Menu Close

Nghề “lạ” thời nhà sản (kỳ 2)

Bài 2

Trước năm 1975 ở miền Nam bia chai hiệu Con Cọp, hiệu 33, chai rượu Tây, chai giấm, chai dầu ăn, chai nước ngọt Coca Cola, Chương Dương, Xá Xị, chai xi-rô, chai nước biển lớn nhỏ nhiều bao la. Chai nào cũng được làm bằng thủy tinh tốt trong vắt, đủ màu, chai rượu Tây hình dáng thường cầu kỳ có khắc nổi hoa văn, chai nước ngọt thường có “mắt khóm” nổi ở khoảng hai phần ba thân chai. Chai dùng xong người ta gom đống trong nhà bếp, bỏ sau vườn để lâu lâu đem bán ve chai.

Từ khi dân miền Nam bị “giải phóng” thì điện không có xài, các loại đèn măng-sông, đèn dầu lớn có ống khói bằng thủy tinh cao hơn một gang tay từ từ “đi vào dĩ vãng” bởi lẽ đồ cũ xài lâu tất phải bị hư, bể, còn đồ mới thì không sản xuất được nữa. Ly uống nước cũng không có, khách tới chủ nhà toàn cho khách uống nước trong ca nhựa, ca nhôm mỏng tang loại cuốn miệng. Những cái đèn hột vịt lùn xủn, nhỏ xíu trên cắm cái ống khói đèn bằng thủy tinh xanh xanh đầy những bọt nên ánh đèn vừa tù mù, vừa dễ bị gió thổi tắt. Vậy là người ta nghĩ cách tận dụng số vỏ chai bỏ đi đó, lựa những cái chai thủy tinh màu trắng trong suốt trước kia chứa rượu, giấm, nước ngọt… để cắt ra làm cái đèn, chai thủy tinh màu thì kiếm đủ bộ bốn hay sáu cái cùng loại cùng cỡ để làm bộ ly uống nước.

nghe-la-thoi-nha-san2
Xe đạp ôm. nguồn: Báo Mới

Trước hết, lấy lá chuối khô nhét miệng chai cho kín. Lấy một đoạn dây tước từ sợi dệt bao bố tời ra se nhỏ lại, cột chặt quanh thân chai chỗ muốn cắt, cái gút càng nhỏ thì đường cắt càng đẹp. Chấm dầu lửa vô sợi dây thật khéo sao cho dầu thấm ướt hết sợi dây bố nhưng không lan ra chỗ khác, rồi đốt sợi dây bố. Lửa cháy phừng lên một lúc, cháy hết sợi dây thì lấy nước tưới vào chai. Chỗ cột dây bố đốt gặp nước kêu răng rắc rồi nứt ra theo lằn sợi dây. Lúc đó chỉ việc lấy lưỡi dao mỏng gõ nhẹ nhẹ theo lằn nứt là cái chai đã được cắt rời khỏi cổ chai. Sau đó đem mài chỗ cắt xuống nền xi măng cho láng miệng lại là xong. Ðây là kiểu cắt của cha tôi. Ông thợ cắt vỏ chai “chuyên nghiệp” thì uốn cọng dây kẽm lớn cỡ đầu nhỏ chiếc đũa vừa sít với thân chai chỗ muốn cắt, cho cái khung này vô lò đốt cọng kẽm cháy đỏ rồi tròng vào chai để đó chừng hai phút, rưới nước vào là chai nứt theo cọng kẽm. Với cọng kẽm đường cắt thường đẹp hơn, không nứt bậy như khi đốt sợi dây bố. Cắt xong, ổng mài miệng chai láng bằng cái máy mài dao quay tay, xong rửa sạch phơi khô xếp hàng bán. Người ta mua vỏ chai đã cắt này về làm ly uống nước, làm đèn dầu bưng đi ngoài đường không bị gió thổi tắt. Ngày đó, cha tôi làm đèn dầu bằng chai nước biển một lít để dùng trong nhà cho ánh sáng nhiều hơn. Ðèn để bưng đi đường ban đêm thì làm bằng chai nước ngọt có “mắt khóm” ánh sáng sẽ lấp lánh, lung linh như đèn chùm. Thanh niên trẻ dùng chai thủy tinh màu, tối tối í ới rủ nhau xách đi chơi y như con nít xách lồng đèn Trung Thu xanh đỏ tím vàng vậy.

Giống như vật dụng thủy tinh, phụ tùng xe đạp sau khi bị “giải phóng” trở thành hàng quý hiếm, người ta bèn nghĩ đủ thứ cách để thay thế, trong đó bộ phận dễ “sản xuất” để thay thế nhứt là pedal, tầm quan trọng của ông thợ mộc “lên hương” từ dạo ấy. Ổng đo chiều ngang, chiều dài của trục sắt pedal xong thì kiếm cây gỗ vụn cưa thành từng miếng hình chữ nhật, chính giữa khoan một lỗ tròn xuyên suốt qua hơi rộng hơn độ lớn của trục một chút để làm chỗ xỏ qua cái trục pedal. Trên bề mặt miếng gỗ được đục nhiều đường chéo hình thoi để tăng độ ma sát khi đạp xe. Vậy là xong, pedal này được treo bán lủ khủ ở các điểm sửa xe đạp vỉa hè. Tất nhiên, nó không đủ độ trơn khi đạp do thiếu ống sắt lăn bên ngoài trục như pedal chánh hiệu, đạp xe mệt hơn, nhưng có còn hơn không, nó vẫn tốt hơn là đạp chân lên cái trục pedal.

Tôi nhớ ở nhà tôi khi nhúm lửa nấu ăn thì chẻ củi nhỏ ra, gom một mớ tro trong lò lại chính giữa, lấy chai dầu lửa chế một ít vô mớ tro đó, xếp củi chẻ nhỏ lên rồi châm lửa đốt cho củi bén lửa, sau đó từ từ cho thêm que củi lớn hơn vô lò. Khi bị “giải phóng” thì dầu lửa không có để đốt đèn ban đêm, có đâu dư tới mức dùng nhúm lửa, vậy là người ta cũng “sản xuất” ra một thứ vật liệu nhúm lửa mới là vỏ bánh xe phế thải. Làm nghề gọt cao su nhúm lửa phải có sức khỏe và một con dao mỏng vừa phải nhưng cực kỳ sắc bén. Họ dùng con dao đó “xả” từ vỏ xe hơi cho đến vỏ xe đạp ra từng miếng bằng ngón tay để bán theo bó hoặc cân ký lô như bán cá, bán thịt. Họ ngồi ngoài chợ chồm hổm vừa gọt vừa bán. Tôi đứng coi thấy con dao cứ xắn xuống miếng vỏ xe hơi ngọt xớt như ta gọt miếng dưa leo. Có lần cha tôi bỏ ra cái vỏ xe đạp cũ, tôi đã thử lấy dao gọt rồi, và cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Mỗi lần nhúm lửa người ta đốt một miếng cao su thay thế dầu lửa. Nhà nghèo chỉ mua được mỗi lần một bó nhỏ, nhà khá giả mua cân ký thì được lợi nhiều hơn.

Nghề Honda ôm thì ai cũng biết lâu rồi, sau năm 1975 xăng dầu mua theo tem phiếu, mỗi hộ gia đình một tháng được bán cho hai lít dầu lửa đỏ (còn bị bọn mậu dịch viên đong thiếu) để đốt đèn thôi, phụ tùng Honda cũng không có nữa. Vậy là quê tôi xuất hiện thêm nghề xe đạp ôm và nghề xe vua. Xe đạp ôm thay thế cho xe Honda ôm, cái này dễ hiểu, không cần giải thích. Còn xe vua là cái xe đạp sườn ngang có gắn thêm cái thùng xe đóng bằng gỗ đàng sau, thùng xe gắn nhíp xe (kiếm được nhíp xe hơi cũ là bá chấy) và hai bánh xe đạp. Xe vua có thể chở đủ thứ từ người tới đồ vật, gia súc nhưng tại sao nó có tên xe vua thì không ai giải thích được, thấy ai cũng kêu là xe vua thì người nọ bắt chước người kia kêu theo thôi. Thập niên 2000, xe gắn máy Trung Quốc tràn ngập Việt Nam với giá rẻ hơn xe Nhựt rất nhiều, xe vua gần như bị “tuyệt chủng” ở miền Tây Nam bộ.

Thập niên 80, tôi đi học ở Sài Gòn, mỗi năm về nhà hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết Nguyên Ðán. Xe đò chạy lên xuống tuyến miền Tây – Sài Gòn đều đi qua bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận. Thời gian xe dừng lại xếp hàng chờ đến lượt qua bắc rất lâu, có khi đến hai ba tiếng đồng hồ. Ðây là cơ hội cho những người bán hàng rong “kinh doanh” sôi nổi, tiếng rao hàng tả pí lù loi nhoi không lúc nào ngưng. Tôi thích mua vài cái vỏ lon được cắt gọt và chế thành những cái ca uống nước có nắp, bộ nồi niêu xoong chảo lò củi, bộ bàn ghế salon, tủ thờ… được làm từ vỏ lon bia 33, vỏ lon nước ngọt rất tinh xảo. Người ta mua mấy bộ đồ chơi đó cho con nít chơi hay để trưng bày trong tủ búp-phê (buffet). Tôi thường mua ca nước có nắp, có quai để đem về nhà xài thay ly uống nước rất tiện lợi, vệ sinh, dù uống nước trong những cái vỏ lon đó mùi vị nó tanh tanh, chớ không ngon như ta dùng ly thủy tinh, nhưng được cái lợi là nó bền và cũng rẻ tiền.

Thập niên 90, xe Honda hiệu DreamII của Nhựt sản xuất được nhập nguyên thùng từ Thái Lan qua Việt Nam với giá bán trên trời. Ðộ bền xe Nhựt thì không cần bàn cãi, cũng như cái tên của nó, nó là giấc mơ của hàng triệu triệu người Việt lúc bấy giờ. Người ta có thể tuyên bố “Ðứa nào động đến xe tao phải bước qua xác của tao”. Ðể bảo vệ xe khỏi bị trầy sướt, chủ xe đem đến những tay thợ chuyên nghề dán keo xe. Thợ dùng băng keo trong loại bản lớn dán phủ khắp bề mặt chiếc xe, trừ cục máy và hai cái bánh xe. Thợ khéo là khi dán xong, lớp keo phẳng không gợn một nếp nhăn, nhìn qua không biết có dán keo, lấy tay sờ mới biết. Dán keo một chiếc xe mất hai ngày và phải hai người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ như vậy nên tiền công dán keo một chiếc xe không hề rẻ, bạn tôi nói chiếc xe của nó công dán keo 300 ngàn, tức gần nửa chỉ vàng 24k. Nghe mà hết hồn luôn.

Tôi chỉ mới kể cho quý vị nghe về nghề “lạ” ở miền Nam thôi, miền Bắc thời nhà sản cũng rất nhiều nghề “lạ” nữa, có dịp tôi sẽ viết tiếp hầu bạn đọc.

TPT