Menu Close

Cây bạch quả

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Chúng tôi nghe nói cây bạch quả chữa được nhiều bệnh lắm. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết công dụng của cây này.

Cảm ơn bác sĩ. Lại Quốc Kỳ.

Đáp

Thưa ông Kỳ,

Cây Gingko Việt Nam ta gọi là cây gỗ Bạch Quả, cao to tới 30 thước, lá hình quạt, hạt nhìn giống như quả trứng. Hạt và lá được dùng làm thuốc. Cây Ginkgo đã mọc ở Trung Hoa từ hàng trăm triệu năm, nhập cảnh Âu châu năm 1730, vào Hoa Kỳ năm 1784. Hiện  nay, cây được trồng nhiều ở miền Ðông Nam nước Pháp, Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Hạt Ginkgo đã được người Tàu dùng để trị bệnh từ năm 2800 trước Thiên Chúa. Từ hơn 20 năm nay, lá Ginkgo rất thông dụng trên thị trường dược thảo và đã có nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về công dụng trị bệnh, nhất là ở nước Ðức.

Ginkgo chứa nhiều dược chất có tác dụng làm dãn động mạch, khiến cho máu lưu thông dễ dàng, được dùng trị các trường hợp giảm tuần hoàn ở não bộ, ở tai, rối loạn tuần hoàn ngoại vi. Nhiều thử nghiệm đã xác nhận công dụng trị liệu cuả Bạch Quả trong chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, nâng cao khả năng nhận thức, trí nhớ và giao tế trong đời sống hàng ngày.

Ginkgo làm giảm chứng đau bắp chân khi đi bộ lâu do tuần hoàn ngoại vi kém. Bạch Quả hiện cũng đang được thử nghiệm để trị sự rối loạn tình dục gây ra do vài loại thuốc trị trầm cảm. Trong các chứng nhức đầu, ù tai, chóng mặt, đổi tính, cáu gắt, ngủ gật, u buồn của tuổi già, Ginkgo cũng có công hiệu.Ginkgo còn được coi như một chất chống oxy-hoá (anti-oxidant), được dùng để trì hoãn sự hóa già.Bên Nhật người ta còn dùng Ginkgo để trị bệnh ung thư, bệnh hư giác mạc, bệnh thiếu chú ý (Attention Deficit Disorder) của người lớn.

Hiện nay, hình thức Ginkgo thường dùng là chất chiết (G.B. extract) rút ra từ lá khô, do công ty Willmar Schwabe, Ðức quốc, sản xuất đầu tiên và phổ biến trên thị trường. Phân lượng dùng là 40-80mg, ba lần trong ngày, và dùng liên tục trong 4-6 tuần lễ. Tác dụng phụ thường nhẹ, xảy ra trong mấy ngày đầu khi mới dùng thuốc, gồm có buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu. Không nên dùng Bạch Quả khi đang uống thuốc chống đông máu như Warfarin, Aspirin.

Giảm rủi ro khi dùng thuốc

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin bác sĩ cho biết cần làm gì để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc.

Nguyễn Mậu Hoàng.

Đáp

Thưa ông Hoàng,

Ðể tránh các rủi ro gây ra khi dùng dược phẩm, các nhà chuyên môn y học đưa ra lời khuyên như sau:

– Luôn luôn đọc kỹ nhãn hiệu thuốc.

– Ðể ý tới các lời cảnh báo về thuốc.

– Nói cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, dù là thuốc do bác sĩ biên toa hoặc mua tự do, bạn bè cho.

– Lập một danh sách đầy đủ các thuốc đang sử dụng.

– Hỏi bác sĩ có cần kiêng thức ăn thức uống nào không.

– Mua thuốc ở cùng một tiệm để dễ dàng theo dõi.

– Nếu có thể, nên nhớ tên riêng hoặc tên chung của các loại thuốc.

– Khi đi du lịch nên mang thuốc theo hành lý xách tay, vì hành lý gửi đôi khi bị thất lạc.

– Nên mang dư thuốc hơn là thiếu thuốc.

– Nên mang phó bản toa thuốc của bác sĩ.

– Ðừng bao giờ chia sẻ thuốc của mình với người khác hoặc dùng thuốc của người khác. Thuốc được chỉ định riêng cho mỗi người với điều kiện bệnh khác nhau; dùng chung có thể gây tai nạn.

– Nếu chẳng may dùng nhầm thuốc hoặc dùng quá liều lượng, nên báo cho bác sĩ gia đình hay ngay để được hướng dẫn cách thức đối phó, giải quyết.

– Nên có một lọ thuốc gây ói Ipecac Syrup để cấp cứu khi bị ngộ độc thuốc, sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cất giữ thuốc

– Ðể thuốc xa tầm với của trẻ em

– Giữ thuốc trong chai/hộp nguyên thủy với tên bệnh nhân, nhãn hiệu, cách dùng.

– Tránh để thuốc nơi có nhiều ánh sáng, độ ẩm hoặc quá nóng, như trong buồng tắm, trong bếp.

– Ðừng để thuốc nước trong ngăn đá, tránh thuốc bị đông lạnh.

– Không cần cất thuốc trong tủ lạnh trừ khi có yêu cầu.

– Không để thuốc trong xe hơi quá lâu, vì nhiệt độ cao mùa hè có thể thay đổi phẩm chất của thuốc.

– Vất bỏ thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc đã thay đổi hình dạng, màu sắc.

NYD