Menu Close

Xóm Cù Là

Thoạt tiên nghe cái tên Cù Là đã thấy cay cay nơi sống mũi, vì nó khiến cho người ta liên tưởng đến loại dầu Cù Là nức tiếng một thời ở miền Nam trước năm 1975. Nhưng đây là một xóm nhỏ ở xã Vĩnh Hòa Hiệp thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) cách thị trấn Minh Lương khoảng 4km, cách thành phố Rạch Giá hơn 10km về phía Nam. Mặc dù xóm nhỏ được hình thành do hai con kênh giao nhau, nhưng xóm Cù Là lại có bề dày về lịch sử.

xom-cu-la4
Cây phượng vỹ bên kênh Cù Là

Cùng với thời gian, bây giờ chẳng còn mấy ai biết được vì sao cái xóm của mình lại có tên là Cù Là. Ngay cả với ông già bà cả, những người quá lục tuần cũng không biết vì sao xóm mình lại có tên gọi như vậy. Một số người cho biết, sở dĩ có tên Cù Là là vì xóm lấy tên theo cách gọi của ngôi chùa Miên ở gần đó. Thật ra, ngôi chùa có tên riêng nhưng dân bản xứ hoặc vùng lân cận đã quen gọi là chùa Cù Là. Song, tên xóm không phải như vậy. Mặc dù xóm không nằm gần đường lộ, nhưng lại khá nổi tiếng từ xưa. Nếu tìm kiếm trên Internet sẽ tìm thấy một bài viết về xóm Cù Là của nhà văn miền Nam- Sơn Nam. Trong tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, xóm Cù Là nổi lên như một nơi yên bình, sung túc. Nơi giao thương, gặp gỡ của nhiều nền văn hóa. Cũng chính nơi này, nhà văn Sơn Nam đã sống một thời niên thiếu của mình. Ðiều này đã được ông kể lại trong tác phẩm “Xóm Cù Là”.

Nhưng vì sao lại có tên là Cù Là? Ðiều này cũng không được nhà văn Sơn Nam giải nghĩa, mà chỉ đưa ra những phỏng đoán. Số là trước đây độ hơn trăm năm, xóm này là nơi tập kết của một số thương lái khắp nơi, men theo con nước rồi chờ thủy triều lên lại giong thuyền ra chợ Rạch Giá để buôn bán. Trong số đó có rất nhiều lái buôn là người Miến Ðiện (Burma, Myanmar) đến đây để làm ăn buôn bán. Họ thấy nơi này dễ sinh sống, con người lại hiền hòa nên ở lại để sinh cơ lập nghiệp. Dần dà số người Miến Ðiện ở đây càng đông, đến vài chục gia đình. Ngày xưa người miền Nam không gọi là xứ Miến Ðiện như bây giờ, mà họ gọi là Cù Là. Người Miến Ðiện là người Cù Là. Nơi có nhiều người Miến Ðiện sinh sống được gọi là xóm Cù Là.

xom-cu-la3
Nơi hai con kênh gặp nhau người dân họp chợ.

Bởi vậy, hồi trước năm 1975 ở miền Nam có loại dầu Cù Là nức tiếng có thương hiệu Mac Phsu, nhưng người ta còn không nhớ đến thương hiệu. Nhưng, hễ nói đến dầu Cù Là ai cũng biết tiếng. Bởi vì chủ của thương hiệu nổi tiếng trên là một người Miến Ðiện, tức là người Cù Là.

Ngày nay, khi đến xóm Cù Là chẳng còn biết ai là người gốc Miến Ðiện nữa. Sinh sống quá lâu ở Việt Nam họ hóa thành người Việt và quên luôn gốc gác của mình. Ði khắp cả xóm chẳng còn ai tự nhận mình là người Miến Ðiện, mà chỉ nói mình là người ở xóm Cù Là.

xom-cu-la2
Ngôi chùa Khmer cũng được người dân ở đây gọi là chùa Cù Là

Ngày nay Xóm Cù Là là nơi tề tựu sinh sống của cả ba sắc dân: Việt – Miên (Khmer) – Tiều (Triều Châu), chia làm hai khu rõ rệt. Khu người Tiều và người Việt sinh sống gần nhau, nhưng khu của người Khmer thì lại đi theo một con lộ khác. Tất cả những con lộ đều hướng đến khu chợ ở đầu làng, nơi gần ngôi chùa Cù Là của người Khmer. Trong khi người Việt và người Tiều giàu có, khá giả thì người Khmer lại nghèo hơn. Họ sinh sống trong những căn nhà tranh dột nát, ẩm thấp. Ở đây, mọi người đều sống thuận hòa, hiếm thấy có sự xung khắc giữa các sắc dân. Ðương nhiên, ở đây còn có những người mang trong mình dòng máu Miến Ðiện, nhưng cùng với thời gian, họ hòa vào cộng đồng Việt rồi dần dà quên mất nguồn cội. Những người gốc Miến Ðiện ngày nay có thể đang ở trong những căn nhà có kiến trúc của người Tiều, hay người Việt, mà cũng có thể là người Khmer.

Xóm nhỏ, chỉ kéo dài từ ngôi chợ ngay ngã ba sông, men theo con kênh Cù Là đi bộ khoảng độ hơn cây số là sang xóm khác. Ấy vậy nhưng xóm rất sung túc; chỉ nhìn qua những ngôi nhà, hàng quán nơi đây cũng đủ thấy. Sự sung túc này đã được nhà văn Sơn Nam kể lại trong tác phẩm của ông. Ngay tại ngã ba sông là nơi tấp nập buôn bán của dân trong xóm. Chợ chỉ bán vào buổi sáng, đến trưa hàng quán đều dọn dẹp. Tuy vậy, sản vật ở nơi này rất phong phú, từ những con cá đồng, cho đến các loại hải sản được mang về do các ghe thuyền đi đánh bắt ngoài biển. Không chỉ có những quán bún nước lèo của người Việt, mà còn có cả bánh thốt nốt của người Khmer và những món ăn của người Tiều.

xom-cu-la1
Miếu Ông Bổn ở Xóm Cù Là

Cù Là là nơi tề tựu của cả ba sắc dân nên đời sống tâm linh ở đây cũng rất đa dạng. Từ ngôi chùa Khmer sặc sỡ, cho đến nhà thờ Tin Lành trầm mặc hoặc ngôi miếu Ông Bổn với màu sắc lòe loẹt của người Tiều. Tất cả phần nào cho thấy sự dung hòa của người dân miền Nam có được từ thời mở cõi. Tại Cù Là, ngôi miếu Ông Bổn chỉ mở cửa vào những dịp lễ lạy, trong khi ngôi chùa của người Khmer thì mở quanh năm. Lúc nào cũng chào đón tín đồ đến thăm viếng. Người Khmer ở Cù Là nghèo lắm, cả gia đình phải sống trong ngôi nhà lá thiếu thốn tiện nghi. Vậy nhưng, ngôi chùa của họ phải thật to, thật rộng, phải thật lòe loẹt. Cổng chùa phải cao, bề thế thì mới vừa ý. Chùa được xây rộng, bề thế là nhờ vào sự đóng góp của toàn thể người Khmer ở đây cả. Một người Khmer cho tôi biết, ai có gì thì đóng góp cái đó. Người thì góp gạo, người thì góp tiền. Gạo đem đổi thành tiền để trả công, mua vật liệu xây dựng để làm chùa.

Nhưng người Cù Là sống hiền hòa, chất phác. Ðất đai ở đây phì nhiêu, mỗi năm lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về làm giàu thêm cho ruộng vườn của họ. Người dân ở đây ngoài những người có nhà gần lộ sống bằng nghề thương mãi, còn đa phần vẫn sống bằng nghề nông. Có những gia đình có đến hàng trăm công đất. Họ canh tác không xuể nên phải cho tá điền thuê mướn, rồi hàng năm lấy huê lợi. Cuộc sống sung túc, con người hiền hòa nên ít khi xảy ra các vụ trộm cắp như những nơi khác.

xom-cu-la
Những chiếc cầu ao là nét đặc trưng của miền Tây sông nước vẫn có ở xóm Cù Là

NTT – VN