“Yellow Submarine” là một cuốn phim hoạt hoạ ra mắt khán giả vào tháng 7 năm 1968. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm phim này đã được phục hồi, chỉnh sửa và mang ra trình chiếu trên một số màn ảnh lớn chọn lọc trên toàn nước Mỹ.

Những ai từng nghe đến ban nhạc The Beatles chắc hẳn phải biết bản nhạc “Yellow Submarine” nổi tiếng. Bài này được John Lennon và Paul McCartney soạn cho Ringo hát, nằm trong album “Revolver” (1966). Ngoài ra, “Yellow Submarine” còn được phát hành như dĩa đơn 45 tua (cùng với bài “Eleanor Rigby” ở mặt B) từng đứng thứ #1 trên bảng xếp hạng Billboard bên Anh mấy tuần lễ liền. Ở Mỹ “Yellow Submarine” chỉ leo đến vị trí #2.
Vào thời điểm ấy ban Beatles có ký một hợp đồng với hãng phim United Artists để làm ba bộ phim. Nhưng sau khi hoàn tất “A Hard Day’s Night” (1964) và “Help!” (1965) thì ban nhạc không còn hứng thú đóng phim nữa. Vả lại lúc ấy bốn chàng tứ quái đang bận thu thanh dĩa đôi “The Beatles” (thường được gọi là “White Album”) nên họ lại càng không có thì giờ để đóng phim. Ðể tránh bị kiện cáo lôi thôi, ban quản trị nghĩ ra cách sản xuất một cuốn phim hoạt hình kiểu như Walt Disney, nhưng dùng nhạc Beatles làm nền, bắt chước theo loạt phim hoạt hoạ (cartoon) hàng tuần trên đài TV Mỹ mang tên “The Beatles” (1965-1967), dùng diễn viên chuyên nghiệp để lồng tiếng các nhân vật John, Paul, George và Ringo.

Tuy không ưa loạt phim hoạt họa trên đài TV Mỹ, và cũng chẳng mặn mòi gì lắm với ý tưởng làm một cuốn phim hoạt hình dài 90 phút, các thành viên Beatles vẫn đồng ý xúc tiến làm phim với điều kiện đừng bắt họ phải đóng bất cứ vai gì trong đó. Brian Epstein, manager của Beatles lúc bấy giờ, cho mời Al Brodax, nhà sản xuất bộ phim hoạt họa “The Beatles” trên TV, hợp tác dựng một cuốn phim. Brodax bèn gọi một số người quen về đầu quân — như đạo diễn George Dunning đến từ Canada, vài hoạ sĩ từng làm việc cho bộ phim hoạt họa “The Beatles”, và nhà soạn kịch bản tên Erich Segall về sau là tác giả truyện “Love Story” mà vào thời 70 đã được chuyển thành phim, làm mê hoặc không biết bao nhiêu lớp trẻ ở miền Nam VN. Ðặc biệt hơn hết là sự đóng góp của một họa sĩ trẻ người Tiệp gốc Ðức tên Heinz Edelman. Chính Edelman là người đã tạo nên phong cách vẽ hết sức độc đáo trong phim mà về sau nhiều người khác đã bắt chước.
Nhưng khi mới bắt tay vào việc thì nhóm nghệ sĩ này vẫn chưa chọn được một hướng đi rõ rệt. Phải đợi đến khi ông George Martin, nhà sản xuất nhạc của ban Beatles, gọi mọi người đến Abbey Road studio và cho họ nghe dĩa nhạc mới nhất của Beatles sắp ra lò mang tên “Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band” thì họ mới nghĩ ra được một câu chuyện có thể dùng để dựng thành phim. Thế là “Yellow Submarine” ra đời.

Cốt truyện của phim “Yellow Submarine” khá đơn giản, nhưng được lồng trong một bối cảnh giả tưởng ngoài sự tưởng tượng. Ngày xửa ngày xưa, có một vùng đất mang tên Pepperland bị một nhóm người độc ác màu xanh gọi là Blue Meanies biến thành tượng đá vì bọn chúng rất ghét âm nhạc. Ông thị trưởng của Pepperland đã phải bỏ trốn trong một chiếc tàu ngầm màu vàng (the Yellow Submarine) để đi tìm người cầu cứu. Chiếc tiềm thủy đĩnh đưa ông ta đến thành phố Liverpool. Nơi đây tình cờ ông ta gặp được Ringo và ba người bạn là John, Paul và George. Bộ tứ này đã cùng ông du hành trở về Pepperland để đánh bại nhóm Blue Meanies và giải cứu cư dân trong vùng — bằng âm nhạc! Trên đường họ đụng độ vô số nhân vật và thủy vật quái dị mà họ phải đối phó bằng những ca khúc của mình.
Truyện đại khái chỉ có vậy, nhưng vì là phim hoạt họa nên trí tưởng tượng của các họa sĩ được mở hết ga. Tuy lúc đầu phim không được tiếp đón nồng nhiệt cho lắm nhưng vì có nhạc của The Beatles nên vé vẫn bán chạy. Ngày nay “Yellow Submarine” được xem như một sự kiện văn hoá lớn trong lịch sử điện ảnh nói chung, và bộ môn hoạt hình nói riêng. Từ đó đến nay gần như không có một cuốn phim hoạt họa nào qua mặt được “Yellow Submarine” về mặt sáng tạo trong cách tạo hình mặc dù kỹ thuật làm phim bằng computer đã tiến bộ hơn rất nhiều.

Riêng về mảng âm nhạc, vì ban Beatles lúc ấy quá bận rộn nên họ đã chẳng bỏ nhiều thì giờ soạn nhạc mới cho phim. Ngoài hai bài “Yellow Submarine” và “Eleanor Rigby” đã ra đời trước đó, Beatles đã cho thêm vào vài bài nhạc cũ như “Lucy In The Sky With Diamonds”, “Nowhere Man”, cộng với vài bài chưa được phát hành như “It’s Only A Northern Song”, “It’s All Too Much”… Một nửa nhạc nền của phim là do George Martin soạn và hoà âm, dựa theo những ý nhạc của Beatles.
Paul McCartney thì vì bí quá nên đã soạn đại một ca khúc kiểu mì ăn liền đặt tên là “All Together Now”, nghe y như nhạc đồng dao cho trẻ con. Vậy mà cuối cùng bài này lại trở thành một trong những bản nhạc kinh điển của ban Beatles và là bài nhạc phim được nhiều người thích nhất sau bản “Yellow Submarine”. Khi phim vừa mới làm xong, ban Beatles được mời đến xem trước. Họ đã thích quá và quyết định xuất hiện trong màn cuối của phim để cùng hát bản “All Together Now”. Và đó cũng là lần cuối cùng chúng ta được xem bộ tứ Beatles đóng phim.

Năm mươi năm sau, “Yellow Submarine” một lần nữa được ra mắt khán giả tại một số rạp hát chọn lọc trên nước Mỹ và khắp thế giới. Lần này phim đã được chuyển sang dạng 4K với màu sắc và hình ảnh cực kỳ rõ nét. Nhà sản xuất Abramorama (cách đây hai năm đã cho ra phim “Eight Days A Week” về The Beatles do Ron Howard đạo diễn) cho biết họ đã không dùng nhu liệu máy móc để phục hồi bộ phim mà đã chỉnh sửa toàn bộ bằng tay, vẽ lại từng khung một, để không làm hư những nét màu nguyên thuỷ của phim gốc. Không những vậy, phần âm nhạc và âm thanh trong phim cũng đã được các kỹ sư chuyển từ mono sang Dolby stereo 5.1 khi phim được tung ra trong dạng Blu-ray DVD cách đây hai năm. Lần này, khán giả Mỹ không những được coi “Yellow Submarine” với âm thanh nổi trên màn ảnh lớn, mà còn được xem một số cảnh đã bị cắt bỏ khi phim được mang trình chiếu tại Mỹ năm 1968. Ðáng kể nhất là bài “Hey Bulldog” của John Lennon vừa được để vào trở lại mà tới giờ nhiều người mới được thấy. Dẫu biết ta có thể mướn hoặc mua phiên bản mới này để xem trên TV ở nhà, nhưng không thể nào so sánh với việc đi xem “Yellow Submarine” trong một rạp hát hiện đại. Thậm chí, có thể nói rằng ta sẽ thấy chắc chắn phải phê hơn thuở xa xưa, khi rạp xi-nê chưa có âm thanh nổi và màn ảnh lớn, nhất là không có ghế bành cho ta ngả lưng hoặc duỗi chân, nhâm nhi ly rượu hoặc cốc cà phê…

PA