Menu Close

Xuôi những nẻo đường Amtrak ngược về một văn hóa xanh

Ảnh xạ ngược – Trên những vách núi thời tiền sử, nhân loại của thế giới hậu hiện đại đã tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật ba chiều phức tạp, giật sập định kiến trước nay vốn cho rằng tổ tiên loài người thuở xa xưa chưa phát triển được những cách suy nghĩ và diễn đạt phức tạp phong phú. Những họa phẩm trên vách đá đã phản chứng một cách hùng hồn cái nhìn một chiều trước đây: rằng con người luôn đi trên tiến trình ‘‘văn minh’’ hóa và do đó, tự cho mình khôn ngoan hơn các bậc tiền nhân. Đây là một ‘‘phản ứng phụ’’ của tiến bộ khoa học kỹ thuật vậy.

alt

Trạm xe lửa ở San Juan Capistrano – Nguồn Wikipedia

Ngày nay, với những chứng bệnh hiểm nghèo nan y, người ta dần dần nhận ra giá trị của những phương thuốc bí truyền và bắt đầu học theo cách chữa bệnh bằng những dược chất tự nhiên thay vì hóa học. Trong thế kỷ 21, con người không chỉ khám phá ra sự khôn ngoan của thời đại tiền sử, mà còn nhận chân được kho tàng tri thức của thiên nhiên. Người ta bắt đầu ‘‘về nguồn’’ rầm rộ hơn khi quả đất mong manh lâm trọng bệnh. Trong kinh nghiệm về nguồn ấy, con người biết được sự bao dung và giới hạn chịu đựng của quả địa cầu. Vận tốc không phải là tất cả. Tăng tốc không còn là mục đích tối hậu nữa. Nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đang học cách giảm tốc, để thực sự sống, và sống còn.

Car culture, train culture

– Cô có ngửi thấy không?  Mùi thắng xe đấy!

Người phụ nữ trung tuần bịt mũi khi đoàn tàu Amtrak hãm tốc để ghé trạm xe lửa ở San Juan Capistrano. Mùi khói cháy khét nồng lên trong ánh nắng chiều mơn mởn. Bảng tên “San Juan Capistrano” màu trắng rỉ sét trên cái cọc meo mốc thời gian. Những giàn hoa giấy đỏ bừng lên một lời mời của thành phố mệnh danh “Bảo Vật của các Di Tích Truyền Giáo” tại California. Nhìn từ toa tàu, có những khu vườn bé tí, như thể một sản phẩm của tuổi thơ. Có những tiệm bán đồ lưu niệm cũ kỹ, với mái vách rêu phong, và những lối mòn bện dây leo hoa trắng. Và có một chút gì đó như thể vấn vương e ấp. Trạm xe lửa này cổ kính, không hiện đại và nguy nga như trạm ở Irvine, nhưng nó tạo cho du khách một cảm giác thật dễ chịu. Bến đỗ San Juan Capistrano tạo cho du khách một âm hưởng êm ả của văn hóa xe công cộng.

Khi tôi vừa đến Stockholm mùa thu năm 2004 từ California, người ta bảo tôi:

– À, thì ra cô đến từ ‘‘nền văn hóa xe riêng.’’

Đó là cách nói về những vùng mà đại đa số cư dân sử dụng xe hơi làm phương tiện di chuyển, để phân biệt với ‘‘văn hóa xe công cộng’’ ở những nơi mà hệ thống xe điện ngầm chằng chịt và các tuyến xe buýt chạy liên hồi cho phép dân bản xứ đi lại bằng hệ thống giao thông công cộng. Tuy là xe công cộng, nhưng người ta thường ví von là có ‘‘tài xế riêng’’ vì không phải nhọc công lái xe.

Sự phân biệt hai nền văn hóa xem chừng đơn giản, nhưng thực ra phản ảnh một sự khác biệt rất lớn trong nếp sống. Không dễ dàng để một người từ văn hóa xe riêng có thể hội nhập vào nền văn hóa xe công cộng.Tôi nhớ trong thời gian đầu sống ở Stockholm, mỗi lần đi đâu tôi đều phải dò tuyến xe, canh giờ để đón xe, và đôi khi phải ra trạm xe sớm hơn thời khóa biểu để phòng hờ bác tài đến sớm. Và để làm quen với hệ thống xe công cộng ở bất cứ nơi nào cũng là cả một vấn đề. Phải biết tuyến đường nào thuận tiện hơn, xe nào đi thích hợp hơn, và phải đi bộ nhiều dãy phố để chuyển xe hay đổi tuyến. Có lẽ vì thế mà người ta nói đến việc đi xe công cộng như cả ‘‘một nền văn hóa’’.

Lần đầu tiên tôi đi Amtrak là vào mùa hè 2001 khi tôi sống ở Hoa Thịnh Đốn và thực tập tại Bộ Y Tế Liên Bang. Tôi đón xe ở Union Station, đi thăm người quen ở Pittsburgh. Đường rầy uốn cong theo chân núi, ron rả theo dòng suối, xuyên qua những làng quê tĩnh mịch. Tôi thấy sao gần gũi lạ với miền Đông Bắc Hoa Kỳ, trong lần sơ ngộ ấy, những ý nghĩ lăn theo tốc độ đều đều của toa tàu. Mùa hè năm ấy, tôi cũng tập tành văn hóa xe công cộng, tuy chỉ vỏn vẹn có ba tháng trời (cho mãi đến ba năm sau, tôi mới thực sự hấp thụ nền văn hóa này khi tôi đi nghiên cứu và sinh sống ở Châu Âu). Cái lạ lẫm cũng có, cái… ngớ ngẩn cũng nhiều. Khi tôi mới đến Hoa Thịnh Đốn và cư trú tại Catholic University of America, tôi ra trạm xe điện để đến sở ngày đầu tiên. Cô quản lý văn phòng đã email dặn tôi xuống bến Shady Grove, đi tuyến màu cam, nên tôi đứng chờ mãi, xe màu cam đến thật nhiều lần mà chả có xe nào đi bến của tôi cả. Với hướng dẫn lộ trình trong tay, tôi tin tưởng chờ. Hai tiếng đồng hồ sau, tôi dò hỏi, thì người ta bảo đi xe màu cam nào cũng đến Shady Grove. Rõ khổ! Lần đầu như thế đấy!

Mỗi nơi lại có cái luật riêng. Ở Anh, đứng chờ ở trạm xe buýt thì phải giang tay ra hiệu khi thấy đúng xe của mình đến, trong khi ở Thụy Điển thì cứ đến trạm là tài xế dừng lại khi thấy có người chờ. Mùa hè 2005, tôi hẹn gặp với phóng viên đài BBC, mà chờ mãi xe buýt chẳng dừng. Sau đó mới biết, không giơ tay ra hiệu thì tài xế… chạy luôn. Lúc đó, tôi đã quen ở Thụy Điển một năm, đi xe buýt chẳng bao giờ cần ra dấu ra hiệu gì cả. Khi phải giơ tay gọi xe buýt, tôi thấy ngường ngượng làm sao, nhưng ở đâu thì phải theo đó.

alt

Amtrak California – Nguồn Wikipedia

Nhịp điệu hỏa xa

Chuyến Amtrak đi từ Manhattan đến Syracuse chạy dọc theo dòng Hudson, làm tôi nhớ đến những chuyến xe lửa ở Stockholm, cũng chạy men theo những dòng nước. Mùa hè New York oi ả. Hành khách đứng ngồi, như bầu trời ì ạch mưa nắng. Những trận mưa ào qua, làm rớt nắng, lững lờ trên những vạt xanh. 

Hành khách đa số là những vị cao niên đi thăm họ hàng, hay những gia đình trẻ đi nghỉ hè. Cũng có các sinh viên về quê thăm nhà. Xe đến muộn, tôi ngồi chờ bên cạnh một bà cụ hiền lành mảnh mai. Thấy tôi đan khăn choàng, bà hỏi:

– Cô có biết ‘‘tatting’’ không?

– ‘‘Tatting’’ là gì hả bà?

Tatting là nghệ thuật làm ren. Bà cụ bảo tôi rằng một người bạn của bà rất mê tatting, và dành rất nhiều thời gian để mở những lớp dạy miễn phí vì không muốn nghệ thuật này bị mai một. Bà nói, nếu tôi học tatting, thì bạn bà sẽ rất mãn nguyện. Thế mà hay. Có lẽ việc kim chỉ thời nay không còn thịnh hành nữa, và những người phụ nữ còn tâm huyết với nghệ thuật này đều tận lực để giữ gìn nó. Giữa không gian thinh lặng của cây xanh và đường rầy xe lửa chạy hút xa, là những trăn trở và vật lộn của con người qua những chặng đường lịch sử. Càng tiếp cận với những vùng đất khác nhau ở Hoa Kỳ, tôi càng gặp được những nếp sống kết hợp kim cổ, không quá cao tốc như ở các thành phố lớn ở California. Tôi gặp gỡ một Hoa Kỳ mà tôi chưa bao giờ biết đến.

Xe lửa luôn cho tôi một cảm giác bình thản và chiêm niệm. Trên chuyến xe từ Luân Đôn đi Manchester, tôi đắm chìm trong không gian bao la của ngoại ô Anh quốc. Đồi núi trùng điệp tạo nên một thế giới điềm nhiên không vướng bận với những căng thẳng của đời sống hiện đại. Một thoáng thiên nhiên, một thoáng thiền. Các nông trại vụt hiện vụt khuất sau những nhấp nhô của cây lá đất đai. Những đàn cừu, những tháp chuông, những căn nhà, những khoảng không thay nhau lấp đầy thước phim cảnh vật dọc theo lộ trình xe lửa. Một thước phim thật đơn giản và thật đẹp.

Về hướng đời xanh

Trong những cuồng nhiệt của một thời đại ô nhiễm và một thiên nhiên lở loét, nhân loại hướng về một văn hóa xanh để giữ cho mình một mảnh đất tạm dung giữa dãy thiên hà. Người ta bắt đầu ‘‘xách giỏ đi chợ’’ và tiết kiệm năng lượng một cách tích cực hơn.  Những buổi dạy composting (tạo phân hữu cơ từ rác) ngày càng nhiều, hầu nỗ lực giảm bớt lượng rác và làm giàu cho đất. Trên những chuyến xe Amtrak ở Nam California trước đây, mỗi toa tàu chỉ có dăm ba hành khách, nghễnh ngãng nằm ngồi. Bây giờ, các chuyến tàu đều chật ních người, không có ghế trống, với bao nhiêu người ngồi chen chúc ở những khoảng trước đây dành cho hành khách giữ hành lý. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ sự hưởng ứng của công chúng đối với những cố gắng này.

– Không dễ gì người ta chịu sống theo văn hóa xe công cộng!

Có lẽ như thế thật. Nhưng rồi, như chuyến tàu này đây, chen chúc những người là người, các ghế đều ngược hướng. Sau khi kéo hành lý đi qua ba toa tàu mà toa nào ghế cũng ngược hướng xe chạy, tôi hỏi nhân viên soát vé, và ông bảo:

– Vô cùng xin lỗi. Chuyến này chỉ có ghế ngồi ngược.

Có lẽ Amtrak đã thu xếp ghế ngồi như thế để giảm thiểu chi tiết trong lúc các toa xe đổi tuyến. Rồi đây, sẽ có những bất tiện như thế, và nhiều nữa, khi nhân loại toàn cầu tự điều chỉnh lối sống của mình để cứu vãn môi sinh. Những bất tiện, tuy có thể được thực hiện nhằm để bảo vệ môi trường, nhưng có lẽ cũng có những ích lợi tinh thần. Nó cho người ta một cái nhìn, và một sức sống. Tôi chợt nhớ tâm tình của một người bạn chí thân khi tôi kể với anh về những điều chỉnh cần thiết mà tôi trải qua khi bắt đầu hội nhập vào văn hóa xe công cộng ở Stockholm. Anh nói với tôi:

– Có lẽ anh sẽ dọn đi khỏi California, để sống bớt ‘‘thoải mái’’ một chút.

Phải rồi, đôi khi chính những cái bất tiện cũng có cái hay và cần của nó.

TN