Menu Close

Những nhạc khúc viết cho niềm cô đơn

Năm 1979, nhóm Police chuẩn bị bước vào ánh hào quang của sự nghiệp. Họ tung ra album Reggatta de Blanc, một đĩa nhạc ít khi được nhắc đến ngoài ca khúc Message in a bottle. Bản nhạc này kể về một kẻ bị trôi dạt vào hoang đảo. Anh sống trong sự cô độc, cô độc hơn bất cứ ai có thể chịu đựng được. Thế rồi anh bèn gửi lời kêu cứu đến thế giới rằng hãy cứu lấy anh khỏi sự cô độc, tuyệt vọng đó. Bức thông điệp kêu cứu được anh viết, bỏ vào trong một cái chai và quăng xuống biển. Đương nhiên, anh hy vọng sẽ có ai đó lượm được cái chai tức là đọc được thông điệp của anh. Một năm trôi qua kể từ ngày… quăng chai, vẫn không có tăm hơi gì nhưng chính sự hy vọng và chờ đợi giúp anh có thể đứng vững. Buổi sáng sớm, anh ra bờ biển trông ngóng cánh buồm nào đó, hy vọng có người đọc được lời kêu cứu và đến với anh. Nhưng rồi anh không thể tin được vào mắt mình. Trên bờ biển, có vô số chai với những bức thông điệp kêu cứu khác dạt vào bờ. Anh không phải là người duy nhất cảm thấy sự cô độc vây quanh mình quá sức chịu đựng đến mức phải kêu cứu. Có hàng trăm tỉ kẻ bơ vơ đang mơ về mái nhà…

alt

Năm 1999, nhóm Travis có được thành công bất ngờ đầu tiên của mình nhờ đĩa đơn “Why Does It Always Rain on Me?”. Họ xuất hiện tại liên hoan Glastonbury để trình diễn ca khúc này. Sau vài tiếng đồng hồ khô ráo, ngay khi câu hát đầu tiên của bài này cất lên, trời lập tức đổ mưa! Câu chuyện ly kỳ này xuất hiện tràn ngập trên báo và truyền hình ngày hôm sau. Với lời truyền miệng và lượt phát trên phát thanh tăng vọt, ca khúc này đã leo lên được hạng nhất ở Anh và giúp album The Man Who được giải album xuất sắc nhất tại Brit Awards cũng như nhiều giải thưởng khác.

Nhân vật chính trong ca khúc “Why Does It Always Rain on Me?” luôn nhìn cuộc sống rất bi quan, ví dụ thay vì thấy ánh sáng cuối đường hầm thì anh thấy đường hầm cuối ánh sáng! Anh không cảm thấy được bất cứ điều gì tươi tắn trong cuộc sống, ngay cả khi trời nắng thì anh cũng không tránh được sấm sét. Những ngày nắng đẹp của anh đã đi đâu mất và không hiểu tại sao, trời lúc nào cũng đổ mưa lên anh. “Bầu trời xanh đã đi đâu? Và tại sao trời lại mưa thế này? Thật lạnh lẽo, tôi không thể nào chợp mắt đêm nay…”

Không phải ca khúc nào về sự cô đơn cũng buồn bã, u ám. Có những bản nhạc tôn vinh sự cô đơn như Longview của Green Day. “Tôi ngồi xem TV nhưng chẳng có gì cả. trong vòng một hai tiếng đồng hồ, tôi đổi kênh liên lục, nhúc nhích ngón tay cái. Nhấc tôi ra khỏi chiếc ghế này vì tôi chắc là mình không thể tự mình làm được. Tôi cảm thấy như chú chó bị nhốt trong nhà vì ngoài đường quá nóng. Tôi đã tự khóa mình lại trong căn xà lim và đánh mất chìa khóa. Tôi chẳng có động lực nào cả. Ngồi một chỗ nhìn chiếc điện thoại nhưng chẳng ai gọi đến. Tôi cắn môi và nhắm mắt, hãy đưa tôi đến thiên đàng”

Clip nhạc của ca khúc từ album Dookie này được phát đều đặn trên MTV thời điểm 1994 và Longview cũng là một bài hit của nhóm. Dookie có chủ đề về sự trăn trở của các thành viên, sự nhàm chán trong cuộc sống cũng như các vấn đề về tình dục.

Có những giọng hát và dòng nhạc cũng tôn vinh sự cô độc, lạc lõng. Nick Drake, Elliott Smith hay Jeff Buckley thể hiện sự cô độc ngay trong giọng hát bàng bạc, lãng đãng của mình. Nick Drake không hề được để ý đúng mức trong cuộc sống ngắn ngủi của mình. Mãi đến khi anh qua đời năm 26 tuổi vì dùng thuốc chống trầm cảm quá liều, thế gian mới nhận ra họ đã bỏ sót một tài năng trong quên lãng. Người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Nick Drake, Elliott Smith đã cải thiện được ít nhiều khi có được tiếng tăm từ bài Miss Misery, sử dụng trong phim Gool Will Hunting. Ca khúc này được đề cử giải Oscar và dù không chiến thắng, Smith vẫn có cơ hội diễn tại lễ trao giải Oscar, bên cạnh Trisha Yearwood và Celine Dion, biến lễ trao giải năm đó trở nên rất đặc biệt và lạ lùng. Nhưng kết cục của Smith lại không khác Nick Drake. Hết sức bất ngờ với bạn bè và người hâm mộ, xác của Smith đã được tìm thấy với hai vết dao đâm vào ngực, khi anh mới 24 tuổi. Nguồn cơn của cái chết này cho đến nay vẫn còn bí ẩn. Jeff Buckley có một sự nghiệp kéo dài hơn, quen thuộc với bản Hallelujah hát lại của Leonard Cohen và mang lại một lượng người nghe mới cho ca khúc này. Năm 30 tuổi, sau một số thành công nhất định trong sự nghiệp, vào một đêm cuối tháng 5, Buckley quyết định đi bơi ở sông Mississipi. Anh lao xuống sông khi còn mặc quần áo đầy đủ và vài phút sau, biến mất dưới mặt nước. Mọi cố gắng tìm kiếm đều vô ích. Khoảng 5 ngày sau, xác anh được tìm thấy.

alt

Jeff Buckley

NV