Sau câu chuyện gây nhiều tranh cãi về cách viết chữ Việt mới của Tiến Sĩ Bùi Hiền trong nước đưa ra hồi năm trước, đôi tuần qua, câu chuyện thời sự của những người Việt trong và ngoài nước nhắm đến là việc “cải cách giáo dục” tại Việt Nam qua bộ sách “Tiếng Việt Lớp 1 Công Nghệ Giáo Dục” do Tiến Sĩ Hồ Ngọc Đại chủ biên và được Bộ Giáo Dục Việt Nam cho phát hành trong niên học mới này. Những thước phim, các bình luận, bài viết của người dân chỉ trích và cười cợt về cách dạy tiếng Việt “cải cách” và theo “công nghệ mới” cho trẻ nhỏ đã được tác giả và giới truyền thông trong nước giải thích, binh vực, thậm chí tấn công lại phụ huynh và công luận chung là “thiếu hiểu biết”, “lỗi thời” cùng một cách trả lời lập lờ, thiếu rõ ràng từ Bộ Giáo Dục… Câu chuyện này thực ra như thế nào và liệu những điều mà tác giả bộ sách cùng Bộ Giáo Dục Việt Nam giải thích có thỏa đáng?
Kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã thực hiện ít nhất ba lần các chương trình cải cách giáo dục ở quy mô quốc gia, với các thay đổi lớn về chương trình và phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, thể thức thi cử cùng việc kinh doanh giáo dục qua các nghị định và luật giáo dục đưa ra. Thất bại hay thành công và lý do tại sao, là một câu chuyện dài mà chính những người tâm huyết với nền giáo dục trong và ngoài nước đã và vẫn thường lên tiếng vì sự sa sút của nền giáo dục nước nhà. Dù rằng sự sa sút này chẳng làm ai ngạc nhiên vì các chương trình cải cách giáo dục này vốn đặt trên nền tảng thực nghiệm, cóp nhặt hay cải đổi rời rạc, thiếu đồng nhất theo dăm chương trình nước ngoài nào đó rồi được biên soạn tùy hứng, cải đổi theo đề nghị hay “nghiên cứu” của dăm cá nhân hay nhóm người nào đó, thiếu vắng những mục đích, triết lý và sách lược giáo dục hiệu quả và khoa học.

Câu chuyện của các ông Bùi Hiền hay Hồ Ngọc Ðại xuất phát từ những điều kể trên, nhất là với phương châm “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được Bộ Giáo Dục Việt Nam đưa ra thì có thể còn những kiểu sách giáo khoa “cải cách” tương tự sẽ được phát hành và áp dụng chứ không riêng đôi tác giả kể trên. Xem giáo dục chỉ là việc “thực nghiệm”, dường như Việt Nam đang áp dụng phương pháp “may rủi” trong việc giáo dục. Trúng thì hay (hoặc may) và sai thì sửa. Ðể tiếp tục cải cách. Rồi thực nghiệm. Và lại cải cách. Nền giáo dục Việt Nam đã diễn ra như vậy trong vài chục năm qua.

Theo tiếng Việt cải cách của ông Bùi Hiền như nhiều người đã biết, phương pháp này thêm-bớt một số ký tự để tiếng Việt được “đơn giản” hơn (!?), như dùng “Z” thay thế cho “Gi”, “Q” cho “Ng”, “C” cho “Ch”, “F” cho “Ph”… Theo cách này thì câu “Luật Giáo Dục: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính” sẽ được viết rằng, “Luật Záo Zụk: tiếq Việt là qôn qữ cín”. Câu chuyện của Bùi Hiền chỉ là câu chuyện của một gã gàn nói chữ nhưng ít nhiều gây xôn xao bởi sự phát tán của hệ thống truyền thông cần tin giật gân và một cộng đồng mạng xã hội dễ bị kích động. Nhưng nhắc qua chuyện này để thấy những ý tưởng kỳ quặc thay đổi cả một hệ thống âm vị, ngôn ngữ của cả một quốc gia như vậy vẫn thu hút công luận rồi được tranh luận vì xem như sự “cải tiến”, là một “công trình nghiên cứu” được Bộ Giáo Dục cấp bản quyền với những người ủng hộ và một sự “Hán hoá” từ những người chống đối. Truyền thông và cộng đồng dân mạng đã mất thời gian với Bùi Hiền một cách không cần thiết. Với bộ sách tiếng Việt của ông Hồ Ngọc Ðại hiện nay thì không liên quan đến Bùi Hiền và trên căn bản cũng khác biệt với Bùi Hiền. Không thấy những chi tiết về “Công nghệ Giáo Dục” như thế nào nhưng công luận chú ý đến bộ sách dạy chữ lớp một này gồm có ba tập, dạy học sinh về âm-chữ, đánh vần rồi làm bài, tự học, không cải đổi chữ viết mà nhắm vào phương pháp dạy cách đánh vần, phát âm. Hai mặt nổi của bộ sách gây sự tranh luận là phương pháp dùng các ô vuông, tròn, tam giác để biểu thị cho chữ trong một câu văn/thơ nào đó và sự cải đổi cách phát âm, đánh vần một số chữ cái và nguyên âm đôi mà chúng ta có thể nhìn tới hay phản luận. Ðiều thứ nhất được giải thích rằng trẻ nhỏ chưa nhận được mặt chữ nên sử dụng các hình ảnh trực quan vuông-tròn để dạy cho các em. Nếu xét về mặt học thuật thì đây chỉ là một phương pháp “thực nghiệm” không cần thiết bởi dù chưa đọc được chữ thì ở độ tuổi 6 hay 7, các em cũng đã có khả năng đếm và nhận dạng mặt chữ trong một câu văn hay thơ, chẳng cần phải hình tượng hóa qua các ô vuông-tròn hay tam giác. Việc kết hợp nghe-nói-nhìn sẽ giúp các em tiếp nhận và đánh vần dễ dàng về sau hơn là “học mù” hay học vẹt qua các ô vuông hay tròn. Ðiều thứ hai của sự thay đổi là cả ba chữ cái c, k và q cùng đều phát âm là “cờ” hay phát âm “ia, ya, iê, yê” đều giống nhau. Chỉ xem cách phát âm hay đánh vần hai chữ “cua” và “qua” hay “bia” và “yên” thì sẽ thấy sự khập khễnh trong sự “cải tiến” này bởi đó là những cặp chữ phát âm hoàn toàn khác nhau. Hoặc nếu buộc các em phải học thêm luật đánh vần rắc rối khác hơn để phát âm cho đúng như cách giải thích của một số người thì đó lại là điều sai lầm khác vì đây là độ tuổi cần được dạy với phương pháp đơn giản và dễ hiểu nhất. Không kể đến cách chọn chữ khá thô thiển để dạy cho các em vừa học tiếng Việt có thể ví dụ như “quện nhau”, “mút mút”, “quằn quặn” (!?) hay những bài văn tối nghĩa và phản giáo dục. Hãy đọc thử bài “Quả bứa” trong bộ sách này xem sao: “Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả bứa, liền la to. Sáu nhanh tay nhặt lấy. Hai đứa tranh nhau, cứ giành đi giành lại. Vừa may, có cậu Cả đi qua, hai đứa nhờ phân xử. Nghe hai đứa lần lượt kể lại chuyện đã xảy ra, cậu Cả lấy dao bổ quả bứa ra làm hai, đoạn phán quyết: “Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao”. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi. Hai đứa ngẩn tò te, trơ mắt ra”. Ðoạn văn thiếu tính nhân văn này dạy trẻ nhỏ điều gì? Dẫn một đôi ví dụ như vậy để thấy rằng điều được gọi là “cải cách” chỉ một “thực nghiệm” cá nhân không lấy gì bảo đảm cho tham vọng không tưởng rằng, hết lớp Một các em sẽ “đọc thông, viết thạo và không sai chính tả” như lời của tác giả bộ sách. Nhưng điều nguy hiểm hơn ý tưởng mang tính cá nhân gàn dở của Bùi Hiền là chương trình “công nghệ” của Hồ Ngọc Ðại được bảo là đã có vài chục tỉnh thành đang dạy cho gần cả triệu học sinh. Với mục đích gì thì nhiều người cũng hiểu rằng, bộ sách giáo khoa này sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc bán sách một khi được áp dụng trên bình diện rộng khắp Việt Nam. Một điều cần nói thêm là những biện minh cùng thái độ của chính những tác giả cùng các người ủng hộ việc “cải cách” này. Ðưa ra như một sự cách tân mới mẻ nhưng khi gặp sự phản ứng của công luận thì lại tự mâu thuẫn khi bảo rằng “công nghệ giáo dục” này đã được thực nghiệm hay áp dụng từ 40 năm trước, trong khi xem thường phụ huynh là “lạc hậu”, “lỗi thời”, “kém hiểu biết” hay cha mẹ “đừng can thiệp vào việc học của con”, cứ để thầy cô giáo lo. Liệu có liên quan gì đến chính sách cai trị người dân của nhà cầm quyền khi thường răn dạy người dân rằng, “đừng lo, để đảng và nhà nước lo”?

Chữ quốc ngữ, hay chữ viết tiếng Việt ngày nay xuất phát từ những giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên từ đầu thế kỷ 17 trong mục đích phổ biến Kinh Thánh và các văn bản Ki-tô giáo cũng như để giao tiếp với người Việt. Họ đồng thời cũng là những nhà truyền giáo uyên bác về ngữ học như giáo sĩ Francisco De Pina người Bồ Ðào Nha và về sau là Alexander de Rhodes người Pháp, là những người được xem có nhiều công sức trong việc đặt nền móng và tạo ra chữ quốc ngữ một cách hệ thống hóa. Phương pháp phiên âm cách phát âm và thanh điệu của người Việt sang hệ thống ký tự La Tinh để tạo nên chữ viết trong tiếng Việt vốn dùng chữ Hán và Nôm hơn ba trăm năm trước, có thể còn những không gian mở để ít nhiều cải đổi trong mục đích đưa việc dạy và học tiếng Việt trở nên chính xác, dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhưng đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự quy tụ đông đảo các chuyên gia ngôn ngữ có tâm huyết và tài năng, thay vì dựa theo một “thực nghiệm” đầy may rủi của một đôi cá nhân nào đó, mà câu chuyện Hồ Ngọc Ðại như hiện nay là một. Ðể thay đổi nền giáo dục tụt hậu của mình, Việt Nam cần “cải cách” chính những việc “cải cách giáo dục” qua câu chuyện thời sự về “công nghệ giáo dục” đang xảy ra.
ĐYT