Menu Close

Tạp ghi ngủ gục

Trong tất cả các cảm xúc của con người, có lẽ cảm xúc bị ghét bỏ nhất nhưng cũng “thân” nhất là cảm xúc “buồn”. Trong các loại buồn thì có một loại mà không phải lúc nào nó cũng ghét bỏ, đôi khi nó còn được cầu mong. Bất cứ ai cũng không thể tránh thoát loại buồn này, đó là buồn ngủ.

tap-ghi-ngu-guc4
Ai cũng có thể ngủ gật – ảnh từ Getty, pinterest

Và, như thường lệ, đời không như là mơ, ngay cả cảm xúc đẹp nhất của con người cũng nổi tiếng với định nghĩa rằng “mấy khi yêu nhau mà đến được với nhau?”. Tương tự, mấy khi buồn ngủ và đi ngủ đến được với nhau? Và giống như tình yêu, nỗi buồn ngủ đôi khi cũng bị ngăn trở như thế. Vì vậy mà trong tất cả những lúc buồn ngủ, không hiếm lần loài người phải cắn… mắt mà chịu đựng để ngăn bản thân không được/không thể/không dám/không nên…. tóm lại là không đi ngủ. Dĩ nhiên, trong những người mắt bất tòng… tâm ở trên, luôn luôn có những người không… chịu được, thế là họ… ngủ! Trong những trường hợp thế này, hành động “chợp” mắt của họ được gọi là “ngủ gục (gật)”!

Thường thì trên đời này chẳng có cái gì mà không có hai mặt của nó cả. Ngay cả hành động tôi tin rằng tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, ngọt ngào, quý giá, đáng trân trọng nhất là…. ăn cũng có thể làm bạn bị… no cơ mà. (Theo kinh nghiệm của tôi, thường xuyên “no” sẽ rất dễ có thân thể “cường tráng” hơn mong đợi). Ngoài ra, ăn cũng là nguyên nhân của hầu hết những bệnh lý thường (hoặc khó) gặp như sâu… răng, đau bao tử, nhiều nhất là làm… biếng.  Cho nên, ngủ gục cũng thế. Ngoài ‘chức năng’ báo hiệu cơ thể đang không ổn (thiếu ngủ, mắc bệnh gì đó) thì ngủ gục hình như không có công dụng nào tốt cả. Không những gây ra bệnh tật cho “nhân vật chính” mà nó còn gây ra những… hình phạt cho người ngủ gục nữa. Những hình phạt đó cũng được chia ra làm nhiều giai đoạn trong cuộc đời mỗi người. Ví dụ như tôi, sau đây:

tap-ghi-ngu-guc3
Nhưng có người có thể bị xử – hình từ Thanh Niên

Là một học sinh có tiếng (không xấu lắm đâu) hàng đầu ở bất cứ ngôi trường nào đã lỡ nhận tôi vào học qua, tôi xin trân trọng giới thiệu những hình phạt  đầu tiên trong “sự nghiệp” ngủ gục của mình: bị chọi phấn, khỏ đầu, cảnh cáo, méc phụ huynh, “dê rô” điểm, khẻ tay, thụt xì dầu, đứng tại chỗ, thậm chí đôi khi còn tàn ác hơn nữa là tôi -kẻ ngủ gục- bị buộc lên bảng kiểm tra kiến thức đã/đang học (lúc tôi ngủ)…. Thiệt ra, tôi cũng không chắc nhà trường là nơi “ban phát” những hình phạt đầu tiền về “tội” ngủ gục cho mình, vì trí nhớ của tôi về hành động ngủ gục trong khoảng thời gian trước đó mơ hồ như trí thông minh của tôi vậy (dĩ nhiên, nó (trí thông minh) tỷ lệ nghịch với nhan sắc của tôi!). Tuy có hơi đau buồn vì phải nhớ lại những hình phạt “thảm khốc” và quãng thời gian “kinh hoàng” (của thầy cô)  trong quá khứ. Nhưng tôi cũng thầm cảm ơn nhà trường, thầy cô đã tiếp thêm sức mạnh và sự can đảm cho mình khi bước vào đời. Vì nhờ vậy mà sau khi ra trường, tôi đỡ ngủ gục hẳn.

Nếu lúc còn đi học tôi có thể ngủ gục mọi lúc mọi nơi như trên ghế đá, dưới hành lang, trên bàn học, dưới ghế học, trên bàn giáo viên, dưới cột… cờ (nơi các học sinh “được” phạt toàn trường) hay sau sân banh, trong vườn trường, trong phòng y tế hoặc (đôi khi thôi) trên… nóc nhà trường.  Và với đủ mọi lý do như thầy/cô dạy chán, quên mang tập, đi học trễ, trốn tiết, suy nghĩ quá chuyên tâm, giọng thầy/cô quá đáng yêu (hoặc quá đáng sợ), (đôi khi) đi nhầm lớp và một lý do phổ biến nhất là buồn… ngủ (tất nhiên). Thì khi đi làm tôi chỉ ngủ gục ở một số nơi kín đáo và khó phát hiện như… toilet, bàn làm việc của… đồng nghiệp (lúc ấy họ có thể đang ngủ trong…. toilet), trong phòng họp và ở… quán cà phê đối diện công ty, ở các buổi hội thảo chẳng hạn. Tương tự như các địa điểm, từ lúc đi làm, lý do ngủ gục của tôi cũng được “tóm tắt” một cách triệt để. Chỉ hai chữ: Buồn ngủ. Có lẽ chính vì sự “đơn giản” trong cách chọn địa điểm và lý do để… ngủ gục trong giờ làm việc mà hình phạt của tôi khi bị phát hiện cũng “được” giản lược hẳn so với thời đi học: Ví dụ như bạn đồng nghiệp thấy thì họ chỉ trêu ghẹo, đuổi về chỗ hoặc nhắc nhở lau nước… miếng. Còn trong những trường hợp không… may, tôi bị sếp hay đối tác phát hiện, hình phạt sẽ được áp dụng theo từ “thành tựu” tôi đạt được trong ngày hôm đó và địa điểm họ phát hiện tôi ngủ gục, quan trọng nhất vẫn là tâm trạng, tâm sinh lý của họ lúc đó. Ví dzụ đôi khi sếp hay đối tác vui thì họ có thể giả bộ không nhìn thấy tôi hoặc bật quạt, mở máy lạnh, đắp mền, hát ru cho tôi ngủ nữa. Ðó là  tôi ví dzụ thôi, nhưng tôi chưa gặp. Vì không biết có phải “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay không mà  địa điểm “ưa thích” mà sếp và đối tác “dùng” để “bắt gặp” tôi ngủ gục thường là trong các buổi hội thảo, họp hành của công ty và luôn trúng vào lúc họ gặp những câu hỏi hóc búa nhất cần tôi “thế mạng”. Thế là tôi, một người mơ mơ màng màng bị “dựng” đầu dậy để trả lời câu hỏi đó. Và, bạn biết kết quả rồi đấy… Sau đó ư? Sau đó là chuỗi ngày của một “tội thần” bị theo dõi sát sao từng giờ từng phút… cho đến lần tôi “được” tìm thấy khi đang ngủ gật ở nơi nào đó trong giờ làm việc. Thiệt ra cũng có nhiều kỷ niệm xung quanh việc bị sếp bắt gặp ngủ gục trong sở làm trôi qua đời tôi lắm, tuy nhiên đa số là kỷ niệm buồn (khi thì buồn với sếp lúc lại buồn với tôi). Tôi còn có một bằng khen là “Thần Ngủ” ở một nơi làm việc cũ nữa, thật may là đã mất khi dọn nhà.  Ngoài ra, có một lần sếp chỗ làm cũ “vô tình” nhớ đến tôi, “vô tình” đi kiếm tôi, rồi “vô tình” tìm thấy tôi đang tay cầm chuột tay cầm… bánh còn mắt thì đeo kính đen, lưng nằm trên bàn, miệng ngáy o o…  Sếp đã dùng gương mặt hiền từ nhất mà kêu tôi dậy đi rửa mặt, sau đó “chỉ thị” cho tôi vào phòng để “lên án” hành động của tôi. Sau nhiều phút trôi qua, coi mòi tôi sắp ngủ gục tiếp, sếp bèn nói “lẫy”:

tap-ghi-ngu-guc2
… và có người không – hình từ Facebook Hạ Linh

– Ði làm mệt vậy thì về nhà nghỉ một bữa đi em.

Nhưng quả tình, trái tim tôi chân thành. Nào biết đâu đó là sếp nói “lẫy”. Mắt tôi đã sáng lên và bằng tốc độ ánh sáng mà chạy về nhà cày… phim vì lăn lộn cả buổi không ngủ được (đời tôi éo le không?). Qua hôm sau thấy mặt sếp hầm hầm, hỏi cả phòng làm việc chung mới biết câu hôm qua là sếp nói “lẫy” mà tôi bỏ về thiệt, để việc lại cho sếp mần. Những tưởng vì thế mà tôi sẽ bị những hình phạt thảm khốc nhất nên cả tháng đó tôi đã làm việc thật chăm chỉ và không dám ngủ gục nơi công cộng dẫu chỉ một lần, nhưng thật may. Có lẽ do trí nhớ của sếp cũng tương đương với… trí thông minh của tôi mà sự việc đó đã trôi vào dĩ vãng. Tôi cũng đã quên luôn nếu những người đồng nghiệp cũ của tôi không nhắc mãi nhắc mãi mỗi lần họp mặt… Dĩ nhiên, tôi không chỉ ngủ gục bao nhiêu đó lần, nhưng vì để tránh nhắc lại những quá khứ đau thương nơi công sở tôi xin trân trọng giới thiệu những giấc ngủ gục của tôi ngoài… xã hội, đây cũng là những hành động gây thiệt hại to lớn nhất, mỗi lần ngủ gục tôi lại phải viết ra một bài học cho mình và chép phạt nó vài trăm lần cho đến lần ngủ gục đến tiếp…

Ðó là khi tôi ngủ gục lúc đang lái xe (thật tiếc là không chỉ một lần), cũng không hiểu sao lần nào tôi cũng giật mình tỉnh giấc trước khi (tôi và người khác) gặp chuyện nguy hiểm. Cũng rất may, do luôn luôn dịu dàng nên tôi chạy xe chưa bao giờ nhanh hơn người ta chạy bộ nên lỡ có đụng ai thì chắc cũng không nguy hiểm gì nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu ai đó lao vào tôi. Hậu quả là sau vài lần ngủ gục tôi quyết định không chạy xe nữa (thiệt ra thì sau nhiều lần cầu xin và ép buộc của người quen và cộng đồng).

tap-ghi-ngu-guc1
Nhưng chỉ có anh này mang ‘tiếng tăm” và “danh giá” cho chính trị gia VN lan nhanh ra thế giới – Hình từ Getty

Ðó là lúc tôi ngủ gục khi một người bạn trai cũ đang soạn hình gia đình dòng họ ra… khoe với tôi. Thiệt tình tôi rất vui và trân trọng từng kỷ niệm và từng lời nói của anh nhưng mà hình nhiều quá. Hậu quả của việc này là vài năm sau chúng tôi đã chia tay.

Ðó là năm 2015 khi tôi trên máy bay. Và (như thường lệ), tôi ngủ gục lên… vai người kế bên. Là một anh chàng tốt bụng vì không đánh thức tôi đến tận khi máy bay gần hạ cánh. Hậu quả của việc này là tôi đã mất luôn bóp tiền nhỏ cùng vài giấy tờ quan trọng mà tôi đã cất kỹ càng, ngay ngắn giữa cái túi to. Vì thế, sau mọi “trình báo” và tìm kiếm không thành từ sân bay, cả tuần sau đó tôi phải vừa ăn năn vừa chạy ngược chạy xuôi làm giấy tờ vừa dằn vặt tìm lại hình bóng “soái ca” đã cho mình tựa vai, tiện thể nguyền rủa hắn ta. Ðau khổ nhất là làm giấy tờ ở VN là một việc khó khăn và mệt mỏi, có khi cả năm không xong. Nhưng vì sao tôi buồn chỉ có một tuần ư, rất may vì sau một tuần có người gọi cho tôi (theo số phone tôi viết trong một số giấy tờ) ngỏ ý muốn trả lại. Khi gặp anh, tôi đã kìm nén xúc động cho đến khi cả hai uống cà phê xong, tôi lấy lại được cái bóp, nắm chặt trong tay rồi mới trừng mắt hỏi:

– Sao một tuần anh mới gọi cho tôi?

Trước thái độ “vong ân phụ nghĩa” của tôi, anh không hề bất ngờ. Chỉ bình tĩnh đáp:

– Hôm qua anh mới đem đồ đi giặt. Lúc lượm được tiện tay bỏ vô giỏ rồi quên luôn!

Tôi ngượng ngùng hỏi tiếp:

– Anh lượm được ở đâu dạ?

– Ở đường vô sân bay nội địa Tân Sơn Nhất

tap-ghi-ngu-guc
Cô bán vé số xóm Du Uyên, hay ngủ gục lúc gây cấn nhất – đếm tiền

Thì ra, trong lúc tôi ngủ gục, cái bóp nó không mất mà mất trước đó (khi tôi chưa lên máy bay). Và người tôi mượn bờ vai không phải là người “mượn” bóp của tôi hổm rày. Tôi đã ăn năn suốt mấy… phút sau đó vì nguyền rủa sai người cả tuần qua.

Cũng không ai biết ngủ gục được “phát minh” từ bao chừ, ai là ông/bà Tổ của hành động này. Như đã nói, ai mà không ngủ gục. Hậu quả mà ngủ gục mang lại thật là khó lường. Hơn nhau ở chỗ, người đó có bị… chụp hình hay là không. Vì so với những người bị chụp lén khi ngủ gục thì “hậu quả” mà tôi nhận được chả xi nhê gì. Có người “lưu danh sử sách” trên google, có người bị người ta hung hăng đem hình ra chế nhạo khắp nơi, có người bị phạt tiền ảnh hưởng con đường “thăng quan” vì đôi lần ngủ gục. Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ. Hôm nay, 28/9/2018, một anh đại biểu VN lạ hoắc vụt chói sáng trên bầu trời chính trường quốc tế với hình ảnh ngủ gục của chính anh trong kỳ họp thứ 73 Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc được nhiều báo nước ngoài chụp lại và đăng tin. Từ đó mà anh cũng giúp cho “danh giá” của những chính trị gia VN tăng cao. Vì từ trước giờ chưa có hình ông chính trị gia VN nào ngủ gục mà được đăng với giá 499 Mỹ Kim ở trang web gettyimages.com*.   

DU

Sài Gòn- Việt Nam