biển. Công nhận là Hải Phương lái xe giỏi. Cám ơn bạn về cuộc đi chơi và những tấm hình đẹp…

Bạn Nguyễn Xuân Hoàng thì vẫn trẻ và “bô giai”. Vy tươi vui bên Hoàng. Hai người dựng lên tờ Viet Tribune khá nổi. Nghe nói một vài tháng nữa thì tờ báo có thể ổn định. Chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng sang trọng. Hoàng đem cho anh em mấy chục tờ báo. Cảm tưởng đầu tiên khi lật qua: Viet Tribune có bộ mặt văn hóa, bài vở phong phú và đặc sắc. Nhà văn làm báo là phải thế. Có thể không bằng những báo thương mại, nhưng đó là cái nghiệp. Chúc Hoàng và Vy chân cứng đá mềm.

Bây giờ tới một người đã được giới thiệu là đặc biệt ngay từ đầu: Tưởng Năng Tiến. Trong số anh em vừa kể trên thì Tưởng Năng Tiến là người trẻ tuổi nhất. Trẻ và đẹp trai. Lúc chưa gặp, Nguyễn cứ hình dung ra Tiến là một anh chàng đen đủi, mặt mày dị hợm, râu ria rậm rì. Đâu ngờ… Tiến đón vợ chồng kẻ này ở bến xe đò Hoàng trên đường King rồi đưa về Days-Inn. Hôm sau, anh chàng chỉ đạo cho vợ nấu Mì Quảng. Khá là liều lĩnh đấy, nhưng rất thành công và ăn rất ngon. Tưởng Năng Tiến là người Đà Lạt. Thuở nhỏ nghịch ngợm, huyên náo phố phường. Phải vậy không Tiến? Học giỏi nhưng hay chọc thầy, ghẹo bạn. Những năm sau 75 cũng đi tù xanh xao vàng võ. Sang Mỹ lại toan làm kình ngư rẽ sóng, làm chim ưng bay về trời xưa… Hắn là bạn thân của Võ Hoàng, nhà văn toan làm lại lịch sử và đã chết trên rừng già Cao Miên. Tưởng Năng Tiến cũng đã cất công liều mạng trở lại đất Miên tìm bạn. Hào hiệp với nhiều người, bướng bỉnh và bất khuất, lời lẽ không kiêng dè. Bây giờ, Tiến viết báo, và viết xuất sắc. Tiến ơi, sẽ có ngày gặp lại.

Ngày nào giã từ San Jose mà lòng bịn rịn. Thôi thì chia tay ở bến xe đò Hoàng. Sáng Chủ Nhật 16 tháng 7, vợ chồng Hải Phương, Nguyễn Trung Dũng, Tưởng Năng Tiến đều có mặt trước giờ xe lăn bánh. Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!

Viết thêm trong một ngày của tháng 8 năm 2012: Tháng Tư vừa rồi, cùng với Đinh Cường, Nguyễn trở lại San Jose, gặp lại Hải Phương và Quận, Nguyễn Xuân Hoàng và Vy, Diên Nghị, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Trung Dũng… Lại có thêm nhiều bạn mới: Hoàng Ngọc Biên, Trần Đình Sơn Cước, Lữ Quỳnh, Lê Thị Quế Hương. Lại chia tay ở bến xe đò Hoàng có đông đủ những khuôn mặt bạn bè thân quen. Đặc biệt, Quế Hương gởi theo một chai vang đỏ.

alt
Tranh: Bảo Huân


TN