Menu Close

Nghề “lạ” thời nhà sản (kỳ 4)

BÀI 4

Sau năm 1954, dân ngoài Bắc cũng có nhiều nghề “lạ”, nhưng các nghề này dù rất phổ biến ở miền Bắc nhưng tôi không thấy nó du nhập vô miền Nam, mặc dầu sau năm 1975 thì Bắc hay Nam gì cũng đều bị nhà cầm quyền cộng sản cai trị theo kiểu bao cấp giống nhau.

Bỏ qua kiểu giải thích dài dòng, rối rắm của chủ nghĩa Mác- Lê nhằm “nổ” tận mây xanh cái “ưu việt” của “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”, người dân Việt Nam hiểu hai chữ “bao cấp” nôm na, thực tế hơn là: Nhà nước “bao” (vây) tất tần tật mọi mặt trong đời sống sinh hoạt dân chúng (chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, y tế, giáo dục…) rồi “cấp” phát lại theo kiểu nhỏ giọt như mưa rơi trên sa mạc, chẳng thấm vào đâu. Sa mạc khô như thế nào thì dân Việt thời bao cấp cũng khô y như vậy, chỉ béo bở thành phần lãnh đạo mà thôi.

Nghề dễ làm nhứt mà nam phụ lão ấu gì cũng đều “hành nghề” tốt, đó là nghề xếp hàng. Cái thảm cảnh đứng xếp hàng trước cửa hàng bách hóa từ 2 – 3 giờ khuya, đến đi vệ sinh cũng chẳng dám đi (đi là mất chỗ), cho đến khi gần tới lượt mình sắp sấn được đến trước ô cửa tò vò thì đột ngột bên trong thò ra cái bảng “HẾT HÀNG” chắn ngang chình ình. Mậu dịch viên đứng dậy bỏ đi hết, cửa hàng vắng ngắt. Lúc đó, người kém may mắn chỉ muốn gục xuống tại chỗ vì mệt mỏi, thất vọng. Tuy nhiên, nếu nhà có dư lao động thì cứ rủ nhau ra cửa hàng mà đứng xếp hàng cho thiệt sớm, thay nhau đi vệ sinh để giữ chỗ. Sau đó, “đồng bọn” sẽ đi ra phía cuối hàng gạ những người nào muốn mua hàng sớm để bán cái chỗ đứng phía trên. Nếu khách đồng ý thì “cò” sẽ dẫn khách lên chỗ của “đồng bọn” phía trên đứng thế vô, khách dúi tiền mua chỗ cho “cò”. Rồi hai “con cò” lại xuống phía dưới tiếp tục xếp hàng. Nghề này tuy không thu nhập cao nhưng vẫn kiếm được lai rai, nghe nói trẻ em, người già, người mất sức lao động đều làm nghề xếp hàng.

thoi-bao-cap

Dép râu là loại dép trên thế giới chỉ Bắc Việt Nam mới có, được làm thủ công bằng tay và dụng cụ thô sơ là dao, kéo, nhíp, kềm, dùi… chớ không cần qua máy móc, công xưởng gì hết, chỉ cần khéo tay là có thể tự làm dép râu cho gia đình dùng mà không tốn tiền mua. Vật liệu để làm dép râu là vỏ và ruột xe hơi phế thải. Ban đầu, dép râu được dùng cho bộ đội, cán bộ cộng sản. Dần dần phổ biến, hầu hết dân chúng miền Bắc sau năm 1954 đều xài dép râu, vì lẽ đơn giản là các loại dép guốc giày bằng nhựa, da, gỗ… đều không có nguyên vật liệu để sản xuất. Ðiều quan trọng là người thợ phải có con dao cắt, xẻ vỏ xe hơi như chém bùn, cái kéo cắt ruột xe cũng vậy. Vỏ xe được cắt theo hình dạng bàn chưn làm đế dép, phía trước đục bốn đường rãnh để xỏ hai quai dép, phía sau cũng đục bốn đường rãnh để xỏ hai quai hậu cho dép bám chặt vô chưn khi mang. Ruột xe được cắt thành từng miếng bề ngang chừng hai phân, dài hơn một gang tay làm quai dép, hai đầu quai cắt nhỏ hơn một chút để dễ luồn quai vô đế dép. Người thợ lấy cây nhíp lớn xỏ vô đường rãnh đế dép từ dưới lên, kẹp một đầu quai vô nhíp, rút mạnh xuống cho miếng quai chui qua rãnh xuống dưới đế dép. Nếu khó kéo thì dùng kềm cặp vô cây nhíp mà kéo cho dễ. Tiếp tục luồn đầu bên kia giống y như vậy, hai quai phía trước thì thành hình đường chéo nằm, hai quai phía sau chéo nhau theo chiều đứng để giữ cổ chân. Rãnh đục rộng dễ luồn quai nhưng mang dép cũng dễ tuột quai, rãnh hẹp hẹp khó luồn quai nhưng quai luồn rồi sẽ chắc hơn, khi mang khó tuột, thợ làm dép râu hơn nhau là chỗ này. Phần quai dép dư dán chút keo cho nó nằm tua tủa dưới đế dép chớ không chĩa ra ngoài, do đó dép này mới có tên là dép râu. Do đó, người sử dụng dép râu đều có vật bất ly thân là cái nhíp bự để dành xỏ quai dép khi quai tuột ra, rút quai dép cho nhỏ vừa ôm bàn chưn theo ý mình.

Dép râu là loại dép có hình thức cực kỳ xấu xí, nhưng được ưu thế là rẻ và bền. Trong thời kỳ quá khổ này (nhái chữ “thời kỳ quá độ”), tôi thấy chỉ có bộ đội miền Bắc, dân Bắc 75 vô Nam mang dép râu, dân miền Nam vẫn dùng guốc gỗ, dép mủ (dù là mủ thứ phẩm và kiểu thì xấu banh nhà lồng) của Hợp tác xã bán chớ không thấy ai dân Nam chánh gốc Nam kỳ mang dép râu. Có thể vì vậy mà nghề làm dép râu không phát triển được ở trong Nam.

Phụ tùng xe đạp hàng quý hiếm, trong đó có dây sên xe. Sên xe nối với nhau bởi hai lớp mắt xích trong và ngoài. Thông thường, xài một thời gian thì dây sên bị mòn, dãn ra, sẽ không ăn vô cái líp xe, khi đạp sên trợt đi trên hàng răng líp mà bánh xe không quay. Người ta đem đến thợ lộn sên (ngoài Bắc kêu là “lật xích xe đạp”. Thợ sẽ đục từng mắt sên ra, cẩn thận để riêng từng loại mắt sên lớp trong, lớp ngoài. Sau đó, ông thợ ráp lại từng mắt dây sên, mắt ngoài đổi vô trong, mắt trong bị mòn đổi ra ngoài. Lắp trở vô, sên và líp khít lại như sên mới.

Chỉ có thời nhà sản dân miền Bắc mới có nghề lột bố vỏ xe. Bên trong vỏ xe hơi cũ, nhứt là xe quân sự, xe vận tải, xe hơi loại lớn… có các lớp sợi dây bố gai pha nilon rất chắc để tăng sức căng của vỏ xe. Người ta gom loại vỏ xe phế thải này lại cắt ra từng khoanh, từng lớp rồi dùng kềm rút từng sợ dây bố gai này, bện lại thành từng cuộn dây thừng để bán.

Dân Bắc cũng không xa lạ với hai câu tập Kiều: “Bắt phanh trần (không có áo mặc phải ở trần) phải phanh trần/ Cho may ô (áo lót kiểu ba lỗ nam) mới đặng phần may ô”. Nam giới mỗi người một năm được bán hai cái áo may ô màu trắng mỏng tanh của nhà máy dệt Nam Ðịnh sản xuất. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng đủ áo để bán. Có khi tới đợt, Hợp tác xã lại thay thế áo may ô bằng kim chỉ, nút áo, dép râu, dép nhựa, thau, xoong… Áo chemise may bằng vải tám (100% cotton sợi thô) hoặc vải nilon (hồi đó dân Nam kêu là soir lông vịt) được coi là loại sang trọng, đồ để mặc đi làm việc làng việc nước, đi ăn nói, đám tiệc một người một năm được bán hai cái áo dài tay, hoặc bán vải, không phân biệt nam nữ. Áo may sẵn thì có phân ra áo kiểu nam, kiểu nữ. Áo chemise có phần cổ đứng may độn lớp vải keo cứng bên trong, bâu cũng may độn lớp vải keo cứng, bẻ lật ra ngoài. Nếu mặc nhiều lần, lâu dần, phần vải nối giữa cổ và bâu bị phai màu, mòn vải do quá trình ma sát với da cổ. Tuy nhiên, phần miếng vải keo độn bên trong bâu và lớp vải phía dưới của bâu còn nguyên. Lúc này, một số gia đình vẫn còn giữ được máy may loại đạp chân (hoạt động bằng hệ thống bánh xe và dây cua-roa) mua sắm từ thời Pháp thuộc, nhân cơ hội bung ra hành nghề lộn cổ áo chemise. Như tôi đã nói ở trên, khi cổ áo bị mòn, người ta phải nhờ đến tài khéo léo của người thợ lộn cổ áo. Thợ sẽ tháo rời cái cổ áo ra rồi ráp lật ngược phần mòn xuống phía dưới, phần chưa mòn trở lên trên, áo sẽ nhìn tươm tất, mới hơn.

Ðến đây thì quý độc giả đã “thẩm thấu” (và chịu hổng thấu) được “tài nghệ” biến có (của cải) thành không và biến không (nghề “lạ”) thành có của “đảng ta” chưa?

TPT