Menu Close

Chiến tranh mậu dịch giai đoạn mới

Bước vào Tháng 10, cũng là thời điểm bắt đầu mùa thu của khu vực Bắc Mỹ, là một tuần lễ ta thấy rất hiếm khi xảy ra với toàn những tin tức có lợi cho Tổng thống Donald Trump.

chien-tranh-mau-dich-giai-doan-moi3
Thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ USMCA – nguồn AMAC

Trước hết là thỏa thuận mậu dịch được hoàn tất giữa ba quốc gia Hoa Kỳ, Mexico và Canada vào cuối ngày Chủ Nhật 30/9 sẽ thay thế cho Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) đã có từ năm 1994. Thỏa thuận thương mại mới này, sau khi được quốc hội thông qua, sẽ có cái tên mới là Hiệp ước Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) – và là kết quả của nhiều tháng đàm phán gay go đã có lúc tưởng là sẽ đi đến thất bại. Ðó là chưa kể một tuần trước đó Hoa Kỳ và Nam Hàn đã ký với nhau một thỏa thuận tự do mậu dịch khác.

Kế đến là sự kiện Thẩm phán Brett Kavanaugh, được Tổng thống Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện thay thế cho Thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu, đã vượt qua được thử thách sau những cuộc điều trần tại thượng viện cũng như những cuộc điều tra của cơ quan FBI về đời tư của ông đã không mang lại một bằng chứng cụ thể nào để hỗ trợ cho những lời cáo buộc từ ít nhất ba phụ nữ nói rằng ông Kavanaugh đã có những hành động tấn công tình dục đối với họ từ nhiều năm trước. Ðể rồi cuối cùng thượng viện đã nhóm họp và bỏ phiếu chuẩn thuận vào ngày Thứ Bảy 6/10 để chính thức đưa ông Kavanaugh vào chiếc ghế còn đang bỏ trống ở Tối cao Pháp viện. Sự việc này đã làm nghiêng hẳn cán cân của Tối cao Pháp viện sang phía bảo thủ và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống sinh hoạt của người dân Mỹ trong ít nhất là một, hai thập niên nữa.

Việc thương lượng lại hiệp ước NAFTA là một trong những lời hứa quan trọng khi còn trong thời gian tranh cử của ứng cử viên Donald Trump là vì, theo quan điểm của ông, hiệp ước cũ mang lại nhiều bất lợi cho người lao động ở Mỹ. Vào tháng trước, Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận chung về thương mại với Mexico, tuy nhiên một thỏa thuận tương tự với Canada cho thấy có phần khó khăn hơn. Những cuộc đàm phán giữa hai bên có lúc đã gặp bế tắc khi bàn về thị trường nông phẩm mà chính phủ Canada bảo vệ rất gắt gao, về việc nhập cảng xe hơi lắp ráp tại Canada vào Mỹ, và khi có tranh chấp thương mại xảy ra giữa các bên thì nên giải quyết ra sao.

chien-tranh-mau-dich-giai-doan-moi2
Tổng thống Trump và nhóm đàm phán thương mại trong khuôn viên Toà Bạch Ốc – nguồn Novus Vero

Trong mấy ngày qua đã có nhiều nhận định về thỏa thuận thương mại mới này, nhiều khi trái chiều nhau tuỳ theo quan điểm chính trị của mỗi người, nhưng cho dù là những nhận định khác biệt thế nào thì thỏa thuận thương mại này cũng đã đem lại cho Tổng thống Trump một bàn thắng chính trị. Trong những ngày tới, Tổng thống Trump sẽ đi vận động để khoe với người dân Mỹ về thành tích đạt được, nhất là khi mà cuộc bầu cử giữa kỳ ngày càng cận kề.

Trong số những thay đổi quan trọng nhất của thỏa thuận: nông phẩm của nhà nông Mỹ sẽ được phép bán giới hạn trong thị trường Canada, một thắng lợi cho phía Hoa Kỳ; cơ chế dùng để giải quyết những tranh chấp thương mại từ hiệp ước NAFTA được giữ lại, mặc dù có sự chống đối mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ; xe nhập cảng vào Mỹ từ Canada và Mexico sẽ không bị đánh thuế; và thỏa thuận thương mại mới sẽ có hiệu lực trong vòng 16 năm, thay vì 5 năm như phía Mỹ muốn. Thỏa thuận cần phải được quốc hội của ba nước thông qua và có lẽ sẽ không gặp trở ngại.

Hiện nay Hoa Kỳ đang cố gắng thuyết phục Nhật Bản để bắt đầu những cuộc đàm phán kinh tế song phương. Nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận chung trong thời gian sắp tới, và cùng lúc Hoa Kỳ có thể ký được một hiệp ước kinh tế mới với Liên Âu, thì theo nhận định của nhiều phân tích gia, đây là những bước đầu cần được hoàn tất trước trong một chiến lược quy mô hơn của chính phủ Donald Trump để dồn toàn lực đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến mậu dịch có nhiều khả năng sẽ kéo dài.

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 1/10 để thông báo về thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico, ông Trump đã trả lời lấp lửng rằng nay còn quá sớm để nói chuyện với Trung Quốc, vả lại phía Trung Quốc chưa sẵn sàng và sự việc không thể hấp tấp được.

chien-tranh-mau-dich-giai-doan-moi1
Thỏa thuận USMCA sẽ cô lập Trung Quốc – nguồn South China Morning Post

Nếu ta nhìn vào một số điều khoản ghi trong thỏa thuận thương mại mới của khu vực Bắc Mỹ, một điều rõ ràng là trong những buổi đàm phán, các nhà thương thuyết của Mỹ chắc chắn có nghĩ đến Trung Quốc.

Trong điều khoản về các loại xe nhập cảng từ Canada và Mexico vào Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2020, nếu muốn tránh bị đánh thuế, thỏa thuận đòi hỏi các loại xe nhập cảng phải được lắp ráp ít nhất 75 phần trăm các bộ phận được sản xuất ở Canada, Mexico hoặc Mỹ.

Thêm một đòi hỏi mới nữa là ít nhất 30 phần trăm các công việc liên quan đến chiếc xe trong năm 2020 phải được hoàn tất bởi những công nhân có mức lương tối thiểu $16 một giờ. Con số này sẽ tăng dần lên 40 phần trăm vào năm 2023. Chắc hiện nay chưa có công nhân nào làm trong các nhà máy ở Trung Quốc được trả $16 một giờ.

Những điều lệ mới này được chính phủ Donald Trump xem như một khí cụ để tìm cách ngăn không cho những phụ tùng xe hơi sản xuất ở Trung Quốc được đem vào lắp ráp ở Bắc Mỹ, và đồng thời khuyến khích gia tăng sản xuất và đầu tư tại Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

Một điểm rất quan trọng khác được đưa vào trong thỏa thuận là điều khoản 32.10 (Article 32.10) cho phép bất cứ thành viên nào cũng có quyền rời khỏi hiệp ước với việc thông báo trước 6 tháng nếu một thành viên nào đó trong nhóm ký kết một hiệp ước tự do thương mại với một “nền kinh tế nằm bên ngoài khu vực”.

chien-tranh-mau-dich-giai-doan-moi
Ba nguyên thủ Trump, Nieto và Trudeau của thỏa thuận USMCA – nguồn Washington Post

Mặc dù điều khoản không nói rõ tên một quốc gia nào nhưng hiển nhiên các phân tích gia đều hiểu ngầm đó là Trung Quốc vì hiện nay Trung Quốc đang tìm cách ký một hiệp ước thương mại với Canada.

Cho đến đầu mùa hè vừa qua thôi chứ không đâu xa, những chuyên gia theo dõi sát các hoạt động của chính phủ Donald Trump vẫn nói rằng họ không nhìn thấy một chiến lược kinh tế rõ rệt nào cả. Người ta chỉ nhìn thấy một ông tổng thống hở chút là tìm cách bắt nạt những đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, trong đó có Canada, Mexico, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản và Nam Hàn. Ông Trump còn công khai sỉ vả và công kích những quốc gia này, đánh thuế lên thép và nhôm của họ, và đe dọa đánh thuế lên các loại xe nhập cảng nếu những quốc gia này không chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng nay thì những ý kiến trên đã có chút thay đổi và càng ngày người ta càng nhìn thấy rõ hơn một chiến lược và lối tiếp cận có bài bản. Mặc dù là cách thức ngoại giao của Donald Trump có vẻ như chẳng kiêng nể ai, nhất là những lời tuyên bố của ông tổng thống nhiều khi lung tung bất định, nhưng về căn bản là chỉ muốn những quốc gia kia nhũn hơn một chút, chịu nhượng bộ một ít, cho người Mỹ có thêm được tí lợi, và hơn nữa cùng sát cánh với Mỹ để đánh một mục tiêu chung: Trung Quốc.

Ký xong với Canada và Mexico rồi, bước kế tiếp của Hoa Kỳ là ký với Liên Âu và Nhật Bản. Ðó là chưa kể Ấn Ðộ với hơn 1 tỷ dân cũng đang mon men tìm cách thương lượng một thỏa hiệp kinh tế với Mỹ. Các quốc gia trên cũng thừa biết muốn ký một hiệp ước thương mại mới với Mỹ thì họ phải chấp nhận nhượng bộ, nhưng họ cũng thừa biết làm ăn với Mỹ thì an tâm hơn là phải đứng trong một trật tự mới và chơi một ván cờ toàn cầu với luật chơi mới do Trung Quốc và Nga đang mưu toan đặt ra.

Vậy nay người dân Mỹ có thể an tâm sống và biết rằng chính quyền Donald Trump không chỉ tìm cách đập phá tất cả mọi thứ mà còn biết lập lại một trật tự mới sau đó miễn là những thỏa thuận mới mang lại cho cá nhân tổng thống một vài lý do chính đáng để tuyên bố chiến thắng dựa trên quyền lợi của nước Mỹ. Những cuộc đụng độ thương mại với Âu châu hoặc với Canada hay Nhật Bản có thể làm cho nhiều người khó chịu lúc đầu, nhưng thật sự đây mới chỉ là để hâm nóng cho một cuộc chiến thương mại lớn hơn nhiều với Trung Quốc trong những ngày tháng sắp tới.

VH

Dallas – texas