Menu Close

Nhà văn Thụy An

Thụy An tên thật Lưu Thị Yến sinh năm 1916 tại Hà Nội, mất năm 1989 ở Sài Gòn. Bà là nhà văn nổi tiếng nhưng cuộc đời trải qua nhiều oan khốc dưới chế độ Cộng Sản.

Là con gái của Ông Bà Lưu Tiến Ích và Phùng Thị Tôn. Thuở nhỏ học trường Hàng Cót, Hànội, là một trong số những nữ sinh giỏi về môn Văn (Thời đó môn Việt văn ở các trường mỗi tuần chỉ dạy cho học sinh có một lần). Năm 1929, cô Yến mới 13 tuổi đã có thơ đăng trên tờ Nam Phong, do nhà học giả Phạm Quỳnh chủ trương.

Năm 18 tuổi, bà tự lấy chồng, thân bước lên xe hoa. Chồng bà là một nhà giáo kiêm nhà văn, chuyên viết báo với bút danh Băng Dương, tên thật là Bùi Nhung. Ông là một trong những người em của học giả Bùi Kỷ, hiệu Ưu Thiên (1887- 1960), quê Châu Cầu, tỉnh Hà Nam.

Về sau giáo sư Bùi Nhung đổi vào Nam (1933). Thời gian ở Sàigòn, Thụy An làm chủ nhiệm tuần báo Ðàn Bà Mới Phụ Nữ Tân Văn (từ tháng 3, 1934 đến tháng 3, 1937).

Vì Thụy An mang bầu (đứa con trai thứ hai) lại yếu phổi, vợ chồng Thụy An – Băng Dương phải chuyển ra Bắc. Tháng 5, 1939,  Thụy An được mời cộng tác đứng quản lý báo Ðàn Bà. Thời đó chủ bút tờ báo này là Bà Nguyễn Thị Dị Thảo, người nổi tiếng say mê văn chương và là một thiếu phụ có nhan sắc, rất bặt thiệp.

Phần Thụy An, bà vốn là một nhà văn, nhà báo rất năng động. Là một cây bút nữ có tài viết được nhiều thể loại và lãnh vực: Tiểu thuyết, truyện ngắn, nghị luận, đoản văn, khảo cứu, phiếm luận… và cả về điện ảnh. Có thời gian Thụy An còn làm phóng viên chiến tranh, tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài liệu cho báo chí. 1954, bà giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã.

Thụy An – Băng Dương sống ly thân từ 1949, nhưng không ly dị vì cả hai đều theo đạo Công giáo

Năm 1943 nữ sĩ Thụy An cho xuất bản truyện dài đầu tay nhan đề Một Linh Hồn mô tả tình cảm một thiếu nữ ngây thơ, rất ngoan đạo. Nhân vật chính ấy là cô Vân, biểu tượng cho một bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tác phẩm “Một Linh Hồn” của Thụy An là cuốn tiểu thuyết đặc trưng tình cảm, mang nhiều dấu ấn thời đại, đậm màu sắc tôn giáo.

Tiếp đến tác phẩm thứ hai tựa đề Bốn Mớ Tóc (1952). Ðây là một truyện gồm nhiều đoản tác: Một Thương; Bà Mẹ; Cô Con; Mớ Tóc… Tác giả cốt ý nêu cuộc sống của dân tộc trong buổi giao thời, mọi sinh hoạt đan chen nhau giữa mới và cũ. Ðiển hình như một mái tóc phụ nữ: cũ thì để (tóc) dài vấn trần hoặc vấn khăn búi tóc; mới thì cắt ngắn hoặc uốn quăn…

Nói về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết thời ấy, tác giả Thụy An đã được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận định như sau: “… Một Linh Hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến giờ (giai đoạn tiền chiến). Trí tưởng tượng của tác giả rất phong phú, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn… Bà đã thành công về văn xuôi hơn là thơ…” Và như nhà văn Yên Thao cũng đã nói: “Sự hiện diện của hai tác phẩm (Một Linh Hồn và Bốn Mớ Tóc) của Thụy An chứng tỏ rằng ở khoảng thời gian trên, nữ giới Việt Nam đã có một cây bút khá sắc bén và thông minh…”

Bà có mối thân tình mật thiết với ông Ðỗ Ðình Ðạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Nhưng Thụy An và Ðỗ Ðình Ðạo không bao giờ chung sống cùng nhau. Hai người chia tay năm 1952. Nhưng đến 1954, khi Ðỗ Ðình Ðạo bị đầu độc chết, dư luận buộc tội bà giết chồng, và chính những lời vu cáo này, sẽ được thổi phồng và sử dụng chống bà sau 1954.

Tại Hànội 1956, phong trào Trăm Hoa Ðua Nở bộc phát… cũng là lúc vợ chồng Thụy An-Băng Dương phải sống ly thân. Muốn khuây khỏa, Thụy An có ý định vào Nha Trang chơi. Vả chăng đây là ước mơ từ lâu của Thụy An muốn thăm miền cát trắng để được tắm mình vào sóng biển Nha Trang, mà còn có kịp hàn huyên với nữ sĩ Trinh Tiên, người bạn gái thơ văn rất thân quý. Lúc chưa được toại ý, Thụy An đã chỉ đành gửi nỗi lòng thèm khát thăm Nha Trang bằng thơ:

-“…Mai sau em thác anh ơi!

Trên bờ biển lấp di hài cho em

Một mình hồn được lặng yên

Lắng nghe sóng nhạc triền miên…

(Thơ Thụy An)

Nguyễn Ngọc Chính

từng viết về Thụy An

Bà là một phụ nữ gầy còm, ốm yếu sau những năm dài cải tạo nhưng cũng từ dáng người mảnh khảnh đó tỏa ra một sức mạnh tinh thần đáng nể phục.

Trong thời gian cải tạo bà đã tự hủy hoại một con mắt để từ đó trở đi “chỉ nhìn đời bằng một con mắt”. Một hành động, theo tôi, là dũng cảm đối với một phụ nữ. Trên thế gian này chưa chắc có được một người đàn ông – chứ không nói gì một người phụ nữ – đủ can đảm, thừa nghị lực để tự chọc vào mắt mình!

Năm 1958, bà Thụy An đã từng nói: “Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…”

Trong thời gian đầu khi bị giam giữ chờ ngày ra tòa, bà đã vượt qua mọi hình thức cân não, đấu tranh tư tưởng của cán bộ chấp pháp. Tuy nhiên, theo lời bà, sự căng thẳng duy nhất, khó vượt qua nhất, lại là tiếng giọt nước nhỏ đều đều suốt đêm từ robinet đâu đó vang đến phòng giam. Từng giọt… từng giọt… suốt đêm này qua đêm khác khiến thần kinh căng lên như dây đàn giữa đêm thanh vắng…

Nhà phê bình Thụy Khuê trong bài nhận định “Thụy An là ai?”, đã viết:

Thụy An là khuôn mặt nổi trội, bị kết án nặng nề nhất. Trường hợp của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, và cho đến nay, chưa mấy ai hiểu được những khúc mắc ở bên trong.

Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong “hàng ngũ phản động”, bà bị quy kết là “gián điệp quốc tế”, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Ðang. Những lời thoá mạ nhơ bẩn nhất dành cho bà “Con phù thủy xảo quyệt” cùng những lời lẽ độc địa nhất: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân” (Bàng Sĩ Nguyên, BNVGPTTADL, trang 120).

Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh thần dân chủ.

Ðáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà là nhà báo đầu tiên chủ trương các tờ Ðàn bà mới, tại Sài gòn, từ 1934, và Ðàn bà, Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một linh hồn, 1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền (nhà cầm quyền CS) chưa hề trả lại cho bà phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn,  một cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi danh dự.

Gia cảnh Thụy An và cái chết của Đỗ Đình Đạo

Người con của Thụy An là Bùi Thụy Băng cho biết về hoàn cảnh gia đình và tình trạng sức khỏe của mẹ mình: “Là đứa con trai thứ nhì, tôi là người gần mẹ tôi nhất vì từ năm 1943 trở đi mẹ tôi bệnh tật luôn luôn. Mới 6 tuổi tôi đã trông nom mẹ tôi. Anh cả tôi là Bùi An Dương bị bệnh hen suyễn từ khi mới sinh ra nên rất yếu đuối và mẹ tôi đã cho anh An Dương khi chưa đầy một tuổi, làm con nuôi ông bà Trần Trọng Kim (cụ Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim là anh, chị ruột của ba chúng tôi)”. (Ðiện thư ngày 15/12/2004)

Theo Bùi Thụy Băng: Từ năm 1952, Thụy An vào Nam. Ông Ðỗ Ðình Ðạo là Giám Ðốc Quân Thứ Lưu Ðộng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng từ 1950 đến 1954. Ông Ðỗ Ðình Ðạo còn là bạn thân của ông Bùi Nhung, trước khi ông Bùi Nhung mất, hai người còn liên lạc với nhau. Sau trận Ðiện Biên Phủ, ông Ðỗ Ðình Ðạo có lệnh của VNQÐD, phải ở lại Hà Nội để chống Việt Minh. Thụy An không biết chuyện đó.

Năm 1954, Thụy An ra Hà Nội với chủ đích đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở Hoà Xá là quê hương bà, nơi có những người tin cẩn nhất, và Hoà Xá cũng là một trong những làng có truyền thống chống cộng. Với hành động này, Thụy An trở thành nhà  văn đầu tiên tổ chức chống lại chính quyền cộng sản, trong lòng chế độ.

(còn tiếp)