Menu Close

Mỹ – Trung chiến tranh lạnh?

Tin tức gần đây cho biết nhiều giới chức chóp bu của chính phủ Trung Quốc hiện đang ngày càng lo ngại về một hiện thực rằng Tổng thống Donald Trump không chỉ nói suông mà thực sự đang quyết tâm thực hiện lời hứa khi tranh cử của ông là sẽ làm đảo lộn mối quan hệ song phương giữa hai nước đã có từ mấy thập niên qua. Theo quan điểm của Trump, mối quan hệ này không có lợi cho nước Mỹ. 

my-trung-chien-tranh-lanh
nguồn menafn.com

Kể từ đầu hè cho tới nay, mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ngày càng xấu đi một cách nhanh chóng trên đủ mọi phương diện, từ thương mại cho đến quân sự và chính trị.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy hai quốc gia này đang ngày càng tiến dần đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh. Ít ra ngay vào lúc này, cuộc chiến tranh lạnh đó chưa bắt đầu nhưng mối quan hệ giữa hai bên đã rơi vào tình trạng lạnh nhạt như chưa từng thấy từ trước tới nay.

Gần đây nhất, hôm Thứ Năm 4/10 vừa qua, trong bài diễn văn đọc tại Viện nghiên cứu Hudson của giới bảo thủ tại Washington, Phó Tổng thống Mike Pence đã lên tiếng kêu gọi cần phải đặt lại ưu tiên về mối quan hệ Mỹ-Trung. Pence chỉ trích Trung Quốc về âm mưu thực hiện những vụ tin tặc và gián điệp bên trong nội địa Hoa Kỳ, về việc đánh cắp những bí mật kỹ thuật của Hoa Kỳ, về những chính sách thương mại bất công, về chính sách ngoại giao bắt chẹt, và những vụ đàn áp tôn giáo và những nhóm sắc tộc thiểu số ở bên trong nội địa Trung Quốc. Pence đưa những lý do trên để biện hộ cho chính sách hiện nay của Toà Bạch Ốc xem Bắc Kinh như một đối thủ trong thời đại mà ông gọi là “sự cạnh tranh giữa hai cường quốc” – một dấu chỉ cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đang tách ra và hướng tới một chính sách khác hơn so với những chính phủ trước đây với hy vọng là có thể buộc Trung Quốc phải chấp nhận đóng vai trò là một thành viên có trách nhiệm hơn trong sự vận hành của một hệ thống quốc tế hiện nay.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh một tuần sau đó vào hôm Thứ Tư 10/10, Phó Tổng thống Pence đã nhắc lại thông điệp trên, nói với người phỏng vấn rằng Trung Quốc đã hầu như từ bỏ con đường tiến tới một xã hội mà người dân của họ được hưởng tự do hơn. Ông cũng kể ra cả một danh mục gồm những lời than phiền về những hành vi của chính quyền Trung Quốc, kể cả việc chính quyền trung ương đang biến Trung Quốc thành một quốc gia mà sinh hoạt của người dân bị theo dõi từng đường đi nước bước, thậm chí từng mỗi lời nói của họ cũng bị giám sát.

my-trung-chien-tranh-lanh2
Chiến tranh lạnh Trump-Tập – nguồn The Wall Street Journal

Cũng hôm Thứ Tư, một uỷ ban quốc hội chuyên quan sát và theo dõi nhân quyền ở Trung Quốc đã có một cuộc thảo luận về sự kiện gần đây chính quyền Bắc Kinh bị tố cáo là đã ra sức đàn áp những người Hồi Hột (Uighur – Duy Ngô Nhĩ) theo Hồi giáo ở khu vực Tân Cương. Các phúc trình cho biết có tới 1 triệu người Hồi Hột và một số sắc tộc thiểu số khác đã bị đưa vào các “trại cải tạo”. Ðồng chủ tịch của uỷ ban trên gồm có Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hoà – Florida) và Dân biểu Christopher H. Smith (Cộng hoà – New Jersey) đã đưa ra một dự luật nhằm lên án chính quyền Trung Quốc về những vụ đàn áp nói trên và thúc giục chính phủ Hoa Kỳ xem xét việc trừng phạt kinh tế đối với một số lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Trong một cuộc điều trần khác tại thượng viện tuần qua, Christopher Wray, Giám đốc cơ quan điều tra FBI, cũng đồng thanh với ý kiến của phó tổng thống cho rằng đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc nguy hiểm hơn Nga, với nguyên văn: “Ở nhiều khía cạnh, Trung Quốc là đại diện cho mối đe dọa phản gián sâu rộng nhất, phức tạp nhất, lâu dài nhất mà chúng ta đang phải đối đầu.”

Chính sách ngoại giao đảo ngược đột ngột của Washington đã gây một cú sốc bất ngờ cho một số lãnh đạo của Bắc Kinh mà trước đây họ tưởng là đã nắm chuôi được Donald Trump. Tháng 8 năm ngoái, một bài quan điểm đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo, một cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã gọi Trump là “con cọp giấy”, ý nói một con người bề ngoài thì đao to búa lớn nhưng bên trong yếu xìu. Nay thì các giới chức lãnh đạo của Bắc Kinh đã cẩn thận hơn và ngày càng nghiêng về quan điểm cho rằng mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là tìm cách ngăn cản Trung Quốc bằng bất cứ giá nào.

my-trung-chien-tranh-lanh3
Chiến tranh thương mại leo thang – nguồn Zero Hedge

Bên cạnh mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước thì cuộc chiến thương mại cũng ngày càng leo thang và hai bên tìm cách đánh thuế trên các món hàng nhập cảng của nhau. Ngoài ra còn có những va chạm nhỏ trên lãnh vực quân sự. Hoa Kỳ liên tiếp đưa chiến hạm đi tuần hành cũng như cho chiến đấu cơ B-52 có khả năng mang vũ khí nguyên tử bay qua khu vực Biển Ðông, gần với những bãi cạn mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng và nhận chủ quyền trong thời gian gần đây, nêu lý do thực hiện quyền tự do hàng hải đã được quốc tế công nhận. Mới đây nhất, Hoa Kỳ đã tuyên bố bán một lô vũ khí cho Ðài Loan trị giá lên tới $330 triệu. Những việc làm này đã gây sự tức giận không ít từ phía Trung Quốc.

Ðể phản đối lại những hành động này của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã hủy một cuộc họp giữa các giới chức lãnh đạo hải quân của hai nước, hoãn lại một cuộc đối thoại quân sự giữa hai bên và từ chối không cho một tàu chiến hải quân Mỹ được phép cập bến Hồng Kông. Ðáng chú ý hơn nữa, Trung Quốc đã bất ngờ hủy bỏ một cuộc họp thường niên vào trung tuần Tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và một giới chức quân sự cấp cao của họ.

Theo nhận định của Mark Valencia, một chuyên gia về Á châu, cho thấy trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay có nhiều điểm tương đồng về địa chính trị nếu đem so với mối quan hệ Hoa Kỳ-Liên Sô vào thời điểm bắt đầu của cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ trước.

my-trung-chien-tranh-lanh1
Truman và Stalin khởi đầu chiến tranh lạnh nguồn Slideshare.net

Trên thực tế, thái độ hung hăng và cùng lúc là những thắng lợi chính trị của Trung Quốc ở châu Á – và sự chuyển hướng gần đây của Hoa Kỳ quay sang chính sách không mấy thân thiện đối với Trung Quốc – phần nào phản ánh một sự tương tự như tình trạng căng thẳng đối đầu ở Âu châu đã khởi đầu cho cuộc chiến tranh lạnh.

Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô bắt đầu vào năm 1947 với sự tuyên bố của Hoa Kỳ về chính sách “ngăn chặn” với mục tiêu là ngăn cản chính sách bành trướng và gieo rắc chủ nghĩa cộng sản của Liên Sô. Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Harry Truman đã mô tả cuộc xung khắc trên như là một cuộc đấu tranh giữa “những con người tự do và chế độ toàn trị”. Trong một ý nghĩa nào đó, đây là một cuộc đụng độ của những giá trị và nguyên tắc căn bản của xã hội loài người.

Một tập tài liệu có tên Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ phát hành vào cuối năm ngoái đã so sánh cuộc xung đột Mỹ-Trung hiện nay giống như “một cuộc tranh giành địa chính trị giữa những quan điểm về tự do và đàn áp của trật tự thế giới …” Tập tài liệu này cũng gán cho Trung Quốc nhãn hiệu là một “cường quốc đang tìm cách thay đổi.” Ðiều này có nghĩa là Hoa Kỳ nghĩ Trung Quốc đang muốn tìm cách thay đổi những quy luật, tiêu chuẩn và giá trị hiện hữu đang được dùng để ràng buộc mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau – tức là một thứ “trật tự quốc tế” đang được vận hành.

Một giả thiết mà phía Hoa Kỳ đưa ra trong thời chiến tranh lạnh là Liên Sô sẽ tự mục ruỗng từ ngay trong cốt lõi và cuối cùng sẽ sụp đổ dưới những áp lực kinh tế và chính trị – và điều này thực sự đã xảy ra năm 1991. Một số nhà hành pháp của Hoa Kỳ hiện nay dường như cũng đang cưu mang niềm hy vọng giống như vậy về tương lai của Trung Quốc.

Mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là một cuộc đấu tranh leo thang toàn diện giữa hai cường quốc, không chỉ trong lãnh vực ngoại giao, quân sự, chính trị, tư tưởng – mà theo ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc và là chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng đây còn là “một cuộc chiến thương mại, một cuộc chiến đầu tư và một cuộc chiến kỹ thuật.”

Nếu nói vậy, phải chăng đây có thể là bước khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mang đặc tính của thế kỷ 21.

VH