Sài Gòn vốn là mảnh đất màu mỡ, ai cũng có nhiều… mỡ nên chuyện ăn uống được “quan tâm” cũng là lẽ thường. Cho nên hàng tuần đều có những hội chợ ẩm thực từ bé đến lớn được tổ chức ở các công viên trong các quận trung tâm. Những hội chợ này chính là thủ phạm cho sự màu mỡ của… tôi, nhưng nói ra thì chẳng ai chịu đồng ý. Trong cái rủi có cái may, bên cạnh sự màu mỡ về “thể hình” thì ở những hội chợ này, tôi còn được bổ sung thêm chút màu mỡ cho suy nghĩ của mình nữa.

PHẦN 2
Tuần rồi, trong một hội chợ ẩm thực Châu Á. Trong đó có nhiều gian hàng của VN, Nhựt Bổn, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Ðài Loan, Ấn Ðộ… (nói chung là nhiều nước ở Châu Á) do người bản xứ của nước đó đứng bán và chế biến, khá đông khách Việt lẫn nước ngoài. Tôi đang ngồi ăn ngấu nghiến thì thấy một gia đình người Tàu họ loay hoay không biết ngồi đâu giữa biển người và bàn ghế chật chội. Nhiều người Việt khác trao cho họ ánh mắt không mấy thiện cảm. Tôi vẫy tay, tỏ ý mời họ ngồi chung bàn với mình, họ có vẻ rất xúc động khi ngồi xuống. Sau khi ngồi, họ nhìn món tôi đang ăn ra dấu hỏi là mua ở sạp nào, tôi chỉ một sạp ở xa xa đưa lên ngón tay cái ý bảo ngon hơn sạp gần ngay trước mặt. Thế là một người đi mua. Trong khi chờ người nhà đi mua, một người có vẻ lớn tuổi nhất gia đình bỗng nhiên mở giỏ xách, lôi ra một… cuốn hộ chiếu Ðài Loan và chỉ chỉ cho tôi, kèm câu nói: “Not China, Not China…”
Cho đến khi tôi ăn xong và rời đi, chúng tôi lâu lâu vẫn nói chuyện bằng cách ra dấu như vậy, có lẽ do họ và tôi đều có lòng tin vào trình độ tiếng Anh của bản thân như nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp nhiều ánh mắt kỳ thị từ các… đồng hương của mình. Dân Việt ghét Trung Quốc, đó là sự thật không thể bàn cãi. Bản thân tôi cũng ghét. Nhưng mà sự kỳ thị quá đáng kia khiến cho tôi thấy sợ, lúc đó tôi cứ lo lo trong lòng: có khi nào lát nữa ra đường bị đè quánh hội đồng vì tội ngồi chung bàn với gia đình người Ðài Loan này không? Hoặc có khi nào ngày mai bỗng nhiên được làm… Ðảng viên vì thân thuộc với du khách Tàu như vậy không? Nói gì nói thì tôi cũng thấy ngại khi các thành viên trong gia đình kia lâu lâu lại nói “sorry” với tôi mặc dầu họ không có lỗi gì. Trước khi đi, tôi cũng “sorry” họ mặc dầu trong lòng thấy mình không có lỗi gì với họ!
Trong những chuyện chúng tôi “tâm sự” thì có một sự kiện “hot” diễn ra gần đây. Tôi mang hình một bộ phim cổ trang Trung Quốc đang làm mưa làm gió ở Việt Nam có tên là “Diên Hi Công Lược”, hỏi họ có xem không, cặp vợ chồng trẻ trong gia đình cười gật đầu, còn người đưa tôi xem hộ chiếu thì lắc đầu, liếc hai vợ chồng trẻ nói câu gì đó bằng tiếng Ðài tôi không hiểu lắm, nhưng có lẽ tỏ ý không thích. Cũng không biết là không thích con bà coi phim Trung Quốc hay không thích con bà thật thà với tôi như vậy. Tôi cũng cười cười, giơ ngón tay cái y như lúc giới thiệu món ăn ngon lúc nãy. Cô gái trẻ trong gia đình đó hỏi tôi có ghét Trung Quốc không bằng tiếng Anh kèm ra dấu, tôi nói có bằng khuôn mặt rất chân thành và gật đầu lia lịa, thế là cô chỉ vào hình bộ phim, ý hỏi sao tôi ghét Trung Quốc mà xem phim Trung Quốc. Tôi thật thà ra dấu ý trả lời “tại phim Việt Nam dở”. Cả nhà họ cười rộ lên. Cô gái trẻ nhìn tôi với vẻ có nhiều lời muốn nói nhưng chắc không biết ra dấu ra sao nên thôi. Chúng tôi đã “kết bạn” với nhau trên Facebook, hẹn một người tìm được tiếng nói chung để có thoải mái tâm tình.
Thật ra thì cô gái kia hỏi cũng đúng, vì bên cạnh sự kỳ thị người Trung Quốc thì người Việt cũng có nhiều người kỳ thị phim Trung Quốc lẫn văn hóa Trung Hoa. Có nhiều người còn thuộc làu lịch sử Tàu, nói vanh vách hết đặc điểm thời đại, binh pháp, tiểu sử của từng nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Tàu nhưng vẫn luôn miệng mắng bọn trẻ con mê phim Tàu, hay đọc truyện Tàu. Tuy nhiên, kỳ thị đến mấy thì sự kỳ thị đối với phim Trung Quốc cũng không thể nào sánh bằng với sự kỳ thị phim Việt Nam trong lòng người Việt. Nhất là ở thể loại phim mang tính cổ trang thuộc về lịch sử. Ðiều quan trọng với phim lịch sử là tinh thần lịch sử của bộ phim, nhưng về phần này thì các nhà làm phim VN chưa bao giờ tôn trọng cả. Ðó là sự khác biệt lớn giữa phim VN và phim nước ngoài như phim Trung Quốc và phim Mỹ (phim của hai nước này có lượng người xem đông đảo nhất VN). Ví dụ như bộ phim “Lý Công Uẩn – Ðường tới thành Thăng Long” đã tả cho dân Việt Nam một ông vua khoác long bào thời Tống, Trung Hoa, lên ngôi ở một ngôi chùa Tàu, quan và thần cũng đối thoại y chang phim Trung Quốc như “khởi bẩm”, “tại hạ”, “nô tài”… Ngay cả bộ phim cũng được quay ở phim trường bên… Trung quốc. Nhưng từ phục trang, diễn viên, đối thoại, nơi chốn, bối cảnh đều có vẻ như bản sao lỗi của phim Trung Quốc. Là phiên bản lỗi bởi vì diễn viên xấu hơn, bối cảnh xấu hơn, đối thoại sến hơn, diễn xuất “đơ” hơn, câu chuyện muốn kể lại không kể ra được, nội dung gây phản cảm…
Vì vậy, thay vì xem phiên bản lỗi, người ta coi luôn bản gốc cho xong.

Thứ hai, những người làm phim Việt thường chạy theo thị hiếu của khách hàng, sợ mạo hiểm và đầu tư, nên khi Trung Quốc bỏ sức ra quay phim lịch sử để tuyên truyền cho cả thế giới về sự hùng mạnh của họ thì Việt Nam ngày càng thích mua/sao chép lại các bản điện ảnh, truyền hình nước ngoài để làm lại, truyền bá thành phim của mình, “giúp” cho sự ghét bỏ, so sánh của người xem phim Việt ngày càng to và khó trị như một khối u ác tính. Vì vậy, không có gì lạ khi người trẻ VN thuộc lòng luôn tên hiệu các vị vua, phi tần lẫn cuộc đời của họ mà chẳng biết gì về các vị vua của VN mặc dầu trong danh sách các môn học ở Việt Nam, môn lịch sử cũng được coi là quan trọng. Việt Nam cũng có những ban, hội khảo cổ, viết sử cũng rất đông đảo thành viên và ‘công trình nghiên cứu”. Ngay cả người ngớ ngẩn như tôi, chủ yếu coi phim Trung quốc để… ngắm diễn viên chứ không thể nhớ được nội dung, lịch sử mà còn nhớ quần áo, phục sức của nhà Thanh ra sao…
Trong những phim về binh pháp của Trung Quốc, họ có nói rằng muốn đồng hóa một dân tộc thì không phải cứ trực tiếp lấy súng ra bắn rồi chiếm là chiếm được. Mà điều trước tiên cần làm là “dạy” cho dân Trung Quốc rằng tên kia, dân tộc kia vốn là của mình, mảnh đất đó là do “kẻ thù” đã xâm chiếm. Ðó là lý do tại sao tất cả dân Trung Quốc, phim Trung Quốc đều tin tưởng, tìm cách chứng minh rằng VN vốn là “chư hầu”, thuộc địa của Trung Quốc, Trường Sa, Hoàng Sa vốn là của Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc sẽ “giúp” kẻ thù (ví dụ như dân Việt) “làm quen” với văn hóa của mình, điều này giúp ích rất nhiều trong quá trình Trung Quốc đồng hóa/sáp nhập “kẻ thù” thành một phần của họ sau khi Trung Quốc thành công mua hoặc chiếm được chính quyền của các nước này… (cũng là thực trạng của VN hiện tại khi đồng nhân dân tệ, tiếng Trung Quốc bị cho vào danh sách “hợp pháp” của pháp luật VN). Ðó là lý do tại sao dân Trung Quốc ngày càng nhiều ở VN, cũng là lý do gây nên câu chuyện cười đầy “tâm đắc” của dân VN khi thấy dân Trung Quốc đã chửi loạn lên khi qua web Việt Nam xem phim phải trả lời câu hỏi “Trường Sa, Hoàng Sa là của nước nào”. Thật ra đây là câu hỏi “mặc định” rất nhiều năm trước của web dành cho tất cả các thành viên xem phim, tuy nhiên vì độ “hot” của phim Diên Hi Công Lược vừa qua mới khiến câu hỏi này nổi tiếng. Còn Diên Hi Công Lược là phim gì, tại sao nó “hot” như vậy, tại sao phim Trung Quốc mà dân Trung Quốc phải qua web VN xem?

Diên Hi Công Lược là một bộ phim kể chuyện về cuộc chiến giành chồng giữa các bà vợ của một ông vua có tên là Càn Long, một ông vua nổi tiếng ở Việt Nam qua nhiều bộ phim gây “sóng gió” trong cộng đồng mạng. Cũng là ông vua khiến cho nhiều… web chiếu phim tại Việt Nam bị… sập vì chiếu lậu, sub lậu lại các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Lần tai tiếng này cũng tương tự như vậy. Thật ra, nói lậu cũng không hẳn là “lậu” một cách “hoàn hảo”. Mà tất cả các phim của Trung Quốc khi được các web Việt “mang về” thì đều đã được một công ty truyền thông mua bản quyền, chính công ty này bán phim lại cho các trang web, họ sẽ tự “sub”, dịch lời thoại rồi chiếu lên web của mình để “ăn” quảng cáo. “Số phận” của bộ phim và người xem sẽ được “định đoạt” bởi số “view” và sự quan tâm của người coi ở Việt Nam. Những phim có lượt view lớn thì các đài truyền hình lớn sẽ mua lại bản quyền và phát lên tivi, lúc này, các web trên mạng sẽ bị ngừng chiếu và được coi là “lậu”.
Trong vụ này, sau khi HTV mua lại bản quyền phim để lồng tiếng và chiếu trên truyền hình vì bộ phim Diên Hi Công Lược gây tiếng vang, nhận được lượt view cao thì bắt tất cả các web online xóa sạch, ẩn hết các video của phim Diên Hi Công Lược trước đó (mặc dầu phim này đã được chiếu trên web gần hết, các trang web vẫn buộc phải chiếu lại phim sau khi HTV chiếu xong trên kênh truyền hình của họ).

Ðây cũng lý giải cho việc tại sao các “web lậu” ở Việt Nam có thể khiến dân Trung Quốc giận dữ khi chiếu trước phim Diên Hi Công Lược tận 10 tập so với bên Trung Quốc, cho nên nhiều người đã hiểu lầm khi cho rằng các trang web phim của VN đã ăn cắp lại còn bày đặt yêu nước (đặt câu hỏi về “bản quyền” của Hoàng Sa Trường Sa), họ chỉ sai với đơn vị bán bản quyền khi chiếu trước thời lượng của phim mà thôi. Vụ này thật ra chỉ nói lên sự thật các công ty nhà nước luôn “là cha là mẹ”, họ nói ai lậu thì người đó chính là lậu. Vụ này cũng có nhiều tương tự như vụ giằng co giữa Xôi Lạc TV và báo chí về sự “lậu” của chương trình thể thao Asiad khi Việt Nam vẫn chưa ai mua bản quyền vừa rồi.
Bên cạnh đó, việc này cũng cho thấy người xem phim ở VN cũng rất giống người xem bóng đá ở chỗ thà xem “web lậu” chứ không thèm xem trên tivi vì sự ép buộc “xóa sổ” bộ phim trên web và sau khi lồng tiếng bởi nhà đài thì phim dở hẳn.
Và một sự thật nữa từ chuyện này cho thấy, đến bây chừ thì trừ các vị lãnh đạo ra thì ở VN hiện chưa có ai ăn cắp được tương lai cả, ngay cả khi đó là “tương lai” của một bộ phim.
DU