Menu Close

Hoa Bồ Công Anh

Có một loài hoa mọc hoang trong vườn cỏ vào tháng 4-5 và tháng 9-10 mà chắc hẳn bà con người Việt ai cũng thấy và cho nó là một loài cỏ dại đáng ghét. Thực sự nó đáng ghét vì khi cánh hoa vàng tàn rũ thì những chùm lông tơ trắng nhẹ mọc ra từ những vòi nhụy mỏng manh tạo thành một quả cầu mịn màng. Chỉ cần một cơn gió thoảng cũng đủ làm cho hàng trăm chùm tơ trắng bạc này bay la đà vương đầy khắp nơi. Thậm chí có người còn ghép tội cho đó là nguyên nhân gây nên dị ứng. Oan cho nó lắm nếu ta biết rằng cây Bồ Công Anh lại là một loại thảo dược được nhiều người sử dụng trong đời sống hàng ngày.

alt

“Nhẹ bay nhẹ bay / Cánh hoa kia còn đây / Nhẹ rớt nhẹ rơi / Hoa Bồ Công Anh đó”

Bồ Công Anh tên tiếng Anh là Dandelion, nhiều nhà vườn trồng như rau và có bán trong một số chợ Mỹ hoặc Mễ, không thấy chợ Việt có bán loại rau này. Có lẽ, người Việt mình còn lạ lẫm với thứ rau hoa đồng cỏ nội hoặc chưa biết đến cây Bồ Công Anh. Bởi ngày trước ngay cả ở Việt Nam, người ta chỉ tìm nó trên những cánh đồng cỏ dại và sử dụng làm dược liệu thuốc Nam, chứ chưa biết dùng làm rau ăn như tại các nước Châu Âu. Mãi cho đến gần cuối thế kỷ 17, di dân Châu Âu mang hạt giống sang Tân Thế Giới trồng và từ đó đến nay nó đã phát tán khắp nơi trên nước Mỹ. Bồ Công Anh gặp mưa càng mọc nhanh, dù cho có giẫm đạp gãy ngang tận gốc, ngày hôm sau nó lại vươn mình mọc ra một chồi lá mới xanh tươi.

Trước đây, tôi cũng cho rằng Bồ Công Anh là loài thảo mộc không ăn được vì thân cây có khá nhiều nhựa trắng như mủ cao su và tìm mua thuốc diệt cỏ dại đổ vào cho chết tận gốc. Thế nhưng sức sống của nó mãnh liệt, chết chỗ này nó lại mọc chỗ khác, tốc độ phát triển nhanh chóng. Một ngày nó có thể mọc dài thêm hai mươi centimet. Thân giòn và lá xanh tươi thắm. Có loại lùn chỉ cao bằng gang tay, có loại cao cả nửa mét, lá bùm sùm. Sau này, tôi mới biết đó là loại cỏ ăn được và chứa nhiều vị thuốc về gan. Biết là vậy, nhưng khi nói chuyện này với bạn bè, ai cũng chưa dám một lần thử qua món rau Bồ Công Anh xào thịt bò. Lỡ ăn vào… á khẩu thì khốn!

alt

Rau Bồ Công Anh bày bán ở chợ với tên Dandelion

Các chuyên gia về thực phẩm chức năng cho biết, ngoài giá trị sinh tố dinh dưỡng cao hơn các loài rau cải khác, Bồ Công Anh còn chứa nhiều chất sắt tương đương trong rau dền, hàm lượng vitamin A cao gấp bốn lần rau diếp và rất giàu các nguyên tố vi lượng như magnesium, potassium, calcium, sodium và nhất là vitamin C, B. Ngoài ra Bồ Công Anh còn chứa protein, chất béo, tinh bột… Lá Bồ Công Anh hấp chín hay dùng tươi thay thế rau xà lách. Khi dùng nên xé nhỏ lá bằng tay tốt hơn là dùng dao cắt để giữ được mùi của lá. Khi nấu canh hoặc chế biến thành món xúp chung với các loại rau khác như rau diếp, có mùi vị dễ chịu khi ăn. Người ta còn dùng làm thức uống: lá khô được sao chế thành trà hoặc làm nguyên liệu cho các loại thức uống khác.

alt

Lá Bồ Công Anh xào nấu như rau, ăn rất bổ

Người Mỹ xem Bồ Công Anh là thần dược có tác dụng điều trị bệnh sưng loét bao tử, ung độc, đặc biệt là ung thư vú. Theo các tài liệu dược thảo từ nhiều nguồn, Bồ Công Anh hay rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác, rau bao, có vị đắng ngọt, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc và chữa được các loại bệnh, tôi xin chép ra để bạn đọc tham khảo:

1. Chống loãng xương: hàm lượng magnesium cao trong Bồ Công Anh rất tốt cho những bệnh nhân loãng xương, còi xương. Xay lá ở dạng nước ép (khoảng 100 gr lá tươi) phối hợp với cà rốt hoặc củ cải, uống mỗi ngày rất hiệu quả.

alt


 Người ta dùng củ cây Bồ Công Anh phơi khô làm thức uống

2. Chữa rối loạn gan mật: Phối hợp với cải xà lách xoong chế thành một loại nước ép, sẽ rất hiệu quả và giúp gan mật hoạt động bình thường. Các bệnh nhân đau gan, vàng da có thể sử dụng thường xuyên dạng nước ép hoặc dạng trà được bào chế sẵn.

3. Chữa suy nhược cơ thể: Bồ Công Anh có tác dụng nâng đỡ và tăng cường hoạt động của các cơ quan nội tạng trong cơ thể, chữa suy nhược, biếng ăn. Nó còn có tính lọc máu, tẩy độc cho cơ thể và làm gia tăng sức đề kháng.

4. Chữa các rối loạn trên hệ bài tiết: toàn cây Bồ Công Anh được chế biến thành một loại trà, uống mỗi ngày làm gia tăng lượng nước tiểu bài tiết.

5. Chữa mụn cóc: cắt ngang phần gốc của cây và lấy chất dịch tiết ra từ cây bôi lên chỗ mụn cóc, 2-3 lần mỗi ngày, sẽ thấy hiệu quả.

6. Chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa: phụ nữ sau khi sinh bị viêm tuyến vú gây đau nhức dữ dội, dùng lá sắc lấy nước uống. Liều dùng hằng ngày 20-40g lá tươi hoặc 10-15g lá khô. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như hạ khô thảo, thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm đường cho dễ uống. Nên phối hợp uống trong và giã nát đắp ngoài thì rất hiệu quả.

7. Chữa các chứng viêm loét: Bồ Công Anh còn chữa viêm loét dạ dày, ung thư vú, mụn nhọt, ghẻ lở, các bệnh ngoài da, giúp làn da tươi sáng, trẻ hóa, ngừa ung thư nhờ tác dụng tăng cường thải độc cho gan. Mỗi ngày khoảng 20g, thêm hạ khô thảo, kim ngân hoa đồng lượng, sắc với 600ml nước, đun cạn còn 1/2, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Chuyện thảo dược không phải là chuyện mới mẻ đối với người Việt chúng ta, nhưng những loài rau ăn được, lại có hoạt chất từ thiên nhiên giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn lại là một vấn đề khác trong đời sống. Dân gian có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Có thời, người ta phải dùng rau “độn bụng” cho đỡ đói, vậy mà ít có ai bị mỡ máu hay béo phì.  Thời ấy, các bệnh tim mạch, đái tháo đường cũng không nhiều như bây giờ. Xã hội phát triển hơn thì khẩu phần ăn người dân đô thị lại càng ít rau xanh. Đến khi nhận thức được lợi ích của rau quả với sức khỏe thì việc đáp ứng cho nhu cầu này lại không đơn giản. Chính vì vậy, ngành thực phẩm cho sức khỏe ra đời từ đầu thập niên 80 đến nay có nhiều bước phát triển đáng kể và con số doanh thu tăng cao tại khắp các châu lục. Tại Mỹ, doanh số hằng năm về thảo dược chế biến hơn 14 tỷ đô đủ thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân quan tâm đến thực phẩm sức khỏe như thế nào.

alt

Dược phẩm làm từ cây Bồ Công Anh

Có những nhóm lập ra “Hội người yêu thích Bồ Công Anh”, không chỉ ưu ái về tính dược thảo của nó mà còn tôn vinh lên thành một chuyện tình lãng mạn về một loài hoa đồng cỏ nội có cái tên rất đẹp.

Chuyện kể rằng trên một cánh đồng nọ, có một loài cây có những bông hoa vàng rực, những chiếc lá dài, xanh thẫm với những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh của con sư tử. Người ta gọi nó là cây Răng Sư Tử. Răng Sư Tử nằm đủng đỉnh bên trên đồng cỏ dại, trong trái tim chàng ôm ấp những cánh hoa màu cúc. Người chàng yêu chính là đoá hoa nở rộ từ chính trong vòng tay ấm áp của chàng. Mùa Hạ đến, những bông hoa trút bỏ những chiếc trâm cài đầu vàng óng, chiếc áo ruộm nắng được thay bằng một cái áo choàng bông nhẹ, trắng muốt và mịn như những chiếc lông ngỗng. Bông hoa từ trong vòng tay chàng trai vươn cao lên đầy kiêu hãnh. Răng Sư Tử vẫn say mê ngắm nhìn và thầm ngợi khen vẻ đẹp ấy của nàng. Người con gái của chàng đã biến thành hoa Bồ Công Anh …

Vậy khi nào bạn bắt gặp loài hoa kể trên thì hãy nhớ ngay lời thơ này nhé: “Nhẹ bay nhẹ bay / Cánh hoa kia còn đây / Nhẹ rớt nhẹ rơi / Hoa Bồ Công Anh đó”./.

alt

Cánh đồng Bồ Công Anh


NL