Menu Close

Rút dây kinh nghiệm

Hôm qua là một ngày đẹp trời. Trên trời chim vừa bay vừa ‘tám chuyện” ríu ra ríu rít, dưới đất cây đung đưa ưỡn ngực hứng những giọt nắng dịu dàng  sau bao ngày mưa mù mịt. Mọi thứ đều tốt lành trừ… tôi.

rut-day-kinh-nghiem5
Nắng đẹp

Một thứ sẽ rất tốt đẹp nếu tôi không… siêng năng đột ngột. Khi không sau khi choàng dậy dưới khung cảnh nên thơ ấy, không ai biết bị thế lực nào điều khiển mà tôi không chịu ngồi im ngắm. Còn bày đặt “xài sang” mua hẳn ly cà phê 15k, định bụng uống cho tỉnh táo rồi mần việc dưới khung trời đầy chim, trên mặt đất đầy cây ấy mà quên lửng mình chưa ăn sáng. Ðể rồi vì vậy bị say cà phê lờ đờ, tim đập liên hồi tới tận trưa. Trưa mới đỡ đỡ cơn say cà phê, vừa mới trang điểm lộng lẫy, trang phục chỉnh tề, lúc lắc mông đi ra khỏi cửa tầm 5 bước tôi đã “được” những con chim bồ câu nhà hàng xóm nuôi chào thân ái bằng một cái… ị lên đầu. Phải chạy dzô trở lại vừa “giải quyết hậu quả” vừa nghĩ đến món bồ câu quay, bồ câu nấu cháo đậu xanh, bồ câu rô ti, bồ câu nướng…

Lần này ra khỏi nhà tôi mang theo cây dù thật to, hiên ngang đứng chờ xe ôm trước cổng với một nắm sỏi, mỗi phút xe ôm đến chậm sẽ có vài viên sỏi bay lên nóc… nhà hàng xóm. Khi bà ta chửi om lên vì không biết ai “phá nhà” bả (cũng không hề nghĩ tôi làm chuyện “bậy bạ” đó được) cũng là lúc tôi lên xe đến chỗ hẹn vì có người đang “mài” mắt mong chờ.

Không hiểu sao, đi chưa được nửa cái hẹn trời mưa giữa cơn nắng chưa kịp tắt. Khi bác tài vừa định vô trú mưa thì trời lại ngưng, tiếp tục ra đường đi một đoạn thì trời lại mưa… Cứ như thế mấy bận mà tới chỗ hẹn, người chờ tôi cả tiếng phải xin lỗi tôi rối rít rồi năn nỉ để được đưa tôi dìa vì bộ dạng  tôi lúc này còn thảm hại hơn lúc “được” con chim vô lại nhà hàng xóm ị lên đầu. Sau khi về nhà, tôi “hân hạnh” biết mình quên chìa khóa, sau một hồi loay hoay, chờ thợ mở khóa thì toàn thân mắc mưa của tôi cũng khô queo.

Theo “truyền thống”, chiều tôi lên cơn sốt, cơn bệnh còn mấp mé ngay cửa chộp lấy cơ hội mà nhào vô dọn sạch chút sức khỏe vừa mới lên mầm. Cũng chính vì sốt mà tôi phải uống thuốc, cái thứ thuốc tôi uống cả tháng nay nên chỉ nhìn thôi là muốn nhợn. Ðể rồi buổi tối, trong lúc vừa nói chuyện với anh bạn bác sĩ quen về bệnh tình của mình vừa uống thuốc, không biết ảnh nói câu chi mà tôi lỡ… răng nhai luôn thuốc, phải ôm cái miệng đắng nghét chạy đi súc miệng. Trong lúc súc miệng thì tôi chợt nhớ mình bỏ đồ vô máy giặt mà chưa bấm nút. Thế lại tất tả chạy đi lên tầng thượng làm “nhiệm vụ”.

Sau đó, những tưởng mình sẽ có một buổi tối an lành và một giấc ngủ an tâm nên tôi đứng trên tầng thượng, vừa hóng gió vừa run cầm cập chờ máy giặt xong đồ. Sau khi ngắm nghía hết bốn phía, rình hết mọi căn nhà có những cánh cửa ‘sơ hở”, tôi thỏa mãn, thong dong đem đồ ra treo lên móc. An tâm sáng hôm nay dậy có thể… rình tiếp mấy nhà hàng xóm sau những tấm váy bay bay mà không sợ bị “phát hiện”, tiện tay có thể chọi mấy con chim bồ câu béo ục ịch sắp bay không nổi. Và bắt đầu một ngày mới tốt đẹp sau khi đã “rút kinh nghiệm”: phải ăn sáng trước khi uống cà phê, phải mang dù, áo mưa khi ra đường, phải mang chìa khóa sau khi khóa cửa, phải uống xong thuốc mới nói chuyện, bỏ đồ vô máy giặt phải bấm nút… và hàng ngàn những cái kinh nghiệm khác mà một người hay quên như tôi phải rút mỗi ngày.

Nhưng, lại nhưng… Ðời không như là mơ, dẫu là một giấc mơ rách rưới. Khi cái áo cuối cùng được cánh tay ngà ngọc của tôi nâng niu ra khỏi lồng máy giặt thì một hình ảnh đập vào mắt, khiến tôi muốn… cắn nát, nuốt luôn vô bụng cánh tay ngà ngọc này, đống váy sẽ bay bay này, cái máy giặt này lẫn cả thế giới này. Vì, sau cái váy cuối cùng là hình bóng cô đơn của cái điện thoại thân thương của tôi. Nó nằm đó, im ru. Tượng trưng cho cái kinh nghiệm hàng ngàn lần tôi đã rút: Không cầm điện thoại đi ra khỏi “vùng an toàn” của nó… Cái kinh nghiệm chỉ vỏn vẹn mấy chữ nhưng rất đắt tiền và tốn thời gian.

Không biết người ta sao chứ với riêng tôi, để có thể xài điện thoại nguyên vẹn là cả một quá trình không ngừng tiết kiệm, học tập và rèn luyện. Vì sau một đống lần thay điện thoại tôi mới biết tôi hợp với loại điện thoại nào. Rồi sau một đống lần phải thay màn hình, tôi mới biết trên đời này có cái gọi là màn hình kính cường lực, nó sẽ giúp cái điện thoại hay rớt của tôi lâu… bể hơn. Vì nó vẫn sẽ bể, nhưng phần lớn “lực chịu đựng” sẽ được cái mặt kính cường lực đưa thân chống đỡ. Rồi sau một… đống lần thay pin, tôi mới biết không nên tải và đăng nhập quá nhiều mạng xã hội một lúc, chúng sẽ “ăn sạch” pin của điện thoại mặc dầu tôi không hề đụng tới.

Sau hàng loạt kinh nghiệm, khó nhất là cái kinh nghiệm “không cầm điện thoại đi ra khỏi vùng an toàn” mà tôi vừa mới mắc phải ở trên. Nó đã sinh ra sau rất nhiều lần tôi được “tận hưởng” cảm giác thành người cách biệt với xã hội, mất hết liên lạc với thế giới và thông tin vì không có điện thoại xài. (Vì lúc đó, có thể điện thoại thân yêu của tôi vừa rớt xuống nước, nhảy khỏi ban công, bay vào nồi lẩu, nằm khóc thút thít trong lồng máy giặt hoặc “lưu lạc” ở một nơi nào đó mà chúng tôi không thể nào “gặp lại” nữa.) Nhiều khi chợt rùng mình nghĩ, nếu mỗi cái điện thoại là một con người bình thường, có thể viết nhật ký/tiểu thuyết thì tôi sẽ là tên sát nhân hàng loạt, vừa bạo lực vừa biến thái, có sở thích bệnh hoạn nhất thế gian…

Tuy rằng tất cả mọi chuyện xảy ra tôi đều không hề cố ý. Ai biết được, mỗi lần bạn lạ quan tâm hay bạn thân thờ ơ khi thấy cái điện thoại có cái màn hình lúc nào cũng có một chỗ nứt của mình, tôi đều e thẹn. Ai hiểu được, mỗi lần rút tiền ra trả cho mấy chỗ sửa điện thoại hay phải mua điện thoại mới lòng tôi đều rướm máu. Ai tin được, một người nhiều chuyện như tôi mà có lúc không hề biết trên mạng đang có một câu chuyện nào đó “dậy sóng” vì đang mắc ôm cái “xác” điện thoại cũ đau lòng vì chưa đủ tiền mua điện thoại mới… Và ai hiểu được, sự ngây ngốc của tôi sau khi mua được điện thoại, “hòa nhập cộng đồng” bằng cái đầu trống rỗng, lướt qua những câu bình luận đầy ẩn ý của cư dân mạng về sự việc họ quan tâm mà không hiểu họ nói gì, về sự kiện nào.

Hỏi thì bị chê bai không quan tâm thời cuộc, nhưng không hỏi, nói bậy bạ có khi chết chìm trong sự sỉ vả của toàn thế giới (Như cô ca sĩ Mỹ Linh bị cư dân mạng ném gạch đá hổm rày vì ủng hộ xây nhà hát trên khu đất còn nặng nề oan khuất của người dân Thủ Thiêm). Thế mới biết sự lệ thuộc về thông tin của con người vào điện thoại thời buổi này (nhất là những người thường xuyên di chuyển hoặc bận rộn không thể chớp miếng thời gian rảnh mà móc từ trong túi/giỏ xách ra cái… laptop đọc tin mới được!). Chính vì câu chuyện “thương tâm” của cái điện thoại mà sau  khi leo lên giường đêm qua cho đến lúc thức dậy sáng nay. Tôi dành nửa thời gian để buồn và nửa thời gian để cầu nguyện cho hôm nay là một ngày… xấu! (Vì theo kinh nghiệm (của tôi) rút được từ hôm qua, ngày xấu thì đời tôi sẽ… đẹp hơn)

rut-day-kinh-nghiem4
Ngày đẹp

Sáng hôm nay, tôi quyết tâm phải nhớ lại hết những sai lầm hôm qua và mang hết các kinh nghiệm đó mà sống thật… kỹ trọn ngày hôm nay. Vì vậy, tôi ráng ăn hết nửa nồi cơm nguội thật to, sau khi ăn no, tôi mới pha ly cà phê và mở cửa “kiểm tra” độ… đẹp của ngày. Thật… may, trên trời chim không có (chắc chúng trốn hoặc vô nồi của một bạn nào đó hết rồi?), dưới đất vẫn nhiều cây nhưng không “đứa” nào “dám” ưỡn ngực hùng hồn hứng nắng như hôm qua, có lẽ do sợ tôi vặt sạch, cũng có thể do tôi vừa cầm nguyên xô nước tưới ‘nhiệt tình” cho chúng không còn cách nào hớn hở như hôm qua nữa (có khi nào vì hành động này mà lũ chim trốn sạch?). Thật may, chim lẫn cây đều không phải do tôi trồng, chớ có mệnh hệ gì, ngày mai tôi lại phải rút thêm một cái kinh nghiệm.

Sau khi an tâm vì trời… không đẹp, tôi lấy cái giỏ thật to, đựng hai cây dù, hai cái áo mưa, hai bộ quần áo, chìa khóa dự phòng để phòng ngừa và rút một cách nghiêm chỉnh những kinh nghiệm mà mình đã rút hôm qua. Thay đồ, trang điểm, ra cổng, lên xe, tới chỗ sửa điện thoại… mọi thứ đều hoàn hảo cho đến khi tôi mò, tìm, kiếm, lục khắp mọi ngõ ngách cái giỏ và trên người mình, tìm không ra cái điện thoại đáng thương đêm qua. Thế là cố lấy hết sức bình ổn tâm tình (còn khó hơn bình ổn thị trường) chạy về nhà lấy điện thoại rồi tiếp tục chạy ra tiệm sửa điện thoại. Sau một hồi trình bày “sự cố”, nguyên nhân và kết quả, đến khi có thể viết thành cuốn tiểu thuyết ngắn. Có số chữ “đông” khoảng hơn chục lần phần “tóm tắt” tôi kể ở trên. Rất may, vì là khách hàng “thân thiết” nên anh chủ tiệm vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng, thông cảm, luôn miệng an ủi: “anh hiểu mà… ừ… hiểu mà…” Rồi sau đó anh kiểm tra máy, kiểm tra hồi lâu anh nói:

rut-day-kinh-nghiem3
Cà phê ngon
rut-day-kinh-nghiem2
Người nhiều “kinh nghiệm” nhất… xóm tôi (trước khi say cà phê)

– Cái này phải thay vài thứ, gần bằng tiền cái điện thoại đó. Mà mai chuỗi cửa hàng anh có khuyến mãi mừng 10 năm khai trương, khách hàng thân thiết giảm 20%, nhưng em thuộc dạng VIP rồi, giảm cho em 40% luôn. Nếu không gấp thì mai em lại đi, không thì để máy ở đây mai lại lấy cũng được.

Tôi thỏ thẻ: Sao hôm nay anh không bớt rồi tính cho ngày mai luôn?

Ảnh trả lời: Không được, rút kinh nghiệm năm ngoái. Giảm trước cho em khách khác phân bì, cái chiều theo miết là sau khi mừng 10 năm khai trương công ty anh dẹp tiệm luôn à?

Sau một hồi ai oán nhìn, nhìn, rồi lại nhìn anh chủ tiệm cùng mấy bạn nhân viên đang bận rộn, tôi đứng lên mang con tim tan nát quay về. Cứ mỗi một, hai bước ra cửa, tôi quay lại ngó ảnh một cái, mỗi một, hai bước tôi lại ngó ảnh, ngó, rồi ngó, lại ngó… Cuối cùng, khi thấy trước mặt là cánh cửa, tôi định quay lại ngó cái nữa thì giựt mình, anh chủ tiệm đang đứng sau lưng trợn mắt nhìn tôi và gào lên:

rut-day-kinh-nghiem1
Những người nhiều “kinh nghiệm” nhất nước VN. Từ google

– Tôi sợ cô quá rồi, đưa đây tôi sửa cho!

Tôi mừng rỡ, thề thốt: Em rút kinh nghiệm rồi. Mốt trước khi đi sửa điện thoại em sẽ gọi cho anh hỏi ngày mai có… mừng khai trương không cho đỡ tốn!

Trong lúc tôi cười tít mắt, đang tự khen mình thông minh, thì giọng của cha anh chủ tiệm vang lên:

– Rút sao cho điện thoại đừng hư nữa bây. May mà bây mần dân thường chứ làm trong bộ chính trị chắc dân không còn… quần để rút quá!

rut-day-kinh-nghiem
Hậu quả sau những lần “rút kinh nghiệm”

DU

Sài Gòn – VN