Menu Close

Thời thế, thiện, ác, và con người (kỳ 2)

Lời giới thiệu: Nhân ái từ Chúa, từ bi từ Phật, thương người như  thể thương thân từ ca dao… đã thấm đẫm xã hội qua giáo dục và tôn giáo, nên đối xử tốt với tù hàng binh địch không chỉ là một chính sách mà còn là quân lịnh của Quân Lực VNCH. Bắt được một cán binh Bắc Việt lạc đơn vị, đói khát trong rừng mấy ngày trời, người lính VNCH rất sẵn lòng nấu cho họ một gói mì gói, hay chia một bịch cơm sấy, là chuyện rất thường tình và chẳng bao giờ bị quy kết chính trị. Đại Úy Phạm Văn Tư bị bắn từng phát một cho đến khi nát hết chân tay khi vượt rào trốn trại ở Suối Máu, sau đó tử vong vì không được cho băng bó vết thương. Chính người sĩ quan khóa 19 Võ Bị này năm 1970, tại Pleiku  đã xin trực thăng tải thương một cán binh Bắc Việt bị mìn về Bệnh viện 71 Dã chiến Hoa Kỳ chỉ vì… không cứu kịp, anh ta sẽ chết. Những hình ảnh trái ngược Thiện, Ác đó rất thật trong mảng hồi ký của Thiếu Tá Vương Mộng Long mà người đọc có thể rơi nước mắt – HĐNam

Hồi ký 3 kỳ-Kỳ II

Tôi trao bao thuốc cho tên Việt-Cộng,

– Này hút đi! Salem đầu lọc nhẹ lắm!

– Không thèm!

Nhìn tôi với ánh mắt lừ lừ, gờm gờm, hắn ta gằn giọng.

Tôi cứ tỉnh như ruồi,

– Không hút thì thôi! Tớ hút một mình.

– Thuốc của đế quốc, không thèm hút!

– Thông cảm đi! Ở đây không có thuốc lào. Chỉ có thuốc thơm đế quốc thôi. Không hút thì nằm đó mà ngửi khói.

Tới chiều, chúng tôi được cung cấp mỗi người một khay thức ăn, gồm một bánh mì kẹp thịt bò, một hộp sữa tươi, và một chùm nho.

Tôi và chú GI ăn uống rất ư là tự nhiên, còn tên cán binh Bắc-Việt thì nằm quay mặt vào tường không thèm chạm tới cái khay.

thoi-the-thien-ac-va-con-nguoi3
Tù binh cộng sản xin ở lại với chính nghĩa Quốc Gia trong ngày trao trả tù binh

Trước khi quay gót đem theo cái khay của tôi, cô điều dưỡng nhìn tên bộ đội một lúc, rồi dịu giọng,

– Take it! It’s good for you! (Ăn đi! Thức ăn này tốt cho anh đó!)

Tôi chêm thêm,

– Ăn đi chứ! Không ăn thì chết đói! Muốn gì thì cũng phải sống trước đã! Ăn đi!

Cô y tá nhìn tôi, đồng tình,

May you tell him to take it? (Anh có thể khuyên anh ta ăn được không?)

Tôi nghiêm mặt, hù cho anh cán binh sợ thêm,

– Thôi ăn đi! Anh không ăn, cô ấy dẹp mất thì đói đấy!

Anh chàng hình như cũng đói lắm rồi? Sau một phút ngập ngừng, chàng đưa tay cầm kẹp bánh mì, rồi vội quay mặt vào tường.

Buổi tối, trời trở lạnh, anh lính Mỹ nổi cơn, la hét, chửi bới om sòm. Cô y tá trực phải tới ngồi ở cuối giường, an ủi dỗ dành, rồi đọc truyện cho anh ta nghe.

Tôi mồi một điếu Salem, đưa cho tên Việt-Cộng,

– Hút đi! Không nguy hiểm tới tính mạng đâu mà sợ.

Lần này thì hắn ta không từ chối nữa.

– Ừ! Có thế chứ! Này! Vì sao bị thương và bị “tó” vậy? tôi bắt đầu gạ gẫm.

– Ðang điều nghiên mục tiêu thì bị vướng mìn.

– “E” mấy? (E là cấp trung đoàn của Việt Cộng)

– Hăm Tám (28)

Tôi đã biết E 28 là tên của Trung Ðoàn 28 Mặt Trận B3 Cộng-Sản Bắc-Việt, nên khai thác tiếp,

– Năm ngoái tớ có đụng E 28 ở Dak-Tô. Trận đó E 28 chết gần hết, cậu còn sống sót là may lắm đó!

– Mới bổ sung về E 28 hai tháng thôi.

– Cấp chức gì?

– Trung úy Ðặc-Công.

– Quê ở đâu?

– Hải …”Rương”

– Làng nào?

– Hỏi gì mà lắm thế?

– Thôi không hỏi nữa!

Thấy hắn sắp quạu, tôi không thèm nói chuyện thêm. Tôi xoay người lại, nằm ngửa, quay mặt sang anh bạn Ðồng-Minh. Cậu bé đã ngáy khò khò.

Ðêm vào khuya, tôi bị vết mổ hành, chỉ nhắm mắt, chập chờn. Thêm vào đấy, cứ ba tiếng đồng hồ, y tá lại đánh thức tôi dậy, nhét hai viên trụ sinh vào mồm bắt nuốt. Từ sau lần bị thương thứ nhì, cơ thể tôi không thể tiếp nhận Penicillin, nên kỳ này bác sĩ cho tôi uống Erythromycin với liều lượng cao gấp đôi để phòng ngừa vết mổ làm độc.

Hình như tên tù binh có tâm sự, không ngủ được. Chắc anh ta đang suy tính điều gì gay go lắm? Lâu lâu hắn lại mở mền, hé mắt quan sát quanh phòng. Có lúc hắn gượng gạo ngồi dậy thử đứng hai chân trên nền nhà, nhưng thấy không vững, y đành ngồi phịch xuống nệm, thở dài.

Mấy lần y mở miệng gọi tôi:

“Này! Này!”

Tôi khoát tay ra dấu cho hắn ta im tiếng, đừng làm ồn lúc đêm khuya.

Quá nửa đêm, ba, bốn y tá vào phòng hồi sức, chuyển anh lính Mỹ ra xe, chở đi.

Lợi dụng lúc căn phòng chộn rộn, ồn ào, anh cán binh hỏi nhỏ,

– Các anh có đem tôi đi bắn bỏ không?

Tôi ngạc nhiên,

– Cái gì mà bắn bỏ? Ai nói với anh điều đó?

Anh cán binh trả lời với vẻ mặt hoàn toàn thật thà,

– Chính ủy nói mà! Chính ủy nói, nếu để các anh bắt, các anh sẽ đem xử bắn.

Tôi phì cười,

– Ai mà bắn anh làm gì? Tuyên truyền bậy bạ thế mà anh cũng tin!

Anh Việt-Cộng ngẩn người, ra chiều suy nghĩ, rồi lẩm bẩm:

“Chẳng lẽ chính ủy nói sai?” tiếng anh ta nhỏ như thể là, anh ta nói, cho chính mình anh ta nghe thôi.

– Này! Có phải Xuân là vợ anh không? tôi hỏi dò.

– Ðúng! Xuân là vợ tôi đấy! Xuân vừa đẻ đứa con gái đầu lòng thì tôi có lệnh đi B. Không biết kiếp này tôi có còn gặp lại Xuân và Bé Ty không?

Nghe tâm sự của anh ta, tôi không khỏi mủi lòng.

Hai người ngừng trò chuyện khi cô y tá trở về phòng cho tôi uống thuốc.

Ngày kế tiếp, sau bữa ăn sáng, hai Quân Cảnh gác cửa phòng rút đi, Ðại Úy Phạm Văn Tư và viên sĩ quan Phòng Nhì Sư-Ðoàn 4 Hoa-Kỳ lại xuất hiện.

Anh Tư bắt tay tôi, rồi ngồi xuống cạnh giường bệnh của tên tù Phiến Cộng,

– Hết lo chết rồi nhé! Giờ thì mình đi thôi!

Viên đại úy Mỹ cũng cúi xuống, vỗ vai người tù, xí xố vài câu hỏi thăm.

Sau đó, hai sĩ quan Việt, Mỹ đỡ tên tù Cộng-Sản lên ghế lăn.

Tôi đưa bao Salem còn hơn nửa cho tên cán binh,

– Này! Cầm lấy! Tôi cũng người Hải-Dương…

Anh trung úy Việt-Cộng rụt rè cầm bao thuốc lá nhét vào túi. Rồi, anh ta nắm lấy bàn tay phải của tôi, lắc lắc vài cái,

– Các anh đã cứu mạng tôi. Người ta nói rằng các anh độc ác lắm. Nhưng thật ra… các anh có độc ác đâu?

Lúc này ánh mắt anh ta không còn vẻ gờm gờm, hằn học nữa. Tới cửa phòng, anh ta giơ tay vẫy tôi lần cuối.

Tới trưa, tôi được truyền thêm một bịch nước biển pha trụ sinh, rồi rời bệnh viện lúc hai giờ chiều, theo chế độ điều trị ngoại trú.

Bà bác sĩ trưởng khoa dúi vào tay tôi cái bao nylon, trong đó chứa cục đạn bằng gang màu đen đã được chùi rửa sạch.

“Don’t throw it away! Keep it for memory!”  (Ðừng vứt nó đi! Giữ nó làm kỷ niệm!)  bà dặn dò.

Bà không bắt tay tôi, mà xoay lưng đi về văn phòng, sau khi nói lời từ biệt:

“Take care! Good bye! My son!”  (Hãy bảo trọng! Tạm biệt! Con trai tôi!”

Phút chia tay, hình như bà tránh nhìn tôi, giọng nói của bà run run.  Khi đỡ tôi lên xe, cô y tá mới nói nhỏ vào tai tôi: “Her son was a Ranger like you!” (Con trai của bà ấy cũng là Một Biệt Ðộng Quân như anh!)

Hai ngày sau tôi trở lại bệnh viện để thay băng thì cô y tá quen báo cho tôi biết rằng bà y sĩ Trung tá trưởng khoa vừa lên đường về nước vì bà đã mãn nhiệm kỳ phục vụ ở Việt-Nam.

Nhớ tới bà, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác lâng lâng, ngọt ngào.

Thế là bà đã về quê! Bà đã xa rời chốn hiểm nguy. Bà sẽ về đoàn tụ với người con trai của bà; anh ấy cũng là một “Ranger” như tôi. Bà cũng giống mẹ tôi: những lúc xa con, thấy anh lính nào cỡ tuổi con mình, cũng thấy thương, như là thương con mình…

o O o

Cuối tháng Chín năm 1974 Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân xuống Ðức-Lập tăng cường cho Tiểu-Khu Quảng-Ðức để tham dự cuộc hành quân khai thông Liên Tỉnh Lộ 8 B. Thiếu Tá Phạm Văn Tư, lúc này là Trưởng Phòng 2 Tiểu-Khu Quảng-Ðức lại gặp tôi lần nữa. Nhớ chuyện năm nào ở Bệnh Viện 71 Dã-Chiến, tôi hỏi anh Tư,

thoi-the-thien-ac-va-con-nguoi4
Tù cải tạo

– Ngày đó, vì cớ gì mà anh cứu thằng trung úy Ðặc-Công Việt-Cộng?

– Ðạo lý làm người mà Long! “Moa” cứu hắn, chỉ vì hắn sắp chết. Vả lại, hắn đâu phải là kẻ thù của chúng ta? Hắn chỉ là kẻ địch của chúng ta thôi.

Tôi biểu đồng tình,

– Ðúng! Kẻ thù là người có ân oán với mình. Những tên cán binh đang đánh nhau với mình thì có thù oán gì với mình đâu?

Tôi hỏi tiếp,

– Sau này anh có còn gặp lại y không?

– Không. Vì khai thác xong thì tụi này chuyển giao anh ta cho Phòng Nhì Quân-Ðoàn II ngay. Giữ lâu làm gì?

Tôi nhắc anh Tư,

– Anh có nhớ chuyện thằng Vi-Xi đó cứ gọi tên Xuân lúc hôn mê không? Và anh có biết Xuân là ai không?

– “Moa” không hỏi, mà cũng quên khuấy chuyện này rồi.

– Xuân là tên vợ hắn. Ðứa con gái hắn vừa chào đời, thì hắn có lệnh vào Nam .

Nghe vậy, anh Tư bèn đưa bàn tay phải lên ngang ngực, giơ ngón trỏ ra nhịp nhịp,

– Ừ há! Chắc ngày trao đổi tù binh năm 1973 hắn đã về đoàn tụ với gia đình ngoài Bắc rồi.

Tôi chợt nhớ, tên cán binh ấy là người Hải-Dương, nên buột miệng,

– Thằng đó là người cùng quê với tôi đấy!

Anh Tư gật gù,

– Có khi hai người là bà con cũng nên?

Tôi cũng gật gù theo,

– Biết đâu chừng lại là anh em, họ hàng. Tôi có một bà dì và hai ông bác còn ở ngoài Bắc. Nếu như hắn là con của những người này, thì quả là “cốt nhục tương tàn”.

Anh Tư phụ họa,

– Những thằng địch đang cầm súng chỉ là nạn nhân bị tụi đầu sỏ cầm quyền lợi dụng máu xương thôi. Mấy thằng Cộng-Sản “cội” đang ăn trên, ngồi trốc ở ngoài Hà-Nội mới là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” này. Tụi đó mới chính là kẻ thù của chúng mình!

o O o

Ðầu năm 1976, nghĩa là đúng sáu năm, sau ngày Ðại Úy Phạm Văn Tư áp giải viên trung úy Ðặc-Công Việt-Cộng tới Bệnh Viện 71 Dã-Chiến Hoa -Kỳ, thì tôi và anh Tư đã thành hai trong số vài trăm tù nhân cấp thiếu tá của khu K 3 trại Tam-Hiệp, Biên-Hòa.

Thời kỳ này, giờ khắc trôi từ từ như đang đợi chờ ngày bầu cử Quốc-Hội nước Việt-Nam Thống-Nhất. Chúng tôi còn ở trong Nam, chưa bị đưa ra Bắc, chưa bị cưỡng bách làm các công tác lao động nặng.

Riêng anh Phạm Văn Tư và người cùng Khóa 19 Võ-Bị của anh là Trần Văn Bé được trại tuyển dụng làm thợ đóng bàn ghế trên ban chỉ huy. Tám giờ sáng, vệ binh vào mở cổng, dẫn hai anh đi làm công tác. Năm giờ chiều, hai anh tự động trở về K 3, không có ai dẫn độ.

Anh Trần Văn Bé là người ở cùng Ðại Ðội B với tôi trong Trường Võ-Bị thời sinh viên sĩ quan. Anh Bé cũng là người đã huấn luyện tôi những ngày đầu đời lính, nên chúng tôi không lạ gì nhau.

Chiều chiều, anh Tư và anh Bé thường rủ tôi tới Lán 2, nơi có cái bàn gỗ của Thi Sĩ Trương Minh Dũng để hút thuốc lào và tán gẫu. Anh Trương Minh Dũng là bạn cùng Khóa 5 Thủ- Ðức với Trung Tá Hoàng Kim Thanh, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân. Tôi đã gặp anh Dũng vài lần khi chúng tôi mới tới tăng phái cho tỉnh Quảng-Ðức hồi tháng 9/1974. Lúc đó anh Dũng đang giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Tiểu-Khu này. Bây giờ thì ông Thi Sĩ Tham Mưu Trưởng Tiểu-Khu ngày xưa đã mang biệt danh rất hợp thời là “Dũng Ðiếu Cày”.  Anh Tư biết tôi ghét thuốc lào, nên mỗi ngày anh đều vấn cho tôi vài điếu thuốc rê Cẩm-Lệ.

Buổi trưa một ngày tháng Hai năm 1976, có tiếng súng liên thanh nổ ròn rã một tràng dài ngoài hàng rào. Tiếng súng ngừng lại vài giây, rồi tiếp tục, nhưng lơi đi, từng phát một, như ai đó đang thực tập bắn bia. Trên con đường nhựa bao quanh các khu cách ly, vệ binh chạy rầm rập nối đuôi nhau. Chúng vừa lên đạn “lách cách!”  vừa gọi nhau ơi ới:

“Báo động! Báo động! Tù trốn! Tù trốn!”

Cổng chính của tất cả các khu giam giữ tù cải tạo liền bị đóng kín, khóa lại. Chòi gác nào cũng đầy lính canh, súng chĩa vào sân. Tù nhớn nhác nhìn nhau ngơ ngác.

Rồi cửa hông được mở cho hai vệ binh ghìm súng A.K đi vào K 3 để kiểm tra. Tù cải tạo bị đuổi về lán. Vệ binh vào từng nhà, đếm đầu, nhận mặt từng người, với sự xác nhận của lán trưởng.

Kiểm tra xong, trong sân trại sinh hoạt đã trở lại, nhưng không còn cái không khí ồn ào náo nhiệt thường ngày. Tù cải tạo vẫn tụm năm, túm ba, nhưng không phải để đánh cờ, chơi bóng chuyền, hay tập thể dục dưỡng sinh, mà để rì rầm với nhau về chuyện mới xảy ra lúc buổi trưa. Chẳng ai biết vị sĩ quan nào của Việt-Nam Cộng-Hòa đã mạo hiểm làm nên sự kiện này. Trong sân trại, tiếng chim se sẻ nói chuyện với nhau nhiều hơn là tiếng người ta.

Khoảng hai giờ chiều, loa phóng thanh trên chòi cao ra lệnh cho các lán trưởng lên văn phòng nhận lệnh. Khi trở về, lán trưởng Lán 24 của tôi là Y Sĩ Thiếu Tá Trần Thành Trai tập họp tất cả lán viên, rồi tuyên bố:

“Trưa nay có hai cải tạo viên trốn trại. Tên Phạm Văn Tư bị bắt lại. Tên Trần Văn Bé còn tại đào. Các anh đừng hoang mang, nghe lời dụ dỗ của bọn phản động mà trốn trại, sẽ mang họa vào thân.”

(còn tiếp)