Hỏi
Bác sĩ vui lòng cho biết các nguy cơ đưa tới Rối Loạn Cương Dương.
Một độc giả
Đáp
Theo giới chức y tế thì rối loạn cương dương thường do các nguyên nhân sau đây:
- Trở ngại lưu thông máu có thể là do động mạch dẫn máu vào dương cụ bị thu hẹp, cứng, nghẹt. Thuốc lá thường làm động mạch co, cho nên hút nhiều thuốc lá có thể là một nguy cơ.
- Ảnh hưởng tới thần kinh như rượu, dùng ít thì làm cho hăng hái nhưng nhiều thì ỉu xìu.
- Crack, Cocaine, thuốc phiện dùng ít thì kích thích nhưng dùng nhiều đến ghiền cũng là nguy cơ đưa tới không cương.
Cần sa làm giảm số tinh trùng chứ không ảnh hưởng mấy tới sự cương.
- Một vài dược phẩm như các thuốc về tim mạch Aldomet, Inderal, Lopressor, Serpasil; thuốc an thần, trị trầm cảm Valium, Librium, Thorazine, Equanil, Elavil, Tofranil; các thuốc chống dị ứng, thuốc ngủ Barbiturates; thuốc bao tử Tagamet; do tác dụng phụ của bức xạ trị liệu cũng đều đưa tới yếu xìu sinh lý.
- Giải phẫu chấn thương chạm tới dây thần kinh điều khiển sự cương dương, giải phẫu cắt bỏ tuyến nhiếp hoặc do chấn thương cột sống.
- Vài bệnh của hệ thần kinh như Ða Xơ Cứng (Multiple Sclerosis), u bướu não, bệnh tổng quát cơ thể như tiểu đường, thận suy đều là nguy cơ của bất lực sinh lý. Thường thường 50% người bệnh tiểu đường có rối loạn này.
- Các chứng tâm lý như lo âu, trầm cảm, bất đồng xô xát trong tình nghĩa vợ chồng, mặc cảm e ngại kém tài nghệ.
- Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn còn tin là thủ dâm cũng đưa tới bất lực và mộng tinh nhưng thực ra không phải vậy.
- Huyền thoại nói già là hay bị rối loạn cương dương. Ðiều này cũng có một phần nào đúng, nhưng không có nghĩa là già thì bất lực hoặc bất lực là hậu quả của sự hóa già.
Tuy nhiên người cao tuổi thường mắc một số bệnh như tiểu đường, tim mạch nên có thể có biến chứng kém khả năng cương cứng.
Và nếu không có các bệnh này thì các cụ vẫn “phòng the” được như thường cho tới tuổi thật già.
Đi máy bay
Hỏi
Thưa bác sĩ,
Chúng tôi sắp sửa về Việt Nam chơi tiện thể thăm bạn bè cũ. Xin bác sĩ vui lòng cho biết ngồi máy bay như vậy có nhiều rủi ro, trong đó có đóng máu cục ở chân. Xin ông vui lòng chỉ dẫn cách tránh trường hợp này. Cảm ơn bác sĩ.
Lê thị Thu
Trả lời
Thưa bà Thu,
Thường xảy ra khi ngồi lâu mà hạ chi bất động, huyết cục sẽ thành hình ở tĩnh mạch nằm sâu nơi bắp vế, gây cản trở cho máu trở lại tim. Chẳng hạn như ngồi trên máy bay, xe hơi cả dăm sáu giờ liền mà không cử động. Chân sẽ sưng, đau, nóng đỏ.
Bình thường thì rối loạn này không nguy hiểm lắm. Tuy nhiên, khi máu cục bể vỡ, một khối huyết có thể chạy lên tim, não, phổi… và gây ra thương tổn trầm trọng như cơn suy tim, tai biến não.
Ðể tránh huyết cục khi đi máy bay, nên lưu ý những điểm sau đây:
– Ðừng xếp hành lý ở dưới hàng ghế trước mặt, để có khoảng trống cho hai bàn chân cử động.
– Uống thêm nước lạnh, nước trái cây để tránh khô nước
– Tránh uống nhiều cà phê, rượu mạnh vì các thứ này làm cho tiểu tiện nhiều, cơ thể mất nước.
– Mang tất hơi bó sát bắp chân, uống thuốc viên aspirin (hỏi bác sĩ)
– Năng cử động chân như là đứng lên đi tới đi lui, khi có thể.
– Khi ngồi, nên cử động thân mình, như là nhổm mông, bắp đùi lên khỏi mặt ghế, co duỗi đầu ngón chân, cử động, lắc bắp thịt ở bắp vế; co duỗi, chân khi ngồi, vươn vai.
Tất cả các cử động này đều có mục đích giúp máu lưu thông tốt, tránh máu đóng cục.
NYĐ