Menu Close

Lễ độc lập của một dân tộc [từng] lưu vong

Theo niên lịch Hebrew, ngày 19 tháng Tư năm nay là ngày kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel, ngày độc lập của một quốc gia được quốc tế công pháp nhìn nhận. Israel, vùng đất tuổi tác cả mấy ngàn năm nhưng lại là một quốc gia “mới” với các đường biên giới mới, vẽ lại sau các cuộc chiến tranh đẫm máu. Hebrew là ngôn ngữ chính thức của Israel, và Judaism (tạm dịch là đạo Do Thái) được xem là quốc giáo. Cư dân Israel, không mấy ai xưng danh là “Israelite” (tôi là người Israel) mà họ dùng chữ “Jewish” hay “Jews” (יְהוּדִים, Yehudim, [tôi là] tín đồ Do Thái); tạm hiểu là đa số cư dân ở đó đồng hóa tôn giáo với đất nước. Nói một cách khác, họ tuyên xưng đất nước Israel là của người theo đạo Do Thái. Danh xưng ấy nghiễm nhiên loại trừ những cư dân khác, những người không theo đạo Do Thái. Ðây là nỗi căm hờn của những người gốc Ả Rập đang sinh sống tại Israel, thiểu số này (20%) đã trải qua nhiều thế hệ trên mảnh đất ấy, họ nói tiếng Ả Rập, theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa hoặc đạo Druze (xuất phát từ Ai Cập khoảng 1,000 năm nay).

Muốn hiểu được mối oán hận sâu đậm và dữ dội kia, ta cần thấu hiểu lịch sử của vùng đất khói lửa ấy.

Dân Israel cử hành lễ độc lập và ngày Chiến Sĩ Trận Vong khoảng một tuần sau ngày tưởng niệm Holocaust. Suốt tuần lễ, đường phố khắp nơi trên lãnh thổ Israel cờ quạt rợp trời. Ngược lại những phần đất nằm trong tay chính quyền Palestine lại im lìm, cư dân ai oán gặm nhấm nỗi đau mất tổ quốc. Nhìn trên bản đồ, xen lẫn trên lãnh thổ Israel là mấy phần đất thuộc quyền kiểm soát của người Palestine, từa tựa như mảnh da beo lốm đốm những chỗ đậm nhạt.

Israel một mảnh đất không lớn lắm, kích thước tương đương với diện tích tiểu bang New Jersey của Huê Kỳ, nhưng lại là một lò lửa âm ỉ những bất đồng và bất hòa. Ðây cũng là nơi khối Ả Rập 290 triệu người đối đầu với 9 triệu cư dân Israel.

Theo lịch sử, Israel không phải là một miền đất “mới” và cũng không phải là một tên gọi mới. Sách vở ghi chép rằng vùng đất có tên Israel hiện diện cả ngàn năm trước Công Nguyên, một số bộ tộc sinh sống trong vùng Trung Ðông trên mảnh đất có tên Levant hay “Land of Israel”. Các bộ tộc ấy thờ kính Ðức Chúa Trời theo kinh thánh Cựu Ước, trải qua nhiều triều đại vua chúa, họ tạo thành một nhóm người cùng chủng tộc và tôn giáo [đạo Do Thái]. Do đó, “Jewish” không chỉ là danh xưng đơn thuần về tôn giáo mà còn bao gồm cả chủng tộc và đất nước. Di tích như bia đá “the Merneptah Stele” là chứng tích của sự hiện diện của các bộ tộc sinh sống trong vùng Canaan từ thời Ðồ Ðồng (thế kỷ XIII trước Công Nguyên). Tổ tiên người Israel [Israelites], xuất phát từ gốc rễ Canaanite. Hai triều đại lớn nhất của Israel là “Kingdom of Israel” và “the Kingdom of Judah” khi dân tộc và đất nước bị vua chúa chia đôi.

Ðất nước Israel cũng bị xâm chiếm, cai trị bởi nhiều bộ tộc khác xuất phát từ Ai Cập, Assyria, Babylon (thế kỷ II), La Mã (thế kỷ IV), Ả Rập (thế kỷ VII), đội quân Thập Tự (Crusaders, thế kỷ X-XI), nhóm Mamluk (thế kỷ XIII), vương triều Ottoman và gần đây nhất là quân đội Hoàng Gia Anh (thế kỷ XX). Qua các biến chuyển chính trị kéo dài nhiều thế kỷ, đất nước Israel thay tên đổi họ, được gọi chung chung là “Land of Israel” hoặc “Palestine”. Sau những cuộc chiếm lãnh và thống trị của các bộ tộc dị chủng, khác văn hóa, nơi này trở thành cái nôi xuất phát nhiều nguồn văn minh, tôn giáo: hình thành ngôn ngữ Hebrew, kinh thánh Hebrew xuất hiện dạy dỗ tín đồ về “Ðất Hứa” (Promised Land), đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa ra đời. Israel được xem là “đất thánh” (Holy Land) vì có nhiều thánh tích, thánh tích của đạo Do Thái (Judaism), đạo Thiên Chúa (Christianity), đạo Hồi (Islam), đạo Samaritanism, đạo Druze và cả đạo Bahá’í.

le-doc-lap-cua-mot-dan-toc
Bản đồ Israel cho thấy thủ đô Jerusalem

Bị cai trị và xua đuổi suốt cả ngàn năm, dân Israel tứ tán khắp nơi và sống tụ họp tại các miền đất tạm dung tạo thành những cộng đồng Jewish tại nhiều quốc gia trên thế giới, châu Âu và châu Phi. Chính niềm tin tôn giáo đã giúp những nhóm di dân sống quây quần với nhau. Di dân Israel thủa ấy được gọi chung là “Diaspora Jewry” hay kiều bào Do Thái sống bên ngoài đất nước họ.

Qua những thế kỷ bị trị, người ngoại chủng mang theo ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo đất nước họ vào Israel, sự khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo dẫn đến các cuộc xung đột, chiến tranh giữa người Âu châu, người Ả Rập và dân địa phương. Các cuộc chiến tranh ấy ngoài mục đích chính trị còn đậm màu tôn giáo.

Sau Thế Chiến I, vương triều Ottoman thua trận, mất dần ảnh hưởng chính trị, đất đai chiếm lãnh tại vùng Levant rơi vào tay người Anh và người Pháp. League of Nations (tiền thân của Liên Hiệp Quốc ngày nay), trao phần đất có tên “Palestine” ấy cho người Anh cai trị để trở thành “nhà” của dân Jewish từ đất khách trở về sinh sống tại Israel vì khắp nơi tại Âu Châu, dân Jewish gọi nhau hồi hương, về Ðất Hứa.

Phong trào về Ðất Hứa bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX, bị xua đuổi, bị kỳ thị trên đất khách, người Jewish đứng dậy thành lập phong trào “Zionism”, Zion (Hebrew: ציון‎ ,Tzi-yon) hay “hướng về Jerusalem”, tụ họp kêu gọi kiều bào Jewish hồi hương và thành lập quốc gia [mới] trên đất [cũ] của tổ tiên họ.

Tại Jerusalem, phần mộ của vua David được dân chúng sùng bái, xem như thánh tích của tổ tiên; không lạ là dù không được quốc tế nhìn nhận, người Israel vẫn xem Jerusalem là thủ đô của đất nước họ trong khi Tel Aviv phồn thịnh tấp nập lại chỉ là nơi làm ăn buôn bán, từa tựa như Washington DC và New York City của Hoa Kỳ.

Người Ả Rập Palestine dù đến sau (nhưng đã sinh sống trên mảnh đất ấy cả chục thế kỷ) cũng cho rằng đất ấy của tổ tiên họ và chống lại việc hồi cư của người Do Thái. Từ đó các cuộc xung đột đẫm máu xảy ra và tiếp diễn cho đến ngày nay.

le-doc-lap-cua-mot-dan-toc1
Pháo bông tại Jerusalem, mừng 70 năm lập quốc, tối 18/04/2018. nguồn: REUTERS/Ronen Zvulun

Ngày 29 tháng Mười Một năm 1947, Liên Hiệp Quốc đồng lòng chia đôi đất Palestine (dưới sự kiểm soát của Hoàng Gia Anh) thành hai mảnh, một mảnh cho Israel và một mảnh cho phía Ả Rập. Israel tuyên bố độc lập ngày 14 tháng Năm, năm 1948, thành lập quốc gia Israel, đất nước của người Do Thái, với ranh giới và quyền tự quyết rõ ràng được Hoa Kỳ, liên bang Xô Viết và Liên Hiệp Quốc công nhận. Tuy nhiên, bản đồ Israel được vẽ lại thêm một vài lần nữa với các phần lãnh thổ có tên “occupied land” hay đất chiếm giữ [bất hợp pháp]: Sau cuộc chiến tranh Arab- Israeli năm 1948, West Jerusalem trở thành lãnh thổ của Israel; và sau cuộc chiến tranh 1967, quân đội Israel đẩy lui quân Jordan, Egypt, Syria rồi chiếm luôn phần đất East Jerusalem.  Từ đó, kiều bào Israel tiếp tục hồi hương và theo luật định, mọi di dân gốc Do Thái đều được nhập tịch. Ðể phát triển đất nước nhanh chóng [đồng nghĩa với việc thành lập một quân đội hùng hậu], người Do Thái thắt lưng buộc bụng, bỏ tiền tài trợ những cuộc hồi cư của kiều bào. Chính sách kêu gọi hồi hương của Israel cũng được thể hiện qua nhiều hình thức khác, mời gọi con cái những người Do Thái về thăm đất tổ với những tấm vé máy bay tặng không, các chương trình du khảo giới thiệu học sinh [cha mẹ gốc Do Thái] ngoại quốc với các thắng tích Do Thái…, phát huy phong trào “Israel là Ðất Hứa của người Do Thái”.

Ðối mặt với những đe dọa thường xuyên từ láng giềng khối Ả Rập, dân số [và quân đội] là mối bận tâm lớn nhất của chính phủ Israel: Theo Nha Thống kê Dân Số, tính đến ngày độc lập thứ 70, dân số Israel là 8,842,000 người, 74.5% theo đạo Do Thái trong khi số người Ả Rập sinh sống tại Israel là 1.849 triệu hay 20.9% dân số. Ngoài ra, trong nhóm cư dân thiểu số,  khoảng 404,000 (4.6%) người có quốc tịch Israel, họ là những người theo đạo Thiên Chúa hoặc theo các tôn giáo khác.

Trước Thế Chiến II, dân số Do Thái trên thế giới khoảng 17 triệu người, trong số này, 6 triệu người đã bị tru diệt bởi quân đội Nazi trong biến cố Holocaust. Vào năm 1948, chỉ khoảng 806,000 người Do Thái (hay (6%) sinh sống tại Israel, phần còn lại sống rải rác khắp nơi. Giữa khối Ả Rập khổng lồ, với số cư dân nhỏ nhoi như thế mà người Do Thái đòi được quyền tự quyết để lập quốc, đủ hiểu là họ kiên quyết hy sinh và ảnh hưởng của kiều bào Do Thái mạnh mẽ đến chừng nào! Tính đến năm 2017, con số này lên đến 43%; tạm hiểu là trên một nửa số người [theo đạo] Do Thái còn là kiều bào, còn sống lưu vong. Tín đồ Do Thái tiếp tục sống bên ngoài Israel có thể vì con cái không nói được tiếng Hebrew, không biết đến hoặc quấn quýt với gốc rễ tổ tiên…, dù người Do Thái sinh sống tại ngoại quốc vẫn bị dân địa phương âm thầm kỳ thị và xua đuổi, một số synagogue vẫn bị đốt phá… qua các hoạt động được gọi là “anti-Semite”.

le-doc-lap-cua-mot-dan-toc2
Tác giả tại Israel

Kêu gọi kiều bào trở về, chính phủ còn khuyến khích việc sinh sản, sử dụng Thánh Kinh “Hãy đơm hoa kết trái mà thờ phượng Chúa Trời”: Tỷ lệ sinh sản của người Israel là 3.11/ mỗi phụ nữ, một tỷ lệ cao nhất trên các quốc gia Âu Mỹ (quốc gia thứ nhì về sinh sản là Mexico với tỷ lệ 2.2 / phụ nữ). Trung bình, mỗi phụ nữ Do Thái sinh 3.6 đứa con trong khi phụ nữ Ả Rập sinh 3.11 đứa con. Nói giản dị là người Do Thái sinh sản nhiều hơn so với người Ả Rập. Ðây là một quốc sách của Israel, gia tăng dân số nhanh chóng để có người bảo vệ đất nước! Gia đình có con cái đều được trợ cấp từ chính phủ.

Sinh đẻ nhiều hơn và người Israel cũng sống lâu hơn, năm 1949, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 67.6 năm và nam nhân là 64.9 năm. Ngày nay, phụ nữ sống đến tuổi 84.2 và nam nhân thọ đến 80.6 tuổi.

Tuần lễ này, người Do Thái tại Israel cho rằng họ có nhiều lý do để ăn mừng: sự tái sinh của một dân tộc; sự thành lập một xã hội cấp tiến trên miền đất bạo ngược, chuyên chế; sự thành công của cuộc “cách mạng” sinh thái, biến sa mạc thành nơi trồng cấy; và sau cùng là sự chấm dứt của 1,878 năm lưu vong!

TLL