Menu Close

Biếng ăn

Hỏi:

Thưa bác sĩ,

Bà xã tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Về dinh dưỡng, tôi đã cố gắng kiếm đủ cách để bà ấy ăn. Tuy nhiên nhiều khi nhà tôi không muốn ăn. Xin bác sĩ nói về các nguyên nhân này. Cảm ơn bác sĩ. 

Lê Văn Thà

Đáp:

Thưa ông Thà,

Ăn mất ngon, bất kể do nguyên nhân nào, là một vấn đề quan trọng đối với người cao tuổi. Thực phẩm mang năng lượng cho mọi sinh hoạt của cơ thể, và là nguồn chất liệu để tu bổ, tái tạo các loại tế bào. Khi không có đủ chất dinh dưỡng thì các hậu quả sau đây xảy ra:

– Sụt cân, cơ thể mệt mỏi, bắp thịt teo.

– Tâm thần buồn rầu, dễ bị biến chứng của nhiều bệnh.

– Giảm khả năng miễn dịch, không bền sức, kém chịu đựng khi cần giải phẫu. -Có nguy cơ tử vong nếu mỗi năm sụt đi 5% trọng lượng cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân làm người ta ăn mất ngon:

  1. Bệnh tật

Có nhiều bệnh làm thay đổi khẩu vị, ăn uống khó khăn; hậu quả là người bệnh ăn mất ngon, dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng. Chẳng hạn như:

  1. Bệnh ung thư,  nhất là ung thư phổi và bao tử.
  2. Bệnh nhiễm trùng như trong trường hợp bệnh lao, bệnh HIV-AIDS.
  3. Bệnh nội tiết như tuyến giáp trạng ác tính, bệnh tiểu đường .
  4. Suy sụp tinh thần, như các trường hợp trầm cảm, buồn phiền vì sống cô độc hay thương nhớ người thân đã mất cũng gây biếng ăn, kém ngủ rồi gầy yếu.
  5. Nghiện rượu

Rất thường xảy ra ở người cao tuổi. Khi uống rượu say, họ không muốn ăn uống. Sau cơn say, họ ói mửa, tiêu chảy, cũng không muốn ăn. Rượu cũng gây hư  hỏng chức năng và cấu trúc của gan, ảnh hưởng tới sự tiêu hóa, hấp thụ và dự trữ năng lượng, các loại sinh tố và khoáng chất cần thiết.

  1. Tác dụng phụ của dược phẩm

– Thuốc trụ sinh gây tiêu chảy và làm thay đổi vị giác, khứu giác, làm người bệnh cảm thấy như thực phẩm có mùi vị khác đi, do đó ăn mất ngon.

– Thuốc trị ung thư làm ta ăn mất ngon, đồng thời cũng gây táo bón, ói mửa, tiêu chảy

– Các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ… giảm cảm giác ngon miệng khi ăn.

– Vài loại thuốc làm khô miệng (cogentin, artane…) khiến việc nhai nuốt thức ăn khó khăn, do đó ăn mất ngon.

– Người cao tuổi còn kém ăn vì dùng nhiều thứ thuốc trong ngày, đầy bụng, không muốn ăn uống.

  1. Các bệnh răng miệng

Các bệnh răng miệng làm người bệnh nhai nuốt khó khăn, ăn chậm làm thức ăn nguội đi không ngon, đôi khi người bệnh bỏ dở bữa ăn.

Ngoài ra, có khoảng 25% ăn mất ngon không rõ nguyên nhân. Như trong  các bệnh tim, phổi, người bệnh vẫn ăn được bình thường nhưng sụt cân vì mất nhiều năng lượng và tăng biến hóa căn bản. Ðôi khi người bệnh ăn ít đi do thuốc trị bệnh tim phổi như steroid, theophyllin tạo nhiều hơi trong bao tử. Trong những trường hợp này, sự kém dinh dưỡng lại làm bệnh tim phổi nặng hơn vì làm giảm chức năng của cơ hoành, giảm sự trao đổi dưỡng khí.

Một số người cao tuổi vẫn ăn được bình thường nhưng sụt cân do không có người chăm sóc nên không đủ thức ăn (nghèo, yếu không đi mua thức ăn được), hoặc quá yếu không nấu nướng được hoặc  yếu sức, đau nhức không sử dụng tay hữu hiệu trong việc đưa thức ăn vào miệng, không có người bón thức ăn…

Chúng tôi đề nghị với ông là ông nên đưa bà nhà tới các Trung Tâm Người Cao Tuổi; nơi đây có nhiều người gặp nhau hàng ngày. Chúng tôi hy vọng là bà nhà sẽ vui hơn và nhờ đó lại ăn uống tốt hơn. Cảm ơn ông đã nêu ra câu hỏi hữu ích và thực tế này.

NYĐ