Menu Close

Đặc sản kinh dị

Ở miền Nam mà nhắc đến dừa người ta nghĩ ngay tới Bến Tre. Còn ở miền Trung là Bình Định. Đây là những địa phương mà cây dừa được trồng bạt ngàn như rừng. Dừa vươn cao ở trong vườn, ngoài bờ ruộng, cạnh bờ sông, kế bờ rạch, bờ ao. Dừa vi vu bên hông nhà, ru ngủ những buổi trưa hè; dừa lặng lẽ dãi dầu ở mảnh sân sau; dừa nhẫn nại đứng canh ngoài sân trước; dừa che bóng mát mỗi bước đi trên đường làng ngõ xóm.

dac-san-kinh-di-duong-dua-song

Người Bến Tre sống nhờ thu nhập từ dừa, ăn cơm dừa, uống nước dừa, xài dầu dừa mỗi ngày. Phần đọt dừa non kêu là củ hũ dừa (có nơi gọi cổ hũ) trắng nõn, ăn ngọt, giòn mà xốp mềm, mát lạnh cả cổ họng. Lá dừa khô dùng làm củi đốt, thân cây dừa lão làm cầu bắc qua mấy con rạch nhỏ, hoặc làm những chiếc cầu ao ở sau nhà. Thân dừa càng già thì gỗ càng chắc, vân màu nâu đỏ càng đẹp, dùng làm đồ mỹ nghệ thật là tuyệt vời.

Cây dừa có vòng đời rất dài, nếu trồng ở nơi đất đai phù hợp và được chăm sóc tử tế thì phải mất từ sáu đến mười năm dừa mới có lứa trái đầu tiên. Sau đó từ mười lăm đến hai chục năm là giai đoạn cây dừa cho trái nhiều nhứt. Vì vậy, người trồng dừa không bao giờ đốn dừa để ăn củ hũ, cũng không tự dưng khơi khơi đốn dừa để lấy gỗ. Họ chỉ đốn khi dừa bị gió bão làm cho ngã gãy, bị đuông ăn làm chết cây, hay đã quá già không còn sai trái nữa phải đốn lấy gỗ rồi đào gốc lên, trồng cây mới thế vô.

Ở quê tôi không trồng nhiều dừa, có lẽ do thổ nhưỡng không phù hợp, cho nên được ăn củ hũ dừa rất là hiếm hoi. Khi tôi bảy tám tuổi, mẹ tôi đi chợ mua được củ hũ dừa, đem về cho cả nhà ăn cho biết. Củ hũ dừa bán rất là mắc tiền, hên mới mua được, đó cũng là lần duy nhứt tôi được ăn củ hũ dừa. Còn đuông dừa thì chỉ nghe nói là ăn rất ngon; tôi có coi hình, coi video chớ chưa bao giờ được ăn.

Ðuông dừa là ấu trùng của bọ kiến dương (thuộc họ bọ vòi voi kích thước bự). Loại bọ cánh cứng độc hại này có cái vòi rất nhọn và cứng. Ðến mùa sanh sản, bọ kiến dương kiếm những cây dừa khỏe mạnh, dùng cái vòi của nó khoét lỗ trên phần đọt dừa (củ hũ) để đẻ từ ba trăm đến năm trăm trứng vô đó. Trứng nở thành con đuông, giống y như con sâu, nhưng có màu trắng tinh và mềm nhũn. Con đuông mới nở ra cũng đã có cái vòi nhọn và cứng, miệng nhai ở đầu vòi. Nó dùng cái vòi này gặm củ hũ dừa, ăn để sống và lớn lên mỗi ngày. Ăn hết phần củ hũ thì bọn đuông này ăn dần xuống thân dừa. Bọn nó “đông quân” và ăn khủng khiếp đến độ cây dừa bự như vậy mà nó ăn đến rỗng ruột. Ðứng gần cây dừa có thể nghe âm thanh “rào rào” như tiếng máy chà gạo phát ra từ thân dừa. Nếu không có gì cản trở, đuông trưởng thành sẽ có kích thước bằng ngón tay người lớn, màu nâu đỏ nhạt. Chúng mọc cánh có sọc nâu đen chạy song song, phần đầu có nhiều chấm, có cái vòi dài hung dữ chiếm một phần ba thân mình. Bọn chúng sẽ bay ra ngoài để tiếp tục sanh sản lứa tiếp theo với cấp số nhân.

Cây dừa bị đuông ăn sẽ héo ngọn và chết. Nếu nghe âm thanh “máy chà gạo” này, người ta đốn hạ cây dừa xuống, chẻ đôi thân cây từ phần ngọn xuống để bắt đuông, chớ củ hũ dừa đã bị bọn đuông ăn hết rồi. Nếu không bắt đuông sớm, nó lớn thành hàng trăm con bọ kiến dương khác rồi lại tỏa ra đục thân cây dừa khác nữa thì tác hại vô biên.

Vì cây dừa quá cao nên thông thường người ta chỉ phát hiện được cây dừa có đuông khi thấy ngọn dừa héo gãy gục xuống. Còn âm thanh thì khi nào ban đêm im ắng mà đứng dưới gốc cây bị đuông ăn mới nghe được. Lúc cây dừa thúi đọt ngã ngang cũng là lúc đuông cây dừa nhiều nhứt, chúng lớn múp míp, trắng nõn chớ chưa trưởng thành. Ðuông già chuyển qua màu nâu đỏ không ăn được. Chẻ thân dừa ra, thấy mỗi lỗ có một con đuông, người ta bắt con đuông này bỏ vô thau để làm thức ăn, còn đuông già thì phải đạp cho nó chết luôn. Tất nhiên, khi nó chưa lột xác thành con bọ mà bị tách ra khỏi cây dừa, rơi rớt vung vãi trên mặt đất thì trước sau gì nó cũng chết, nhưng có lẽ chủ vườn dừa tức giận nên đạp nhẹp luôn “trả thù”?!?

Có người bắt đuông non loại chưa có lông, ngắt bỏ đầu và ăn sống luôn tại chỗ. Nghe “giang hồ đồn đại” ăn sống loại đuông này không tanh hôi mà mùi vị giống như ta húp lòng đỏ trứng gà ta sống. Cũng có người cho đuông non sống vô tô nước mắm giằm ớt. Con đuông ngọ nguậy lội qua lội lại, lộn lên lộn xuống trong tô nước mắm nên món này cũng có tên là “đuông lội sông”. Người ta gắp đuông ăn sống vậy luôn. Nghe nói mùi vị rất ngon, nhưng nhìn thì thấy gớm ghiếc kinh hồn quá. Con đuông thấm nước mắm có màu vàng ruộm, một lúc sau thì nó chết.

Nếu đuông hơi già hơn thì đem luộc với nước dừa tươi rồi vớt ra cuốn bánh tráng, rau thơm, chấm cơm mẻ trộn sả, ớt bằm nhuyễn. Còn cách ăn khác là nhúng bột rồi thả vô chảo dầu chiên giòn, cũng cuốn bánh tráng, rau thơm, chấm nước mắm (pha chanh tỏi ớt) nhai giòn khấu, vừa ngọt vừa béo. Cách làm này có tính thẩm mỹ, hấp dẫn, dễ ăn nhứt, ai nhát gan nhứt cũng không kỵ, và cũng ngon không kém hai cách trên. Ðặc biệt hấp dẫn những ai thích ăn thức ăn giòn mà thơm, béo.

Theo những câu chuyện truyền miệng trong dân gian thì thời Nguyễn Ánh lánh nạn nhà Tây Sơn ở Bến Tre, Chúa được người dân ở đây cho Ngài thưởng thức món đuông hấp xôi và Ngài rất thích. Có hai cách làm đuông hấp xôi. Một là khi hấp nồi xôi trắng, cho đuông lên trên bề mặt nếp. Khi xôi chín thì đuông cũng chín, khi ăn thì ăn xôi kèm với đuông. Hai là chọc cho sữa trong ruột đuông sống tươm ra, xới trộn đều với xôi, hấp lại lần nữa cho sữa chín thấm hết vô từng hột xôi. Người ta ăn xôi hấp đuông với đường, với nước mắm hoặc thịt gà ram mặn cho đỡ ngán.

Tôi không biết người Bình Ðịnh có ăn đuông dừa hay không, nhưng ở miền Nam thì món ăn vừa độc đáo vừa kinh khủng này chỉ có ở Bến Tre, và được nâng lên hàng “đặc sản” mắc tiền hàng đầu. Du khách đến Bến Tre bao giờ cũng đòi món “đuông lội sông” với mớ đuông còn sống nhăn, trườn tới trườn lui trong tô nước mắm nguyên chất giằm ớt đỏ, để họ “lai chim (live stream) lai cò” rồi bắn lên mạng khoe cho thiên hạ biết ta đây cũng người “sành điệu”, biết thưởng thức món “lạ và độc”. Rồi họ hỉ hả, hí hửng khi có nhiều bạn nữ nhảy vô trang của họ hú hét, há hớ, hô ha… ra chiều hãi hùng, hỏi han tới tấp “Món gì ghê vậy?”, “Con gì ghê vậy?”, “Ăn có ngon không?”, “Mùi vị như nào?”, “Nhìn gớm chết mẹ” v.v…

Vì đuông dừa lúc nào cũng được bán ra với giá cao ngất ngưởng, vì “nhu cầu” cao của thực khách muốn được thưởng thức “đặc sản kinh dị”, nên thời gian qua có người đã nảy ra “tối kiến” cũng không kém phần kinh khiếp là… nuôi đuông dừa để bán! May sao, “tối kiến” chưa kịp phát huy trên diện rộng thì đã bị nhà cầm quyền địa phương ra lịnh cấm nuôi, cấm bán đuông dừa.

Thử nghĩ coi, đuông dừa mà được nuôi quy mô, đại trà, mà nó ở cao chót vót trên ngọn thì “nuôi nhốt” hay là “nuôi thả”? Rồi lỡ bọn nó “sổng chuồng” một cái, ra mỗi lần hàng trăm con bọ thì còn gì rừng dừa nữa?

TPT