Menu Close

Tel Aviv & Haifa

Tel Aviv là thành phố lớn thứ nhì của Israel, sau Jerusalem, mệnh danh là thủ đô tài chánh và văn hóa của quốc gia này, từa tựa như New York City của Huê Kỳ, thành phố không bao giờ thiếp ngủ. Đây cũng là thủ đô kỹ thuật của Israel, Silicon Wadi hay một danh xưng khác của ‘Gush Dan’, ngụ ý so sánh với Silicon Valley của Hoa Kỳ. Nói giản dị Tel Aviv là thành phố của những người trẻ tuổi sính kỹ thuật, ưa chuộng nếp sống ồn ào với hộp đêm, hàng quán, năng động, cởi mở và “cấp tiến”.

tel-aviv-&-haifa6

Phần 1

Về mặt địa lý, Tel Aviv tựa lưng trên bờ Ðịa Trung Hải với những bãi biển cát trắng ngà. So với các địa điểm khác, Tel Aviv là một thành phố mới keng, chỉ có mặt trên bản đồ từ năm 1909 như một vùng ngoại ô của Jaffa, hải cảng lâu đời nhất của thế giới. Vùng ngoại ô này mở mang nhanh chóng, nhất là sau khi Israel giành được độc lập và lập quốc, vượt mặt phố chính Jaffa và trở thành trung tâm thương mại của đất nước.

Về phía đông bắc, Tel Aviv cách Jerusalem khoảng 60 cây số và cách Haifa khoảng 90 cây số về phía bắc. Giữa thành phố là Azrieli Center, trung tâm tài chánh và thương mại của Israel và Tel Aviv University, trường đại học lớn nhất (có khoảng 30,000 sinh viên) của quốc gia này nằm ở phía bắc thành phố. Không biết tại sao người thành phố ví von và so sánh những địa danh ở đây với các địa danh tại New York City, như Tel Aviv University từa tựa như “Yale”, Azrieli Center là “Wall Street” …, hẳn sợ khách thăm viếng không ‘cảm’ được sự quan trọng hay vĩ đại của mấy địa điểm ấy?!

Ðịa danh đặc biệt nhất tại Tel Aviv có lẽ là đài tưởng niệm ông Rabin, vị thủ tướng thứ năm của Israel. Yitzhak Rabin  là một chính khách và một tướng lãnh trong quân đội, giữ vai trò thủ tướng trong hai nhiệm kỳ, 1974–77 và 1992 cho đến khi bị ám sát vào năm 1995.

tel-aviv-&-haifa7
Quán trọ Cinema

Thủa còn trẻ, ông Rabin theo võ nghiệp và trở thành Tham Mưu Trưởng của quân đội Israel, giữ vai chính trong chiến trận 6-Ngày năm 1967, cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng thành công rực rỡ. Giải ngũ, ông Rabin trở thành Ðại Sứ Israel tại Hoa Kỳ và sau đó trở thành thủ tướng thay thế bà Golda Meir sau khi bà này [bị ép] thoái vị năm 1974 (vì Israel chịu tổn thất nặng nề từ trận chiến Yom Kippur 1973).

Với chủ trương ôn hòa, trở lại chính trường năm 1992 trong chức vị thủ tướng, ông Rabin đã ký kết các thỏa ước với Palestine và Jordan; chính phủ và nội các Rabin đã nhìn nhận sự hiện diện của thể chế này như một vùng đất độc lập trên lãnh thổ Israel qua hiệp ước quan trọng nhất, Oslo Accords. Trước mặt thế giới ông Rabin đã bắt tay hòa giải với thủ lãnh Palestine, ông Yasser Arafat. Qua các hành động hòa hoãn ấy, ông Rabin cùng Shimon Peres và and Yasser Arafat đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1994.

tel-aviv-&-haifa5
Bên bờ Địa Trung Hải – Tel Aviv

Thế giới hoan hỷ nhưng tại đất nhà, Oslo Accords xem ra đã chia cắt xã hội Israel thành hai mảnh rõ rệt; cánh tả xem Yitzhak Rabin như vị anh hùng, hòa hoãn sống chung với Palestine để mang lại hòa bình cho đất nước trong khi phía hữu cho rằng ông thủ tướng là kẻ phản quốc, đã nhượng đất tổ cho kẻ thù. Họ tin rằng đối với khối Ả Rập, chỉ có chuyện sống / chết chứ không khoan nhượng.

Ngày 4 tháng 11 năm 1995, sau khi tham dự buổi mít tinh tại Kings of Israel Square ở T, ông Rabin bị Yigal Amir, một người theo phe cực hữu ám sát. Công trường kể trên và cũng là nơi đặt đài tưởng niệm ngày nay được gọi là công trường Rabin.

Sau đó, các cuộc đánh bom tự sát từ các nhóm Ả Rập vẫn tiếp tục xảy ra trên lãnh thổ Israel, lúc tại Tel Aviv, khi ở Jerusalem… Không lạ là binh sĩ Israel được huấn luyện thói quen “bắn trước, phân giải sau” mỗi khi thấy các hành động khác thường.

tel-aviv-&-haifa
Đường phố Tel Aviv

Về mặt lịch sử, lịch sử của Tel Aviv dính liền với lịch sử của Jaffa, thành phố mẹ. Jaffa hiện diện từ Thời Ðồ Ðồng, khoảng 7,500 năm trước Công Nguyên, đã trải qua nhiều thời đại, chịu cai trị bởi nhiều nhóm người từ dân Canaanites, Egyptians, Philistines, Israelites, Assyrians, Babylonians, Persians, Phonecians, Ptolemies, Seleucids, Hasmoneans, Romans, Byzantines, Islamic caliphates, Crusaders, đến Ayyubids, và Mamluks trước khi thuộc về triều đại Ottoman năm 1515. Thành phố này được nhắc đến trong cổ thư Ai Cập và cả thánh kinh Hebrew.

Trong thế kỷ XIX, dưới thời Aliyah Ðệ Nhất, tín đồ Do Thái bắt đầu tản ra vùng ngoại ô của Jaffa vì thành phố mẹ quá chật chội.  Những di dân đầu tiên thành lập các khu vực mới như Neve Tzedek, Neve Shalom (1890), Yafa Nof (1896), Achva (1899), Ohel Moshe (1904), Kerem HaTeimanim… Ðến đầu thế kỷ XX, 1904-1917, dưới thời Aliyah Ðệ Nhị thì vùng ngoại ô này phát triển rầm rộ, di dân liên kết thành các hội đoàn, thành lập các nhóm tôn giáo để mở mang thành phố dưới hình thức văn hóa, xã hội. Ðể hợp thức hóa việc mua bán đất đai (thủa ấy luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ cấm tín đồ Do Thái sở hữu đất), ông Jacobus Kann, một công dân Hòa Lan, đứng tên mua khu đất Kerem Djebali để phát triển theo khuynh hướng kể trên.

tel-aviv-&-haifa4
Quán cà phê Hanoi

Ngày 11, tháng Tư năm 1909, cuộc xổ số đầu tiên được tổ chức để chia các khu đất hoang cho 66 gia đình Do Thái và Tel Aviv được chính thức mở mang như một thành phố Hebrew với đầy đủ đường sá, nước,  cống rãnh… ‘Tel Aviv’ có nghĩa là “Ancient Hill of Spring”.

Năm 1950, hai năm sau ngày lập quốc của Israel, Tel Aviv và Jaffa được gom chung, trở thành một thành phố. Một phần của Tel Aviv mệnh danh là “White City” được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2003 qua các tòa nhà có kiến trúc quốc tế, bao gồm cả Bauhaus (khu phố có kiến trúc dựa theo kiểu mẫu của trường Bauhaus tại Ðức) và các tòa nhà khác.

Ngày nay, khoảng 430 ngàn cư dân sinh sống tại Tel Aviv trên một diện tích 52 cây số vuông hay mật độ 7,500/ cây số vuông; 91 % cư dân là tín đồ Do Thái, dùng ngôn ngữ Hebrew.

tel-aviv-&-haifa1
Công trường và đài tưởng niệm Yitzhak Rabin

tel-aviv-&-haifa3

tel-aviv-&-haifa2

Tel Aviv có khá nhiều hý viện và viện bảo tàng lớn nhỏ; ngay cả khu Bauhaus cũng có một phòng triển lãm nho nhỏ trưng bày các di tích về lịch sử thành phố. Ngày đầu đến Israel, về đến quán trọ là Dế Mèn ngủ mê mệt. Buổi chiều chỉ kịp đi loanh quanh trong khu phố gần quán trọ trong vùng Dizengoff, tên đặt theo ông Meir Dizengoff, vị thị trưởng đầu tiên của thành phố. Chính khu phố này cũng từng bị đánh bom vài năm trước đây.

Quán trọ Cinema dùng những vật dụng trong kỹ nghệ quay phim, chiếu phim để bài trí, phòng ốc đầy những bản quảng cáo cine cũ xưa, máy quay phim, máy ảnh… trên sân thượng là quán rượu, ta có thể vừa uống rượu vừa nhìn quanh thành phố. Hai bên quán trọ là những hàng quán san sát. Bờ biển khá gần, khoảng 15 phút loanh quanh là đến nơi.

Tel Aviv không lớn lắm nên đi bộ khoảng 2 tiếng là có thể quan sát những phố chính, và có cả một quán cà phê mang bảng hiệu “Cà Phê Hà Nội”, không phải là “Cà phê Saigon” nên phe ta đi ngang mà không ghé, chẳng biết bên trong có những gì!

(còn tiếp)