Sách vở ta nói về mùa thu khác xa với kinh nghiệm con người đang trải qua, tùy theo nơi sinh sống trên địa cầu. Mùa thu Huê Kỳ không tùy thuộc vào tiết trời mà theo lịch trình. Cứ đến ngày 22 tháng Chín là mùa thu tự động bắt đầu, bất kể tiết trời nóng hay lạnh, mưa hay nắng. Thu Hà Nội khác xa với thu Saigon và thu New York thì một trời một vực so với thu Orlando! Không gian khác biệt như thế nên thời [gian] xem ra không mấy gần gũi với tiết [trời]?! Thành ra khi giải thích ý nghĩa mấy bài thơ, bài hát tiếng Việt về mùa thu thì Dế Mèn bí lối, không biết giãi bày ra sao với các bạn trẻ, đành ậm ừ chào thua.
Tháng Chín Florida trời còn nóng hừng hực, hôm nào nhiệt độ cũng lơ lửng ở 93-96 độ Fahrenheit, trời đất chẳng nhuốm chút “màu quan san” man mác nào cả nên bạn ta cho rằng thi sĩ nhạc sĩ chỉ phong phú óc tưởng tượng. Riêng Dế Mèn thì nhắc với bạn trẻ rằng mùa thu miền đông bắc quả có… quan san thiệt, gió hơi lạnh và cả một rừng phong lá đổi màu, nơi vàng rực, nơi đỏ thắm, ngây ngất lắm. Kể qua kinh nghiệm rồi phe ta chưng ra bằng cớ liền, mấy tấm hình chụp mùa thu năm ngoái ở Pennsylvania, đất trời đẹp vô cùng! Ở đó, người ta đã bắt đầu mặc áo khoác, quấn khăn san quanh cổ, đi giày bốt rất điệu…
Hiệp Chủng Quốc là một vùng đất mênh mông từ đông sang tây, từ nam đến bắc nên dù là cùng mùa thu nhưng mỗi nơi mỗi khác, địa phương mang sắc thái riêng biệt từ khí hậu đến thời trang. Khác nhau như thế nhưng nơi nào cũng sửa soạn những món liên quan đến bí đỏ (pumpkin) và các trận banh bầu dục (football) chưa kể những thứ lỉnh kỉnh khác mà con nít đang nghe thầy cô giảng dạy từ lớp học, từ khí hậu, màu lá đến “equinox”. Nôm na, mùa thu cũng là mùa bí đỏ, mùa banh bầu dục; hội hè thì Halloween và lễ Tạ Ơn.
Sách vở nói rằng mùa thu đến không phải vì trái đất rời xa mặt trời mà vì quả đất [từ từ] quay mặt tránh hướng mặt trời. Nơi nào trên trái đất hướng về phía mặt trời thì thời tiết nơi ấy ấm áp (hay nóng hung?!) và ngược lại nơi nào xoay lưng với mặt trời thì nơi ấy lạnh lẽo. Do đó, tuy sử dụng cùng niên lịch, cùng ngày 22 tháng Chín nhưng ở các vùng đất khác nhau trên thế giới và ngay tại Huê Kỳ, khí hậu cũng khác nhau, nơi ấm nơi lạnh.
Khí hậu thay đổi nên màu lá cũng thay đổi? Lá cây thực ra có nhiều màu tùy theo thể loại (di tính), từ xanh lục đến vàng, cam hoặc đỏ tía… Vào chu kỳ nhất định, sắc thể chlorophyll cho lá cây màu xanh lục. Cuối hè, khi nắng không còn nóng bỏng (trái đất nghiêng mặt đi chút xíu), ngày thu ngắn lại (trời mau tối) và thời tiết dịu dần thì chất chlorophyll tan rã, lá không còn xanh tươi, và các sắc thể khác [sẵn có trong lá] được dịp khoe màu, mang lại những màu vàng, cam hoặc đỏ tía. Nói một cách khoa học thì màu lá đến từ lượng chlorophyll, cứ bơm sắc thể này thì lá cây cứ tiếp tục xanh và chẳng hề đổi màu bất kể xuân hạ thu đông! Nghĩa là nếu con người cứ xông xáo, tìm cách thay đổi thiên nhiên thì thời tiết sẽ tiếp tục xáo trộn và cây cỏ sẽ hoang mang bối rối chẳng biết lúc nào [cần] thay áo?!
Ở những miền ôn đới như vùng đông bắc Huê Kỳ, đủ bốn mùa thời tiết, mùa thu lá đỏ là mùa bá tánh rủ nhau đi xem …rừng thu, từ cuối tháng Chín đến giữa tháng Mười, du di khoảng một tuần lễ. Những cánh rừng vùng New England tha hồ rộng tay đón các đoàn du khách lỉnh kỉnh khuân vác đồ nghề máy ảnh, máy quay phim và cả những vật dụng cắm trại. Khách sạn cũng hoan hỷ vui mừng vì đông người thăm viếng, và cả một kỹ nghệ thành hình xoay quanh hiện tượng chuyển mùa của đất trời: “ngắm lá thu” hay “leaf tourism” và khôi hài hơn người ta nói “leaf peeping.”
Những tiểu bang vùng đông bắc rầm rộ tổ chức các chương trình đi ngắm lá đổi màu và họ thu về bạc tỷ hàng năm. Du khách có thể đến thăm cả tuần hoặc vài ngày, lang thang qua những cánh rừng mênh mông nơi lá vàng, lá đỏ thi nhau đổi màu trước khi rụng lả tả. Và phó nhòm thực thụ cũng như phó nhòm tay ngang tha hồ chụp ảnh người đẹp nghiêng vai lắc đầu để khoe bạn bè và đăng khắp mạng ảo chưa kể việc các thi sĩ làm thơ mô tả hình ảnh rực rỡ của buổi chiều vàng trước khi nắng tắt!
Mùa thu đẹp như thế nên được sách vở đề cập đến rất nhiều, Anh ngữ dùng chữ “Autumn” để nói về tiết trời. Người Anh qua tân thế giới mang theo ngôn ngữ và tập tục của họ, chữ “autumn” tiếp tục xuất hiện trên sách vở Huê Kỳ trong những ngày mới lập quốc dù tại mẫu quốc, từ thế kỷ XVII, văn chương Anh ngữ đã bắt đầu sử dụng chữ “the fall of leaves”, mùa lá rụng, thay thế chữ “autumn” xa xưa; rồi gọn gàng hơn “Fall”. Ðến thế kỷ XIX thì chữ “Fall” [viết hoa] để chỉ ‘mùa thu’ đã trở thành quen thuộc trong sách vở Huê Kỳ.
Ðây chỉ là một thí dụ nhỏ về sự thoát thai của ngôn ngữ khi con người mang tiếng nói rời xa quê quán. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ tại mẫu quốc và “thuộc địa” khởi đầu cho những khác biệt giữa Anh và Huê Kỳ, Canada, Úc…, những vùng đất vẫn dùng Anh ngữ nhưng đã thay đổi thói quen, cách sinh sống.
“Autumn” hay “Fall” theo văn chương, sách vở nhưng người có óc thực tế như nông dân vẫn cứ hiểu rằng đây là mùa gặt hái. Ở Bắc Bán Cầu, ngày xa xưa những món rau củ như khoai lang, bí đỏ, bí trắng … rủ nhau chín đồng loạt và được nhà vườn thu góp mang về phơi khô, làm mứt… chế biến thành những thức ăn có thể dự trữ lâu ngày, dành lúc trời đông tuyết giá.
Bí đỏ hay pumpkin là món ăn quen thuộc trong mùa thu vùng Bắc Mỹ. “Thịt” bí đỏ được tán nhuyễn trộn chung với các gia vị như allspice, quế, hồi… làm bánh, pumpkin pie, trong khi hạt bí đem rang khô để nhâm nhi lúc tán chuyện dông dài từa tựa như bên ta cắn hạt dưa ngày Tết. Nhưng ở quê nhà, ta ăn bí đỏ tứ thời bát tiết, chẳng cần phải chờ đến mùa thu. Bí đỏ nấu canh ăn như món mặn, nấu chè ăn như món ngọt.
Món ăn đặc biệt trong mùa thu bên mình là bánh nướng, bánh dẻo…, gọi chung là bánh Trung Thu. Hồi xa xưa ấy, bánh dẻo chỉ sơ sài một vài thứ nhân, nhân bánh là hạt dưa hay hạt sen tán nhuyễn. Bánh nướng thì phong phú hơn, bánh chay thì nhân đậu xanh, hạt sen; bánh mặn thì nhân thập cẩm kể cả lòng đỏ trứng [vịt] muối, jambon, thịt gà quay và vi cá, … Nhưng ngày nay, thực đơn của bánh nướng càng phong phú hơn nữa, cả chục thứ nhân nhị khác nhau, từ khoai môn tán nhuyễn đến sầu riêng, đậu đỏ… Tuần trước, ngồi ngó trăng rằm, ngậm miếng bánh nướng, vị hạt sen mịn màng tan trong cổ họng mà Dế Mèn nhớ mâm cỗ Trung Thu ngày xưa quá xá. Nhớ tiếng hát của đám con nít rước đèn trong xóm… Còn ở đây, nhi đồng cũng có dịp lễ đặc biệt nhưng lại vào cuối thu. Sau khi “đục khoét” trang điểm trái bí theo hình tượng nào đó, ta đốt đèn đem chưng trước cửa trong dịp Halloween để những người không còn nhi đồng cũng có dịp trổ tài khéo tay và vui ké qua những party hóa trang.
Cuối thu, trước khi đông sang, cư dân Huê Kỳ mừng lễ Tạ Ơn, và bí đỏ cũng có mặt trên bàn ăn gia đình.
Mùa thu còn là lúc thay đổi giữa ngày và đêm: Tại Bắc Bán Cầu, mỗi năm hai lần xuân thu nhị kỳ; thời khắc ngày và đêm “được” bằng nhau, “equinox” (từ chữ La Tinh “equinoxium”), đủ 12 tiếng. Năm nay, equinox rơi vào ngày 22 tháng Chín. Ngược lại tại vùng đất phía nam đường xích đạo, ngày này đánh dấu xuân sang.
Những vùng đất cực nam hay cực bắc trên địa cầu, cư dân trải qua các thay đổi rõ rệt giữa ngày và đêm, mùa đông trời tối đen và mùa hè trời sáng trưng hầu như suốt 24 tiếng. Nhưng vào lúc equinox, cư dân nhận đủ 12 tiếng ánh sáng và 12 tiếng bóng tối.
Saigon nằm gần đường xích đạo nên thời khắc giữa ngày và đêm không mấy thay đổi, thời tiết không là câu chuyện trong ngày so với nơi này. Cư dân có thể nhận ra rằng vào mùa thu, mặt trời lặn sớm hơn, khoảng 7 giờ chiều là trời đã sập tối so với mùa hè.
Chuyện mùa thu còn nhiều lắm, những chuyện thơ mộng nhẹ nhàng mang chút bâng khuâng của thi nhân, nhạc sĩ. Cứ vào kho tàng văn chương nghệ thuật của thế giới là ta tha hồ thưởng thức từ thơ phú đến hình ảnh, âm thanh…
Trong bài viết ngắn này, Dế Mèn nói đến mùa thu như một cách tri ân. Thu về, đất trời nhắc ta sửa soạn cho mùa đông sắp đến trước khi năm tàn ngày tận, một chuyển tiếp nhẹ nhàng, chậm rãi từ những ngày hè nóng hừng qua giai đoạn mát mẻ hơn trước khi cái lạnh rùng rùng kéo đến kẻo bá tánh lại ngỡ ngàng chưng hửng?! Ðược thủng thẳng sửa soạn cho sự thay đổi của đất trời cũng là một món quà tuyệt vời của thượng đế, phải không bạn?
TLL
Orlando – FL