Menu Close

Thái bình hết bình yên

Nhìn trên bản đồ thế giới, khu vực Nam Thái Bình Dương là một vùng rộng bao la được tô bằng màu xanh nước biển với những chấm đen nhỏ li ti – kết hợp của hàng chục ngàn hòn đảo lớn nhỏ – từ gần một thế kỷ qua hầu như bị thế giới lãng quên thì nay bỗng dưng đang trở thành điểm nóng trong sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc.

thai-binh-het-binh-yen2
Những đảo quốc Nam Thái Bình Dương nhận tài trợ từ Trung Quốc – nguồn Bloomberg

Theo tin của hãng thông tấn Reuters, chính phủ Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Vương quốc Anh sắp tới đây sẽ cho mở một loạt đại sứ quán ở khu vực này, đồng thời cho tăng cường thêm số nhân viên sứ quán, và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hơn với lãnh tụ của các đảo quốc trong khu vực trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Trận chiến giành ảnh hưởng trong một vùng biển rộng lớn với dân cư rất thưa thớt có nguyên do của nó, là vì mỗi một đảo quốc tí hon này nắm trong tay một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Ví dụ, Quần đảo Solomon với dân số khoảng 600,000, chỉ bằng một thành phố bậc trung của Mỹ, nhưng vẫn được một phiếu bầu ngang bằng Hoa Kỳ với dân số hơn 300 triệu. Một điều quan trọng khác, những đảo quốc tí hon này còn kiểm soát cả một vùng biển rộng lớn rất giàu tài nguyên thiên nhiên.

Một điều hiển nhiên là Trung Quốc không thể vẽ thêm đường lưỡi bò ngoằn ngoèo của họ kéo dài xuống tới tận vùng nam bán cầu được, thế nên họ phải sử dụng chiến lược khác. Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã chi ra khoảng $1.3 tỷ qua các khoản vay ưu đãi và quà kinh tế để trở thành quốc gia tài trợ lớn thứ nhì trong khu vực chỉ đứng sau Úc, và điều này đang là mối quan tâm của các chính phủ phương Tây vì lo ngại rằng những đảo quốc tí hon này có thể bị ngập lụt trong nợ nần đến không thể trả được cả vốn lẫn lời cho Bắc Kinh trong tương lai.

Bài học về món nợ tài trợ kinh tế của Bắc Kinh gần đây đã thức tỉnh thế giới qua vụ Sri Lanka đã phải chấp nhận chịu nhượng chủ quyền để một số công ty Trung Quốc kiểm soát hải cảng chiến lược Hambantota vì không trả được nợ. Và mới đây nhất, tân chính phủ Malaysia đã quyết định ngưng dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $20 tỷ với Bắc Kinh vì sợ sẽ rơi vào trường hợp của Sri Lanka.

thai-binh-het-binh-yen
Hình ảnh về hậu quả của cuộc bạo loạn ở Honiara. Các cửa hàng ở Chinatown đều bị tàn phá bởi những kẻ cướp bóc – biukili.blogspot.com

Bắc Kinh không chỉ dùng sức mạnh tiền bạc qua các chính sách tài trợ kinh tế kiểu Trung Quốc mà còn đổ tiền trợ giúp di dân của họ xây dựng những cơ sở kinh doanh, dần dà trở thành những phố Tàu ngay trên đất của những xứ khác, trong đó kể cả những đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Một ví dụ điển hình là trong mấy năm qua, trên đảo Guadalcanal, hòn đảo chính nằm trong dãy quần đảo Solomon, đang diễn ra sự kiện là di dân Trung Quốc dùng chính tiền tài trợ từ chính quyền Bắc Kinh đã ồ ạt mua lại cũng như xây dựng hàng chục toà nhà và cơ sở kinh doanh tại ngay thủ đô Honiara, đến mức người dân địa phương đã lên tiếng lo ngại rằng trong vòng 10 năm tới, hòn đảo này sẽ bị người Trung Quốc chiếm mất.

Lần cuối cùng người dân Guadalcanal lo ngại bị người ngoại quốc chiếm đất sau khi 60,000 binh lính Mỹ đổ bộ lên hòn đảo này với quyết tâm đẩy lui quân đội Nhật Bản để kiểm soát hòn đảo và một trong những trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến II đã xảy ra tại đây. Nhưng nay, hòn đảo với những cánh rừng rậm tiếp nối nhau – từng là chốt đóng quân của liên quân Úc-Mỹ với một lịch sử dài của một trong những vị trí chiến lược hải quân quan trọng – đang trở thành võ đài tỉ thí giữa các cường quốc của một hình thức chiến tranh lạnh mới.

Sau nhiều năm hầu như không chú ý tới sự đầu tư cùng làn sóng di dân Trung Quốc trong khắp khu vực Nam Thái Bình Dương, hai chính phủ Úc và Hoa Kỳ đang cố đẩy mạnh nỗ lực của họ tại khu vực này – vừa lên tiếng cảnh giác các giới chức địa phương phải cẩn thận hơn, đừng quá bị lệ thuộc vào sự tài trợ của Trung Quốc, đồng thời mở rộng chương trình viện trợ, giúp xây dựng một số hạ tầng cơ sở, và đẩy mạnh chính sách ngoại giao để hầu cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết món tiền viện trợ hơn $350 triệu đến các đảo quốc Thái Bình Dương, trong hình thức hỗ trợ an ninh, giúp điều hành việc đánh bắt thuỷ sản và một số chương trình viện trợ khác. Ngân hàng Thế giới cũng gia tăng hơn gấp đôi ngân sách phát triển cho khu vực Thái Bình Dương với ngân khoản $808 triệu cho thời hạn ba năm.

Tuy nhiên, chính phủ Úc còn đi xa hơn nữa. Chương trình viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương của họ tăng 18 phần trăm lên đến gần $1 tỷ cho tài khoá năm nay. Gần một phần ba ngân sách viện trợ của Úc hiện nay dành riêng cho Nam Thái Bình Dương – khu vực bao gồm khoảng 20 đảo quốc và lãnh thổ với gần 11 triệu dân sống rải rác trên hơn 20,000 hòn đảo.

thai-binh-het-binh-yen1
Hải quân Mỹ giúp xây dựng tại Quần đảo Solomon năm 1943 – nguồn SeabeeMagazine

Phần lớn số tiền viện trợ này sẽ được chi cho việc đặt hệ thống dây cáp dưới lòng biển nối Guadalcanal và Papua New Guinea với hệ thống mạng internet toàn cầu của Úc.

Các chuyên gia nghiên cứu an ninh xem việc chi tiêu mạnh trong chính sách viện trợ của Úc như là bằng chứng rõ rệt nhất về sự cạnh tranh kịch liệt để chống lại những nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Một hệ thống dây cáp internet dưới lòng biển đáng lẽ đã phải có từ lâu rồi nếu muốn cho việc làm ăn buôn bán trên đảo được phát triển. Tín hiệu internet trên đảo do vệ tinh nhân tạo cung cấp rất yếu và những khi có bão, hay thậm chí một ngày mây mù, thì việc nối kết internet sẽ bị cắt đứt.

Ngoài ra những hạ tầng cơ sở khác như phi trường, cầu cống, đường sá, bệnh viện do hải quân Mỹ xây dựng từ Thế chiến II nay đã quá cũ và chưa từng được tu bổ kể từ thời đó. Những gì được cho là mới và khang trang ở trên đảo thì dường như đã được một ai đó có gốc gác Trung Quốc làm chủ.

Hầu hết các cửa tiệm dọc theo con đường chính là do di dân Trung Quốc làm chủ, họ ngồi ở góc quầy tính tiền bán toàn những hàng hoá làm ở Trung Quốc, còn người địa phương thì làm công cho họ.

Những dấu hiệu của sự phát triển rõ rệt nhất trên đảo là ở ngay phố Tàu của thủ đô Honiara, với một dọc cửa tiệm mới được xây dựng, ngoài ra còn có một trường học dạy Hoa ngữ mới toanh nhận sự tài trợ trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc.

Các sự kiện này chứng minh cho thấy đây là một kế hoạch gây ảnh hưởng lâu dài của chính quyền trung ương Bắc Kinh với làn sóng di dân Trung Quốc ồ ạt tới đây đã làm cho người dân địa phương trên đảo nghi ngại. Một vụ bạo loạn giữa dân địa phương và chủ tiệm người Trung Quốc nổ ra năm 2006, và một vụ bạo động khác vào năm 2014 với một phần phố Tàu bị đốt phá.

Tuy nhiên, điều lo ngại chính của nhiều người dân Guadalcanal không chỉ liên quan đến sự can thiệp của chính phủ Bắc Kinh mà còn do tình trạng đút lót và tham nhũng bởi tiền của Trung Quốc. Không ai được biết chính xác số bất động sản do người Trung Quốc làm chủ ở Solomon là bao nhiêu; thậm chí con số di dân Trung Quốc định cư trên quần đảo này cũng là điều bí ẩn là vì rất nhiều di dân Trung Quốc đến đảo với tư cách là khách du lịch và sau đó tìm cách đút lót với các giới chức chính quyền để được cấp giấy tờ ở lại luôn.

Tình trạng xâm lăng kiểu này rất nguy hiểm nếu không ngăn chặn kịp thời thì sớm muộn gì nơi đây cũng trở thành thuộc địa của Trung Quốc. Cứ nhìn vào khu vực Tây Tạng và Tân Cương thì rõ, họ chỉ mất vài chục năm để biến người dân địa phương thành thiểu số. Với dân số chỉ hơn nửa triệu của toàn quần đảo Solomon thì thời gian 10 năm không phải là quá ngắn để chính quyền Trung Quốc thực hiện âm mưu của họ.

Hiện nay người dân trên đảo Guadalcanal và nhiều hòn đảo nhỏ khác đã bắt đầu nhận thức được sự nguy hại và đã lên tiếng đòi chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ hơn những vụ đầu tư của Trung Quốc và mở cửa tiếp nhận sự tài trợ từ những cường quốc Tây phương khác, thay vì từ chối họ.

Tuy nhiên, để nhận được sự tài trợ từ những quốc gia như Úc và Hoa Kỳ, chính quyền địa phương phải chấp nhận một số điều kiện và chịu sự kiểm soát việc chi tiêu do sự ràng buộc bởi luật lệ của những quốc gia dân chủ trên, trong khi Trung Quốc thì không cần. Và điều này đã làm cho nhiều người dân địa phương lo ngại không ít.

VH