Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện nay thì làn sóng xuất ngoại như một cuộc di tản âm thầm đến các nước tự do diễn ra càng ngày càng hối hả. Càng ngày càng xuất hiện nhiều những “Việt kiều song tịch” với khối tài sản khổng lồ rải rác khắp nơi. Và từ đó, xu hướng đổ tiền mua bất động sản vừa giữ của vừa kiếm lời tại các tiểu bang California, Texas, Florida, New York hoặc Tây Âu, Ba Lan, Đức… Tài sản ấy đi vòng vòng chuyển trạm đến quốc gia thứ hai trước khi chuyển vào Mỹ, tất cả được xếp đặt khéo léo từ giới giàu theo diện đoàn tụ.
Không chỉ chọn lựa nhập cư tìm môi trường sống, những người giàu ấy còn muốn thể hiện tiềm lực tại nơi mình cư trú. Tại Hoa kỳ là một minh chứng. Theo thống kê, mỗi năm trung bình mấy trăm tỷ USD vào thị trường địa ốc. Giá trị mỗi căn nhà từ 1 triệu đô – 3 triệu đô được trả tiền mặt là chuyện bình thường, đến nỗi các chuyên viên địa ốc cùng nhân viên ngân hàng phải choáng váng.
Trong thực tế, họ được quyền đem tiền qua lập nghiệp khi đặt chân đầu tiên đến nước Mỹ theo luật quy định, còn số tiền từ đâu thì có trời mà biết! Người ta chuyển tiền dễ dàng nếu chứng minh nguồn tiền “ sạch” hợp lý. Nói đến đây thì ai cũng hiểu điều này không khó trong một xã hội Việt Nam lách luật, thừa mưu mẹo vượt qua rào cản chính quyền sở tại. Ðây cũng là cơ hội cho người sở hữu gia sản ngầm lẫn nổi chuyển ra ngoài nước mà không bị đánh thuế, và cả bớt đi sự chú ý nếu còn sống trong nước.
Vẫn còn nhiều thắc mắc tại sao họ đi được, bằng cách nào?

Có thể nói cách phổ biến nhất là bằng con đường du học, đó là đầu dây mối nhợ của những cuộc vượt biên bằng máy bay, thay vì vượt biển bằng tàu vào thập niên 80. Du học – kết hôn là giải pháp liên đới tốt nhất để lấy quốc tịch. Sau đó cha mẹ sẽ được âm thầm bảo lãnh, họ vừa giữ được ghế, chức vụ trong nước vừa có chỗ dung thân về sau. Sau khi được con cái bảo lãnh, một số cha mẹ là viên chức làm việc trong hệ thống chính quyền đã xuất ngoại với khối tài sản khổng lồ. Chuyện mua nhà sang trọng trị giá hơn cả 1- 2 triệu đô trong tầm tay, mua xe đắt tiền cùng hàng loạt vật dụng gia thất cao cấp chẳng nghĩa lý gì so với gia sản ngầm thu giấu rải rác ở một vài nước khác. Họ khôn ngoan, tránh trực tiếp chuyển tài sản vào Mỹ, mà chuyển sang địa bàn Tây Âu trước, cho dù sự rủi ro có thể xảy ra.
Hãy trở về câu chuyện vào năm 2012 liên quan đến Michael Sestack – người có thẩm quyền cấp visa của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn, bị ra tòa vì nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD liên quan đến trên 5,000 visa vào Mỹ hợp pháp. Chưa kể thời điểm 1995, một vụ gian lận bán visa khác ở Hà Nội lên đến hàng trăm ngàn USD dưới sự thông đồng của viên chức đại sứ quán khác. Bao nhiêu người đã lọt vào đất Mỹ kể từ thời gian ấy? Nếu làm con số tính thì kết quả không phải ít ỏi.
Như một cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước, hầu hết gia đình khá giả muốn con em du học, hy vọng con cái không chỉ hưởng nền giáo dục tốt mà còn được hưởng nền văn minh tiến bộ.
Mất niềm tin về nền giáo dục nước nhà, họ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư cho con du học từ rất sớm ở cấp trung học phổ thông. Tổng cộng chi phí kể từ trung học cho đến đại học gần nửa triệu USD. Hiện tượng du học rầm rộ kéo theo ngoại tệ cũng rầm rộ ra đi.

Bi hài kịch về một xã hội Việt Nam hiện đại đầy góc tối ảm đạm khi nhiều con cái viên chức nằm trong hệ thống chính quyền cũng quay lưng lại sản phẩm giáo dục mà cha mẹ mình điều hành. Bằng chứng là các em ra nước ngoài sớm nhất khi gương mặt non nớt mới lớp 6, lớp 10 và chấp nhận trả chi phí học rất cao.
Có gì đó không ổn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT mà báo chí chính thống quốc nội đưa tin không hề giấu giếm mới đây. Ðó là số học sinh từ gia đình có điều kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số còn lại là con em của người dân bình thường thi với nhau.
Không có đầu tư nào đáng giá, đắt đỏ hơn đầu tư cho giáo dục. Vì thế, để lấy lại những gì đã chi và cả gặt hái, các em phải tìm cách “trốn”. Con đường hôn nhân là một trong sự lựa chọn an toàn nhất. Luật thì luật, vẫn còn lối đi vòng vượt qua luật. Sau thời gian định cư, các cựu du học sinh thừa đủ tiêu chuẩn bảo lãnh dây chuyền cha mẹ, anh em khi trở thành người Mỹ gốc Việt với bằng quốc tịch trong tay.
Sự thật không như thập niên về trước, nếu không may mắn được kết hôn thật thì nay nhiều gia đình giàu có sẵn sàng trút tiền cho con có hợp đồng hôn nhân từ 60,000 – 100,000 USD từ người Mỹ da màu, Mexican… Với người bản xứ, đây là món tiền lớn. Yêu giả hay thật đều ngoài tầm kiểm soát, miễn sao đừng bị về nước sau khi tốt nghiệp hoặc học không đến nơi đến chốn.

Nhiều Việt kiều mới nhập cư sẵn sàng trả thuế nhà từ 20,000 – 40,000 Mỹ kim cho những nhà ở những khu riêng có cổng ra vào an ninh, ai muốn vào thăm phải trình báo giấy tờ cá nhân. Phía sau mỗi căn nhà sang trọng ấy kèm theo phong cảnh thơ mộng, vài khu vực có cả du thuyền nhỏ.
Towne Lake tại thành phố Cypress (Texas) là một minh chứng, nơi có nhiều ngôi nhà mà đa số chủ nhân nói giọng Bắc. Họ tự giới thiệu là người Hải Phòng, Hà Nội mới qua nhờ con (từng du học) bảo lãnh. Qua những câu chuyện được biết, phần lớn họ là doanh gia thành đạt, đại gia, công chức có quyền ở VN. Họ chỉ thích sống nơi ít người Việt, càng xa càng tốt.
Chúng tôi biết có khi bên trong vài ngôi nhà phòng ốc trống trơn không người ở từ tháng này sang tháng nọ, dạng nhà đầu tư, rộng lớn, nhưng chỉ có bà nội bà ngoại chăm sóc cháu, giữ nhà. Chủ nhân thực sự thì chạy qua chạy lại VN làm ăn. Người ta chấp nhận xa con cái để chúng được đi học trường Mỹ !
Chọn lựa cuộc di tản “hạ cánh an toàn” nhằm dọn đường cho gia đình trong tương lai – thông qua người con du học – đã thành phong trào. Hầu hết trường hợp, người vợ luôn dành vai trò tiên phong mở đường định cư ở lại, chấp nhận người chồng trở lại Việt Nam tiếp tục công việc vì nơi ấy dễ kiếm tiền hơn.
Ðạt được mục đích nhập cư rồi thì rửa tiền không còn là điều khó khăn. Ngay tờ báo National Post, New York Post, Business Insider cũng đã bóc trần về khối lượng tài sản của quan chức Việt Nam, chỉ thua Trung quốc.
Số tiền dưới dạng đầu tư cố định đã vào được đất Mỹ nhờ lách luật. Họ chuyển tiền ra khỏi Việt Nam bằng ngân hàng ngoại quốc, phần lớn tại Trung quốc hoặc Thái Lan.
Ai từng theo dõi sự kiện chấn động hồ sơ Panama bị lôi ra ánh sáng có đến 189 cá nhân, 19 tổ chức ảo được thành lập tại nước ngoài thì sẽ thấy đó là một bằng chứng rửa tiền. Ðó là đồng tiền nước mắt và mồ hôi của mấy chục triệu dân đóng thuế cho ngân sách quốc gia nay vào túi tư nhân.
Hiện nay có gần 170,000 du học sinh Việt Nam tại các nước có nền giáo dục văn minh. Riêng Mỹ quốc, ngoài 7,000 du học sinh cấp trung học, có hơn 22,000 du học sinh bậc đại học gốc Việt. Ngoài một số ít em chật vật mưu sinh vừa học vừa làm thêm cuối tuần nhằm bớt đi gánh nặng cho gia đình, vì gia đình đã hy sinh cầm cố tài sản cho con, thì đa số du học sinh xuất thân từ gia đình các quan chức “có quyền là có tiền”, đại gia thành đạt…
Trong lặng lẽ kín đáo, nhờ con du học mà nhiều “Việt kiều song tịch” vào vai diễn, diễn sâu kịch bản nhằm an toàn sự nghiệp công danh. Thời đại kỹ thuật số cùng mạng xã hội thì không gì có thể giấu nổi thông tin đa chiều đủ chứng cứ – tuy họ vẫn đi giữa cuộc đời với hoạch định.
TT