Để nhớ về Kim Dung vừa qua đời hồi tuần trước tại Hồng Kông, người đã từng gắn bó với nhiều thế hệ độc giả và khán giả Việt Nam, chúng ta thử nhận xét tại sao tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung không trở thành hiện tượng tại phương Tây như nó từng tung hoành tại khắp Á Châu trong nhiều thập niên trước?
Là một tiểu thuyết gia kinh điển tại Á Châu với 14 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cùng hơn 300 triệu ấn bản đã được bán ra, dù Kim Dung là một tác giả quen thuộc với nhiều thế hệ Châu Á nhưng hầu như khá xa lạ với độc giả phương Tây. Những bối cảnh và sự kiện lịch sử Trung Hoa xa xưa, các giá trị và triết lý Ðông phương khác biệt, những tập tục, tập quán trong văn hóa Á đông đầy xa lạ, các chiêu thức võ công bí hiểm lạ lùng, những ân oán, tình yêu ngang trái…, có lẽ đó là những điều đã ngăn cản tiểu thuyết Kim Dung đến với độc giả phương Tây. Khác với những bộ phim quyền cước của Lý Tiểu Long đã trở thành hiện tượng với người mộ điệu phương Tây vào thập niên 70, cho đến năm 2000 thì thế giới mới đón nhận loại phim võ hiệp kỳ tình Trung Hoa qua bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) rất thành công của đạo diễn Lý An (Ang Lee) gốc Ðài Loan. Phim thành công cả về nghệ thuật lẫn doanh thu khi nhận đến bốn giải Oscar và thành công tài chính nhờ sự khác lạ trong lần đầu tiên khán giả phương Tây chính thức xem một phim võ hiệp được thực hiện ở tầm mức quốc tế với nhiều góc quay đẹp. Nhưng với khán giả Á Châu, đó là loại phim khá quen thuộc, từng được chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã vài thập niên trước. Nên rồi một số phim theo đề tài này của các đạo diễn Hoa Lục tên tuổi như Trương Nghệ Mưu, Trương Khải Ca trong Anh Hùng, Thập Diện Mai Phục, Vô Cực… xem ra chẳng mấy thành công hay tạo tiếng vang. Xem ra phim kiếm hiệp Á Ðông không có chỗ trong làng điện ảnh phương Tây. Và tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung cũng vậy.
Trước khi thử đưa ra vài lập thuyết về lý do gì, có lẽ cũng nên nhắc lại thân thế và sự nghiệp của ông. Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang Hoa Lục trong một gia đình khoa bảng. Ông theo học Luật Quốc Tế tại học viện chính trị Trùng Khánh rồi sang sống và làm việc tại Hồng Kông trước khi Mao Trạch Ðông giành được chiến thắng và đưa Hoa Lục trở thành nước cộng sản vào năm 1949. Theo đuổi nghề báo và dịch thuật, ông ở lại Hồng Kông sau khi gia đình ông còn ở lại bị đấu tố trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất. Tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tay của ông là Thư Kiếm Ân Cừu Lục đăng báo năm 1955 rồi đến Bích Huyết Kiếm mà các nhân vật trong truyện còn mờ nhạt nhưng đủ gây tiếng vang để bắt đầu sự nghiệp viết kiếm hiệp của ông. Ðến sau bộ Anh Hùng Xạ Ðiêu thì tên tuổi của Kim Dung mới thật sự trở thành một hiện tượng. Câu chuyện còn lại là các tiểu thuyết danh tiếng khác tiếp tục ra đời như Thần Ðiêu Ðại Hiệp, Cô Gái Ðồ Long, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ…. tổng cộng 14 bộ cùng một truyện ngắn là Việt Nữ Kiếm. Ông gác bút và hồi hưu năm 1972, dành thời gian hiệu đính, chỉnh sửa các tác phẩm của mình và vài năm sau, quy y Phật pháp sau cái chết bất ngờ của con trai trưởng. Tiểu thuyết kiếm hiệp của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng tại Châu Á, nhưng từng bị cấm tại Trung Quốc và Việt Nam cho đến khoảng giữa cuối thập niên 80 mới được cho phép phát hành trở lại.

Cái khó khăn đầu tiên khi đưa kiếm hiệp cho độc giả phương Tây là việc chuyển ngữ và cái kiến thức để hiểu chúng. Dù thoạt đầu được xem là loại tiểu thuyết bình dân cho đại chúng, nhưng ngôn ngữ giang hồ võ hiệp cổ xưa trong kiếm hiệp Kim Dung đòi hỏi một kiến thức ngôn ngữ cao để hiểu trọn vẹn chúng, tương tự như tiểu thuyết, văn chương và từ ngữ tiếng Anh cổ vốn cũng khó hiểu với chính người có tiếng mẹ đẻ là Anh ngữ. Chỉ riêng về những tên nhân vật, luôn có những ngoại hiệu luôn được Kim Dung cẩn trọng chọn lựa theo từng cá tính riêng biệt của mỗi nhân vật đã là một điều khó khăn. Liệu một nhân vật phụ trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ nhưng được nhớ đến vì cái biệt hiệu giang hồ dài nhất trong các tiểu thuyết Kim Dung là Giang Dương Ðại Ðạo Thái Hoa Dâm Tặc Vạn Lý Ðộc Hành Khoái Ðao Ðiền Bá Quang sẽ dịch ra làm sao cho đạt cả về ngữ và nghĩa. Thú thật những độc giả Việt dù có mê và đọc hầu hết các tiểu thuyết Kim Dung cũng khó lòng hiểu trọn ngoại hiệu bên trên của Ðiền Bá Quang nếu không có chút vốn liếng Hán văn. Cũng vậy, đọc tiểu thuyết kiếm hiệp thì nói và bàn đến các bí kíp võ công, các chiêu thức là nét đặc sắc đầy hấp dẫn với những cái tên rất hay và đầy ý nghĩa. Phân biệt giữa khinh công (phép phi thân, phóng nhanh), chưởng pháp (khí lực từ tay), chỉ pháp (ngón tay), trảo pháp (chụp tay), bộ pháp (di chuyển chân), quyền pháp (đánh nắm tay), cước pháp (phép đá chân)… trong võ thuật nói chung hay kiếm hiệp Kim Dung đã là điều thử thách. Nhắc đến Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng (Thần Ðiêu Ðại Hiệp), Kim Cương Phục Ma Khuyên (Cô gái Ðồ Long) hay Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Ðộc Tôn Công (Thiên Long Bát Bộ)… lại càng khó hiểu.
Cái khó thứ hai của tiểu thuyết Kim Dung đó là cái kho kiến thức, triết lý, văn hóa, tôn giáo Á Ðông quá lớn và khác biệt trong văn hóa Ðông-Tây. Chúng giá trị và gần gũi với độc giả Á Châu vì có đồng văn hóa nhưng có lẽ khó khăn để độc giả phương Tây chấp nhận hay thu nạp. Dù lấy cốt truyện trong giới giang hồ võ hiệp, Kim Dung lồng vào bối cảnh lịch sử cùng các nhân vật lịch sử của Trung Hoa qua các thời Tống, Minh, Thanh đến các triều Thành Cát Tư Hãn, Khang Hy, Càn Long… Về tôn giáo, độc giả phương Tây phần lớn là Ky tô giáo và quen thuộc với các tác phẩm liên quan đến các tôn giáo của mình, trong khi tiểu thuyết Kim Dung lại nổi bật tư tưởng và tinh thần Phật giáo, đề cao các môn phái hay những nhà sư Thiếu Lâm chính phái, cộng thêm tư tưởng Khổng Giáo, Lão Giáo Á đông truyền thống. Không kể đến các vấn đề từ y học, nhạc, họa, ẩm thực, phục trang… Trung Hoa được đưa vào truyện. Ðộc giả Á Châu ít nhiều đã quen thuộc nhờ ngôn ngữ, kiến thức và văn hóa của mình nên dễ gần gũi dù có không hiểu hết, còn độc giả phương Tây quả khó mà dung nạp hết ngần ấy thứ xa lạ đó để thấy lôi cuốn, hấp dẫn.

Dù bị cấm đoán tại Hoa Lục một thời gian cũng như Kim Dung từng chỉ trích các chính sách của “mẫu quốc” trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa hay Thiên An Môn sau này, các nguồn tin cho thấy cả Mao Trạch Ðông và Giang Trạch Dân đều mê tiểu thuyết của ông và có gặp gỡ với ông. Theo lời Kim Dung kể, chính Giang Trạch Dân đã từng vận động để ông là một tác giả Hoa Lục đầu tiên được nhận giải Nobel văn chương qua mức phát hành khổng lồ và sự ảnh hưởng rộng lớn của chúng. Nhưng văn chương của Kim Dung dù có một giá trị nào đó và đông đảo độc giả như nói trên, thể loại báo chí feuilleton viết đăng từng kỳ cần có sự câu khách nên sự hư cấu đôi khi quá phóng đại, bố cục thiếu chặt chẽ… không thích hợp với các tiêu chí giải Nobel.
Trước khi qua đời hồi tuần trước, có lẽ Kim Dung cũng đã phần nào được an ủi khi nhìn thấy tác phẩm của mình lần đầu được dịch sang Anh ngữ hồi đầu năm nay, mở màn với Anh Hùng Xạ Ðiêu về chuyện tình giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Thật ra Thư Kiếm Ân Cừu Lục của Kim Dung đã từng được dịch ra Anh ngữ từ thập niên 70 bởi một ký giả người Anh là Graham Earnshaw, một người dịch thuật không chuyên nghiệp và vốn liếng Hoa ngữ giới hạn nên bộ truyện không thành công và hầu như bị quên lãng lập tức. Một vài nhà dịch thuật đã tiếp tục thử nhưng vẫn thất bại. Lần này là nữ dịch giả người Anh Anna Holmwood sẽ được nhà xuất bản MacLehose Press phát hành. Anna học về Hoa ngữ tại đại học Oxford, từng sống và làm việc tại Hoa Lục. Cô đã mời gọi cả những tác giả từng tham gia dịch truyện Kim Dung tham dự và cố vấn. Liệu có thành công hay không thì vẫn là câu trả lời của tương lai, nhưng e là đầy khó khăn như đã phân tích nói trên và chính dịch giả Anna Holmwood cũng thừa nhận rằng, sẽ có nhiều thách đố cho độc giả nói tiếng Anh đọc Kim Dung.
Dẫu sao thì Kim Dung cũng là một cây bút quá thành công và nhiều ảnh hưởng tại Á Châu. Với độc giả Việt Nam, ông để lại không ít dấu ấn và kỷ niệm cho một thời tuổi trẻ của nhiều người. Cứ nhìn quanh mình, ít nhất bạn sẽ biết một ai đó lấy tên, bút hiệu hay được gán cho nhân vật kiếm hiệp nào đó như Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Vương Trùng Dương, Ðông Tà, Hồng Thất Công… Có lẽ vì đó, ông cũng xứng đáng nhận một lời ngưỡng mộ và chia tay. Xin vĩnh biệt “Ðộc cô cầu bại” Kim Dung tiên sinh!
ĐYT
Dallas, tx