Ngày mùng 5 tháng 9 vừa qua, khắp 64 tỉnh thành cả nước Việt Nam vừa đồng loạt cử hành “Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường” (trước đây gọi là Ngày khai trường). Theo thống kê của ngành giáo dục, trong niên học 2012- 2013 này, tổng số học sinh các bậc, không kể sinh viên các trường cao đẳng và đại học, là 22,000,000 em theo học hơn một triệu giáo viên tại 40,000 trường học các loại. Lướt qua một loạt các trường trung tiểu học Sài Gòn, kẻ viết bài ngạc nhiên vì không thấy vẻ náo nức, trang trọng, bồi hồi trên nét mặt học sinh, giáo viên, như lẽ ra phải có sau ba tháng hè xa cách. Hỏi ra mới biết, Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày 5 tháng 9, chỉ là nghi thức, còn trong thực tế, trăm phần trăm các trường đã khai giảng vào tháng 8, hoặc sớm hơn, từ tháng Bảy.

Trẻ vùng quê đã tựu trường từ tháng 8
Trên các vỉa hè Sài Gòn, nổi bật màu đỏ của các các quầy bánh trung thu Đồng Khánh, Kinh Đô, Bibica dựng san sát. Giữa dòng xe cộ ken dầy, dễ dàng gặp cảnh đằng trước bà mẹ thận trọng lái xe lội nước, nhích từng bước, đàng sau đứa con bốn năm tuổi ngủ ngoặt ngoẽo, bị đai chặt vào lưng mẹ, mũ bảo hộ trùm đầu, bên ngoài là khăn voan bọc cả mũ cả đầu. Những trẻ lớn hơn, không bị “gói đầu” thì “tranh thủ” ăn sáng, ôn bài ngay sau lưng mẹ. Miệng nhai nuốt nhồm nhoàm, tay giở vở, thỉnh thoảng đẩy đẩy chiếc kính cận trên sống mũi. Bọn học trung học, không thích bị “tho” mà tự đến trường bằng xe đạp hoặc chở nhau trên xe gắn máy. Chúng vừa lái xe vừa cãi vã, cấu chí, đùa nghịch, bấm handphone, quay video clip, gây không ít tai nạn giao thông đáng tiếc. Được hỏi ấn tượng nhất về học sinh Sài Gòn mùa khai trường là gì, các chị bán bánh mì, nước sâm, đồ chơi, trái cây ướp lạnh gần trường Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình đều bảo, là “ngôn ngữ tuổi tiên (teen)”. Vợ chồng chủ quán game đường Nguyễn Chí Thanh quận 5 cũng tuôn hàng tràng chuyện về các game thủ trường Hồng Bàng thường xuyên cắm quán sau giờ học. Câu nào cũng đu đeo hàng chùm “Đ.M” kinh điển. Nghe “tiếng thơm” về ngôn ngữ, phong cách học sinh, thầy Từ, giáo viên thể dục, thầy Thanh, giáo viên quản nhiệm trường T. V. K không hề kinh ngạc. Thầy Từ bảo chỉ cần sểnh mắt một chút, lập tức có đổ máu trong sân thể dục, nhà vệ sinh. Thầy Thanh bảo cảnh tốc váy nữ sinh, xô xuống cầu thang, vứt xương gà, hắt canh nóng vào mặt nhau trong phòng ăn, không tuần nào không có, mà để giải quyết, ban kỷ luật nhà trường chỉ gọi cha mẹ đương sự lên, hạ một chữ đuổi lạnh lùng, quyết liệt.

Chờ con tan học
So với Sài Gòn, hình ảnh khai trường ở các vùng xa xôi có phần êm ả hơn. Tại đấy, các quán cà phê, sạp thịt, hàng ăn, trại mộc, rẫy mì, ngoài công việc kinh tế thường kiêm luôn chức năng thông tin. Sáng xách giỏ đi chợ, ghé uống cà phê, mua tấm vé số, chào hỏi nhau, người ta có thể biết hôm nay hồ tiêu, cao su thu vào bao nhiêu, thực phẩm Trung Quốc độc hại nào mới xuất hiện, xăng lên giá mấy trăm… Nhưng từ trung tuần tháng Tám trở lại đây, thông tin được “biên tập miệng” nhiều nhất, chiếm sự quan tâm nhiều nhất của mọi giới, không phải là thời sự quốc nội quốc tế, mà là tiền trường đầu năm, tiền bảo hiểm y tế, tiền sách vở cho “sắp nhỏ”. Được hỏi về những khoản chi đầu năm học cho đứa con lớp hai, chị Chúc bán trái cây chợ Bưng Riềng giơ sáu ngón tay – 600,000 đồng. Còn bà Mí, mẹ của ba đứa con đang học tiểu học, làm nghề nhổ mì thuê ở thị trấn Đất Đỏ – Bà Rịa thì “Cứ cái gì của đứa lớn thải ra mà còn tốt thì đứa nhỏ phải dùng lại. Khóc lóc, phân bì là ăn đòn tét đít”. Hãy nghe vài con tính của bà Mí: Bộ sách giáo khoa của đứa trước học xong chuyển cho đứa sau. Bằng không, đem ra tiệm sách cũ bán, thu về 30% tổng giá, rồi mua (cũng tại đó) bộ sách cũ đúng cấp lớp, giá chỉ bằng phân nửa giá bộ sách mới. Về quần áo đi học, trường xã rất “mềm”. Họ không ép phải mua đồng phục tại trường với giá cắt cổ như trường thành phố mà cho phụ huynh tự lo. Cấp nào, học sinh cũng mặc quần tây xanh dương, áo sơ mi trắng ngắn tay (riêng nữ sinh trung học mặc áo dài trắng). Đám con bà Mí, chỉ đứa lớn là được mẹ may cho hai bộ đồng phục mới, ba trăm ngàn đồng một bộ cả vải lẫn công may. Hai bộ, thêm thắt lưng, mũ nón, giầy dép, túi xách, vở viết… tròm trèm một triệu đồng. Bà mẹ than, tiền công nhổ mì chỉ 120,000 đồng/ngày. Tháng bốn triệu là cao tay, chi phí đi học cao quá, chắc phải coi lại…

Chọn mua váy áo đồng phục cho con gái tựu trường
Khá hơn bà Mí, là vợ chồng anh An, công nhân khu chế xuất Singapore tỉnh Bình Dương, bà Sáu bán cây chợ Mỹ Tho. Những người này tuy thu nhập ổn định, nhưng trước khoản tiền 2,800,000 đồng đóng cho nhà trường để đứa con sáu tuổi của họ được nhận vào lớp một, đều tỏ ra không vui. Càng không vui hơn khi tiền quần áo đồng phục, tiền đồ dùng học tập, tiền xe đưa rước hàng tháng cộng hết lại “còn hơn bão Tembin, thổi thiếu điều bay luôn tháng lương của tui với bà xã”, anh An ví von pha trò mà nét mặt méo xệch.
Trong khi phụ huynh đối mặt với nỗi lo ngày tựu trường, thì đám con họ cũng “nặng gánh âu lo”. Có điều nỗi lo của chúng khác người lớn. Nguyễn Trần Duy Thái, học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 trường Hòa Hội, Vũng Tàu thú thật, lo nhất không phải là bài vở, thầy cô, trường lớp mà là đám bạn học mới. Mình “Hai Lúa”quá, tụi nó khi dễ, không chơi. Còn nổi đình đám quá thì bị hăm he, dằn mặt. Nạn “chào đường”, dàn cảnh đụng xe lầm, đánh ghen lộn đã có xảy ra. Chị Minh Tuyết, chủ một tiệm bán đồ lưu niệm ngay thị trấn huyện Tân Uyên – Bình Dương nhận xét, tiếng là vùng xa nhưng các teen ở đây vẫn rất “sành điệu” trong việc nghe nhạc, ăn uống, theo thời trang Đài Loan, Hàn Quốc. Đám con gái, hễ nghe kẹp tóc, nhẫn, vòng tay, dây lưng, thú nhồi bông, túi đựng điện thoại Trung Quốc, Hàn Quốc mới về là sốp-pinh ào ạt, trả vài trăm ngàn không tiếc. Bọn con trai thì học đòi cà phê, thuốc lá ngoài cổng trường, so đọ đồng hồ, dế (handphone), ngựa (xe gắn máy), lap top, máy nghe nhạc, máy học tiếng Anh…
Xem ra trong ngày tựu trường 5 tháng 9 vừa qua, để có hai mươi hai triệu học sinh các loại được hưởng niềm vui vào lớp, thì ngoài cổng trường, hàng loạt “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” dựng lên tua tủa, thử thách bước chân của những người làm cha làm mẹ. Nhiều bà mẹ chân bước lên cầu, tay nắm tay con vỗ về, khuyên nhủ “Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Không biết các bà có hay trường học, trường đời, trường nào cũng có cái khó riêng, không dễ đi chút nào.

Sách giáo khoa, mặt hàng hút khách nhất trong mùa tựu trường
Trẻ em Lào Cai ngày tựu trường