Menu Close

Một người yêu nghề báo

Tôi tình cờ gặp anh Lê Phát Được đang xếp những chồng báo lên xe để đi giao. Tôi đến giúp anh, trao đổi vài câu theo phép lịch sự. Xong việc, anh lấy một cuốn báo tặng tôi thì tôi mới biết báo này do anh làm chủ. Ngạc nhiên lẫn kính phục, tôi nhờ anh sắp xếp một cuộc hẹn để có cuộc trò chuyện với anh.

mot-nguoi-yeu-the-thao5
Tuy cao tuổi nhưng anh Được vẫn cần mẫn với việc giao báo

Phóng viên (PV:) Được biết anh đã xấp xỉ tuổi 80. Ở tuổi này, nhiều người đã lãnh lương hưu, và nghỉ ngơi. Vậy thì sao anh vất vả lo toan chuyện sách báo?

Lê Phát Được (LPĐ): Thật tình mà nói ở tuổi này cũng nên nghỉ ngơi cho khỏe cái thân già, nhưng bản tính thích làm việc nên tôi vẫn tiếp tục để không cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô ích. Cuộc sống tôi đã trải qua cũng có nhiều điều thú vị. Tôi đã từng “lên voi xuống chó” qua bao thăng trầm của cuộc sống gắn liền với quê hương Việt Nam nơi tôi sinh ra, và trên đất nước Mỹ nơi đã cưu mang tôi.

Nhiều việc tôi đã làm thành công, cũng có chuyện bị thất bại, đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến giờ tôi vẫn cố gắng bảo tồn nền Văn hóa dân tộc bằng tờ báo Thế Giới mà tôi và vợ đã duy trì phát hành đều đặn mỗi tháng hai kỳ ở thành phố Houston.

mot-nguoi-yeu-the-thao4
Tận dụng thời gian rảnh, viết báo ở nhà

PV: Phần đông người Việt khi đến Mỹ thì lao ngay vào cuộc mưu sinh để kiếm sống, không còn thời gian để nghĩ đến vấn đề văn hóa và chữ nghĩa. Trường hợp của anh có gì thuận lợi không khi anh bước vào con đường làm báo?

LPĐ: Tôi đến Mỹ ngay sau 30/04/1975. Khi đến California tôi đã làm nhiều việc để kiếm sống, sau đó chuyển đến Wisconsin làm đại diện bán hàng cho một hãng lớn. Trong thời gian này tôi đã viết ra một bài báo bằng tiếng Anh về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam và được tờ báo nổi tiếng ở địa phương đăng. Trải nghiệm bước đầu được đăng một bài báo thật lý thú. Từ đó tôi cảm thấy yêu thích nghề báo và bắt đầu tìm hiểu nghề này.

PV: Nghề viết báo đòi hỏi sự năng động, nhạy bén và nhiều kỹ năng khác như chụp ảnh, quay phim cùng viết lách. Khi bước vào nghề báo, anh đã được đào tạo từ đâu và có khó khăn gì không mà anh vẫn giữ vững trong một thời gian dài?

LPĐ: Tôi chưa bao giờ dám nói mình là một Nhà báo, vì chưa từng tham dự một khóa đào tạo về nghề báo.Tôi bước vào nghề vì yêu thích, và tôi đến với công việc làm báo chuyên nghiệp cũng thật tình cờ. Các kỹ năng cần thiết như chụp hình, quay phim đều tự tôi tìm tòi học hỏi để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Năm 1978 tôi chuyển đến Texas và ở lại thành phố Houston cho đến nay. Vào thời điểm đó, tôi lập ra hai công ty chuyên về dịch vụ dầu khí, rất may mắn ăn nên làm ra, nhưng đến khoảng năm 1990 bị khủng hoảng làm sập tiệm. Sau khi phá sản tôi chuyển sang tài trợ cho báo Tin Việt, và có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cách làm báo chuyên nghiệp. Rồi tôi cùng với vợ thực hiện tờ báo Thế Giới. Ban đầu tờ này chỉ đơn thuần mang tính thương mại và giải trí. Nhưng sau đó tôi đã định hướng tới mục đích đấu tranh cho nhân quyền.

mot-nguoi-yeu-the-thao1
Chứng nhận từng làm cố vấn cho Thống đốc bang Texas về di dân và tị nạn

PV: Theo tôi biết thì anh đã có nhiều hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng, anh có thể cho biết những thành công đã đạt được ra sao?

LPĐ: Tôi đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, dùng tờ báo của mình góp phần xây dựng cộng đồng Việt ngày càng vững mạnh và tốt đẹp hơn. Tôi cũng có nhiều bài viết đăng trên báo Mỹ nói về nhân quyền. Cùng với một số bạn là luật sư, chúng tôi đã vận động tranh cử thành công cho nữ Thống đốc tiểu bang Texas Ann Richards, làm cố vấn về vấn đề di dân và tỵ nạn cho bà. Trong giai đoạn tranh cử của Tổng thống Bill Clinton tôi cùng với bạn bè cũng vận động cho ông và ông đã hứa ủng hộ cộng đồng người Việt quốc gia đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam khi đắc cử. Ðó là những thành công và nỗ lực đúng hướng trong thời gian còn trẻ của tôi.

PV: Anh cho biết đã tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp tại Mỹ. Riêng trong lĩnh vực tư pháp, anh từng làm hòa-giải-viên cho tòa án nên có tham gia nhiều phiên xét xử của tòa. Vậy có kỷ niệm nào làm anh nhớ mãi đến giờ không?

LPĐ: Trong công việc làm hòa-giải-viên cho tòa án, tôi vẫn nhớ mãi việc đứng ra giúp cho một người chủ Việt Nam. Người này có công ty bị một công ty của Mỹ kinh doanh cùng ngành nghề kiện ra tòa, nhưng ngày ra tòa vì anh không đến nên bị xử thua, phải đóng phạt 350 ngàn USD. Khi gặp tôi, anh cho biết vì không hiểu rõ quy định nên bị xử như thế. Tôi đề xuất hội đồng cho mời người chủ công ty Mỹ lên để hòa giải. Cuối cùng, nhờ sự kiên nhẫn thuyết phục và giải thích thiệt hơn của tôi, cả hai phía đi đến sự đồng thuận và người chủ Việt chỉ phải trả cho người chủ Mỹ 10 ngàn USD mà thôi. Sau việc này, người chủ Việt Nam và tôi trở thành bạn thân cho đến nay.

mot-nguoi-yeu-the-thao3
Chứng nhận là hòa-giải-viên tòa án

PV: Vì sao anh thích gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt và bảo tồn nền văn hóa của đất nước? Phải chăng vì có một số gia đình Việt không quan tâm đến việc dạy con cháu học nói, đọc, viết tiếng Việt?

LPĐ: Giữ gìn tiếng Việt và bảo tồn văn hóa của đất nước trên xứ người là việc vô cùng khó khăn. Vì thế hệ trẻ ít có dịp tiếp cận với những hoạt động văn hóa của người Việt. Những người trẻ cũng sử dụng tiếng Việt ít đi và theo thời gian họ sẽ quên dần tiếng mẹ đẻ, nhiều khi nói phải thêm rất nhiều tiếng Anh vào, khiến trở nên rối rắm và khó hiểu. Một số khác thì nói tiếng Việt hơi thông thạo một chút vì trong gia đình ông bà, cha mẹ yêu cầu phải nói tiếng Việt, nhưng khi viết chữ thì không được. Những chuyện này tôi chứng kiến từ các gia đình bà con, bạn bè có con nhỏ mà thiếu quan tâm giữ gìn ngôn ngữ quê hương. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ rằng: Việc tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của nước Mỹ cùng với giữ gìn tiếng Việt và bảo tồn văn hóa đất nước không bị mai một là nhiệm vụ của tất cả người Việt trên xứ người, nên tôi phải cố gắng làm hết sức mình thông qua tờ báo để hoàn thành nhiệm vụ này.

mot-nguoi-yeu-the-thao
Thư cám ơn của Tổng thống Bill Clinton

PV: Ngoài công việc làm ra tờ báo theo định kỳ, anh còn phải kiêm thêm việc giao báo. Đây cũng không phải là công việc nhẹ nhàng, vậy có điều gì thú vị khiến anh duy trì việc tự giao báo trong thời gian qua?

LPĐ: Ngay từ đầu, khi bắt đầu tập tành làm báo, tôi cũng đã bắt đầu công việc đến nhà in nhận báo và mang đi giao cho các điểm kinh doanh của người Việt. Qua việc này, tôi có điều kiện đi đây đó khắp thành phố Houston, quen biết được nhiều người, tiếp nhận được nhiều thông tin hơn cho tờ báo của mình. Nói chung, việc giao báo cũng vất vả một chút khi kẹt xe trên đường, thời tiết mưa nắng thất thường… nhưng không hề ảnh hưởng đến mục đích mà tôi đã thực hiện hơn 20 năm qua.

PV: Cám ơn anh về buổi trò chuyện này.

mot-nguoi-yeu-the-thao2
Thư giãn với cây cảnh trong sân vườn

HP

HOUSTON – TEXAS