“Bạn sẽ làm gì ví như bạn chỉ còn 60 phút cuối cùng để sống?”
Ðó là câu hỏi trắc nghiệm của một hãng thông tấn ở phương Tây, đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến độc giả. Tình huống được giả định là có thể trái đất sắp nổ tung, một trận hồng thủy sẽ ập tới, hoặc ngày tận thế đã cận kề như lời tiên tri của Vanga hay Nostradamus. Bạn sẽ làm gì nếu chỉ còn 60 phút để sống?
Thoạt đầu tôi có suy nghĩ là 60 phút quả là một thời gian quá ít, nhưng rồi ngẫm lại, dù chúng ta có 24 giờ đồng hồ hay lâu hơn thế nữa cũng chưa gọi là đủ! Ðến phút chúng ta nghĩ là không còn sống được bao lâu nữa, thì tất cả gần như đã muộn màng.
Không kể đến những ý kiến bốc đồng, điên khùng, thì gần một nửa số người được tham khảo cho rằng họ sẽ dành thời gian ấy cho những người thân yêu, một số nhỏ bình tĩnh chấp nhận số phận với một ly rượu chát trên tay, và một số nhỏ dành thời gian này cho việc cầu nguyện.

Cuộc trắc nghiệm đưa ra thời gian 60 phút là vừa phải.
Ðêm 14/4/1912, con tàu Titanic trên đường đi từ Queenstown, Ireland đến New York, sau khi đụng phải một tảng băng ngầm đã chìm xuống đại dương làm cho 1,514 người thiệt mạng. Tính từ lúc Titanic đụng phải tảng băng vào lúc 11:40, lệnh hạ các tàu cứu sinh xuống lúc 0.45 sáng, nghĩa là tình hình không còn cứu vãn, thời gian này chính xác là 65 phút.
Bây giờ chúng ta bỏ qua các chuyện giả định như một thiên thạch đâm vào trái đất, cơn hồng thủy hay là ngày tận thế, mà thật sự bạn đang ở trên con tàu Titanic đêm hôm ấy, từ lúc có lệnh “Phụ nữ và trẻ em lên trước!” thuyền cứu sinh cho đến khi con tàu thật sự chìm, bạn sẽ làm gì?
Charles Lightoller, ngày ấy 38 tuổi, Ðệ II Hạm Phó con tàu Titanic là người sống sót, sau này đã kể lại. Khi mệnh lệnh vừa vang lên, nhiều người đã ở trong thuyền cấp cứu, lặng lẽ bước ra phía sau châm thuốc hút. Một phụ nữ lắc đầu từ chối xuống xuồng cấp cứu vì muốn ở lại cùng chồng. Ông Astor Ðệ IV, người có tài sản đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, được lệnh xuống thuyền, nhưng đã kiên quyết nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ xa lạ. Ông chọn cái chết để bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” cũng như để bảo vệ nhân cách của mình. Ben Guggenheim, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. trong giờ phút khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết như một “Gentleman, một người đàn ông chân chính!”
Một phụ nữ đã hy sinh nhường chỗ cho một người mẹ xuống thuyền vì bà đã có hai con nhỏ xuống trước: “Các con bà cần mẹ!”
Hơn 50 nhân viên cấp cao trên tàu Titanic, ngoài thuyền phó thứ hai Charles Lightoller may mắn sống sót, toàn bộ đều chết tại nhiệm sở của mình, trong đó có thuyền trưởng Edward John Smith.
Một số sự kiện diễn ra trong thảm hoạ Titanic đã trở thành huyền thoại như câu chuyện về ban nhạc trên tàu Titanic. Trong đêm thảm hoạ, trong khi con tàu sắp chìm, ban nhạc tám người do Wallace Hartley chỉ huy, vẫn tập trung tại phòng khách khoang hạng nhất bình tĩnh chơi nhạc, sau đó họ chuyển ra chơi nhạc phía trước boong tàu, tiếp tục cho đến khi con tàu chìm xuống biển. Không ai trong số thành viên ban nhạc sống sót.
Trong câu chuyện Titanic, trong số 2,200 sống sót người ta tìm ra 6 người Tàu, sau khi được giải cứu nhưng dường như họ đã biệt tăm ngay sau đó. Câu chuyện của họ đã được xuất hiện trên báo chí, nói rằng họ hoá trang như phụ nữ để được xuống tàu cấp cứu, hoặc đẩy trẻ em ra xa để lên thuyền. Có 8 người đàn ông đã làm việc trên các tàu chở hàng đi giữa Trung Quốc và châu Âu, và có thể đã cố lên tàu đến New York để tìm một cuộc sống mới.
Họ lên tàu Titanic ở Southampton chỉ bằng một chiếc vé duy nhất ở khoang hạng ba cho cả 8 người. Bốn người sống sót sau khi lên xuồng cứu cấp cuối cùng, một người được giải cứu khỏi chiếc xuồng cứu sinh khác, và người thứ sáu được tìm thấy trôi nổi trên một cánh cửa tàu. Sáu người này không được đón tiếp nồng nhiệt như những người sống sót khác và bị nhạo báng trên báo chí về thái độ đáng nghi ngờ của họ. Khi đến Mỹ, họ không được phép nhập cảnh vì Ðạo luật Loại trừ Trung Quốc hồi đó. Những người đàn ông này đã được đưa đến một trạm di trú trên đảo Ellis, và sau đó họ đã biến mất..
Vào cuối năm nay (2018) một bộ phim về 6 người Tàu này, tạm gọi là “The Six” sẽ được đạo diễn Arthur Jones phát hành, sau khi ông đã sang tận Trung Quốc, tìm lại gốc gác của những người này để dựng lên cuốn phim.
Chuyện nếu có người, trong cơn nguy cấp có thể mang lốt đàn bà, giành giật chỗ của trẻ em, để bằng mọi giá, có một chỗ trong tàu cấp cứu, là câu chuyện có thể xảy ra trong bất cứ thời đại nào!
Trong 60 phút hoảng loạn cuối cùng, bạn là ai, xử trí như thế nào? Mỗi người đều có thái độ của riêng mình.
Cách đây 43 năm, khi con tàu VNCH sắp chìm xuống biển, không biết có ai giả dạng phụ nữ, giành giật với trẻ con để lên tàu không? Có ai giành chỗ của thương binh để lên tàu trước để được về đến Saigon không? Có ai bỏ đơn vị để lo lối thoát cho riêng mình trước đã?
Như ban nhạc Titanic vẫn bình thản chơi những nốt nhạc cuối cùng, chúng ta có những anh em dũng cảm chiến đấu, bắn đến viên đạn cuối cùng.
Nhiều cấp chỉ huy bỏ con tàu cấp cứu để lại với đồng đội của mình.
Nhiều anh em choàng tay nhau, chia nhau một quả lưu đạn, hay dùng súng nhỏ cho riêng mình.
Và… ví thử bạn là hạm trưởng, theo truyền thống tự nghìn xưa, bạn có chịu chết theo con tàu hay không?
HP