Haifa là thành phố lớn thứ ba của Israel, nằm trên lưng đồi Carmel đối diện với biển Địa Trung Hải; cảnh trí khá đẹp nên được gọi là “San Francisco của Israel” (lại so sánh với Huê Kỳ!?). Có lẽ đây là nơi tín đồ Do Thái và người Ả Rập sống chung hòa bình nhất so với những thành phố khác trên lãnh thổ Israel.

Haifa
Là một thành phố cổ xưa, hiện diện trong sách vở từ thế kỷ III trước Công Nguyên, Haifa cũng trải qua nhiều triều đại trị vì từ dân Canaanites, Israelites, Romans, Byzantines, Arabs, Crusaders, Kurds, the Mamluks, đến thời Ottoman Turks (1918). Vùng đất này bị quân đội Napoleon Bonaparte đánh chiếm năm 1799 nhưng phải lui quân, và thành phố rơi vào tay người Ai Cập năm 1831. Khi Israel trở thành thuộc địa của hoàng gia Anh, Haifa cũng chịu chung số phận nhưng cộng đồng di dân Ðức, the Templers, vẫn được phép tiếp tục phát triển các dịch vụ cung cấp năng lượng [từ] hơi nước hoạt động và mở mang thành phố. Nhờ đó, Haifa trở thành một thành phố kỹ nghệ và hải cảng quan trọng của Israel.

Vào đầu thế kỷ XX, dân số thành phố là 20,000 người với 96% Ả Rập; con số này tiết giảm dần dần, chỉ còn 53% Ả Rập vào năm 1945. Ngày nay, theo thống kê của Nha Kiểm Kê Dân Số địa phương, Haifa có 266,300 cư dân, 90% là người Israel không liệt kê tín ngưỡng; hầu hết những cư dân này đến từ liên bang Sô Viết, là truyền nhân hoặc vợ / chồng của tín đồ Do Thái hồi hương. Số cư dân còn lại là nhóm Israeli-Arabs, người Israel gốc Ả Rập, sống quây quần trong những khu phố Wadi Nisnas, Abbas và Halisa. Có thể nói đây là những “xóm nghèo”, nhà cửa lụp xụp, nhếch nhác của thành phố, đường phố tối tăm, đầy rác rưởi. Có lẽ những người Ả Rập sinh sống tại Israel có lý do để căm ghét nhà cầm quyền, họ đi làm đóng thuế đầy đủ nhưng nơi sinh sống không được thành phố chăm sóc kỹ lưỡng như các khu phố khác?! Dế Mèn không biết có sự khác biệt nào trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội, giáo dục… giữa những cư dân gốc Ả Rập và cư dân gốc Do Thái hay không?

Thắng tích nổi tiếng nhất tại đây là the Bah’ai Shrine & Gardens, một phần của Trung Tâm Bah’ai, the Bah’ai World Center, được UNESCO nhìn nhận là di sản thế giới. Là đất Thánh của đạo Bah’ai nên tín đồ khắp nơi về đây hành hương rầm rộ.
Ðạo Bah’ai xuất phát từ Ba Tư trong thế kỷ XIX sau một trận tàn sát đẫm máu vì nhà cầm quyền thủa ấy không chấp nhận tôn giáo này. Tín đồ Bah’ai tin vào sự cộng hợp của mọi tôn giáo và cho rằng các vị giáo chủ như Jesus, Buddha, Muhammad, Moses… là thiên sứ, được Thượng Ðế sai phái đi rao giảng giáo lý; dù thời đại khác nhau nhưng cùng một đức tin với giáo điều tương tự. Vị thiên sứ gần đây nhất là Baha’ Allah và cũng là giáo chủ của đạo Bah’ai. Bah bị nhà cầm quyền Thổ cầm tù, đày đi Acre (một thôn làng xây cất trong thời La Mã tại Israel), ông Bah viết sách vở truyền dạy môn đệ, tín đồ và chết tại đây. Môn đồ là ông Bab tiếp tục truyền đạo nhưng bị nhà cầm quyền đem giết, thân xác được tín đồ giấu diếm và về sau đem về chôn cất tại Haifa trong một ngôi nhà mồ rất lớn và rất đẹp.
Khu vườn được chăm sóc, cắt tỉa kỹ lưỡng nên hoa cỏ rực rỡ. Khách viếng thăm như Dế Mèn đây chỉ được đứng ngó quanh từ đỉnh đồi, không được đi lang thang trong vườn cũng như không được héo lánh đến nhà mồ để xem bên trong. Buổi tối nhìn từ chân đồi, khu vườn rực rỡ ánh đèn.

Một thắng tích khác khá nổi tiếng, một đài kỷ niệm thì có lẽ chính xác hơn, là Clandestine Immigration & Naval Museum. Nơi này ghi chép và trưng bày những di vật của thuyền nhân Do Thái trong thời Nazi. Cũng như các thuyền nhân Việt trong thập niên 80 của thế kỷ trước, người Do Thái cũng lên tàu, lên thuyền bỏ trốn dù bị tàu của hoàng gia Anh cấm nhập cảnh và đã đẩy tàu ra biển, hoặc nổ thủy lôi để đánh chìm. Cả ngàn người chết trên biển, kẻ sống sót (như tàu Exodus) bị cầm tù và bị trả về trại tập trung ở Cypress hoặc Ðức.
Lịch sử xem ra tiếp tục lặp đi lặp lại, từ bờ biển Haifa đến bờ biển Thái Lan, Mã Lai, rồi Ý, Hy Lạp ngày nay?

Acre (Akko) là một di tích La Mã cách Haifa khoảng 12 dặm về phía bắc. Trải qua các triều đại sau thời La Mã, Acre trở thành nơi pha trộn các văn hóa khác nhau, các kiến trúc Hy La lẫn với Ả Rập. Một thời xa xưa, nơi này là chốn qua lại của các thương buôn từ đường biển nên đường sá lát đá chắc chắn, cũng những hồ tắm, quán trọ, đền thờ…, và cả một hý viện lộ thiên còn đến ngày nay. Thành phố bao bọc bởi tường thành khá cao.
Gần thành nội là đền thờ Hồi giáo Al Jazzar Mosque hay “White Mosque”, đền thờ Hồi giáo lớn thứ nhì tại Israel. Ngôi đền thờ được xây cất năm 1781, trong thời Ottoman. Ðể bảo vệ quyền lực, chính quyền Ottoman gửi một tướng lãnh gốc Bosnia đến Acre, ám sát lãnh chúa Dhaher al-Omar. Al Jazzar (“đồ tể” theo tiếng Ả Rập) tên thật là Jezzar Pasha, nổi tiếng là độc ác, hung bạo, đã thành công và trở thành lãnh chúa của Acre, trung thành với hoàng triều Ottoman. Cũng chính lãnh chúa này đẩy lui quân đội Napoleon năm 1799, và phá vỡ ước mộng chiếm giữ vùng Trung Ðông của người Pháp. Khi còn tại chức, lãnh chúa cho xây đền thờ và một số các kiến trúc khác mang tên ông ấy.

Vào đền thờ, du khách phái nữ phải trùm khăn che tóc. Bên trong hình như có một bệ thờ chứa mấy sợi tóc của giáo chủ Mohammad dành riêng cho tín đồ đến chiêm bái. Du khách chỉ được đứng từ xa mà ngó. Ngó thì ngó nhưng phe ta ngầm so sánh ngôi đền này với ngôi đền “Blue Mosque” bên Thổ thì thấy thua xa về mặt kiến trúc cũng như vẻ tinh xảo, tỉ mỉ.
Dế Mèn theo nhóm du khách đi xe điện treo để đến xem hang động Rosh HaNikra, khá đẹp, hang động này ở sát biên giới Lebanon. Bên kia hàng rào là lính biên phòng súng ống rầm rộ nên Dế Mèn chỉ đứng ngó từ xa; đến đây mới thật sự “cảm” được cách sinh sống “hồi hộp” của người Israel, tựa lưng bờ biển nhưng chung quanh là đất thù. Hàng xóm Ả Rập nào cũng rình rình, chờ cơ hội để xóa sổ đất nước non trẻ nhưng khí phách và can đảm ấy.
TLL