Vào ngày 26 tháng Sáu năm 2018 vừa qua, sau khi tỷ lệ bỏ phiếu tán thành là 5 thuận – 4 chống, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tán thành lệnh cấm du lịch của Tổng Thống Trump đối với 5 quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo đến Hoa Kỳ. Pháp viện nói rằng theo luật di trú, Tổng thống có quyền tự do quyết định điều gì nên làm để ngăn chặn người ngoại quốc nhập cảnh Hoa Kỳ. Pháp viện nói rằng “Tổng thống dùng hợp pháp quyền tự do quyết định, dựa trên những nhận định của ông. Những nhận định của ông là việc nhập cảnh những người ngoại quốc từ 5 quốc gia đó sẽ làm nguy hại cho quyền lợi đất nước”.
Tiểu bang Hawaii là một trong những tiểu bang thách thức lệnh cấm của Tổng thống. Tiểu bang này nói rằng chính sách của ông Trump kỳ thị người di dân vì tôn giáo của họ và điều này vi phạm luật di trú.
Bốn chánh án Tối Cao Pháp Viện cũng chống lại lệnh cấm này và nói rằng lệnh cấm căn bản chỉ là chống lại Hồi giáo và điều này hiển nhiên là sự kỳ thị. Họ cho rằng tất cả những lệnh cấm người Hồi giáo của ông Trump bắt nguồn từ sự căm ghét và thành kiến của ông Trump chống lại người Hồi giáo và tôn giáo của họ, chứ không thuần túy liên quan đến an ninh quốc gia.
Năm chánh án đa số khác thì lại nói rằng có lý do chính đáng về lệnh cấm này vì có bằng chứng cho thấy lệnh cấm dựa trên những mối quan tâm về an ninh quốc gia, không dính dáng tới vấn đề chống tôn giáo.
Việc Chánh án Kennedy về hưu sẽ có đa số chánh án bảo thủ trong Tối Cao Pháp Viện
Ông Anthony Kennedy, Chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đã tuyên bố sẽ về hưu vào ngày 31 tháng Bảy năm 2018 sau 30 năm là một trong 9 chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Tổng thống Ronald Reagan đã đề cử ông vào chức vụ này năm 1987.
Sự kiện này cho thấy Pháp viện sẽ có đa số các chánh án có khuynh hướng bảo thủ với tỷ lệ 5/4 trong nhiều thập niên nữa.
Chánh án Kennedy là một người ôn hòa, có nghĩa là không quá bảo thủ và không quá tự do. Ông đã cùng bỏ phiếu với những chánh án bảo thủ khác để bảo vệ quyền tự do tôn giáo và đã giải quyết rốt ráo kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, nhưng ông đã bỏ phiếu với đảng Dân Chủ về những vấn đề như hôn nhân đồng tính và quyền được phá thai.
Thượng viện sẽ thực hiện việc xác nhận người thay thế Chánh án Kennedy trước tháng 11 năm 2018. Các thành viên đảng Dân Chủ rất ít hy vọng ngăn chặn việc xác nhận chánh án mà Tổng thống sẽ đề cử.
Vai trò của Tối Cao Pháp Viện: Tại sao được thành lập và quyền lực của Pháp Viện ra sao trong chính phủ Hoa Kỳ.
Tối Cao Pháp Viện giữ một vai trò đặc biệt trong hệ thống chính phủ Hoa Kỳ. Hiến pháp đã cho Viện này quyền lực để kiểm soát những hành động của Tổng thống và quốc hội, cũng như sẽ ra quyết định nếu bất cứ luật hay hiến pháp bị người dân lạm dụng trong đời sống thường nhật.
Viện này sẽ nói với Tổng thống rằng hành động của ông ta không được hiến pháp cho phép. Viện này có thể nói với quốc hội rằng luật mà họ thông qua đã vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ. Viện này cũng có thể nói với một chính quyền tiểu bang rằng một trong những luật của họ đã vi phạm hiến pháp. Tối Cao Pháp Viện là vị chánh án sau cùng có quyền phán xử tất cả những hồ sơ liên quan đến luật của quốc hội và hiến pháp Hoa Kỳ…
Tối Cao Pháp Viện giống như người trọng tài trên sân túc cầu. Quốc hội, Tổng thống, cảnh sát và các viên chức chính phủ khác là người chơi banh. Một số người có thể thông qua luật và những người khác có thể thi hành luật. Nhưng tất cả đều có quyền lực trong những giới hạn cố định. Những giới hạn này được ấn định bởi hiến pháp Hoa Kỳ. Công việc của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ giữ vai “trọng tài” trong hệ thống chính quyền Hoa Kỳ để ra phán lệnh khi các viên chức chính phủ đi ra ngoài giới hạn.
Tối Cao Pháp Viện nhận từ 7,000 đến 8,000 thỉnh thư điều trần mỗi năm. Pháp viện sẽ đồng ý mở các phiên điều trần không quá 100 hồ sơ mỗi năm. Nếu Pháp viện quyết định không chấp nhận mở hồ sơ thì tòa dưới có thể phán quyết hồ sơ này.
Thẩm phán ngăn cấm sự chia cách di dân với con cái của họ, ra lệnh tất cả gia đình phải được đoàn tụ.
Vào ngày 26 tháng Sáu vừa qua, một thẩm phán liên bang phán quyết rằng các nhân viên di trú Hoa Kỳ không thể chia cách cha mẹ di dân với con cái của họ đã bị bắt khi vượt biên bất hợp pháp từ nước Mễ Tây Cơ. Và các nhân viên di trú phải giúp các gia đình này đoàn tụ sau khi họ bị tách rời trong trại giam.
Vị thẩm phán liên bang ra lệnh cho chính phủ phải cho cha mẹ đoàn tụ với các con dưới 5 tuổi trong vòng 14 ngày, và các con từ trên 5 tuổi trong vòng 30 ngày.
Hỏi Đáp Di Trú
Hỏi: Tại sao Chánh án Tối Cao Pháp Viện là người bảo thủ hay tự do lại là vấn đề quan trọng?
Đáp: Quốc hội làm ra luật. Tối Cao Pháp Viện giải thích luật và quyết định nếu luật có theo Hiến pháp hay không. Ngôn ngữ của luật có thể có nghĩa khác nhau đối với nhiều người, vì thế Pháp Viện sẽ có quyết định sau cùng về ý nghĩa của luật. Quyết định này là kết quả do ảnh hưởng của những chánh án có quan điểm bảo thủ hay tự do.
Hỏi: Lệnh Cấm Du Lịch ảnh hưởng 5 hay 6 quốc gia?
Đáp: Lệnh cấm du lịch giới hạn vấn đề du lịch đến Hoa Kỳ đối với những người đến từ những quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi giáo như Iran, Libya, Syria, Somalia và Yemen. Người di dân từ Bắc Hàn, một nước theo chủ nghĩa cộng sản, cũng bị cấm vì có tiềm năng đe dọa nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Iraq không bị cấm, nhưng các đương đơn xin chiếu khán (visa) sẽ bị duyệt xét rất kỹ. Lệnh cấm du lịch này không có ngày hết hạn, không giới hạn trong vòng 90 ngày như trước đây.
Hỏi: Tổng thống có thể vượt quyền và bất chấp quyết định của Tối Cao Pháp Viện không?
Đáp: Không. Những quyết định hợp pháp của Tối Cao Pháp Viện phải được mọi người thi hành, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu Tổng thống không đồng ý với Pháp Viện, ông có thể yêu cầu Bộ Tư Pháp nộp đơn thưa Tối Cao Pháp Viện. Pháp Viện sẽ toàn quyền duyệt xét đơn thưa này hoặc từ chối không cứu xét.
LMH
Kính mời quý độc giả đón đọc chủ đề Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống trên các báo chí Việt ngữ địa phương số cuối tuần, hoặc nghe trực tiếp chương trình của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư trên các làn sóng:
Bắc Cali 1430AM, 7:00-8:00,
Nam Cali 106.3FM,7:00-7:30 và
trên trang nhà: www.rmiodp.com.
Hoặc www.facebook.com/rmiodp.
Hay liên lạc với văn phòng Robert Mullins International gần nhất:
Westminster: (714) 890-9933,
San Jose (408) 294-3888,
Sacramento (916) 393-3388,
Rạng Mi: 84-3914-7638 hay
Email: info@rmiodp.com