Menu Close

Hành trình 25 năm một Giáo Xứ

LỜI TÒA SOẠN: Từ một cộng đoàn nhỏ với vài chục gia đình khoảng đầu thập niên 90, Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã phát triển thành một trong những giáo xứ mạnh và đông giáo dân nhất tại khu vực Dallas-Fort Worth, Texas. Từ căn nhà thờ nhỏ đơn sơ lúc đầu đã sừng sững mọc lên ngôi thánh đường rộng lớn, với tháp chuông mang đậm phong cách Việt Nam. Tuy có tính cách địa phương, nhưng sự lớn mạnh của cộng đồng Công giáo này cũng mang nét điển hình cho sự phát triển và thành công của nhiều cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ. Chúng tôi giới thiệu bài phỏng vấn sau đây với Kiến Trúc Sư Lê Hùng, một trong những giáo dân đã góp sức vào tiến trình thiết kế và xây dựng ngôi Thánh đường rộng đẹp này.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu2

Đinh Yên Thảo (DYT):Ý tưởng thiết kế đầu tiên của Lê Hùng về ngôi giáo đường cùng tổng thể khuôn viên đến từ đâu?  Tại sao mang kiến trúc và kiểu dáng như hiện nay?

Kiến Trúc Sư Lê Hùng (KTS LH): – Dài dòng một chút cho có nguyên do. Buổi tối đầu tiên Hùng về giáo xứ, lúc tập hát với ca đoàn Thánh Linh, một anh trong ca đoàn cho biết giáo xứ đang có cuộc thi vẽ Ðài Ðức Mẹ cho nhà thờ (nhà thờ đầu tiên) và ngày hôm sau là hạn chót nộp bản vẽ. Tập hát xong, về nhà Hùng thức suốt đêm để vẽ. Hồi đó chưa có computer, vẽ tay và mô phỏng đồ họa (rendering) phối cảnh bằng màu nước để hôm sau nộp. Hùng không biết những ai chấm, nhưng Hùng được giải nhất và được chọn để thi công. Nói cho oai thôi vì hình như chỉ có vài bản vẽ tham dự thi. Tượng Ðức Mẹ bằng gỗ sồi đặt mua tận Ý rất đẹp, đứng trên một trụ tròn trên nền hình ngôi sao năm cánh (Lạy Mẹ Là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian…), có bồn hoa chung quanh cũng hình ngôi sao. Năm cánh của năm bồn hoa trồng năm màu hoa trắng, vàng, tím, đỏ và xanh mà các em Thiếu Nhi thường dâng hoa mỗi tháng Năm. Gạch lót nền dùng hai màu xanh và trắng là màu áo Mẹ. Thế là từ đó các Cha biết Hùng biết vẽ và đi vào dòng chính cho các thiết kế sau này.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu7
Bản vẽ chính diện

Khi giáo xứ phát triển, nhà thờ không đủ chỗ chứa giáo dân, mọi người quyết tâm xây dựng Thánh Ðường mới, Hùng cũng sẵn sàng giúp với khả năng hạn hẹp của mình. Thiết kế bên ngoài Hùng dùng vữa tường trắng và mái ngói đỏ (mặc dù Texas hay dùng gạch và mái ngói mắc hơn rất nhiều so với các loại mái khác), vì ngày xưa đình làng Việt Nam là nơi hội họp mọi người thường dùng tường vôi trắng với mái ngói đỏ. Tháp chuông ngay lối vào chính là biểu tượng của các nhà thờ Công Giáo và ở Việt Nam thì chuông nhà thờ gióng gọi con chiên đến tham dự Thánh Lễ. Mái của tháp chuông và mái của gian cung Thánh được thiết kế giả mái cong ở các góc. Nhiều người nghĩ rằng mái cong là của Kiến Trúc Phật Giáo, thật ra thì không phải vậy. Mái cong là của Kiến Trúc Á Ðông từ ý tưởng cương-nhu mà ra. Ðường nét dốc xuống là cương, nhưng lại vuốt nhẹ lên là nhu, làm giảm đi sức mạnh của nét đi xuống. Hình dáng bên ngoài là sự kết hợp hài hòa của cả hai nền Kiến Trúc Á Ðông và Tây Phương.

DYT: Cảm ơn Lê Hùng, ắt mọi người đã có thể cảm nhận được sự kết hợp Đông-Tây này nhưng quả thú vị để nghe Lê Hùng giải thích thêm chi tiết.  Các Thánh đường Công giáo mang một số phong cách và trường phái kiến trúc khác nhau, như vậy ngôi Thánh Đường của chúng ta có thể xem là phong cách gì?

KTS LH: -Thường thì các Thánh Ðường lớn gọi là Cathedral, Basilica… theo phong cách Gothic, là kiến trúc kiểu Âu Châu khoảng giữa thế kỷ 12 đến thế kỷ 16, nhìn rất nguy nga tráng lệ và cổ kính nhưng rất tốn kém, vài chục triệu là chuyện thường. Vào lúc đó giáo xứ còn khó khăn, và chỉ ước mơ có một nhà thờ rộng rãi hơn thôi. Với kinh phí dự trù khoảng một triệu. Sau này tốn gần ba triệu do giá cả vật liệu lên giá và thêm bãi đậu xe… Vì thế liệu cơm gắp mắm, chỉ như một đình làng tường vôi trắng, mái ngói đỏ, tháp chuông ngân nga làm nơi thờ phượng Ðấng Tối cao, và cũng là nơi giáo dân gặp gỡ nhau hằng tuần trong tình yêu của Thiên Chúa.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu5
Bản vẽ Bình Đồ

DYT: Lê Hùng tâm đắc điều gì nhất trong thiết kế của mình. Và nếu có cơ hội thiết kế lại thì Lê Hùng sẽ thay đổi điều gì?

KTS LH: – Tạ ơn Chúa vì Lê Hùng cầu nguyện Chúa giúp sức cho mình, cho nên Chúa làm tất cả. Ngài mới chính là Ðấng sáng tạo, mình chỉ làm theo ý Người thôi. Nhìn bên ngoài thì không thấy to lớn, nhưng vào bên trong thì thấy rộng và thoáng. Nhiều nhà thờ bên ngoài nhìn to lớn, nhưng vào trong lại thấy giới hạn. Còn thiếu sót là Lê Hùng là Ca Trưởng thế mà khi thiết kế quên mất một phòng để tập dợt trước giờ hát lễ, do bởi tận dụng tối đa cho gian Cung Thánh, chỗ ngồi giáo dân và đại sảnh phía trước. Lỗi tại tôi mọi đàng, giờ các ca đoàn phải ôn hát trong nhà nguyện hoặc nhà Giêrađô. Nếu có cơ hội thiết kế lại Hùng sẽ làm cái phòng này gần chỗ bục hát ca đoàn.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu6
Xây dựng tháp chuông

DYT: – Hy vọng các anh chị em ca đoàn đã quen và thông cảm (cười). Để mọi người có thể biết thêm việc xây dựng giáo đường của chúng ta nhiêu khê ra sao, Lê Hùng có thể kể sơ về quá trình thiết kế, làm việc với các hãng kiến trúc, hãng thầu, xin giấy phép, việc thi công trải qua những giai đoạn gì?

KTS LH: Dạ! Số là Hùng tốt nghiệp Kiến Trúc tại Việt Nam và cả Hoa Kỳ, nhưng không có giấy phép để làm những công trình bạc triệu.  Thế nên Hùng phải làm việc với một kiến trúc sư có giấy phép hành nghề, cùng với các kỹ sư công chánh, kỹ sư MEP về cơ-điện-lạnh, cấp thoát nước…  Họ hoàn toàn thực hiện theo thiết kế của mình. Cha xứ lúc bấy giờ là cha Ðinh Minh Hải và một vài đại diện giáo xứ thường xuyên họp với Ban Kỹ thuật để góp ý cho Thánh Ðường, phải mất cả năm trời vì còn phải họp với thành phố, xem xét các chi tiết đấu thầu rồi chọn nhà thầu nào phải được giáo phận Dallas đồng ý…  Rồi khi thi công, gặp ngày Ðông giá thợ không làm việc được, đình trệ mất một thời gian. Tạ ơn Chúa! Cuối cùng Tân Thánh Ðường cũng đã sừng sững hiện diện.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu4
Xây dựng gian Cung Thánh

DYT: – Lê Hùng vừa nhắc đến giáo phận. Khác với các công trình kiến trúc dân sự, những công trình kiến trúc tôn giáo dường như còn phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn của tôn giáo phải không? Riêng với công trình giáo xứ chúng ta, giáo phận yêu cầu những điều gì?

KTS LH: – Ðối với một công trình dân sự chỉ cần sự chấp thuận của thành phố, nhưng công trình về nhà thờ Công giáo còn phải được Giáo phận Dallas chấp thuận. Thế nên Cha xứ và Ban Kỹ Thuật cũng phải họp thường xuyên với Giáo phận Dallas, trong đó thường có một Ðức Ông hoặc một Cha của giáo phận, một vị chuyên về tài chánh giáo phận, một giáo sư nghệ thuật của một trường Ðại học… ngồi nghe mình trình bày ý tưởng thiết kế như lý do tại sao mình muốn làm như vậy, xem có gì không đúng với tín lý hay không cùng nghệ thuật Thánh, họ sẽ góp ý. Nếu không đúng phải sửa cho đúng với tiêu chuẩn của Giáo phận Dallas. Nên nhớ mỗi giáo phận mỗi khác, chẳng hạn giáo phận Dallas và Fort Worth cũng đã có những tiêu chuẩn khác nhau rồi.

Vài ví dụ như lúc đó giáo phận Dallas không cho làm tầng gác lửng phía trên cho dù dùng cho ca đoàn hay để giáo dân ngồi. Vị trí của ca đoàn phải gần gian cung Thánh. Cái nữa là không được để Mình Thánh Chúa trên cung Thánh mà để ở nhà tạm (là nhà nguyện hiện nay). Không được để Ðức Mẹ và tượng các Thánh trên cung Thánh, thế nên anh thấy trong nhà thờ để ở hai bên đó, lý do là để cho giáo dân tập trung vào chỉ Chúa Giêsu. Còn nhiều điều như vậy nữa. Còn về tài chánh, giáo xứ phải vay ngân hàng, nên phải chứng minh cho giáo phận số tiền bỏ giỏ hằng tuần của giáo xứ, sau khi trừ mọi chi phí phải đủ số tiền trả hàng tháng… Hùng nhớ lúc đó giáo xứ phải nộp báo cáo tài chánh sáu tháng cho giáo phận duyệt để được cho phép tiến hành dự án. Còn nhiều chuyện nữa, nhiêu khê lắm, nhưng nhờ lời cầu nguyện và sự quyết tâm xây nhà Chúa, nên cuối cùng mọi chuyện cũng vượt qua được. Anh thấy đấy, nét son của người Công Giáo Việt Nam từ xưa đến nay, di cư từ Bắc vô Nam, di cư tị nạn khắp thế giới, nghèo khổ, nhà tranh vách đất, nhưng cũng góp công góp của xây nhà Chúa cho đàng hoàng. Hãnh diện lắm chứ. Nói đến những sự nhiêu khê, chúng ta phải hết lòng biết ơn cha Ðaminh Ðinh Minh Hải, người nhiều tâm huyết và vất vả nhất. Hùng có khi đôi ba ngày ra công trường xây dựng xem xét họ thi công có đúng với bản vẽ của mình không. Còn Cha Ðinh Minh Hải hầu như ngày nào cũng có mặt ở công trường xây dựng.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu
KTS Ca Trưởng Lê Hùng

DYT: – Cung Thánh được thiết kế rất sáng và đẹp. Lê Hùng muốn tạo một không gian và kiểu mẫu như thế nào qua thiết kế nội thất bên trong Thánh đường?

KTS LH: – Lê Hùng chỉ có ý tưởng đơn giản là mọi người quây quần quanh bàn tiệc Thánh là chính Chúa Giêsu để diễn lại Hy Lễ Thánh ngày xưa chính Chúa đã làm, nên tất cả ghế giáo dân quây chung quanh và hướng về bàn thờ, quây quần bên Chúa. Gian cung Thánh cao vút lên xuyên qua mái chính, diễn tả chúng ta hướng về quê trời là nơi mọi người tín hữu tìm về, và gian cung Thánh sử dụng ánh sáng tự nhiên từ các cửa sổ trên cao, là chính nguồn sáng Thiên Chúa dựng nên. Khi bước vào nhà thờ bất cứ từ cửa nào, theo tự nhiên con mắt người ta tự động hướng lên trên gian cung Thánh cao vút này.

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu3
Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Giáo Xứ ĐMHCG

DYT: – Ý tưởng hay lắm. Bên cạnh các yếu tố chung như kiến trúc và xây dựng, chắc chắn việc tìm kiếm vật liệu, đúc tượng Đức Mẹ, chuông, xây bàn Thánh…  cũng rất công phu phải không? Lê Hùng có thể cho biết về những việc không kém phần quan trọng này ra sao?

KTS Lê Hùng: – Anh thấy đấy, vật liệu trong nhà thờ tuy đơn giản, nhưng giá trị lắm. Thời điểm lúc ấy vật liệu chưa có tân tiến như giờ và rất mắc. Với số kinh phí khá khiêm tốn chúng ta sẽ không có các loại ấy đâu. Hùng xin phép Cha cho Hùng về VN mua vật liệu mang qua. Hùng vẽ bàn thờ, bục giảng, giếng rửa tội, hình Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp trên tháp chuông…, dĩ nhiên phải vẽ bằng hệ thống SI (mét, cen-ti-mét) chứ VN họ đâu có dùng inch, feet như đây. Ngày xưa học ở VN thì dùng loại này đó, nên Hùng biết. Sau đó đi tìm những nghệ nhân điêu khắc người Công Giáo để đặt hàng, liên lạc chuyển qua Hoa Kỳ bằng đường biển đóng trong những thùng chuyển hàng. Vấn đề là phải kịp thời gian cho đúng với tiến trình xây dựng, nếu không sẽ bị chậm trễ. Ví dụ bàn thờ bằng nguyên khối đá cẩm thạch, mấy chục người cũng không nhấc lên nổi. Phải đưa vào nhà thờ bằng xe cẩu, vì vậy vách kiếng trước cửa nhà thờ phải chưa được dựng lên để mang vô. Dưới chân bàn thờ và bục giảng là trụ bê tông từ dưới nền lên, vì rất nặng. Ðiều quan trọng là tiết kiệm tiền cho giáo xứ. Ví dụ bàn thờ đó làm bên này lúc đó khoảng 23 ngàn đô, còn làm ở VN khoảng ba, bốn ngàn gì đó Hùng không nhớ rõ. Bức hình ÐMHCG ở tháp chuông giá 52 ngàn đô, Hùng làm ở VN hình như bốn ngàn thì phải. Hình ÐMHCG, tượng Thánh Giuse, giếng rửa tội… đều làm ở VN với giá rẻ. Sau này cả công trình Nhà Bình An (Columbarium) đều bằng đá cẩm thạch từ trong ra ngoài cũng tiết kiệm được mấy trăm ngàn…

hanh-trinh-25-nam-mot-giao-xu1
Cha xứ Đinh Minh Hải tại công trường xây dựng

DYT: – Giáo Xứ chúng ta đang hân hoan đón mừng Ngân Khánh 25 năm thành lập. Khi nhìn lại ngôi giáo đường khang trang và rộng lớn mà Lê Hùng đã từng góp sức trong vai trò một kiến trúc sư, cảm nghĩ của Lê Hùng ra sao?

KTS Lê Hùng: Dạ Hùng không dám nhận cái danh hiệu to lớn ấy. Hùng chỉ biết tạ ơn Chúa đã cho Hùng trôi dạt về vùng đất Garland này (chắc tại lấy vợ ở đây) và trở thành giáo dân của giáo xứ ÐMHCG. Những năm gần đây do công việc phải đi làm xa, mãi tận Oklahoma, mà hằng tuần vẫn về sinh hoạt ca đoàn giáo xứ như ngôi nhà thân quen của mình. Mặt khác trong thâm tâm Hùng vẫn thầm biết ơn từ Cha Tưởng, các Cha dòng Chúa Cứu Thế, các ban ngành trong giáo xứ, đặc biệt các anh trong ban xây dựng như kỹ sư Nguyễn Diễm, kỹ sư Nguyễn Dũng… và toàn thể giáo dân, mỗi người đều là những viên gạch xây lên nhà Chúa bằng cách này hay cách khác. Hùng rất hãnh diện là giáo dân giáo xứ ÐMHCG.

DYT: Cảm ơn Kiến Trúc Sư Lê Hùng rất nhiều đã cho mọi người biết thêm không chỉ cả quá trình xây dựng giáo xứ chúng ta công phu ra sao mà còn thêm cả nhiều chi tiết thú vị. Quả đúng là mỗi giáo dân có quyền hãnh diện về sự đóng góp của mình và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mỗi và tất cả mọi người sự nỗ lực, kết đoàn để chung tay kiến tạo nên một nơi tôn thờ và tung hô Ngài đầy trang trọng và đẹp đẽ như đang có hiện nay.

DYT – thực hiện

(trích từ Đặc San Bước Cùng Mẹ GXĐMHCG)