Menu Close

Những con búp bê của bà cụ

Trong nhà có một tấm gương lớn choán hết một cánh tủ gỗ lát nói lên rất rõ nếp trung lưu mới của gia đình tôi, tôi thường đứng trước đó tìm tương lai.

Cái kính viễn vọng khổng lồ hình chữ nhật bốn góc có hoa leo khắc chìm ấy cho thấy một bối cảnh gồm từ trên xuống: một đồng hồ mạ vàng biết hát mười hai bản nhạc êm ái khác nhau, một búp bê tóc vàng thắt nơ ngồi dạng chân trên chiếc máy cassette nhãn Sharp, già nửa chiếc tủ ly cũng gỗ lát vân lượn như xiếc, và một khoảnh gạch men nữ hoàng bóng lộn. Sạch khủng khiếp. Bạn chẳng tìm ra một chút vẩn đục nào đâu. Mẹ tôi, hai tay hai chiếc giẻ lau, chiếc lượt đi, chiếc lượt về, cưỡi chổi bay vù vù tả xung hữu đột, là vị nữ thần chiến tranh vệ sinh đầy phẫn nộ. Bố thì giống một máy hút bụi chưa có trên thị trường, ánh mắt phóng đến đâu bụi bặm run lên ra đầu thú đến đấy. Ông thường ngồi bất động trong chiếc ghế salon nệm mút bọc da giả, đầu thật vuông góc với vệt ren trắng muốt chụp trên chóp ghế khiến nó có vẻ mộ đạo đờ đẫn, điêu luyện lướt mắt như trượt băng nghệ thuật trên những đường gờ tinh vi của chiếc cassette, dọc theo vành tai con búp bê, và tung tăng trong ngăn kính tủ ly. Trong ấy ngời ngời một chai Napoléon không mở bao giờ, một gói cà phê Jakobs Kronung cũng không bao giờ mở, và một bộ cốc thủy tinh Tiệp Khắc với sáu cô gái thoát y tế nhị khi gặp nước, hai tuần một lần được đem ra lau rửa, những chỗ kín của các cô ấy cũng sạch bong tê dại.

Trong bối cảnh tuyệt vô trùng ấy, tôi xuất hiện như một hột xoài chẳng lấy gì làm thon thả lắm, màu vàng nhạt, đã được gặm kỹ, thật vinh dự quá. Suy nghĩ dần về tương lai đi con ơi, bố mẹ đã làm hết sức mình rồi. Ðúng như vậy. Bố mẹ đã đạt đến đỉnh cao gương mẫu, bố mẹ không tụt xuống được nữa, sẽ ngồi yên trên ấy dùng những mảnh quần áo cũ lau đi lau lại yếm xe máy và nan hoa xe đạp, sẽ ướp những tháng ngày còn lại trong bầu không khí đã khử sạch bụi. Bạn chẳng tìm ra một chút vẩn đục nào đâu.

nhung-con-bup-be
Bảo Huân

Trong một căn nhà khác, Hiền Cớm Nắng trông như một nhành thủy trúc mảnh mai lòa xòa tóc không soi gương mà tìm tương lai trong quyển album ảnh của gia đình. Nó ngồi suốt ngày trong chiếc ghế cổ sứt sẹo bụi bám đặc quánh ở các đường chạm khắc, miên man lên đồng. Các siêu sao của gia đình lần lượt nhập tròng trành vào nó. Bối cảnh của nó thật phong phú và có bề dày. Ðây là một phụ nữ vấn khăn mặc áo nhung đen, bà nội của nó đấy, trông bà thùy mị quý phái xiết bao, vành khăn của bà có lẽ cũng hợp với khuôn mặt nhỏ xíu luôn tái mét của nó. Còn đây là bà ngoại rực rỡ trong áo dài hoa thị thành, không phải con nhà dòng giống, không biết chữ Nho, nhưng áo lót của bà đính vàng ròng. Rồi cô gái có đường ngôi thênh thang như một quốc lộ trên đỉnh đầu này, bộ váy đầm của cô kệch cỡm và nét mặt giáo điều phát ớn, nhưng có mấy đứa trẻ Tây xúm quanh và đằng sau là một quảng trường Tây đầy chim bồ câu, tất cả có hình thù một triển vọng. Rồi một nàng tiên trắng ôm hoa trắng trên giường cưới buông rèm trắng, nàng cười trống rỗng, một bên mi giả của nàng sắp rơi đến nơi và hai quả đồi non đại diện ngực nàng so le nhau, mỗi quả ở một độ cao vì đắp hơi vội. Và một người đàn bà mặc đồ tắm trên bãi biển. Bãi biển là một tấm phông vẽ ẩu thủng lỗ chỗ, thuyền bè cứng đơ, sóng đánh quá thể như có bão. Người đàn bà ấy khép đùi thật chặt, hai cánh tay thì lưỡng lự, nửa muốn vòng lên che ngực, nửa thôi đành buông xuôi. Cổ bà lấp lánh một sợi dây chuyền mà Hiền biết rõ là đồ giả. Bộ áo tắm không che hết mảnh xu-chiêng và chiếc xì-líp bên trong kia là áo thuê của tiệm ảnh. Hiền biết rõ vì đấy là mẹ nó. Mẹ nó tắm biển cạn và đi máy bay trong phòng. Mẹ nó đã cố gắng xứng đáng với các siêu sao khác trong gia đình.

Nếu không có gì thay đổi thì tôi sẽ là một hột xoài ngày càng được gặm kỹ và bóng lộn lên, có hoa leo khắc chìm, một hột xoài thắt nơ. Hiền sẽ là một nhành thủy trúc nằm mỏng dính tái khô giữa quyển album ảnh. Nói như vậy không phải là nặng lời về tương lai.

Có một tiệm uốn tóc ở xế cửa trường tôi, rộng bằng đúng một chiếc chiếu, khách nằm gội đầu thò chân ra đường. Chúng tôi thường đứng ngoài chõ vào nói chuyện với con bé thợ phụ. Nó bé nhỏ nhanh nhẹn như một con cào cào, có bộ móng vuốt chói lọi và những chiếc quần thụng phồng lên hết cỡ ở đầu gối. Hiền và tôi đều mê con cào cào sặc sỡ điên khùng này. Nó nói bậy nghe rất sướng tai. Nó bảo nó kính trọng học đường lắm, và tất cả các cô giáo trong trường đều được nó nhã ý tặng riêng kiểu đầu trông như một sa mạc lầm than. Từ trên bục giảng, các cô tỏa cùng một mùi tóc cháy khai và khét. Khi các cô đi đi lại lại, chúng tôi có thể đánh dấu được những mảng da đầu trơ ra vì tóc rụng đi từng khóm lớn. Có việc gì quan trọng chúng tôi đều hỏi con cào cào. Từ trong tiệm nó oang oang nói vọng ra như bậc đại trí đại thông. Những ý kiến của nó trái khoáy quá, chẳng bao giờ thực hiện được, nhưng sau đó các vấn đề đều trở nên dễ hiểu và cuộc đời rừng rực một vẻ quyến rũ mạnh bạo. Một ngày kia nó thông báo là đi lấy chồng. Ðấy là một ông Thụy Ðiển, cao gấp đôi và nặng gấp ba con cào cào thần tượng của chúng tôi. Tôi thấy ông ta âu yếm nó bằng hai ngón tay véo vào một bên má. Mặt nó bẹp hẳn về một bên, không bao giờ trở lại như cũ nữa. Còn nó đắc thắng tuyên bố, thằng Tây hôn tao từ gót hôn lên. Tôi cứ rùng mình nhè nhẹ. Nó bảo, chúng mày yên tâm tao bày cho, phải dùng phấn nâu kem nâu son nâu, rồi học kỹ mấy câu tiếng Anh, đừng quan trọng ngữ pháp cái con khỉ. Tết năm rồi nó xuất hiện trở lại, trông như chiếc bút chì xanh đỏ đã gọt nhoèn cả hai đầu, nhảy loi choi trên đường phố và rống lên những thán từ cả Anh lẫn Việt. Tinh thần ham sống của nó đã hết sạch vẻ điên khùng quyến rũ mà chỉ còn trơ trẽn làm sao.

Lúc ấy tôi đang ưa vẻ u buồn phúc hậu của một đứa nhỏ kém tôi hai tuổi, nó làm cô giáo dạy văn phải kinh sợ vì những ý tứ quá thành thật riêng tư. Cô tránh không dạy chúng tôi phép liên tưởng đến cuộc đời thực, nên những bài văn của đứa nhỏ này đầy không khí tà đạo. Nó không đứng đầu lớp được, vì những bài văn tà đạo, nhưng nó học với một thái độ nghiêm túc và buồn bã ghê gớm, ai thấy cũng phải động lòng. Một hôm, nó không đi học mà viết thư đến trường như sau:

Kính mến gửi toàn thể các thầy cô, thân mến gửi toàn thể các bạn. Từ nhỏ đến lớn em luôn được dạy dỗ về lợi ích của việc học tập. Học tập là con đường tất yếu của mọi thanh thiếu niên tiến bộ ngày nay nhằm vươn tới một xã hội văn minh. Bao nhiêu năm qua em hằng biết ơn nhà trường đã đem lại cho em những kiến thức bổ ích. Song em thường băn khoăn, vì sao con người trong xã hội văn minh vẫn tiếp tục đau khổ? Học vấn có phải là con đường giải thoát không? Do một ơn may mắn tiền định, em đã chứng ngộ được con đường giải thoát. Ðó là con đường của Phật đã vạch. Ðó là con đường của CHÂN LÝ. Nay em xin phép được thôi học ở trường để toàn tâm toàn ý đi theo con đường ấy. Em cầu chúc cho toàn thể các thầy cô và bạn bè được sớm bước về phía CHÂN LÝ. Cô dạy văn của chúng tôi phải trói tay ra sau lưng bằng chiếc khăn lau bảng, nếu không đôi tay cô sẽ tự động múa như đang chỉ huy một dàn nhạc phù thủy. Sa mạc trên đầu cô khóc thét, lầm than hơn bao giờ hết. Ðứa nhỏ u buồn ấy mới mười lăm tuổi.

Ðây là lúc tôi vừa hình dung ra hai chữ CHÂN LÝ được viết hoa cẩn thận, vừa ngoác mồm cười có phần vô giáo dục với những đứa nhỏ và đứa lớn khác đang chơi trò ê ê bà cụ bán búp bê, nếu không tôi sẽ mang một tảng đá trong tim như người ta thường ví von, nó sẽ dần dần kéo tuột tim tôi về nơi các trái tim rơi nằm ngổn ngang như một nghĩa địa hoang. Bà cụ tóc còn đen nhánh nhưng mũi nhăn nheo hết cả, khi có một quả chuối khô như thế ở chính giữa mặt là người ta đã sống lâu lắm ở trên đời. Bà thường ngồi ven Bờ Hồ, chỗ nhà bán vé máy bay cũ, chiều thứ Bảy, không hiểu sao lại chiều thứ Bảy, với một rổ búp bê, bao giờ cũng chỉ toàn búp bê gái. Chúng làm bằng bọt xốp, nét gọt rất thô sơ, gồm cái đầu cắm trên một que tre xuống thân mình, chân tay khớp lỏng lẻo bằng lớp quần áo phủ ngoài. Những mái tóc con gái là mẩu vải tước đánh rối, khâu thẳng vào cái đầu bọt biển, đường kim vụng về run rẩy, bàn tay người khâu đã từ lâu không còn đủ tự chủ. Những gương mặt con gái sấp ngửa trong lòng rổ, cặp mắt không lông mày bằng chỉ đen, cái miệng không mũi bằng chỉ đỏ, một hình tam giác phác sơ, quá thiếu thốn để hoàn thành một mô phỏng, nhưng cảm động biết chừng nào. Trí tưởng tượng dũng cảm của bà cụ đã biến một mẩu chỉ ngà ở chỗ lẽ ra là quai hàm thành biểu tượng cho cái tai duy nhất của cả đám. Và cả đám được ăn diện bằng một ý thức thời trang có lẽ cổ lỗ nhưng vô cùng kiêu hãnh. Một con mặc áo cộc tay chấm đỏ vạt sa, quần cháo lòng ống sớ, đi hài thun đỏ đế trắng. Một con mặc bộ kẻ ca-rô xanh nhợt, cổ viền nâu, ủng trắng lót đế giả da nâu. Một con áo chẽn vải bạt, ve to vàng nhạt, quần lửng cũng vàng nhạt kèm đôi hài đế vàng. Một con nữa áo màu gạch cua cổ Nhật, cạp hồng điều, quần hoa xanh pha một mảng ca-rô và đôi ủng cũng màu gạch cua kiểu tể tướng phường chèo. Khi đụng phải những chiếc xì-líp bé xíu, thậm chí đính đăng ten, con nào cũng mặc một chiếc nghiêm chỉnh, tôi không ngoác miệng cười được nữa mà bắt đầu sởn gai ốc nhè nhẹ.

Chẳng ai mua những búp bê gái ấy, giá ba chục một con. Dù thế nào mặc lòng, trong cảnh thư thái dềnh lên những chiều thứ Bảy ven hồ, con người già nua suốt đời chơi búp bê đang bám lấy quá khứ của mình hay đang tìm cách bán nó kia có phần giống bà già định mệnh đang khiêm tốn vi hành, và mỗi lần tôi ghé nhìn là cái đống nhếch nhác sinh động ấy lại giúp tôi thêm một vài kết luận khái quát.

Từ Bờ Hồ tôi đến thẳng Bệnh viện C. Ở đó con bé hàng xóm bên phải đang cầm chặt chiếc tích-kê trong tay, chờ nạo thai lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Bạn đừng hình dung nó là đứa con gái trơ tráo nhảy tót lên bàn nạo, xong rồi phủi đít trèo xuống. Lần nào nó cũng khóc mùi mẫn đủ ba mươi phút tiêu chuẩn trước khi phải nhường giường cho một con nhỏ tiếp theo. Ðáng lẽ phải khóc cho cái tình yêu vừa bị vét ra bằng hết thì nó lại chỉ khóc vì bị bác sĩ chửi mắng, làm như nếu được đối xử nhẹ nhàng hơn thì nó còn năng lui tới đây hơn. Lỗi của nó là rơi vào một tình cảnh đại trà. Mọi nhà đều có sẵn một vài đứa con gái máu mủ cần phải tống đi càng nhanh càng tốt, để những đứa con gái dưng của nhà khác có chỗ mà vào trải chiếu ngủ và dọn thêm một mâm riêng. Những đứa con gái ở chỗ này cứ chờ những đứa con gái ở chỗ kia sớm đi đâu thì đi. Những đứa con gái ở chỗ kia cũng lại chờ những đứa con gái ở chỗ này đi đâu thì đi cho sớm. Chúng nó gặp nhau tuốt tuồn tuột ở phố Tràng Thi trong Bệnh viện C, đứa này chờ đứa kia nhường giường nghỉ ba mươi phút. Thật là thân ái và sốt ruột. Con bé hàng xóm bên phải vẫn tiếp tục hy vọng được rước ra khỏi nhà vì một cái bụng chửa. Tôi lại nghĩ đến phấn nâu kem nâu và tiếng Anh để khuân một đứa con gái ra ngoại quốc. Cứ cái đà này con bé hàng xóm bên phải sẽ tiêu đến khúc dạ con cuối cùng mất thôi, nhanh lắm, tổng cộng chưa đầy một tiếng, chẳng ai buồn hỏi tên tuổi.

Trong khi đó thì con bé hàng xóm bên trái đã hoàn thành thêm một chùm thơ mới toanh, dĩ nhiên nói về tình yêu, là thứ nó chưa hề nhấp thử một giọt. Chúng nó nên đổi chỗ cho nhau, con bé bên phải hãy làm thơ tình, con bé bên trái hãy đi bệnh viện. Nhưng nói như thế hóa ra phũ phàng, vì con bé hàng xóm bên trái có một cái chân cong như hình cánh cung giấu dưới chiếc váy phồng dài chấm gót, trông nó như madame tiều tụy thế kỷ mười tám. Nó viết những bài thơ giống như của các thi sĩ nổi tiếng phương Ðông, toàn những người ưa tiêu diêu du. Thơ nó có nước sông Hoàng tuôn từng dòng lớn từ trời xuống, có núi Thiên Mụ, có bến Tầm Dương, có rất nhiều tâm sự đột ngột xuống hàng. Ðương nhiên là nó mãi hỏi đáp về tình yêu, rất là hoàn cảnh, loại tình yêu dẫn tất cả chúng ta đến chỗ tuyệt chủng, không sinh con đẻ cái gì được mà chỉ còn rặt những trái tim đầy thương tích khẽ chạm vào nhau một cái là đã rên dài, lọn đời đồng trinh và rất thánh. Những mùa cà pháo nối tiếp nhau trôi thật nhanh, nó đã bán hết vại cà thứ mấy trăm đằng sau những chấn song sắt điểm vài cành hoa giấy màu tím, thì một bài thơ của nó được đăng kèm lời giới thiệu về cái chân hình cánh cung. Cả dãy phố đôm đốp nhai cà pháo của nó và cầu cho cuộc đời của cô bé thi sĩ bật lên như mũi tên. Phố tôi lại khoái những cảm xúc bịa rất dở của nó, người nào không thấy hay thì vỗ tay đen đét vào trán tự trách mình không đủ trình độ nghệ thuật để thưởng thức. Có một ông già về hưu rất tốt bụng thích đến đàm đạo với nó, con bé bèn làm thêm những bài thơ vạch trần các tội ác xã hội mà nó đọc được trong đống báo cũ mua về để gói cà. Ông già cầm đầu một phái đoàn nhân đạo đến từng nhà quyên tiền để xuất bản tập thơ đầu tay của nó. Ở nhà nào ông cũng được mời uống nước trà no căng bụng, người ta hứa chỉ mua cà của nó mà thôi, như thế là cách bảo trợ thi ca hữu hiệu nhất, ai cũng hớn hở trung thành.

Những vại cà được bảo trợ bắt đầu đóng váng mà con bé không hay biết, nó còn đang ở trong một quá khứ nào đó, cái gì cũng là dĩ vãng liêu xiêu, vẫn bịa dở như bao giờ. Tôi đến huơ huơ đồng bạc trước mắt nó và bảo, ê hai trăm này, để nhấc nó khỏi cái quá khứ bịa dở đó, nước sông Hoàng chảy thế là đủ rồi. Nhưng nó vừa xúc cho tôi những quả cà đã khú phát tởm vừa mỉm cười tràn đầy lẽ sống, tiếp tục thả vào không khí những bong bóng thơ.

Khi hai đứa ấy, con bé hàng xóm bên trái và con bé hàng xóm bên phải, đã cố định trên những chiếc bệ phóng hy vọng của chúng và tạm thời chưa bay đi đâu, tôi chẳng có việc gì làm, nên đứng tựa cửa như tất cả mọi người, xem con bé con bà Ba Béo bán bánh bèo diễu mỗi ngày vài chục lượt từ bên này đường sang bên kia đường. Nó bảo nó không có giá trị khảo cổ, nên thích được chiêm ngưỡng ngay tức khắc, thích thời gian phải đứng lại, người qua đường cũng phải đứng lại, chỉ mình nó rung rinh bước chéo cặp chân dài, rũ tóc, đánh mông không đượm chút dâm dục nào hết và phát huy những sáng kiến ngọt lịm nhằm trình bày hết vẻ thần tiên của bộ ngực. Nó quả là một khối rung rinh hoàn hảo, bạn chẳng tìm ra được một chút kém phẩm chất nào đâu.

Con bé con bà Ba Béo bán bánh bèo tai đút nút bông gòn, trình diễn như một minh tinh phim câm thượng thặng. Nó diễu qua những cái mồm há hốc và mấp máy, những răng cùng lợi nhe ra. Nó diễu qua những bà mặc áo bà ba ngồi chi chít trên vỉa hè, bà nào cũng cố bán chác một vài vật mọn. Nó diễu qua những cánh cửa nhà mở thông thống, cứ vài phút từ đó lại xổ ra một chị trung niên héo hắt và thịnh nộ. Nó diễu qua hàng phở ngoài trời, nơi mấy cô nàng đang gò lưng húp và co một chân lên ghế. Tai nó đút nút bông gòn thật kỹ, để người ta có nói đồ đĩ thì nó vẫn nghĩ là đang được khen.

Tôi chưa nghe ai, kể cả bà Ba Béo, xác định rằng nó là một đồ gì thơm thảo xứng hợp với giọt giọt ngát hương mà mỗi bước chân nó rải đẫm lên từng phân vuông vỉa hè đã muôn phần nhăn nhó lụn bại vì thuế và lệ phí. Ngày này qua ngày khác, những chậu rác và nước gạo thật chua vẫn từ các con hẻm vọt ra rượt theo đổ ụp vào nó, đấy là sự ngứa tay tất yếu của dân phố tôi trước những gì đẹp đẽ quá đáng, vả lại người ta cũng không biết bày tỏ sự quan tâm của mình cách nào cho khỏi lố hơn. Sau đó con bé đầm đầm một vẻ tuẫn đạo. Cũng những người ấy thôi đã hỉ hả rung động trước một bài thơ bịa dở. Nếu con bé xinh đẹp kia trải mình ra dưới dạng giấy mực chứ đừng là da thịt thật thì người phố tôi sẽ úp mặt vào đó mà ngưỡng mộ nó đời đời.

Nhưng thời phim câm đã qua rồi, những cục bông gòn bò từ lỗ tai vào đang ùn lên trắng xốp trong não con bé con bà Ba Béo phải gắp ra ngay. Rồi phải thu xếp cho con bé hàng xóm bên phải một cái dạ con mới cứng. Phải thay nước cho những vại cà của con bé hàng xóm bên trái. Phải điện sang Thụy Ðiển bảo con cào cào điên khùng rửa sạch mặt mũi và cổ họng. Phải hái hết các siêu sao của gia đình Hiền Cớm Nắng xuống, có thể bỏ lọ hạ thổ để tỏ lòng trân trọng. Tất cả những việc ấy đều có thể làm được. Thế còn con bé u buồn phúc hậu và tôi? Biết làm gì với nếp trung lưu mới sạch bong tê dại của tôi và cái CHÂN LÝ viết hoa của nó? Chúng tôi là những đứa con gái choai choai, những con búp bê sấp ngửa, trong đó một con thắt nơ mãi ngồi dạng chân.

PTH (1992)

Berlin, Germany