Xuất thân trong một dòng họ ba đời binh nghiệp danh tiếng khi có ông nội và cha là những Đô Đốc Hải Quân, Thượng Nghị Sĩ John McCain đã dành trọn cuộc đời của mình để phục vụ quốc gia. Là tiếng nói chính trực, độc lập của đảng Cộng Hòa, ông không thỏa hiệp hay tương nhượng những chính sách mang tính đảng phái khi đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết mọi điều. Ông còn là một chính khách gắn bó, giúp đỡ rất nhiều cho cộng đồng Việt Nam qua các chương trình HO, con cái độc thân trên 21 tuổi được sang định cư Hoa kỳ cùng cha mẹ, chương trình con lai… Qua đời hồi cuối tuần qua tại Arizona sau hơn một năm đối chọi cùng căn bịnh ung thư não hiểm nghèo khi chỉ còn ba ngày là tròn 82 tuổi, TNS John McCain đã để lại sự thương tiếc và kính trọng trong lòng người dân Mỹ nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng. Để tưởng niệm ông, chuyên mục xin tổng hợp và lược điểm những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của TNS John McCain với lòng ngưỡng mộ chân thành.
Trong một cuộc đối thoại cùng cử tri tại Minnesota ở giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống vào cuối năm 2008, một cử tri ủng hộ TNS John McCain đã bày tỏ sự lo ngại của bà với ứng viên đối thủ, tức TNS Barack Obama lúc bấy giờ rằng, Obama có thể là một người Ả-Rập. John McCain không đợi bà dứt lời, lắc đầu và lịch sự cầm lấy micro nói ngay, “Không phải, thưa bà. Anh ta (Obama) là một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, một công dân đứng đắn, tử tế mà tôi thấy mình có những bất đồng về những vấn đề nghị sự căn bản và đó mới là điều chính yếu trong cuộc tranh cử này”. Câu trả lời tạo ra một tràng pháo tay trong khán phòng đang có đầy những cử tri Cộng Hòa ủng hộ ông. Và đó không phải lần duy nhất ông binh vực cho đối thủ khi ở lần khác, một cử tri cáo buộc rằng Obama có thể “nằm trong tổ chức khủng bố” và John McCain lại trả lời rằng, chẳng có gì phải lo sợ nếu Obama đắc cử tổng thống vì anh là một người Mỹ chân chính.
Câu trả lời có thể không làm hài lòng những chính khách, cử tri Cộng Hòa đang ủng hộ ông, bởi những chính khách khác có thể nhân đó để gán ghép, tấn công hay mạt sát đối thủ của mình, như không ít người đã làm trong các cuộc tranh cử gần đây. Ngoại trừ TNS John McCain, con người của sự mã thượng và một chính khách chính trực hiếm hoi của nước Mỹ – người luôn đặt lẽ phải và sự công bằng cùng quyền lợi quốc gia lên trên tính đảng phái. Câu trả lời và sự binh vực đối thủ chính trị của ông đã được xem là một trong những điều cao thượng, danh giá nhất để thể hiện đúng con người yêu nước John McCain trong suốt sự nghiệp chính trị và phục vụ quốc gia của ông. Nó được người dân lưu truyền, được giới truyền thông nhắc nhở rất nhiều và tạo nên sự kính trọng cả nơi những kẻ ghét John McCain bởi tính cách bộc trực, thẳng thắn này.

Nhìn lại cả cuộc đời ông, người ta không khỏi ngưỡng mộ một con người đã hy sinh, đóng góp cho đất nước từ thời trai trẻ. John McCain sinh ngày 29 Tháng 8 năm 1936 tại căn cứ Hải Quân Coco Solo ngay kênh đào Panama, từng là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cùng gia đình rong ruổi theo đời binh nghiệp của cha, cho đến khi ông lên trung học thì đã đổi qua đến gần 20 trường học. Tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Annapolis năm 22 tuổi và được huấn luyện phi công thêm hơn hai năm tại căn cứ không quân Pensacola, ông trở thành một phi công lái cường kích từ năm 1960. Chiến tranh Việt Nam leo thang, ông tình nguyện tham chiến tại Việt Nam và trong một phi vụ đánh bom thứ 23, phi cơ của ông bị hỏa tiễn Bắc Việt bắn hạ ngày 26 tháng 10 năm 1967. Bị thương nặng, dù bị cộng sản Bắc Việt đối xử tàn tệ, không chữa trị và tra tấn dã man, nhưng ông vẫn giữ khí phách kiên cường của người quân nhân Hoa Kỳ. Chỉ sau khi Bắc Việt biết được cha ông là một Ðô Ðốc Tư Lịnh Thái Bình Dương, việc chữa trị mới được qua loa trong mục đích tuyên truyền và xem ông như một con tin. Khước từ đề nghị được trả tự do sớm hơn những bạn tù đồng ngũ từng bị giam cầm trước ông, ông bị tù cộng sản hơn 5 năm rưỡi cho đến khi được trao trả tù binh vào giữa Tháng Ba năm 1973, sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết. (Chú: Ðọc toàn bộ chi tiết về thời gian ngục tù cộng sản của TNS John McCain trong loạt bài “John McCain, Hồi Ký Hỏa Lò” do Ðinh Yên Thảo chuyển dịch tại baotreonline.com).
Trở về Mỹ như một người hùng, ông tiếp tục việc chữa trị các thương tật chiến tranh và theo học tại Học Viện Quân Sự Quốc Gia tại Washington DC. Năm 1976, ông được giao nhiệm vụ là một Sĩ Quan liên lạc giữa Hải Quân Hoa Kỳ và Thượng Viện, công việc bắt đầu giúp ông làm quen với chính trường. Thay vì tiếp tục con đường binh nghiệp với nhiều cơ hội trở thành một Ðô Ðốc Hải Quân, thể chất và sức khoẻ buộc ông chọn phải xuất ngũ năm 1981 và một năm sau, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, ông ra tranh cử và đắc cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ rồi đến Thượng Viện năm 1986. Dù không thành công trong hai lần ra tranh cử tổng thống, lần đầu vào năm 2000 khi ứng viên Tổng thống đảng Cộng Hòa lọt vào tay TT George W. Bush và lần thất cử trước TT Barack Obama vào năm 2008, ông là một trong những tiếng nói lập pháp quan trọng và trung thực trong các chính sách quốc gia cho đến khi qua đời. Cả sự nghiệp chính trị của ông được thể hiện qua tính cách của một quân nhân yêu nước bộc trực và tiết tháo. Ông sẵn sàng chỉ trích các chính sách của các tổng thống đương nhiệm bị cho là sai lầm, bất lợi cho đất nước và người dân Hoa Kỳ hay có thể hợp tác, đồng bảo trợ nhiều dự luật do các nhà lập pháp đảng Dân Chủ khởi xướng.

Với riêng cộng đồng Việt Nam, ông là một trong những chính khách được xem là có nhiều gắn bó trong nhiều chính sách liên quan. Theo hồ sơ lưu trữ tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã được chuyên mục tra lục, chúng ta có thể điểm qua một vài điều để xem lý do tại sao ông là ân nhân của không ít gia đình gốc Việt. Năm 1987, ông đưa ra dự luật Amerasian Home Act (S.1601 -100th Congress, 1987-1988) cho phép những người con lai Mỹ được phép định cư tại Hoa Kỳ. Tháng 6 năm 1991, cùng với TNS Edward Kennedy của đảng Dân Chủ, ông đồng bảo trợ nghị quyết 51 yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cho phép các tù nhân chính trị bị giam giữ trên 3 năm và gia đình được định cư tại Hoa Kỳ, mở đầu cho chương trình H.O (S.Res. 51 -100th Congress, 1987-1988). Ông tiếp tục đưa ra tu chính sửa đổi, cho phép các gia đình HO được sang thẳng Hoa Kỳ mà không phải sang Phi Luật Tân để học Anh Ngữ trong 6 tháng, đồng thời chấp thuận con cái độc thân trên 21 tuổi của các gia đình HO và ODP được đi theo cha mẹ theo diện nhân đạo, hay cho phép những người Việt từng làm việc với chính phủ Mỹ và hãng Mỹ được phép định cư (McCain Amendment, H.R 3540). Ông còn là người đồng bảo trợ các vấn đề liên quan đến nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Những nhà hoạt động cộng đồng vẫn thường được yết kiến ông tại Washington DC. để trình bày các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Hồi năm 2016, cộng đồng người Việt tại Arizona cũng từng có cơ hội gặp ông để vận động mở lại hồ sơ H.O cho những thương phế binh VNCH. Mới nhất là việc can thiệp để nhạc sĩ Việt Khang được trả tự do và định cư tại Hoa Kỳ.
Trong hồi ký của mình, ông kết thúc rằng, “Tôi đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ trong tù và nghiệm ra rằng, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là, bên cạnh gia đình, hãy đóng góp gì đó cho đất nước của mình”. Cuộc đời và sự cống hiến của ông cho quốc gia và nền tự do thế giới là một minh chứng cho lời ông viết đã gần nửa thế kỷ qua. Người ta gọi ông là một trong những người hiệp sĩ cao quý và danh giá hiếm hoi còn sót lại trên chính trường. Xin nghiêng mình tiễn biệt TNS John McCain, người hùng của nước Mỹ và người hiệp sĩ của thời đại.

ĐYT
đêm 26 tháng 8, 2018