
Hồi ký 4 kỳ
Thuở ấy, vào giữa năm 1956, đoạn cuối con phố sát bờ sông về hướng thôn Sơn-Phong, thành phố Hội-An vẫn còn hoang vu. Trước khi Chùa Sư Nữ được xây lên, thì cái bãi cỏ rộng bát ngát bên phải đường, kéo dài cho tới mé nước, là nơi để cho bọn con nít chúng tôi tụ tập nô đùa. Thời gian này gia đình tôi ở thuê căn nhà sát cạnh bãi cỏ mênh mông đó.
Liền vách nhà tôi là nhà thầy giáo Như và cô giáo Ngọc. Phong cách vợ chồng nhà này phảng phất nét cao sang, quý phái. Họ trông rất đẹp đôi. Thầy Như có lẽ chưa tới ba mươi tuổi, và cô Ngọc cũng chừng hăm lăm, hăm sáu.
Thầy Như rất đẹp trai. Dáng dấp thầy lúc nào cũng tao nhã, khoan thai. Ðặc biệt, thầy có cặp mắt sáng lóng lánh và đôi mày ngài hơi xếch. Cô giáo Ngọc mặt trái xoan, mũi dọc dừa. Da cô trắng như trứng gà bóc. Cô để tóc dài. Mái tóc cô đẹp mượt mà, mềm mại như mây. Cặp vợ chồng nhà giáo này có hai đứa con gái, bé Châu năm tuổi và bé Hạnh hai tuổi. Cô Ngọc dạy tiểu học trên Lai-Nghi. Thầy Như dạy trung học trong Tam-Kỳ. Cuối tuần thầy lại cưỡi chiếc xe Goebel hai bánh về Hội-An. Chòm xóm thương mến vợ chồng thầy lắm.
Ngày nghỉ, bọn con nít chúng tôi hay tụ tập nơi hiên nhà này để nghe cô Ngọc ngâm thơ và thầy Như đàn hát. Bé Châu, bé Hạnh bu theo tôi như anh ruột. Chúng nó cứ tranh nhau ngồi trên đùi tôi mỗi khi chúng tôi quây quần trước hiên nhà. Chiều chiều tôi hay dẫn hai đứa bé ra bờ nước bắt cào cào, châu chấu. Tôi hay xếp những cái thuyền bằng giấy cho hai đứa em thả ven sông. Ðôi lần, thuyền vừa chạm mặt nước, gió đã thổi ào ào cuốn chúng ra xa, rồi biến mất trên mặt sóng Thu-Bồn. Hai cô bé đứng giương mắt nhìn theo tiếc rẻ.
Cô Ngọc là dân “Huế Công Tằng Tôn Nữ”, nên giọng ngâm thơ của cô nghe truyền cảm vô cùng. Cô ngâm cho chúng tôi nghe những bài thơ trữ tình xưa. Bài thơ mà cô đắc ý nhứt có lẽ là bài “Màu Thời Gian” của Ðoàn Phú Tứ. Tôi được nghe cô ngâm nhiều lần bài này. Rồi tôi thuộc bài thơ này trước ngày bước chân vào Ðệ thất.
Khi những ngón tay thầy Như lướt trên cần ghi ta, tôi có cảm tưởng cả một dàn nhạc đang hòa tấu. Tôi ngồi say mê ngây ngất theo tiếng đàn của thầy thánh thót solo một đoạn “Thiên Thai” hay “Chiều Về Trên Sông”. Lâu lâu, thầy Như kể truyện cho chúng tôi nghe. Cái giọng Quảng của thầy lúc đó sao mà trầm ấm thế! Ðôi mắt thầy long lanh. Thầy thao thao nói về những chiến công của các vị anh hùng lừng danh thế giới. Và có lúc hứng chí, thầy kể luôn cả những trận công đồn, đả viện của Việt-Minh thời chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954). Nhiều lần cô giáo Ngọc phải cau mày ngăn không cho thầy quá lời về những đề tài kháng chiến, vào bưng, chống Tây. Lũ nhóc tì chúng tôi, lúc đó mới mười hai, mười ba tuổi, coi thầy Như như thần tượng.
Những năm sau nhà tôi chuyển địa chỉ lên khu Hồ Sen chùa Âm-Bổn, nhưng tôi vẫn thường xuống Sơn-Phong thăm gia đình thầy Như. Hè năm 1960 gia đình thầy Như đột ngột bán nhà và dọn đi xa. Theo thời gian, kỷ niệm với gia đình nhà này cũng nhạt nhòa dần trong tâm trí tôi.
Tôi lớn lên, tình nguyện gia nhập Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam, rồi chọn binh chủng Biệt Ðộng Quân.
Sau Tết Mậu-Thân 1968, Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân tăng phái cho Task Force South của Sư đoàn 23 Bộ Binh. Chúng tôi tới Blao tham dự hành quân lùng và diệt địch.
Một hôm, nghỉ quân, tôi lang thang trong khu xóm Chùa. Nghe nói, xóm Chùa có nhà ông già “Bàn đèn thuốc phiện”. Dân “Bắn khỉ” thường lén lút tụ tập ở đây. Hình như ông già Lạc, Thượng sĩ Thường Vụ Ðại Ðội của tôi cũng hay lai vãng chốn này? Sau đảo chánh 1963, vấn đề cấm thuốc phiện có vẻ không còn khắt khe như thời Cụ Diệm. Tôi có cảm tưởng rằng không khí trong con hẻm xóm Chùa này đặc quánh mùi thơm do khói nhựa của nàng Tiên Nâu.
Xóm Chùa có những nét đặc biệt, khác với những khu dinh điền chỉ dành riêng cho dân Bắc-Kỳ Di-Cư như Tân-Bùi, Tân-Hóa,Tân-Thanh, Tân-Phát. Xóm Chùa quy tụ dân tứ xứ đến từ mọi miền. Ở đây dân cư nói đủ giọng Bắc, Trung, Nam, Bình-Ðịnh, Thừa-Thiên, Quảng-Nam, Châu-Ðốc… Ở đây có đủ mọi thành phần tôn giáo, Thiên Chúa, Tin-Lành, Cao-Ðài, Hòa-Hảo, Phật Giáo sống trộn lộn, gần gũi, sát cánh nhau.
Tôi nghe từ cuối con hẻm, vọng lại tiếng ngâm thơ:
“Tóc mây một món, chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”
(Màu Thời Gian – Đoàn Phú Tứ)
Cái giọng Huế nữ của ai đó nghe thật là não nuột. Tôi chợt có ý muốn được nhìn một lần cho biết cái “mày hoa” của người đang ngâm thơ ra sao? Tôi lần bước tới sát hàng rào căn nhà có cái sân lát gạch, nơi phát ra tiếng ngâm. Tiếng ngâm thơ nghe rõ hơn. Tôi giật mình vì giọng ai nghe quen như tiếng cô giáo Ngọc?
– Xin lỗi, Trung úy có chuyện chi cần hỏi ai ở đây rứa?
Một người đàn bà trung niên đứng bên rào đánh tiếng, khi thấy tôi đang dáo dác dòm vào nhà.
Thôi đúng rồi! Cô giáo Ngọc chứ còn ai? Dù cách xa gần chục năm, dù cô đã cắt mái tóc dài, uốn tóc cao, tôi vẫn nhận ra khuôn mặt trái xoan và giọng nói “Huế Công Tằng Tôn Nữ” ngọt ngào của cô.
– Cô giáo Ngọc! Em đây! Long đây cô.
– Xin lỗi, tôi không biết trung úy là ai…
– Cô ơi! Nhà em ở sát nhà cô và thầy Như hồi cô và thầy còn ở Sơn-Phong, Hội-An. Em hay sang nhà cô chơi, bế bé Châu, bé Hạnh…
Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt tôi, chăm chú quan sát. Mắt bà lóe lên một tia vui mừng. Bà ngập ngừng, giọng run run,
– Trung úy… ừ, em Long đó ư? Mới đó mà gần mười năm qua. Em đã lớn và thay đổi quá hí? Em đi lính và làm tới trung úy rồi. Em vô nhà chơi đi!
– Vâng, em làm đại đội trưởng, đang hành quân vùng này. Như vậy năm 1960 thầy cô đã dọn nhà vào dạy học ở Blao? Cô và thầy Như dạo này ra sao? Thầy có nhà không vậy cô? Hai em Châu và Hạnh chắc lớn lắm rồi?
Có lẽ câu nói vừa rồi của tôi đã đánh thức những kỷ niệm xưa cũ trong tâm hồn cô, tôi thấy mắt cô rươm rướm lệ,
– Ngày đó nhà cô đi vội quá, không kịp thông báo cho bà con. Từ ấy cô cũng chưa có dịp về thăm chốn cũ. Cô hết đi dạy rồi em ơi. Cô đang làm thư ký trong tòa tỉnh. Còn thầy thì đi làm xa, mãi dưới Sa-Ðéc, lâu lâu mới về. Con Châu năm nay mười bảy, con Hạnh mười bốn, còn đang đi học. Hai đứa chở nhau đi mua gạo chắc cũng sắp về. Em vô nhà đi!
Tôi theo chân cô giáo Ngọc vào nhà. Căn nhà hẹp mái tôn trang trí giản dị. Một phòng khách, một phòng ngủ. Phòng khách có cái bàn thờ tổ tiên, và một cái phản gỗ. Trên tường, bên trái bàn thờ là cái bảng đen, bên phải bàn thờ là cây ghi ta, cây ghi ta của thầy Như ngày xưa. Cây đàn bị phủ một lớp bụi mỏng. Nó được treo trên tường như một đồ trang trí. Có lẽ lâu lắm rồi không ai nắn phím đàn…
Tôi ngồi chưa nóng chỗ thì chị em bé Châu và bé Hạnh đã cỡi Honda chở nhau về.
Lần chót tôi gặp gia đình thầy Như năm 1960 thì bé Châu mới chín tuổi, bé Hạnh lên sáu. Nay hai em hàng xóm bé tí năm xưa đã thành hai thiếu nữ duyên dáng, trổ mã. Bé Châu nhận ra tôi ngay,
– Anh Long. Có mấy lần em thấy anh đậu xe trước Quán Duyên bên kia đường, em ngờ ngợ, nhưng không dám hỏi. Với lại… con gái vô duyên mới đi hỏi thăm con trai trước…
Hai cô bé lớn lên ở Lâm-Ðồng, hàng ngày học hành, giao thiệp với bạn bè đồng trang lứa ở đây, nên giọng nói của hai em không còn chút âm hưởng Quảng-Nam, Huế của cha, của mẹ.
Hôm đó tôi ở lại ăn cơm chiều với gia đình cô giáo Ngọc và ngồi chơi tới gần tối mới về chỗ đóng quân. Khi chuyện trò, tôi được cô giáo cho biết ngày đó thầy Như bị người ta tố cáo là có tư tưởng thiên Cộng nên mất việc. Gia đình phải cấp tốc bán nhà và dời vào Blao. Cô Ngọc nhờ một người bạn học có thân thế với ông tỉnh trưởng giới thiệu vào làm thư ký trong Tòa Hành Chánh. Căn nhà mà gia đình cô đang trú ngụ cũng do người bạn cô cho ở nhờ. Còn thầy Như, để giấu tông tích, phải vào Sa-Ðéc làm thư ký cho một hãng buôn nông phẩm của một ông chủ người gốc Hoa.
Cô giáo căn dặn tôi mỗi khi hành quân về, nhớ ghé nhà cô ăn cơm, nghỉ ngơi, đừng đi lang bang nhậu nhẹt mà hư thân mất nết. Tôi cũng mừng rằng sau bao năm xa cách, tôi đã gặp lại một gia đình hàng xóm thân quen. Và như thế là, từ nay tôi cứ việc nại cớ phải về nhà bà con, thay vì đi theo anh Thiếu úy Ðại đội phó Ðặng Hữu Duyên vào thăm Trường Nông Lâm Súc.
Anh Duyên có cô bạn gái tên là Thuấn đang nội trú trường này. Cứ về tới phố, anh Duyên lại nhờ tôi chở anh ta tới thả trước cửa sổ phòng của cô Thuấn. Lần nào cũng vậy, anh ấy cứ nấn ná giữ chân tôi lại, để giới thiệu tôi với những cô gái lạ hoắc! Cô Thuấn có cả chục cô bạn đẹp ngất ngây. Khổ một điều là, cô nào miệng lưỡi cũng tía lia. Tôi vốn là thằng nhát gái. Ðứng trước đám đông khác phái, líu líu, lo lo này, tôi hết hồn, chỉ muốn rút dù.
Ngày Thứ Hai tuần sau, đại đội tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ căn cứ hỏa lực cho một pháo đội 105 ly của Hoa-Kỳ và Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân /Hành Quân. Căn cứ này dự trù thiết lập ngay trên khuôn viên nhà máy trà Tứ-Quý ở Ðại-Nga, Blao. Ðồn điền Tứ-Quý đã ngưng hoạt động từ lâu, nhưng dân chúng vẫn lén ra vào khu vực này để thu hoạch trà hàng ngày. Vì thế chúng tôi không phân biệt được dấu tích để lại trên các đường lô là của Việt-Cộng hay của dân hái trà. Chúng tôi phải rà soát kỹ từng dãy nhà máy, nhà lô, để chắc chắn không đóng quân trên những căn hầm bí mật của địch.
Sau khi hoàn tất ba cái chốt chặn làm tiền đồn xa cho căn cứ, tôi thông báo cho Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn về sự tạm ổn định an ninh để cơ giới tiến vào. Cuộc chuyển quân diễn ra êm ả.
Tôi đặt ban chỉ huy đại đội dưới hiên phía Ðông của văn phòng nhà máy. Từ đây tôi có thể quan sát hết khu vực trọng yếu hướng Ðông Nam căn cứ hỏa lực. Lều bạt của ban điều hành tác xạ Mỹ nằm giữa sân đồn điền. Lều của Trung tá Hồ Hữu Dõng, Liên Ðoàn Trưởng nằm trong vườn cà phê, ngay sau lưng dàn súng mười sáu khẩu 105 ly của pháo đội Hoa-Kỳ.
Ngay từ khi pháo đội dàn quân chưa xong, một máy điện 40KWA đã nổ “bình! bịch! bình! bịch!” cung cấp điện cho các máy tính to như những chiếc tủ đứng, đầy đèn xanh, đỏ, tím, vàng, chớp nhóa của pháo binh.
Chiếc máy điện thứ nhì được đặt sát căn lều của tôi. Trong trường hợp chiếc máy điện thứ nhất bị trở ngại, chiếc máy thứ nhì sẽ được khởi động để thay thế. Và, nếu cái máy chết tiệt này chạy, thì căn lều của tôi hứng trọn khói thải ra từ cái ống bô to tổ bố của nó!
Tiếng nhạc xập xình, vang vang truyền đi trong không gian. Máy radio từ đài tác xạ và từ các ụ súng tranh nhau phát thanh. Các chú lính Mỹ cởi trần, mặt mày hớn hở, mồ hôi nhễ nhại, cần mẫn thiết lập công sự.
Mấy anh lính Biệt Ðộng Quân Việt-Nam của Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 2 sau khi căng lều võng xong, cũng nhào sang khu pháo binh bắt tay, bá cổ, bá vai, những người bạn Mỹ. Trong sân đồn điền, tiếng nói chuyện của những chiến sĩ Việt-Mỹ líu lo, om sòm, xí xa, xí xồ:
“Ô Kê! Sa lem! Năm bờ oăn! Gút! Gút! Năm bờ ten! Bét! Bét! Năm bờ oăn thảo giường!” Nói bằng miệng không thông, đôi bạn đành dùng tay ra dấu. Ði hành quân, và đóng quân chung với Mỹ quả là vui!
Chiều xuống, một chiếc trực thăng Chinook tới “hover” (bay lơ lửng) trên sân cỏ giữa khu đóng quân để xịt nước cho quân nhân của pháo đội Mỹ tắm rửa sau một ngày bụi bặm, cực nhọc, vất vả. Những chú GI (lính Mỹ) cởi truồng tồng ngồng, thay nhau đứng tắm dưới những tia nước phun xuống từ trên trời cao. Khi hai bịch cao su chứa nước treo tòn ten dưới bụng con tàu đã xẹp lép, chiếc Chinook mới bay đi.
Ðêm xuống dần…
Trong lều, khói thuốc chập chờn. Ngoài lều, sương trắng dâng cao. Anh Duyên thủ thỉ,
– Như vậy hết hành quân kỳ này, anh về nghỉ ở nhà bà con. Anh cho tôi mượn chiếc Jeep đi vòng vòng. Anh giữ một máy PRC 25. Có chuyện gì cần, anh kêu. Năm, ba phút sau, tôi có mặt liền. Ðược không?
Tôi chưa kịp trả lời Duyên thì, từ trong núi, hướng đông:
“Cạch!…Cạch!…Cạch! …Cạch!…”
Tôi vội vàng xỏ đôi chân vào giầy, miệng la lớn:
“Pháo kích! Pháo kích!”
Tay xách sợi dây ba chạc và tấm bản đồ, tôi nhoài người tụt lẹ xuống hố cá nhân. Thiếu úy Duyên quơ cái áo giáp trùm lên đầu, rồi nhảy ào xuống hầm cối 60 ly của đại đội. Binh nhứt Cường và Hạ sĩ Hoàng thủ hai khẩu M16 cũng lăn xuống hố sát bên tôi. Tài xế Nguyễn Lác lười biếng không chịu đào hố, giờ này mới quýnh quáng, nhào đại xuống hố của Hạ sĩ Thọ, người nấu cơm cho tôi. Thế là chí chóe. tiếng Quảng, tiếng Huế, cự nự nhau,
– Ê! Cứa thèng ni! Mi đè lên đầu tau, mần răng tau thấy đường mà bắn hí?
– Nhờ “chúc” mà! La chi dữ rứa!
Thường vụ Nguyễn Lạc phản ứng nhanh không kém. Ông già vớ cây sắt vuông PSP gõ “Canh! Canh!” vào tấm kẻng sắt treo bên khẩu súng cối. Nghe tiếng kẻng báo động, bên phía quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân mới bắt đầu nhốn nháo.
Theo thói quen nghề nghiệp, tay tôi xoay cái địa bàn về hướng phát ra tiếng cối “depart” (bắt đầu bắn) để đo hướng súng. Óc tôi đếm nhẩm từ lúc nghe tiếng “Cạch!” cho tới khi nghe tiếng “Oành!” để đo tầm xa. Thế là tôi có thể ước tính ra gần chính xác tọa độ đặt súng của địch.
“Xè! Xè! Xè! …Oành! Oành! Oành!”
Tôi đoán chắc rằng Việt-Cộng đang pháo kích chúng tôi bằng cối 82 ly. Ðiểm đặt súng cách chúng tôi chừng 2 cây số. Một khẩu hướng 1700 ly giác, khẩu kia hướng 1900 ly giác. Hàng chục quả đạn xé gió vèo vèo bay tới. Mái ngói của căn nhà lầu lãnh bốn năm trái. Gạch ngói rơi ào ào.
Trên phòng tuyến và trong sân đồn điền đã có tiếng rên la của người bị thương. Lúc này không ai dám đi tiếp cứu ai cả. Ai cũng lo tránh né đạn, núp trong hầm.
Tôi biết khẩu cối 60 ly của tôi không phải là địch thủ của hai khẩu 82 ly Việt-Cộng, nên tôi nhoài người, với tay lấy cái điện thoại dã chiến gọi cho Ban 3 Liên Ðoàn xin phản pháo. Dây điện thoại bị mảnh 82 cắt đứt, chuông điện thoại không reo!
“Xè!… Oành!…Xè!… Oành!…Xè!… Oành!…”
Một trái cối rớt ngay giữa sân, xé một miếng lều của đài tác xạ. Qua lỗ rách, ánh đèn chiếu ra lấp lóe. Tôi sực nhớ, “Súng phản pháo ở ngay đây! Xin đâu cho xa?”
(mời xem tiếp kỳ 2)