Menu Close

Tôi là người Việt Nam!

Ai cũng có một quê hương, tổ quốc  và ít ai chối bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Từ lúc lớn lên, hiểu biết, tôi biết mình là người Việt Nam và tôi luôn luôn hãnh diện để nói “Tôi là người Việt Nam!” Nhưng những năm gần đây, nhiều sự việc ảnh hưởng đến sự hãnh diện này. Không những danh dự của người Việt ở Nhật, Nam Hàn, Anh, Mã Lai, Singapore… đã bị coi rẻ và gần như trên toàn thế giới, từ khi có chủ nghĩa Cộng Sản thống trị đất nước chúng ta. Hẳn chúng ta đã biết đến nỗi buồn của Ðức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói chuyện nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo trên “Ðàn Chim Việt” cũng đã viết: “Người nhà có kinh nghiệm dặn tôi khi ra nước ngoài nhỡ có ai hỏi: Where are you from? thì chớ nói là Việt Nam mà hãy nói là from Japan, from South Korea hay đại loại một nước khác. Tôi thật sự không muốn nói dối nhưng khi ra nước ngoài mới biết người nhà khuyên vậy sẽ bớt được rất nhiều phiền phức.”

toi-la-nguoi-viet-nam1

Trong “Ký” của Ðinh Quang Anh Thái, có đoạn  nói về chuyện tác giả đi Nga năm 1992, vô tình đặt câu hỏi với một phụ nữ Nga trên chuyến máy bay sắp đáp xuống Mạc Tư Khoa:

– “Có bao giờ cô gặp một người Việt Nam chưa?”

Vô tình Jana tạt vào mặt tôi,“có chứ, chẳng có gì tốt đẹp về họ cả, buôn chui, bán lận, gấu ó lẫn nhau là tất cả những chuyện gì về họ.”

Tôi bị thương tổn như chính mình bị chỉ trích. Im lặng hồi, tôi hỏi Jana, “Cô có biết, tôi cũng là người Việt?”

“Ố, xin lỗi anh.” Jana lúng túng, “tôi tưởng anh là người Nhật. Ðiều hồi nãy tôi nói không có gì là tuyệt đối. Dĩ nhiên, tôi vẫn tin họ có người tốt.”

Du khách Việt Nam ghé Kuala Lumpur, được giới tài xế taxi địa phương nhận diện, khen rằng “con gái Việt Nam” ở đây đẹp lắm, họ cũng không ngần ngại nói thêm “con gái Việt Nam ở đây rẻ lắm!” Ai mà không đau lòng khi thấy chị em, con cháu của mình, bỏ nước ra đi đến đây, để ẩn náu trong những khu đèn đỏ, làm những con bướm đêm!

Từ nhiều năm nay, những Toà đại sứ Việt Nam trên đất người đều bị phê phán phong cách làm việc, trình độ tiếng địa phương và thái độ cư xử với khách hàng. Ðây cũng là những ổ buôn lậu sừng tê giác, vi cá mập, chống lưng cho băng đảng.

Không lẽ từ đây, đi đâu ra ngoại quốc chúng ta cũng hết xưng mình là người Nhật, người Nam Hàn đến người Phi Luật Tân, như lời dặn của người nhà Trần Mạnh Hảo? Có thể chúng ta sẽ không dám nhận mình là người Tàu “lục địa,”nhưng ở một phương diện nào đó, chúng ta là phiên bản của người Tàu trong việc đi đứng, du lịch, mua sắm, ăn uống…

Ði đâu cũng nghe người Việt khoe có bốn nghìn năm văn hiến, con Rồng cháu Tiên, người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, tài nguyên thì tiền rừng biển bạc. Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, người Việt đã đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ. Nhưng thực sự trên thế giới người Việt Nam có được kính trọng, nể nang hay không?

Nếu có dịp ca tụng người Việt Nam trong một cuốn phim thì nhà sản xuất có khuynh hướng đi tìm những người thành công giàu có hay khoa bảng kiểu “vẻ vang dân tộc Việt!” Họ vinh danh một gia đình có đến 6 người con là ông bà bác sĩ, một ông chủ thành công có trong tay 16 tiệm nail, một người vẽ kiểu thời trang nổi tiếng đi vào dòng chính… nhưng tuyệt nhiên không thấy một người Việt nào “vẻ vang” bằng cách bỏ tiền bạc, thời gian, và công sức để giúp tha nhân, giúp cho cộng đồng phát triển, giúp người nghèo khó, trẻ em khuyết tật, thương binh bất hạnh.

Hằng năm mùa ra trường, trên báo chí đã không ít những trang báo chúc mừng con cháu tốt nghiệp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư… nhưng cũng với kiểu “vinh thân phì gia,” “một người làm quan, cả họ được nhờ,” với phòng mạch lớn đẹp, thu nhập cao, chẳng có  là mảy may “phục vụ,” “phụng sự”… nhân quần, hay nói chung, dù chỉ tương trợ nhau trong cái ao làng nhỏ bé của “đồng hương!”

Nếu quả thật bản chất con người Việt Nam là tốt đẹp, đạo đức, thì chúng ta cũng nên trách chế độ Cộng sản cai trị đất nước trong hơn nửa thế kỷ nay, với chính sách trồng người, chế độ này đã đào tạo nên một thế hệ vô cảm, ích kỷ, đạo lý suy thoái, “đạp lên nhau mà sống!” Nhưng quả thật chúng ta phải nhìn nhận rằng “đã là người Việt Nam thì đi đâu cũng vậy!”  Little Saigon là nơi tập trung người Việt ở ngoài nước đông nhất thế giới, cũng chính là  nơi chúng ta và người ngoại quốc đánh giá được người Việt như thế nào?

Trong những năm gần đây, trên một tờ báo  lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Quận Cam, nhiều bản tin và bài phóng sự đã nêu rõ những chuyện lường gạt, bội tín, tệ hại của người Việt đối với nhau. Ðiển hình nhất là những nhà thầu xây dựng người Việt, ký hợp đồng, nhận tiền của “đồng hương” rồi cao bay xa chạy. Chính nhân viên Tòa thị chính, ngay cả những chỗ bán vật liệu xây dựng, họ không lạ về chuyện “bỏ chạy” là người Việt.

Chưa nói đến chuyện bác sĩ charge tiền bệnh nhân mà chính phủ phải gánh chịu về những dịch vụ mà họ không làm, nha sĩ làm gẫy kim trong hố răng của nạn nhân khi lấy gân máu đã trám kín lại để phi tang, một phòng đo mắt đã có hai số đo khác nhau từ hai bác sĩ làm cùng một văn phòng, bác sĩ mổ nhầm mắt trái thay vì mắt phải. Chính người viết bài này cũng như gia đình và bạn bè là nạn nhân “thầm lặng” của những chuyện vừa kể trên. “Thầm lặng” vì không muốn nói, biết nói cũng không đi tới đâu, “một sự nhịn chín sự lành.” Nếu trong cộng đồng người Việt ở đây không có những chuyện như vậy thì nhân gian đã không có câu ca dao “thời đại:” “Bolsa đất chật người đông- Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!”

toi-la-nguoi-viet-nam

Chính vì sống chung đụng với người bản xứ cũng như các sắc dân khác, nên người ta mới có những so sánh cụ thể. Cứ vào một tiệm ăn Việt và một tiệm ăn Mỹ để nhìn cách phục vụ và không khí tĩnh lặng hay ồn ào của hai nơi, vào một parking của hai ngôi chợ để thấy ta vứt xe đẩy hàng ngổn ngang, mặt đất đầy rác rưởi và tàn thuốc lá, ly cà phê uống xong để không đúng chỗ. Người ta than phiền quán cà phê, chỗ đánh cờ, nơi bán vé số cạo, nghe nhiều tiếng chửi thề!

Vào rạp chiếu phim để thấy người Việt giành chỗ cho bạn bè “chưa tới” hay “đang đi restroom”; đi du lịch để thấy người Việt  tranh nhau lên xe xuống xe, cười nói to tiếng ồn ào; vào tiệm buôn hay quán xá  nên coi chừng đồng hương thả cánh cửa bật trở lại có ngày vỡ mặt. Kể cả tiếng “xin lỗi” và “cám ơn!” cũng vắng nghe.

Chính một thiểu số “con sâu làm rầu nồi canh” đã tạo nên những hình ảnh không mấy tốt đẹp trong cộng đồng người Việt hiện nay.

Với thái độ chính trị của người tị nạn, chúng ta thường nhận mình là người Việt Nam, nhưng là người Việt ở Mỹ, chứ không phải người Việt trong nước, để phân biệt, cũng như người Tàu nhận mình là người Ðài Loan chứ không muốn bị xem lẫn lộn với người Tàu lục địa, tức là người của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc!

Ở Mỹ không thấy chuyện xe người Việt vượt đèn đỏ, giành lối đi của bộ hành, như người trong nước vì luật lệ nghiêm minh. Ở Mỹ không thấy cộng đồng người Việt buôn lậu, lập băng đảng thanh toán nhau như ở Liên Xô, Tiệp Khắc…

Nhưng muốn được như vậy, sao chúng ta không chịu hấp thụ những điều hay nét đẹp của nước  Mỹ mà vẫn còn mang theo những thói xấu từ một đất nước lạc hậu, đạo lý suy đồi, giẫm đạp lên nhau mà sống?

Dù tôi có sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, không nói được một câu tiếng Việt nào; dù tôi là thị trưởng, dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ; dù tôi có đoạt giải Nobel văn chương viết bằng Anh Ngữ cho một công dân Mỹ; dù tôi có tẩy da, sửa mũi, nhuộm tóc vàng… thì tôi vẫn là người Việt Nam.

Tôi thương quý và hãnh diện là người Việt Nam nên tôi thường quan tâm đến Việt Nam, hãnh diện và đôi lúc không khỏi buồn lòng vì người Việt Nam.

HP