Menu Close

Bài học sau những chuyến đi xa

Mùa Hè xem như đã kết thúc khi các học sinh đang chuẩn bị trở lại trường học trong một đôi tuần nữa và các gia đình có con nhỏ cũng đã trải qua dăm chuyến nghỉ mát ngắn dài hàng năm của gia đình. Kỳ nghỉ Hè của gia đình bạn ra sao? Hy vọng là các chuyến đi vui thú và đầy kỷ niệm đáng nhớ. Và ắt có thể cũng có những phiền toái nho nhỏ, bất ngờ không tránh khỏi nào đó trong mỗi chuyến đi? Nếu vậy, hãy xem đó là những kinh nghiệm và bài học quý giá để những chuyến đi trong năm hay cho các mùa Hè về sau trở nên thú vị hơn. Tạm biệt mùa Hè và xin hẹn chuyến đi hào hứng hơn trong năm tới. 

bai-hoc-sau-nhung-chuyen-di-xa
nguồn travel.usnews.com

Không biết vì đang ở nước ngoài nên internet chậm hay hãng hàng không gởi email trễ, ra đến phi trường rồi tôi mới nhận được email báo tin phi cơ sẽ khởi hành trễ hơn ba giờ đồng hồ so với lịch bay. Tất nhiên chẳng ai muốn hay cảm thấy thoải mái khi phải ngồi chờ thêm dăm giờ nữa nhưng đó là điều đầu tiên cần chuẩn bị cho những ai đi du lịch bằng đường hàng không hiện nay. Dù hãng hàng không này được đánh giá tốt hơn hãng nọ, có vô vàn những lý do ngoài ý muốn để các phi cơ của bất cứ hãng nào cũng có thể bị trì hoãn, trễ nải hay thậm chí chuyến bay bị hủy bỏ. Vì lý do thời tiết, an ninh, kỹ thuật máy móc hay lý do phi hành đoàn, phi trường…, không kể chính hành khách bị lỡ chuyến bay vì đến trễ, giấy tờ trục trặc hay không kịp thời gian đổi chuyến bay. Với những chuyến đi suôn sẻ, bạn hãy tự chúc mừng và cảm ơn điều này. Bằng không, hãy chuẩn bị để một khi những điều bất ngờ ngoài dự định kia xảy ra sẽ không trở thành điều gì đó quá “khủng khiếp” cho những người chỉ kỳ vọng mọi sự hoàn hảo, suôn sẻ.

Muốn hay không thì những chuyện như vậy xảy ra ngày càng thường xuyên hơn mà bạn chẳng có cách nào khác hơn là phải chấp nhận. Nhưng thay vì thấp thỏm, chờ đợi rồi cảm thấy sốt ruột vì thời gian, bạn có thể cùng cả gia đình vào một tiệm ăn nào đó trong phi trường cho buổi cơm trưa hay tối để thử một tiệm ăn mới chưa từng ăn qua. Các phi trường không chỉ còn những quầy fast food bán dăm món nhàm chán, khó nuốt mà hiện nay có những nhà hàng khá bắt mắt, lịch sự với các món ăn ngon, lạ. Có lần đợi chuyến bay kế tại phi trường Frankfurt bên Ðức, tôi dắt con gái đi ăn xúc xích Ðức, có cả đứa con trai một anh bạn đi theo. Vài năm sau cậu bé còn nhắc đến kỷ niệm được ăn các loại xúc xích Ðức ngay trên đất Ðức ra sao. Nếu chưa đến giờ ăn và không có “tâm hồn ăn uống”, các trẻ nhỏ thì đã khá dễ dàng với các game điện tử, còn bạn nếu không đọc sách báo hay xem tin tức trên các màn hình thì thử dành chút thời gian điện thoại hay viết thư thăm hỏi người thân, bạn bè bấy lâu ít liên lạc. Tôi chắc rằng bạn rất vui khi một ngày bỗng nhận được email thăm hỏi của người thân, người  bạn từng quen biết hay đã lâu không gặp. Nếu vậy tại sao bạn không là người làm điều này? Thú thật, với dăm việc như vậy thì thời gian chờ đợi qua đi nhanh đến bất ngờ và “a-lê”, đã đến giờ lên máy bay. Nhớ đừng quên để mắt đến việc thay đổi cổng bay có thể xảy ra. Bằng không chính bạn có thể tự mình trễ chuyến bay thêm lần nữa nếu không chú ý các thông báo đổi giờ, đổi cổng trong những tình huống trễ nải như vậy.

bai-hoc-sau-nhung-chuyen-di-xa3
Thử dành chút thời gian điện thoại hay viết thư thăm hỏi người thân, bạn bè bấy lâu ít liên lạc – nguồn thisismoney.co.uk

Trở lại chuyến bay của tôi, chuyện không dừng ở đó. Cách thức làm việc của nhân viên phi trường tại mỗi quốc gia khá khác nhau, có nơi họ chẳng thông báo trên loa hay bảng điện tử chẳng hiện thông tin rõ ràng như nhiều người vốn quen thuộc tại Mỹ. Vào trang mạng của hãng hàng không để xem cập nhật về chuyến bay của mình, giờ bay bây giờ hiện ra trễ hơn năm giờ, thay vì ba giờ như thông báo ban đầu. Lên quầy nhân viên hỏi thì mới biết chuyến bay đã hủy và nhân viên đang liên lạc, sắp xếp thuê mướn xe, khách sạn để chở toàn bộ du khách ngụ qua đêm trước khi thông báo. Họ lo ăn uống, chuyên chở, nơi ở và phát cho mỗi người một mệnh phiếu (voucher) trị giá 300 đô cho lần bay tới. Trễ nải thì tôi vẫn gặp đó đây nhưng hủy cả chuyến bay, thì vẫn hiếm hơn và thường do thời tiết hay phi cơ hỏng hóc. Nhưng là gì thì đó là những việc có thể xảy ra với bất cứ ai và lúc nào.

Tôi lấy sự việc đó để trò chuyện cùng các con, xem như là bài học và sự chuẩn bị cho các em khi trưởng thành sẽ tự mình hay cùng bạn bè du lịch không cùng cha mẹ. Du lịch không phải những tấm hình, thước phim tuyệt đẹp và đầy quyến rũ mà những hãng hay các quốc gia quảng cáo để thu hút du khách hoặc bạn bè chọn lọc đưa lên facebook. Nó sống thực và pha trộn giữa điều thú vị và những sự bất lường, kém thoải mái, mỗi người phải đối diện hay trải qua. Nó dạy các em sự kiên nhẫn và biết ứng biến trong nhiều tình cảnh khác nhau ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Thú thật, những việc như thế giúp cho các em trưởng thành và định hình một tính cách mạnh mẽ, độc lập, làm chuyến đi của các em đáng nhớ hơn.

bai-hoc-sau-nhung-chuyen-di-xa2
Vắt sữa bò tại trang trại

Việc du lịch đưa các em từ một không gian quen thuộc, đầy đủ tiện nghi đến việc thích nghi với môi trường khác biệt, lắm khi qua đó mà học được sự thông hiểu những đời sống, con người và văn hóa khác biệt, cùng một tinh thần tri ân về những điều kiện đầy đủ mình đã có. Cũng đến một đảo quốc xinh đẹp và đầy thú vị mà tôi đã từng ghé ngang, một người quen đi về chỉ than phiền mỗi việc gia đình bị… muỗi cắn rồi đâm ra không thích nơi mình đến. Dăm người đến Châu Âu, về đến Mỹ chỉ để than phiền về phòng vệ sinh bên đó chật hẹp, dơ dáy hơn ở Mỹ. Dù thông cảm với những người chưa quen với những điều nho nhỏ như vậy, quả đáng tiếc cho bất cứ ai đó để những phiền toái hay sự thiếu tiện nghi tương tự che lấp sự vui thú của chuyến đi. Bởi cách này hay cách khác, chúng ta sẽ gặp vô số điều như vậy. Càng dễ thích ứng vào môi trường và điều kiện chung quanh, người ta càng dễ hòa nhập và thông cảm điều khác biệt. Thử nghĩ đến một ngày nào đó các em sẽ  theo học, ăn ở nội trú tại một nơi xa nhà, tham gia các chuyến thiện nguyện tại các quốc gia nghèo khổ và thiếu thốn đủ điều, liệu các em sẽ xoay trở thế nào? Nhưng đó là chuyện của tương lai, và suy nghĩ thông thường của không ít người rằng, khi trưởng thành các em sẽ tự biết cách xoay trở (!?). Có thể là vậy, nhưng không chắc sẽ xảy ra. Bởi bắt gặp cách hành xử và suy nghĩ của không ít người trưởng thành xem ra còn lắm điều suy nghĩ. Vội vàng, hối hả, thiếu kiên nhẫn dẫn đến thái độ và cư xử thô lỗ, kém văn minh vẫn thường gặp nhan nhản. Chỉ đôi chút sái ý, không hài lòng thì đã sừng sộ, sửng cồ. Người ta du lịch ngày càng nhiều hơn, tôi vẫn gặp đó đây những nhóm du khách gốc Việt đông đúc đến vài chục người. Chỉ một gia đình xếp hàng và những người đến sau cứ lần lượt cắt hàng, chen vào đứng chung, bỏ qua sự công bằng và phép lịch sự công cộng. Lắm người dễ dàng chỉ trích những đoàn du khách Trung Cộng ồn ào, dung tục, nhưng cũng nên ý tứ xem liệu chúng ta cũng có cách hành xử tương tự và bị người khác đánh giá như vậy hay không?

bai-hoc-sau-nhung-chuyen-di-xa1
Kết bạn mới tại nước ngoài

Du lịch còn khơi óc tò mò và dạy các em tính khám phá, thám hiểm khi đến nơi xa lạ. Nó cho các em thấy được vô số điều mới lạ, thử qua những điều chưa hề biết đến hay làm qua. Nó giúp các em xây dựng sự tự tin khi tiếp xúc với người lạ trong một xã hội và ngôn ngữ khác biệt, có cơ hội giao tiếp và kết thân những người bạn mới.  Nó biến các em trở thành những con người có lắm câu chuyện thú vị với nhiều trải nghiệm đã từng trải. Và hơn hết, nó gắn kết các em với cha mẹ, anh chị em trong gia đình khi cùng có chung những thời gian vui thú, gắn bó với nhau. Ðó chỉ là vài trong muôn vàn điều có thể kể khác mà các em học được qua những chuyến đi.

Không có chuyến đi nào giống chuyến đi nào và cảm nhận, trải nghiệm của mỗi người, mỗi gia đình lại càng khác biệt. Kiên nhẫn, thông cảm, hội nhập và thích ứng, những điều học được từ các chuyến đi không chỉ giúp cho các em mà cả những người trưởng thành chúng ta có thêm nhiều điều để giúp những chuyến đi tương lai ngày càng thú vị hơn. Xin tạm biệt và hẹn đến mùa Hè năm sau.

ĐYT