Vì đâu bưng bát cơm lên ăn mà thấy nghẹn?
Vì đâu chiều nay đọc câu thơ siêu thực mà lòng rưng rưng?
Có thể nào xướng ca múa hát trên nỗi đau của người không? Thật sự, nhạc giao hưởng có phải là nhu cầu bức thiết của người dân nước ta bây giờ?
Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu kẻ này từ một tháng nay. Từ khi nghe tin Hội Ðồng Nhân Dân Thành Phố biểu quyết 100% thông qua dự án đầu tư xây dựng Nhà Hát Giao Hưởng Vũ Nhạc Kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với kinh phí 1,500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Không riêng gì Nguyễn, hàng ngàn người dân oan Thủ Thiêm và hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm đến vùng đất Thủ Thiêm đã phẫn nộ.
Vậy những gì đã xảy ra ở Thủ Thiêm trong hơn 20 năm qua? Nhà báo Võ Ðắc Danh, tác giả của loạt phóng sự điều tra về Thủ Thiêm đã phải kêu lên đó là “tội ác nối dài tội ác”. Hơn 15,000 gia đình kêu oan ròng rã suốt 20 năm, nhiều gia đình bị cướp hết nhà cửa đất đai, khiến chim lìa đàn tan tác, người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mất hết phương tiện làm ăn sinh sống. Nhiều dân oan cực khổ phẫn uất đã tự kết liễu cuộc đời, linh hồn họ vẫn quanh quẩn đâu đó trong vùng đất Thủ Thiêm đầy oan khuất… Quả đúng như vậy. Mỗi ngày ta đều thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt những người dân oan mất nhà mất đất. Mỗi ngày ta đều nghe tiếng khóc của những người đàn bà Thủ Thiêm trong cơn khốn cùng tuyệt vọng.
Khởi từ tháng 5/2018, câu chuyện oan ức của 15,000 người dân Thủ Thiêm ‘bỗng nhiên’ bùng nổ như cơn sóng cuồn cuộn, trên báo chí cũng như trên mạng xã hội. Hàng loạt bài viết được chi tiết đến từng mảnh đời của các hộ gia đình kêu oan. Thêm nữa, những tấm ảnh mang đậm hồn báo chí diễn tả tiếng kêu thống khổ và những giọt nước mắt của người dân Quận 2 đã ngự trị trên trang chủ của các tờ báo mạng và sau đó được lan truyền trên khắp mạng xã hội. Tờ Thanh niên Online có bài viết “Thủ Thiêm: Những giọt nước mắt giận dữ”. Tờ báo giải trí nổi tiếng Zing có bài “Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp đại biểu Quốc hội”, sau đó là loạt bài: “20 năm sau quy hoạch, người dân Thủ Thiêm sống trong cơ hàn tăm tối”
Chưa hết. Chùa Liên Trì có mặt ở Thủ Thiêm hơn 100 năm nay đã bị đập phá. Sắp tới sẽ là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá cũng đã có lịch sử 100 năm?
Thiết tưởng cũng cần biết là khu vực 4.3 ha này -vốn được quy hoạch để xây nhà hát giao hưởng- hiện chỉ còn một ngôi nhà nguyên vẹn, còn lại đều bị san phẳng. Ghê thay bàn tay thô bạo của chính quyền. Suốt mấy năm qua, khu vực này vẫn bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm và nhiều điểm bị ngập nước, ống cống, phế liệu xây dựng và rác thải đổ ngổn ngang. Nơi đây trở thành nơi trú ngụ của chuột, rắn và côn trùng.
Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cũng đã viết trong một bài tham luận: “…quy hoạch Thủ Thiêm trở thành một đô thị hiện đại, văn minh với nhiều công trình hoành tráng gồm quảng trường, trung tâm tài chính, nhà hát, bảo tàng, sân vân động, nhiều khu cư trú cao cấp… lại được xây dựng trên những sai phạm, thậm chí là tội ác trong quản lý đất đai và hành xử với người dân Thủ Thiêm. Ở đây bao nhiêu con người, ruộng vườn, xóm làng, đình chùa, nhà thờ… hiện hữu gần hai trăm năm đã bị gần như giải tỏa “trắng”. Bao nhiêu số phận con người và một phần lịch sử thành phố bỗng nhiên như không còn hiện hữu trong những bản quy hoạch lạnh lùng vô cảm.”
“Nhiều năm nay những vụ việc của “dân oan Thủ Thiêm” không được các đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm… Cho nên việc Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định xây một công trình đồ sộ về quy mô và kinh phí quá lớn tại Thủ Thiêm trong thời điểm này trước hết là không phải đạo với bà con Thủ Thiêm nói riêng và nhân dân thành phố nói chung. Sau nữa, một phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân TP.HCM nhằm quyết định “ngay và luôn” việc chi đến 1,500 tỷ đồng cho một “dự án nhóm A”, dù có vài dự án quan trọng khác cũng cả nghìn tỷ “đi kèm”, thì vẫn thể hiện sự vô tâm, vô cảm của các “đại biểu nhân dân” đối với vấn đề đất đai đặc biệt nhức nhối của thành phố và rất nhiều vấn đề bức xúc khác hiện nay.”
Cần nhắc lại: Ngay sau khi dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) được thông qua, lập tức nó trở thành chủ đề tranh cãi trong dư luận. Chủ yếu các ý kiến tranh cãi quanh việc số tiền xây nhà hát quá lớn trong khi bệnh viện, trường học đang thiếu và quá tải; các nhà hát xây xong bỏ không và không hoạt động hiệu quả. Nhà hát Trần Hữu Trang ở Sài Gòn là một bằng chứng hùng hồn.
Có người như ca sĩ Mỹ Linh cho rằng việc xây nhà hát giao hưởng là cần thiết hiện nay. Có thật là như vậy không. Liệu sẽ có bao nhiêu người đi nghe?
Sau đây là ý kiến của Kiến Trúc Sư Lý Trực Dũng:
“Hiện nay người Việt Nam nào sẽ đi nghe nhạc giao hưởng?
“Theo tôi hiện chỉ có một bộ phận rất nhỏ người Việt Nam chúng ta quan tâm và thỉnh thoảng sẵn sàng đi nghe nhạc giao hưởng. Còn tuyệt đại đa số người dân không muốn đi nghe nhạc giao hưởng. Lý do người nghe không những chỉ thích mà còn phải có hiểu biết kiến thức về âm nhạc cổ điển, trong khi hầu hết người dân Việt Nam mù nhạc lý.
“Tôi tin trong 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam đại diện cho 93 triệu người dân Việt Nam hiện nay nếu đi xem hòa nhạc biểu diễn các bài của Johann Sebastian Bach, Ludwig van Beethoven hay Johannes Brahms… kéo dài 60 – 80 phút thì ít nhất ¾ số họ sẽ chán ngay. Ðơn giản họ không quen, không hiểu nhạc cổ điển nên việc phải nghe âm nhạc đó như là một sự tra tấn, hành xác. Tôi biết hầu như tất cả các đại sứ và cán bộ sứ quán Việt Nam trong đó có nhiều người bạn của tôi ở các nước châu Âu trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của mình không hề đi nghe hòa nhạc cổ điển. Ngay trong số hơn 200 sinh viên và nghiên cứu sinh đi học và nghiên cứu ở CHDC Ðức năm 1966 (trong đó có tôi), thì suốt thời gian dài ấy chỉ có khoảng 5 bạn đi xem hòa nhạc giao hưởng ở các nhà hát nổi tiếng của Ðức!
“Tiếp cận với nền âm nhạc cổ điển, bác học là một quá trình dài, không thể cưỡng bức hay “kế hoạch hóa”, áp đặt kể cả khi có điều kiện. Trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội hiện nay ở TP HCM có quá nhiều bất cập về vấn đề giao thông, an sinh xã hội… thì theo tôi chưa nên có ý tưởng xây dựng nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, nhất là việc quyết định này có thể làm người dân nghi ngờ có mối liên hệ nào đó để hợp pháp hóa với sai phạm rất lớn về đất đai hiện nay ở Thủ Thiêm.”
Nhà thơ Trần Hoàng Phố ở trong nước cũng đã lên tiếng:
Họ xây một cái nhà hát giao hưởng khổng lồ
Một ngàn năm trăm tỷ
Để hát nghêu ngao
trên máu và nước mắt dân oan
Và tiền thuế của dân được ném đi
còn hơn là rác
Họ học đòi văn minh thế giới
Trong khi thành phố mưa ngập như sông
Kẹt xe và ô nhiễm không thở được
Bệnh viện thì chật và quá tải hơn một cái chợ
và trường học thì mỗi năm lại càng thiếu lớn
Ôi Hội đồng chuột tuyệt vời sáng suốt
Và cái lũ cướp đêm lẫn ngày có khuôn dấu đỏ
Có dùi cui còng sắt hợp pháp hung hăng
trên máu nước mắt tiếng rên xiết dân oan
Ôi còn bao điều bức xúc nữa trong việc xây Nhà Hát Giao Hưởng ở Thủ Thiêm. Chẳng hạn khu đất hiện nay là một bãi hoang chưa có cơ sở hạ tầng. Vốn đầu tư cho một khu nhà hát với 1,700 chỗ ngồi sẽ phải tăng gấp 4 lần, thời gian xây dựng sẽ phải mất từ 8 tới 10 năm. Ðó là theo sự hiểu biết của một kiến trúc sư và theo kinh nghiệm của các nhà hát lớn trên thế giới. Chưa kể trong tình hình trì trệ của đất nước hiện nay việc xây xong rồi bỏ không rất có thể xảy ra. Còn nếu như các ông các bà trong Hội Ðồng Nhân Dân Thành Phố cứ liều mạng mộc nhất quyết làm thì người dân phải gánh lấy hậu quả. Tội nghiệp biết bao. Oan này còn một kêu trời nhưng xa.
TN
dallas, tx (Tổng hợp)