Bạn có biết, ngoài vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thực phẩm, nếm vị mặn ngọt chua đắng của thức ăn nước uống, lưỡi còn tham dự vào sự phát âm, hoàn thành tiếng nói để con người có thể đối thoại giao tế với nhau.
Là một cấu trúc với các mô bào mềm, cho nên lưỡi có thể uốn éo khiến cho lời ăn tiếng nói lên bổng xuống trầm, ngọt ngào dễ nghe nhưng cũng có lúc đay nghiến, xóc họng, chua cay. Cho nên cổ nhân ta mới có nhận xét rằng “Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo”.
Truyện xưa kể lại rằng:
“Có một ông chủ muốn thử lòng tên gia nhân, bèn bảo y làm thịt một con heo rồi mang bộ phận nào ngon nhất thì nấu cho ông một món nhậu để đãi khách quý.
Người giúp việc y lời, lấy cái lưỡi nấu món sốt vang tuyệt hảo hầu ông chủ. Một lần khác, ông chủ cũng khiến anh ta làm công việc tương tự, nhưng lấy bộ phận nào dở ẹc nhất để làm món ăn mời khách, một người mà ông ta không ưa. Gia nhân bèn tái bản món lưỡi heo sốt vang như trước.

Ngạc nhiên ông chủ hỏi cho ra lẽ, thì gia nhân bèn đáp: Thưa lão gia, cũng một cái lưỡi, khi tốt với nhau thì thốt ra những lời ân tình, trìu mến nhưng khi hận thù đằng đằng thì cũng cái lưỡi đó ở cùng con người đó lại phát ra những lời độc địa có thể gây ra tán gia bại sản, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác”.
Tâm lý chung của con người là thích nghe những lời nói dịu dàng khiến cho con kiến trong lỗ cũng bò ra. Nhưng có lẽ cũng chẳng nên quá mật ngọt đến nỗi bả lả giả dối, “nói vậy mà không phải vậy”, để người dễ tin “cứ tưởng bở”. Ðồng thời cũng nên “liệu lời ăn nói cho vừa lòng nhau”, để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” chứ chẳng nên quá phũ phàng tiếng bấc tiếng chì. Vì “lời nói chẳng mất tiền mua”.
Do đó, biết sử dụng ngôn từ một cách khôn ngoan là điều tưởng cũng nên làm.
Thủ tướng nước Anh Winston Churchill có nói: “Dù có nuốt đi những lời độc địa thì dạ dày chúng ta cũng không bị trúng độc”.
Ðó cũng là kinh nghiệm mà người xưa vẫn nhắc nhở “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, vì “vết thương dao cắt dễ lành, lưỡi đâm khó chữa”.
Gặp một người có ngôn từ độc ác thì cũng chẳng nên chấp nhất, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, chỉ gây thêm hận thù.
Cho nên tục ngữ ca dao mình có câu nói:
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.
NYD