Menu Close

Để đưa một tấm ảnh từ “đẹp” lên đến “tuyệt tác” (kỳ 2)

(tiếp theo)

Rất thường xuyên khi bạn đăng hình của bạn chụp lên Facebook hoặc những mạng xã hội khác, những hình đó nhận được rất nhiều lời khen “đẹp”, nhưng lại ít khi được gọi là “tuyệt tác”.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn năm yếu tố quan trọng để giúp bạn nâng cấp những hình của bạn từ “đẹp” lên đến “tuyệt tác”. Như tôi đã nói trong phần đầu của bài này (kỳ trước), nếu bạn có thể tận dụng tối đa tất cả năm thứ, bạn sẽ có một tấm ảnh hoàn hảo. Tuy nhiên, chuyện tạo được một tấm ảnh như vậy thì vô cùng hiếm có, dù cho đối với những nhiếp ảnh gia giỏi nhất.

Bạn hãy học và áp dụng, thực tập cho thành thạo, cơ hội bạn tạo nên một “tuyệt tác” sẽ lên cao gấp bội.

– Yếu tố 1 – Bố cục

Khái niệm về bố cục là một khả năng đến tự nhiên đối với một số người, trong khi những người khác thì phải học. Ðây là một kỹ năng căn bản người chụp hình nên nắm vững. Nếu nó không đến tự nhiên với bạn, bạn có thể sao chép từ những bố cục khác bạn thích, trong phong cách riêng của bạn ở những địa điểm khác nhau.

– Yếu tố 2 – Ánh sáng

Ánh sáng có thể hiện ra ở nhiều dạng khác nhau. Có loại ánh sáng gắt, ánh sáng dịu, bóng mát, ánh sáng ấm, ánh sáng lạnh, đèn flash, ánh sáng tự nhiên… chỉ kể sơ sơ vài loại thông thường nhất. Ánh sáng là một đề tài lớn và nó đòi hỏi chút ít nghiên cứu để bạn tận hiểu. Nhưng điều này không cần thiết để tạo một tấm ảnh tuyệt vời.

Nếu bạn chụp ảnh phong cảnh, bạn sẽ nâng phẩm chất của ảnh bằng cách tránh bầu trời xanh ở giữa ngày. Thay vào đó, bạn nên chọn những lúc mặt trời mọc và lặn. Thời gian sau bình minh và trước hoàng hôn được gọi là Giờ Vàng. Giờ Xanh cũng cung cấp ánh sáng tuyệt vời cho nhiếp ảnh phong cảnh.

Nếu bạn thích chụp ảnh dùng đèn flash, bạn sẽ có kết quả tốt hơn bằng cách thí nghiệm đặt đèn flash xa máy chụp, thay vì gắn trên máy.

Tôi nghĩ bạn nên học về loại ánh sáng liên quan tới thể loại nhiếp ảnh bạn thích chụp.

– Yếu tố 3 – Khoảnh khắc

Khoảnh khắc, tùy theo thể loại nhiếp ảnh bạn theo, có thể nói về một tích tắc của giây phút được bắt vào máy ảnh. Bạn phải chộp lấy khoảnh khắc – một giây phút nhiệm mầu.

Một nụ hôn bất chợt đầy cảm hứng, một tiền vệ cú sút làm bàn trong trận World Cup, một ngọn sóng lớn đập mạnh vào gầm đá văng tung tóe…

Những khoảnh khắc khác thì chậm hơn, như cảnh mặt trời mọc. Tuy thế, nó vẫn liên quan tới vấn đề bắt chụp một khoảnh khắc.

Bạn phải thức dậy sớm, đôi khi rất sớm, để đến địa điểm chụp. Ðó cũng là để bắt được khoảnh khắc. Hoặc trong trường hợp này, chụp một hình cảnh vật mà không bị dính người nào, tại một nhà ga ở Copenhagen vào Giờ Xanh. [H1]

tu-dep-len-den-tuyet-tac1 – Yếu tố 4 – Câu chuyện

Câu chuyện của một tấm hình có thể là bất cứ đề tài gì, từ “ổ bánh mì jambon và ly cà phê sữa đá cho buổi ăn sáng thật ngon”, tới “khối đá tròn nhẵn nhụi nằm trên bãi biển quá đẹp”, tới “mối quan hệ cảm động giữa con người với nhau”. Câu chuyện có thể nói về một chủ đề trừu tượng, vì vậy phải có một mục đích tại sao bạn lại chọn chụp chủ thể gì trong bức ảnh.

Ðôi khi câu chuyện lại phức tạp và sâu sắc, trong khi những lúc khác thì lại đơn giản.

Có lẽ bạn không giỏi đồng đều để kể tất cả các loại câu chuyện, qua những hình ảnh của bạn. Ðiều này không sao hết, và bạn vẫn có thể tiếp tục làm theo sở trường của bạn.

Tôi cảm thấy câu chuyện và khoảnh khắc có thể đi đôi với nhau chặt chẽ, nhưng trong trường hợp của tấm ảnh chụp một chiếc xuồng gondola trên con kênh Grande Canal bận rộn ở Venice, và làm cho tấm hình thấy như một khoảnh khắc yên tĩnh lãng mạn không phải là một chuyện dễ dàng như bạn tưởng.

– Yếu tố 5 – Giai đoạn hậu kỳ

Yếu tố thứ năm và cuối cùng có lẽ sẽ gây ra một vài lời bàn tán ra vô. Và đây cũng không phải là chỗ tôi muốn bàn cãi về chuyện này. Nếu bạn thuộc về trường phái “chụp sao để vậy”, điểm này sẽ không liên quan tới bạn.

Nếu bạn có quan niệm nên sửa hình, có lẽ bạn cũng biết rằng đôi khi đó cũng là yếu tố biến đổi một tấm ảnh từ “xẹp lép” thành một tấm ảnh “nổi bật”. Trong một vài trường hợp, điều này cũng làm cho một tấm ảnh thành công hoặc thất bại.

Quá trình sửa hình hoặc giai đoạn hậu kỳ không phải là một chuyện dễ và trên mạng có hằng hà sa số ý kiến về đề tài này. Nhưng ngay cả những chuyện đơn giản như, chỉnh cân bằng trắng, và độ tương phản, có thể là điều kiện làm cho hình nổi bật.

Nếu bạn chụp loại hình tài liệu, có một vài điều bạn không được phép làm. Bạn không được xen vào thực tế. Nhưng nếu bạn không theo thể loại nhiếp ảnh đó, giai đoạn hậu kỳ là nơi bạn có thể diễn xuất nghệ thuật của bạn. [H2]

tu-dep-len-den-tuyet-tac2
H2 – Giai đoạn hậu kỳ, trước và sau. f/4, 1/60, ISO 50. Photo: Andy Nguyễn.

Lời kết thúc

Nếu bạn có thể làm theo những bước hướng dẫn này, bạn cần thực tập thường xuyên để chúng trở thành phản ứng tự nhiên, để khi bạn nhận thấy một khung cảnh hoặc khoảnh khắc độc đáo, bạn sẽ không cần phải suy nghĩ mà chỉ dựa vào tính phản xạ tức khắc thôi.

Chúc bạn thành công!

AN