Menu Close

Bạn có nên chuyển hệ hay không?

Dĩ nhiên ở đây tôi đang nói về hệ thống máy ảnh.

Trong thời gian khoảng một hai năm nay, tôi đã từng thấy nhiều người bạn của tôi đổi từ hiệu máy ảnh này qua một hiệu khác; thường thì từ Canon hoặc Nikon qua Sony, nhưng cũng có một số trường hợp họ đổi nguyên dàn từ Canon qua Nikon, hoặc từ Pentax qua Panasonic chẳng hạn…

Ngoài ra, tôi còn biết vài người khác đang do dự chuyển đổi toàn bộ dàn máy ảnh (và những phụ tùng khác), trong khi, những người đã chơi nhiếp ảnh lâu năm (như tôi) thì lại ngẫm nghĩ họ có nên “nhảy theo” hay không, hoặc sự chuyển đổi hệ thống máy ảnh có “đáng” hay không?

ban-co-nen-chuyen-he-hay-khong2
Trên thị trường hiện giờ có nhiều hiệu hệ thống nhiếp ảnh để chọn lựa.

Hôm nay tôi sẽ phân tích sâu hơn về quyết định này để bạn có thể tự cân nhắc xem điều này có thích hợp cho trường hợp riêng của bạn hay không.

Khi chúng ta sắm một dàn đồ nghề nhiếp ảnh, đây có thể là một sự đầu tư ‘khá bộn’ tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng cá nhân, và càng ngày bạn càng lệ thuộc vào hệ thống đó, nhất là khi những ống kính mắc tiền của bạn chỉ tương thích với một hiệu máy ảnh mà thôi. Ngay cả những món đồ nghề từ các công ty ‘hạng ba’ như Sigma và Tamron cũng bị “ràng buộc” với một hệ thống này hoặc hệ thống kia, vì mỗi hệ thống (nhãn hiệu) đều có lỗ gắn (cho ống kính, đèn flash…) khác nhau. Ðối với đa số người chơi nhiếp ảnh tài tử, một khi họ đã bắt đầu sắm một hiệu máy ảnh, họ phải tiếp tục “theo” hệ thống của hiệu đó, phần lớn là vì họ không đủ lý do chánh đáng để chuyển sang hiệu khác.

ban-co-nen-chuyen-he-hay-khong1
Một phần kỹ năng của người chụp hình là biết cách tận dụng hết mức từ máy ảnh của họ – một sự thay đổi hệ thống có thể có ảnh hưởng lớn vì sự thiếu quen biết với sự sắp xếp trong những trang điều chỉnh.

Tuy nhiên, đối với những người chụp hình chuyên nghiệp, họ có nhiều yếu tố hơn để cân nhắc. Ðôi khi một hãng sản xuất máy ảnh khác sẽ cho ra một món phụ tùng hoặc mẫu máy với đặc điểm kỹ thuật tốt hơn hoặc thích hợp hơn cho nghề nghiệp của họ. Ngược lại, bạn có thể tìm được hàng loạt máy ảnh mirrorless thượng hạng ở cùng một điểm giá với bộ đồ nghề của bạn, nhưng lại đáp ứng được nhu cầu “vác nhẹ” của bạn, và có thể sản xuất những hồ sơ ảnh đủ chất và lượng để xuất bản cho tạp chí và báo. Trong những trường hợp này, quyết định “nhảy tàu” có thể hợp lý hơn đối với những người kiếm tiền trong nghề nhiếp ảnh.

Dĩ nhiên có những vấn đề chi phí liên quan đến việc thay thế toàn bộ máy ảnh, ống kính và những phụ tùng khác, kể cả vấn đề mất giá của những máy ảnh cũ đã xài qua tay. Có thể bạn hy vọng trao đổi 1-chọi-1 cho một mẫu máy cùng hạng, nhưng chỉ trong vòng vài tháng ngay cả những máy DSLR chuyên nghiệp sẽ bị “mất giá” vài trăm đô. Ngoài vấn đề này ra, bạn có lẽ phải thay thế những món khác như nhiều pin dự bị, và nhiều thẻ nhớ loại khác cho máy ảnh mới của bạn.

Ngoài vấn đề chi phí ra, sự tiện lợi là một mặt khác để cân nhắc. Khi bạn đổi máy ảnh, bạn đổi dạng hồ sơ RAW, điều này có thể gây ra xung đột giữa các phần mềm chuyển tiếp. Một cách bạn có thể giải quyết những thử thách này là bằng cách dùng bộ thích nghi từ hệ thống cũ qua hệ thống mới. Tuy nhiên, những món phụ tùng này không phải rẻ tiền, với những món hạng chuyên nghiệp mang giá từ vài chục đô lên đến cả ngàn đô có thể mang lại chức năng tối đa cho đồ nghề nhiếp ảnh của bạn.

ban-co-nen-chuyen-he-hay-khong
Khi bạn dùng một hệ thống nhiếp ảnh càng lâu và đầu tư vô những ống kính và phụ tùng càng nhiều, bạn sẽ gặp phải càng nhiều khó khăn lúc quyết định có nên chuyển hệ hay không.

Kết luận

Tất nhiên có những lợi ích đáng kể để chuyển hệ nếu người chụp ảnh có lý do cụ thể để thực hành điều đó; nếu những tốn kém sẽ được bù đắp bởi lợi tức từ những tấm ảnh được thực hiện như ý. Tuy nhiên, bạn không nên coi thường quyết định thay đổi hệ thống nhiếp ảnh của bạn.

AN