Chỉ với một hay hai đô la thôi, bạn có thể trở thành triệu phú, không phải là có một triệu thôi mà có thể có ba đến mười lăm, mười tám triệu. Ai lại không ham, không mơ ước mình trở thành giàu sang phú quý cho bõ những ngày thức khuya dậy sớm vất vả tấm thân, cho hả dạ trả thù tình đời ấm lạnh “tham phú phụ bần”.
Nếu tôi nhớ không lầm thì thời gian trước 1963, tại miền Nam, vé số Kiến thiết Quốc Gia phải bán kèm trong bưu điện ở chỗ bán tem, trên quầy phát tiền của ngân khố vì hình như thiên hạ chưa quen với vé số và cũng ít ai mơ ước mình sẽ được trúng số trong một đời sống tương đối dễ chịu, không đòi hỏi nhiều. Do đó Ngân Khố Quốc Gia mới phải nhờ đến nhạc sĩ Trần Văn Trạch cổ động giùm “kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta…”. Từ 1965 trở đi, đất nước loạn lạc, khó khăn thì vé số trở thành món hàng được thiên hạ chiếu cố nhiều hơn.
Cuối năm 1975, chính quyền Cộng sản mới được dựng lên tại miền Nam, những nhà kinh tế trên rừng về chưa quen với công việc móc túi dân bằng cách phát hành vé số, nên trong các buổi học tập chính trị, khi nói về vé số “Kiến thiết Quốc gia” ở miền Nam trước đó, Cộng sản đã “dè bỉu” cho đó là một “trò bóc lột của chế độ tư bản thối nát”. Rồi vài năm sau, đất nước mỗi ngày sự nghèo đói càng thấy rõ, dân chúng tuyệt vọng với cuộc sống không có chút ánh sáng, chỉ còn mơ ước được thoát cảnh đói nghèo. Từ đó khắp nước, vé số tràn lan, Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Minh Hải, Sa Ðéc, Hậu Giang, Tiền Giang … ở đâu cũng có xổ số mỗi tuần.
Và cũng nhờ đó một số lớn dân tha phương, không phải gia đình “Cách Mạng”, không được ưu tiên thu dụng, “biên chế” vào các cơ quan nhà nước, trong đó có cả sĩ quan đi tù cải tạo về lấy bán vé số lê la vệ đường kiếm sống qua ngày. Ngày trước, có những tay tham nhũng đi mua vé số trúng với giá gấp rưỡi để giải thích nguồn gốc việc tậu nhà, mua đất, sắm xe. Nhưng ngày nay cán bộ nhà nước công khai vơ vét, làm giàu không còn cần đến cái trò trẻ con ấy nữa.
Những người còn ở lại dưới chế độ Cộng sản trong những năm từ 85 đến 90 chắc còn nhớ đến cái cảnh, buổi chiều giờ đài phát thanh trực tiếp truyền thanh xổ số, thiên hạ bu quanh quầy bán vé số và một chiếc “đài” nhỏ, lớp trong lớp ngoài, yên lặng theo dõi những con số, còn hơn là theo dõi những tin tức quan hệ đến vận mạng quốc gia.
Những khi đói nghèo người ta mơ trúng số để giải quyết khó khăn, nhưng sao ở một nước ổn định giàu có như nước Mỹ, tỉ lệ người mua vé số lại cao hơn. Phải chăng vì đời sống ở Mỹ quá căng thẳng và con người nợ nần trăm thứ với nhà, xe, bảo hiểm… nên ai cũng muốn trúng số để giải quyết cho xong. Ðiều quan trọng nhất là công việc làm ở Mỹ quá khổ, nên ai cũng muốn trúng số để “quit job”. Một trăm người được hỏi, việc đầu tiên phải làm khi nghe tin mình trở thành triệu phú, đều trả lời: Gọi “boss”, bảo “Ngày mai tao cóc đi làm nữa.”
Hy vọng là quyền của con người, quyền của bạn, nhất là hy vọng đó cũng chính đáng, không bóc lột đè đầu đè cổ ai. Một buổi chiều nào đó, bạn run rẩy thấy sáu con số trên vé số của mình y chang với sáu con số trong bản kết quả. Thế là mộng đã trở thành sự thật, rồi bạn sẽ có trong tay cả thế giới, nếu bạn cho là như thế. Nhưng khổ nỗi, nước Mỹ này mỗi năm có vài trăm nghìn người tử nạn xe hơi thì mỗi năm chỉ có vài trăm người trở thành triệu phú để an hưởng giàu sang. Tỷ lệ giữa may và rủi như vậy kể ra quá ư là chênh lệch.
Thử điểm qua tỷ lệ người trúng trong một lần xổ số nào đó: cứ trong 63 người mua số Lotto mới có 1 người trúng 3 trong 6 số ($5), cứ 1,213 người mua số mới có 1 người trúng 4 trong 6 số ($74), cứ 66,702 người mua số mới có 1 người trúng 5 trong 6 số ($1,796) và phải có 18,099,460 (mười tám triệu, chín mươi chín nghìn bốn trăm sáu chục) người mua một hàng số mới có một người trúng độc đắc lãnh số tiền hàng triệu đô la tùy mỗi kỳ xổ số. Nếu biết rõ như vậy mà bạn có mua vé số thì chắc chắn bạn là người luôn luôn lạc quan và lòng tràn đầy hy vọng.
Thế bạn có thích trúng số không? Chắc chắn là ai ai cũng thích mê đi. Giá bây giờ tôi nói ngược lại: tôi không thích trúng số để trở thành triệu phú Mỹ thì bạn cho tôi là người điên khùng hay nói dóc cho vui, cái kiểu “chó sói với giàn nho” của La Fontaine không với tới được thì nói mình cóc thèm vì “nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.”
Giả dụ như tôi trúng số, tôi trở thành triệu phú Mỹ thì sẽ ra sao? Trước hết bà con, bạn bè sẽ tránh né tôi như tránh né bệnh phong cùi vậy. Tôi không nói ngoa đâu. Bây giờ ra đường gặp bao nhiêu là bạn bè, bạn học, bạn nhà binh, bạn tù, bạn văn nghệ… lỡ mình có lơ đãng nhìn đèn xanh đèn đỏ quên vẫy tay, gật đầu chào bạn thì chắc bạn cũng chẳng trách chấp gì. Nhưng một mai đây… nếu tôi là triệu phú mà tôi không thấy bạn hoặc quên chào bạn thì lập tức bạn buông ngay một tiếng chửi thề rồi… “cái thằng ấy hồi xưa học chung lớp với tao, dốt như bò, bây giờ trúng số mặt cứ vác lên!”… “cái thằng ấy hồi đi lính chuyên gác cổng trại bây giờ cũng làm phách!”… “cái thằng ấy hồi ở tù chuyên đi bắt nhái, chôm chỉa, bây giờ coi đã đời chưa!”… “cái thằng ấy làm thơ dở ẹc… bây giờ …”
Bây giờ còn có bà con bạn bè thỉnh thoảng lui tới trò chuyện thăm viếng, bận việc thì cũng nhấc phone lên hỏi “Sao chú có khỏe không?” hoặc “Mày độ này ra sao?” nhưng khi tôi trúng số rồi… thì chẳng ai thèm bén mảng đến nhà, chẳng ai muốn điện thoại cho tôi vì ai cũng nghĩ: “nó mới trúng số, mình đến thăm nó, điện thoại cho nó, nó lại nghĩ mình định xin xỏ gì thì quê quá…”
Bạn có nhớ là một người đàn bà Mỹ da đen, bà Patricia Frierson, 55 tuổi, trúng Lotto $91 triệu tối Thứ Bảy, liền sau đó đã có một người đàn ông không quen xin cưới bà, và trong vòng hai ngày bà đã nhận được khoảng 150 cú phone từ các nhóm nhà thờ xin giúp đỡ tài chánh cũng như các kênh truyền hình mời bà lên. Như thế có lẽ ta phải chuồn đi tiểu bang khác gấp. Có tiền chắc chắn sẽ lụy vì tiền, có tiền sẽ mua cho mình bao nhiêu điều nguy hiểm. Có kẻ giết người chỉ vì 10 đồng bạc, huống gì tôi có tới 10 triệu đô la. Tôi sẽ đi thật xa, mai danh ẩn tích.
Nhưng nếu tôi không bỏ đi mà cứ chường mặt ra ngoài phố, thì thế nào cũng có anh kẹt tiền xin tí huyết hoặc bắt cóc vợ tôi để đòi tiền chuộc, hoặc chưng ra cái thư tình hồi xửa hồi xưa để phá hạnh phúc gia đình tôi đòi chút tiền còm, hoặc đăng báo cái giấy đi mượn nợ của tôi thuở hàn vi để làm xấu mặt tôi chơi. Cho nên một hôm một sớm mà bạn không còn thấy mặt tôi ở Cali này, gọi điện thoại cho tôi thì điện thoại đã “disconnected” thì y như tôi đã cao bay xa chạy vì mới trúng số rồi.

Trúng số rồi thì chắc chắn tôi sẽ “có mới nới cũ.” Có lẽ áo quần, giày dép, cà vạt, giường gối mùng mền tôi sẽ gởi lại cho nhà thờ hoặc good will mà không cần phải lấy biên lai để khai thuế, rồi cái xe tôi cũng bỏ (không lẽ triệu phú mà đi xe đời 1999), nhà apartment thuê tôi cũng bỏ (bỏ là cái chắc), vợ tôi cũng… (xin lỗi các bạn cho tôi khỏi viết ra ở đây, nhưng bạn có chấp nhận cho phu nhân của một triệu phú Mỹ… ăn trầu không?).
Tuy vậy con người tôi vốn có nghĩa, có tình, có chung có thủy, trước sau như một. Cái “lon gô” hồi đi tù cải tạo sang Mỹ tôi cũng mang theo, nếu bây giờ trúng số, tôi phải thay mới đi tất cả thì tôi buồn lắm.
Nếu bạn là con người… xã hội thì cũng có lần bạn mơ ước trúng số để về Việt Nam giúp cho đồng bào nghèo, xây một cái chùa hay trùng tu một cái nhà thờ, dựng một bệnh viện… ở Mỹ thì bạn sẽ xây nhà cho homeless?
Dù chối cãi thế nào đi nữa thì mua vé số cũng là một hình thức cờ bạc, và đã cờ bạc thì thế nào cũng có người có máu mê. Hy vọng, đợi chờ rồi thất vọng… Rồi lại hy vọng, cứ thế tiếp diễn, số tiền đổ vào vé số ở nhiều gia đình không phải là ít và người mua vé số đã mang thói quen và máu mê mất rồi. Bạn cứ thấy mấy ông già buổi sáng đứng trước cửa Phước Lộc Thọ hay cửa tiệm Seven-Eleven cúi đầu, tay hí hoáy cạo cạo, rồi sau đó vứt miếng bìa cứng vào trong thùng rác bên cạnh thì chắc bạn đã hiểu.
Nhưng khổ nỗi trên đời này, từ ông Rockefeller ở New York hồi nẳm đến như ông Bill Gates bây giờ, chẳng ai nghe mấy ông này trúng số hồi nào cả.
Vậy thì chắc chắn cái vé số trúng nào cũng đang nằm ở trong tay bạn, ở chỗ giỏi giang và quyết chí, cộng thêm may mắn nữa thôi.
HP