Menu Close

An sinh xã hội 06/13/2018

Hỏi

Cháu có đứa con bị chứng tự kỷ, cháu nghe người ta nói tới 18 tuổi con cháu mới xin được SSI.       

Đáp

Cháu bé ra đời với chứng tự kỷ. Với tình trạng sức khoẻ tâm thần cháu không đủ sáng suốt để quyết định những việc cho bản thân mình. Khi còn bé, là trẻ vị thành niên, cha mẹ có toàn quyền quyết định trên mọi vấn đề liên quan đến an sinh của trẻ. Một khi được 18 tuổi, cháu trở thành ” người lớn”,  có nghĩa là cháu có quyền làm những gì mình muốn. Do đó, vì muốn bảo đảm có bậc phụ huynh giúp đỡ và hướng dẫn cháu trong từng sinh hoạt thì cha hay mẹ có khi cần phải xin quyền giám hộ cho cháu.

Trường hợp một số trẻ bị khuyết tật từ thuở sơ sinh nhưng lại không xin được trợ cấp lợi tức bổ sung (SSI).

SSI chữ viết tắt của Supplemental Security Income là chương trình nhằm giúp đỡ người tuổi trên 65, tàn tật hay mù loà có thu nhập và tài sản hạn chế. Ðối với trẻ dưới 18 tuổi thì sở An Sinh Xã Hội sẽ dùng số tài sản và thu nhập của cả cha mẹ đứa bé để cứu xét hồ sơ. Ðối với một gia đình gồm có cha mẹ và trẻ thì mức tài sản được cho phép là $5,000.00. Như có đề cập ở phần trên, lý do trẻ khuyết tật không xin được SSI vì thu nhập và tài sản của cha mẹ vượt quá mức chính phủ quy định. Ngày được 18 tuổi , khi xin SSI , chính phủ sẽ không còn để ý đến thu nhập và tài sản của cha mẹ nữa.

Biết rằng đã được 18 tuổi nhưng trẻ không đủ hiểu biết để tự nạp đơn xin SSI, nên cha hay mẹ có thể tiến hành thủ tục xin trợ cấp cho con. Trong trường hợp nầy An Sinh Xã Hội không đòi hỏi văn kiện pháp lý của quyền giám hộ nhưng cha hay mẹ của trẻ phải nạp đơn xin được là người đại diện cho con .

Bước thứ nhất là xin cuộc hẹn với văn phòng An Sinh Xã Hội, gọi số điện thoại 1-800-772-1213

Có thể yêu cầu được phỏng vấn qua điện thoại hay đích thân đến văn phòng địa phương. Phụ huynh cũng có thể nạp đơn trực tuyến tại www.socialsecurity.gov

Kế đến cần chuẩn bị các giấy tờ như thẻ An Sinh Xã Hội , khai sanh và hồ sơ bệnh án.

Hỏi

Cô cho em hỏi một cuộc hôn nhân được 6 năm thì ly dị được 5 năm. Sau đó hai người kết hôn lại với nhau được 7 năm thì lại ly dị. Như vậy, cuộc hôn nhân này có được tính 13 năm không, vì kết hôn cùng một người? Khi đến tuổi hưu có được ăn theo lương hưu người phối ngẫu không?  

Đáp

Người đi làm chính trong gia đình sau khi đã tạo được số tối thiểu  40 tín chỉ An Sinh Xã Hội có thể xin về hưu ở số tuổi sớm nhất là 62.

Chi phiếu hưu bổng cao thấp tuỳ thuộc vào mức thu nhập và thời gian làm việc. Người phối ngẫu cũng có thể ăn theo quyền lợi dưới hồ sơ làm việc của người kia khi người vợ hay chồng cũng được số tuổi 62..

Bàn về quyền lợi của người phối ngẫu thì nếu là vợ hay chồng đang chính thức kết hôn thì hai người phải kết hôn với nhau, thời gian tối thiểu là 9 tháng. Trong trường hợp là đôi vợ chồng đã ly dị thì đòi hỏi phải có hôn nhân kéo dài 10 năm.

10 năm kết hôn phải là thời gian không gián đoạn, vì vậy hai lần kết hôn cho dù cùng một người, nhưng mỗi lần dưới 10 năm thì không hội đủ tiêu chuẩn để xin quyền lợi ăn theo.

AH